Tình yêu của chúng ta đẹp và quý biết dường nào

06.04.2021
Quế Hà

Tình yêu của chúng ta đẹp và quý biết dường nào

(Câu chuyện tình Chu Cẩm Phong và Huỳnh Thị Phương Liên)

Trong “Nhật ký chiến tranh” của nhà văn Chu Cẩm Phong rất nhiều trang nhật ký nhắc đến một cô gái có tên PL (Nhiều người quen thân Chu Cẩm Phong biết chắc rằng bác sĩ Huỳnh Thị Phương Liên), “Em đã đến cho anh cả bầu trời mùa hạ. Giữa cuộc chiến tranh đầy gian khổ hy sinh và quyết liệt này, em đến với anh, tình yêu của chúng ta đẹp và quý biết dường nào...”.

“Đóa sen thơm mát và tinh khiết”

Huỳnh Thị Phương Liên sinh ra ở làng Minh Hương (Hội An, Quảng Nam), theo cha tập kết ra Bắc. Chị đã hăng hái xung phong và lên đường vào Nam vì đọc được lá thư kêu gọi của một nhà văn có tên Chu Cẩm Phong.

Mất hai tháng rưỡi nếm trải qua bao khó khăn, nguy hiểm, vượt đường Trường Sơn, chị đã đến đơn vị có mật danh K15 - thuộc Ban Dân y khu V ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My. Được phân công chuyên khoa vi sinh, cô sinh viên vừa ra trường thật sự thất vọng, đã ra mặt trận thì phải tham gia mổ xẻ, băng bó thương binh chứ sao lại ngồi trong phòng thí nghiệm? Và được cấp trên trả lời “Chuyên khoa vi sinh vào miền Nam sẽ tham gia chống chiến tranh vi trùng”. Từ đó, người con gái xứ Quảng có tên Huỳnh Thị Phương Liên ấy đã gắn bó suốt đời với ngành vi sinh học.

Bác sĩ Huỳnh Phương Liên thời còn trẻ

Trong ký ức của bác sĩ trẻ Phương Liên ngày ấy là trăm bề thiếu thốn và cái đói triền miên. Sốt rét rừng hành hạ, đói khát, giữa muôn vàn khắc nghiệt, thiếu thốn vật tư y tế, dụng cụ nghiên cứu, phòng thí nghiệm thô sơ... nhưng vắc-xin tả, thương hàn, đậu mùa cũng ra đời, được dán nhãn kiểm định chất lượng và cung cấp cho vùng giáp ranh địch - ta ở khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi. Chuyển ra chiến trường giúp cho bộ đội ta phòng ngừa, chữa trị bệnh tật, có thêm sức khỏe để đánh giặc, giúp những người dân ở các vùng giải phóng, căn cứ chống lại dịch bệnh để làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến.

Khi vào đến Quảng Nam, bất ngờ được gặp Trần Tiến (Chu Cẩm Phong), người đồng hương Hội An với chị, tác giả lá thư tha thiết về tình yêu Tổ quốc mà chị đã từng đọc. Trần Tiến cũng như chị là đứa con theo cha tập kết ra miền Bắc học tập và sau khi tốt nghiệp đại học cũng xung phong trở về miền Nam tham gia chiến đấu. Cũng chính ở nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc ấy, nữ bác sĩ trẻ Phương Liên có một mối tình sâu đậm với nhà văn Chu Cẩm Phong, cũng đang sống và làm việc tại Hội Văn nghệ giải phóng Khu V.

Ngày 31.3.1971, Chu Cẩm Phong ghi “Khu rừng yên tĩnh. Có lúc bọn mình chẳng nói gì với nhau, ngồi ngắm dòng suối chảy róc rách qua các tảng đá. Suối nước trong và mát. Mình nắm bàn tay em siết chặt...”. Bàn tay chị rất đẹp, cô gái mảnh mai ấy vẫn gùi cõng, phát rẫy, dọn cỏ tỉa bắp, trồng sắn thực thụ như những người khác, vì vậy bàn tay chai sần, xanh xao.

Trong thư, ngày 01.4.1971, anh viết những dòng yêu thương cho chị “Trong trái tim Anh không hề có sự ngăn cách, phân chia. Anh dành cho em trọn cả trái tim cũng Anh đã dâng cho Đảng trọn cả trái tim và Anh đã dành cho sáng tác văn học trọn trái tim”, “Anh sẽ đi xa, đến nơi đến chốn, sẽ sống xứng đáng. Anh không bao giờ muốn hai đứa mình là những kẻ tầm thường, tình yêu của mình chật hẹp. Yêu nhau chúng ta sẽ chiến đấu không mệt mỏi, suốt đời”. “Yêu em, anh sẽ lao ra các chiến trường, xông xáo hơn, anh sẽ viết tốt hơn. Em hãy tin rằng hạnh phúc của chúng ta trọn vẹn”. Còn chị viết “Nhưng dầu anh có là một thương binh cụt cả hai chân, tật nguyền thế nào đi chăng nữa em vẫn chỉ là của anh”.

Anh gọi chị là “Đóa sen thơm mát và tinh khiết”, chị đã sống và cống hiến như một người chiến sĩ thực thụ, bác sĩ trẻ Huỳnh Thị Phương Liên luôn được đồng đội tin yêu, tín nhiệm bầu vào chi ủy, đảng ủy rồi trở thành phó Bí thư Đoàn của Ban Dân y Khu V. Ngày 11.3.1971 trước 3 tháng anh hy sinh, anh viết cho chị “Mình nghĩ đến một đám cưới trong chiến tranh giữa rừng núi gian khổ và khó khăn này, mình nghĩ về những đứa con, những đứa con thật thông minh và đẹp. Chúng sẽ mang tên cả hai đứa mình. Mình thấy vui và cảm động khi có những luồng ánh sáng suy nghĩ đó. Tình yêu sôi nổi trong máu mình, trong trái tim nóng bỏng và chói chang như nắng hè của mình, khiến mình mạnh thêm lên, khao khát sống mãnh liệt để vươn tới những cao thượng”...

“Sống xứng đáng”!

“Anh hứa với em một lần nữa rằng cho đến khi trái tim anh ngừng đập, anh vẫn còn yêu em. Anh có thể chết trong cuộc chiến tranh này, nhưng tình yêu em thì anh mãi mãi không bao giờ tắt. Chiến tranh rồi sẽ qua đi, lúc ấy em sẽ say sưa nghiên cứu khoa học, sẽ phát minh theo ngành nghề của em. Còn anh sẽ cố gắng viết về những con người mà anh yêu dấu...”. Chính mối tình ấy, chính những lời căn dặn của anh “em sẽ say sưa nghiên cứu khoa học, sẽ phát minh theo ngành nghề của em” đã giúp nữ bác sĩ Huỳnh Thị Phương Liên có thêm sức mạnh, thêm nghị lực, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, nguy hiểm để sống và làm việc quên mình.

Cô gái tuổi đôi mươi có nước da trắng, mái tóc đen dài, nhưng sau 6 năm ở nơi núi thẳm, rừng sâu cùng những cơn đói, sốt, nước độc, bác sĩ trẻ ấy chỉ còn vỏn vẹn 31 kg. Sức khỏe ngày càng sa sút, đầu năm 1972, chị được Khu ủy Khu V cho ra miền Bắc chữa bệnh. Nhưng nhiệm vụ của chị cũng là một “cuộc chiến” mới, năm 1974, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cử đoàn thực tập sinh khoa học đi Cộng hòa Dân chủ Đức, sau đó được giao làm Chủ nhiệm Khoa Virus, phụ trách 11 phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương.

Cả cuộc đời gắn bó với phòng thí nghiệm, nghiên cứu phát triển các vắc xin nhưng công trình để đời của GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên là ứng dụng thành công công nghệ sản xuất vắc xin viêm não Nhật Bản vào năm 1992. Nhờ đó, Việt Nam đẩy lùi bệnh viêm não Nhật Bản, tỷ lệ mắc bệnh hiện chỉ còn 5 - 10%. Năm 1995, chị vinh dự nhận các giải thưởng khoa học như giải Nhất Vifotech về công nghệ sinh học, năm 1999, đứng đầu tập thể nữ nghiên cứu phát triển các vắc xin của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đoạt Giải Kovalevskaia. Năm 2005, GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ.

Tròn 80 tuổi đời, 54 năm làm việc không nghỉ ngơi với 114 công trình khoa học đã công bố trong các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó có 12 đề tài nghiên cứu cấp Bộ và cấp Nhà nước, cũng không biết bao nhiêu huân, huy chương, giải thưởng cũng như các danh hiệu thi đua cao quý. Người con gái Hội An năm xưa Huỳnh Thị Phương Liên được tuyên dương Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc tháng 11.2020.  Là người sản xuất ra vắc xin “Made in Việt Nam”, những đóng góp trong suốt hành trình nghiên cứu khoa học của GS.TS, thầy thuốc nhân dân Huỳnh Thị Phương Liên đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất vắc xin của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành thế mạnh và điểm sáng thành tựu trong nền y học dự phòng của Việt Nam.

Theo nhà văn Hồ Duy Lệ, hơn 30 năm sau ngày nhà văn Chu Cẩm Phong hy sinh, chị đọc bài báo mô tả về “Trận chiến đấu cuối cùng của nhà văn Chu Cẩm Phong”, chị đã khóc rất nhiều và quyết định vào Quảng Nam, chị đã đến nơi anh hy sinh, nghe đồng đội kể lại những giây phút cuối đời của anh - Thật bi hùng. Chị đã thay anh, cùng chăm sóc người mẹ già, bởi từ ngày vào Nam, anh chưa được gặp lại mẹ. Gặp đồng đội, gặp ông Văn Công Mịch - Người sau này thờ cúng nhà văn - nhà báo - Anh hùng LLVT Chu Cẩm Phong... những người cùng Chu Cẩm Phong chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và chị đã tri ân.

Dù tuổi cao, sức yếu, mỗi dịp về quê nhà Hội An, chị đều không quên trở lại núi rừng Trà My - Nơi lưu giữ thời tuổi trẻ đầy hy sinh, gian khổ, đầy nghĩa tình đồng đội, đồng nghiệp, đồng bào và một tình yêu cao cả, thiêng liêng... Và mỗi dịp như thế chị đều mang những món quà nhỏ, quần áo, thuốc men.. gửi đến bà con dân làng.

Chị Huỳnh Thị Phương Liên được tuyên dương Anh hùng Lao động đúng sau 10 năm Chu Cẩm Phong được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang và sau 50 năm nhà văn Chu Cẩm Phong - người yêu của chị hy sinh (5.1971). Tình người - tấm gương sống - chiến đấu của Chu Cẩm Phong như một động lực, thôi thúc, cổ vũ chị sáng tạo không ngừng.  

Q.H