Những năm tháng sống cùng nhà văn, anh hùng, liệt sĩ Chu Cẩm Phong

06.04.2021
Thanh Quế

Những năm tháng sống cùng nhà văn, anh hùng, liệt sĩ Chu Cẩm Phong

Tôi quen biết Chu Cẩm Phong từ ngày anh còn học ở khoa văn trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngày ấy anh học lớp văn 4, là đảng viên, Ủy viên Ban chấp hành Hội sinh viên Việt Nam, còn tôi là một sinh viên mới vô trường. Tôi thường cùng Ngô Thế Oanh lên chơi với các anh văn 4, để nghe các anh nói chuyện văn học. Một lần, chúng tôi đang vui vẻ nói cười với Hồng Tân 蜉(1), Nguyễn Trung Thu 蜉 (2) thì Chu Cẩm Phong ở bàn bên, đang đọc sách, bỏ sách xuống, nghiêm nghị bảo:

- Nè các cậu, giờ này là giờ học, sao các cậu ồn thế.

Chúng tôi im thít, hơi sờ sợ vì thấy anh nghiêm nghiêm thế nào. Ai cũng biết anh là sinh viên xuất sắc và đang được chuẩn bị đi Trung Quốc để làm nghiên cứu sinh. Đùng một cái, anh không đi nước ngoài nữa mà vào chiến trường...

Năm năm sau, tôi cũng vào chiến trường khu 5, được phân về Báo Cờ Giải Phóng, mà chủ yếu là sản xuất. Đầu năm 1970, anh Bùi Minh Quốc đón tôi về tiểu ban Văn nghệ, nói là do Chu Cẩm Phong và Cao Duy Thảo đề nghị cấp trên cho tôi về bên này để anh em giúp đỡ nhau sáng tác. Tôi nhớ, ngày tôi đến cơ quan, Chu Cẩm Phong vui vẻ ôm tôi nhìn trước ngó sau, coi tôi như coi một người em đã trưởng thành ra sao. Đến bữa ăn, khi mọi người ăn dớn, anh bảo em Tam cấp dưỡng bới cho tôi chén cơm - dành cho anh em ốm - rồi anh nghiêm nghị bảo tôi:

- Thay mặt cơ quan và chi bộ, đãi đồng chí một chén cơm.

Tôi biết cuộc chiến đấu mới với gian khổ và ác liệt bắt đầu.

Cùng sống với Chu Cẩm Phong, tôi nghĩ anh là một con người nghiêm túc, tự rèn luyện mình để trở thành một cán bộ có ích cho cách mạng. Anh không nghĩ mình sẽ trở thành một người anh hùng hay một nhà văn, mà chỉ nghĩ mình phải làm cái gì đó có ích cho Cách mạng. Vì thế trong anh lại có phẩm chất của một người anh hùng, phẩm chất của một nhà văn lớn.

Chu Cẩm Phong đã xác định rất sớm mục tiêu lý tưởng của đời mình. Hồi đó, đang là một sinh viên xuất sắc, đang được cấp trên cho đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng anh thấy thế hệ anh cần phải tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đã, nên anh xin đi làm phóng viên Thông tấn xã, vào chiến trường với tâm niệm: “Giải phóng đất nước xong, sẽ học sau”.

Vào chiến trường, anh làm tốt mọi việc được phân công: sản xuất, đi tham gia công tác vận động quần chúng ở vùng nông thôn đồng bằng và miền núi; đi thực tế sáng tác. Cơ quan cần bút ký, anh viết Gió lộng từ Cửa Đại, Mặt biển - Mặt trận rồi viết Người tốt việc tốt, mãi sau mới viết truyện. Bút ký của anh là những bút ký xuất sắc. Sau giải phóng, nhà thơ Tế Hanh có nói với tôi: “Nhờ đọc Mặt biển - Mặt trận của Chu Cẩm Phong mà mình viết được một số bài thơ về biển”.

Chu Cẩm Phong là người nghiêm túc và gương mẫu trong mọi công việc nên anh là người có sức lôi cuốn mọi người. Trong cơ quan, anh là bí thư chi bộ. Thủ trưởng cơ quan là nhà thơ Vương Linh. Nhưng anh Linh là người có tuổi, sức khỏe yếu, chỉ đạo chung còn Chu Cẩm Phong quán xuyến mọi việc. Tại Nước Nghêu, nơi Hội Văn nghệ Giải phóng Khu 5 mới chuyển đến vì bị bom B52 đánh ở Nước Pui, ở đây, chúng tôi chưa trồng được rau, sắn, khoai, lúa nên hàng ngày chỉ ăn cây dớn. Vậy mà phải vừa làm nhà, vừa phát rẫy để kịp vụ. Mỗi sáng, Chu Cẩm Phong phân công từng người một ai làm nhà, ai phát rẫy, ai lấy dớn nộp cho nhà bếp.

Cơ quan không có dụng cụ sản xuất, Chu Cẩm Phong rút chiếc nhẫn mẹ anh gửi cho để anh em đi Lâm Lộ (Quảng Ngãi) bán lấy tiền, mua dao, rựa về phát rẫy. Chu Cẩm Phong chỉ dẫn anh em, nhất là anh em mới như tôi và họa sĩ Giang Nguyên Thái, cách mài rựa, cách đứng phát nứa, lồ ô và chặt cành sao cho không bị cây quật vào người và có năng suất. Bản thân anh, độc nhất vô nhị, xung phong leo lên cái giàn do anh làm để phát những cây to đến mấy vòng tay. Tất cả chúng tôi chỉ chặt cành, phát cây con. Anh chỉ cho chúng tôi cách tỉa lúa, trồng sắn, trồng khoai. Khi chuẩn bị suốt lúa, ban đêm, anh ngồi đan teo 蜉(1) để cho chúng tôi đựng lúa. Cũng chỉ có anh biết làm việc này, bởi anh đã học được ở đồng bào dân tộc.

Khi gùi cõng, thứ mà ai cũng ngán nhất ở chiến trường Khu 5, Chu Cẩm Phong luôn nhận phần khó khăn. Một lần, chúng tôi đi cõng gạo và muối,

Chu Cẩm Phong nhận phần cõng muối - thứ dễ gây loét lở ở lưng, vì lúc cõng, mồ hôi cùng với nước muối thấm vào.

Chu Cẩm Phong luôn sẵn sàng đi đầu ở những lúc, những nơi nguy hiểm. Mùa thu năm 1970, chúng tôi có phiếu lãnh gạo ở Sơn Mỹ (Sơn Hà - Quảng Ngãi). Trên đường từ cơ quan xuống tới sông Re thì thong dong. Đến sông Re, chúng tôi gặp một số anh em đi ngược lại, bảo có địch cản.

- Các anh có gặp địch không? - Chu Cẩm Phong hỏi.

- Chưa, chỉ nghe nói.

- Thế thì vừa đi vừa bám.

Đến gần Sơn Mỹ, chúng tôi thấy tụi lính Mỹ đóng tăng ở trước mặt và bị biệt kích nổ súng vào đội hình. Chu Cẩm Phong ra lệnh cho anh em nằm xuống, ngớt đạn chạy tản vào khu rừng gần đó. Vô tới rừng, anh tập hợp anh em lại, rồi nói:

- Bây giờ không rõ địch có ở đâu, tôi đi trước, có gì tôi nổ súng, anh em phía sau phải rút an toàn, rồi ta tìm cách mở đường đi lên.

Và với khẩu côn cũ kỹ, anh dẫn chúng tôi vượt qua vòng vây của địch.

Trong việc đi công tác ở đồng bằng cũng vậy. Tâm lý của nhiều người là muốn đi những vùng sơ khoáng, địch ít càn quét, đánh phá. Chu Cẩm Phong lại khác. Anh muốn đến những vùng khó khăn, ác liệt để công tác. Tôi không thể kể hết những lần Chu Cẩm Phong xung phong đi Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), Hòa Hải (Hòa Vang), vùng ven Hội An v.v... Tôi chỉ kể lại lần tôi được chứng kiến. Ấy là vào cuối tháng 3-1971. Sau một lần đi KonTum cõng gạo về, Chu Cẩm Phong nằn nì với anh Linh:

- Anh cho tôi đi Quảng Đà đi anh.

Anh Linh giương cặp kính cận lên nói:

- Quảng Đà ác liệt lắm. Lãnh đạo Ban (Ban Tuyên huấn Khu 5) không đồng ý cho đi đâu.

Chu Cẩm Phong cười:

- Anh Hoàng Trà (Báo Cờ Giải phóng Khu 5) đi về bảo “thơ” rồi. Anh cứ đồng ý đi.

Anh Vương Linh phải đồng ý. Lần ấy, Chu Cẩm Phong ra đi và anh mãi mãi không trở về. Sau này, một cán bộ xã may mắn sống sót trong trận kịch chiến cuối cùng này kể lại rằng: “Trên đường đi công tác vùng sâu, do địch càn tắc đường, Chu Cẩm Phong ghé lại vùng tây Duy Xuyên, Quảng Nam. Sáng ngày 1 tháng 5 năm 1971, địch đem quân càn quét lớn ở vùng này. Chu Cẩm Phong cùng một số cán bộ, du kích xã, ẩn nấp trong một căn hầm bí mật giữa lùm tre ven bờ suối thôn Vinh Cường, xã Xuyên Phú (nay là xã Duy Tân). Khi bị địch phát hiện, khui nắp hầm, ném lựu đạn xuống và gọi hàng, Chu Cẩm Phong dù bị mảnh đạn ghim vào thắt lưng, máu ra nhiều vẫn bình tĩnh nhắc nhở anh chị em phải chiến đấu đến cùng, không ai được đầu hàng. Rồi anh mở gùi, lấy tài liệu xé nhỏ, moi đất đắp lại, cùng đồng đội xông lên chiến đấu và đã hy sinh anh dũng”.

Những người quen biết Chu Cẩm Phong từ ngày ở trường đại học, ai cũng nghĩ Chu Cẩm Phong sẽ là nhà nghiên cứu văn học, nhất là văn học Trung Quốc, chứ chưa ai nghĩ Chu Cẩm Phong sẽ là cây bút văn xuôi xuất sắc.

Sau này, ở với anh và được nghe anh tâm sự, tôi biết anh phải phấn đấu rất nhiều khi được Đảng phân công cầm bút sáng tác.

Trong sáng tác, ngoài năng khiếu, có ba việc cần phải thực hiện tốt là: đi, đọc, viết.

Chu Cẩm Phong thường tâm sự: “Mình không biết mình có khiếu viết văn hay không. Vì vậy mình lấy cần cù bù vào chỗ đó”.

Chu Cẩm Phong đi thực tế rất nhiều. Hễ sản xuất xong là anh xin đi. Anh đi thực tế theo chủ định của mình: có lúc đi đồng bằng, ở những vùng ác liệt, có lúc anh đi thực tế ở các vùng đồng bào dân tộc. Bây giờ, nhiều năm sau chiến tranh, tôi thường tự thấy sao ngày đó tôi cùng một số anh em ngu ngốc vậy. Ai cũng rạo rực đi thực tế ở đồng bằng, trong khi đó sống giữa đồng bào dân tộc, mình lại không hiểu gì cả. Đến nỗi bây giờ, cần viết gì về miền núi lại phải đi thâm nhập lại. Chu Cẩm Phong lại khác, cứ mỗi lần đi đồng bằng về, anh lại đi đến những điểm tiên tiến ở vùng núi. Ở đồng bằng hay miền núi, anh đều sống hết mình với cán bộ, du kích, bà con. Anh ghi chép rất tỉ mỉ, học được nhiều tiếng dân tộc, biết được nhiều về phong tục, tập quán và đời sống đồng bào các dân tộc. Vì vậy, khi đi công tác hay đi đổi chác, Chu Cẩm Phong làm “phiên dịch” cho chúng tôi. Nhiều lần chúng tôi được bà con dân tộc mời ăn hay đổi rẻ là nhờ vậy. Có lần viết bài, tự nhiên thấy thiếu chi tiết hay không biết tên vật, tên đất, tên người, anh Bùi Minh Quốc, Cao Duy Thảo và tôi đều hỏi “xin chi tiết” của Chu Cẩm Phong. Nhưng có lẽ dễ nhận ra sự hòa đồng của Chu Cẩm Phong với đồng chí, đồng bào và việc tìm hiểu ghi chép cẩn thận, tỉ mẩn của anh khi chúng ta đọc lại tập nhật ký của anh.

Ngoài những lúc đi công tác, sản xuất, trên tay Chu Cẩm Phong bao giờ cũng cầm một quyển sách. Anh vốn đọc nhiều từ ngày ở trường đại học Tổng hợp - nơi có thư viện lớn nhất nhì miền Bắc lúc bấy giờ mà con mọt sách Chu Cẩm Phong đã “đục thủng”. Nay ở cơ quan có hai thùng sách từ miền Bắc gửi vào. Chu Cẩm Phong đọc đã hết, lại đọc lại. Anh rất thích Nguyễn Thi. Một lần anh hỏi tôi:

- Quế đọc Sự tích ở đất thép Củ Chi thấy thế nào?

- Thật quá, mà cũng thường.

Anh cười:

- Quế cứ đọc lại. Nguyễn Thi rất chọn người đọc. Ai từng trải kháng chiến, từng trải cuộc đời, đọc anh mới thấy hay.

Sau này, tôi vô cùng xấu hổ khi đã đọc kỹ và đã hiểu Nguyễn Thi.

Bản thân anh, anh tranh thủ mọi lúc để sáng tác: thức khuya, lúc đau ốm không đi làm. Anh viết cẩn thận, chữ li ti, dập xóa, viết đi viết lại bản thảo nhiều lần. Lần ấy, chị Phương Anh, một diễn viên múa, ra Bắc, anh em chúng tôi tranh thủ chép bài để nhờ chị cầm ra. Chu Cẩm Phong cũng thức suốt đêm để chép cái ký Làng Tà Riềng, nhưng đến sáng, anh lại không gửi.

- Sao anh không gởi - Tôi hỏi.

- Đọc lại thấy chưa sướng lắm. Để sửa kỹ cái đã.

Thế là anh lao vào sửa đi, sửa lại, gạch xóa, thêm bớt, đến khi anh hy sinh vẫn chưa kịp đánh máy. Sau này, tôi cho đánh máy bản thảo viết tay gửi cho nhà văn Nguyễn Thành Long đưa đăng báo Văn nghệ và cùng Bùi Minh Quốc đưa vào tập Rét tháng giêng.

  Bây giờ, Chu Cẩm Phong đã đi xa. Anh em chúng tôi - những đồng đội cũ của anh thường nghĩ về anh với tấm lòng yêu mến và kính trọng. Chẳng phải ai từng tham gia chiến tranh cũng được bạn bè, đồng đội kính trọng và yêu mến, có khi còn ngược lại. Chu Cẩm Phong thì như tôi nói đó, không những anh được bạn bè yêu mến, kính trọng mà còn tiếc nuối nữa. Anh không những có phẩm chất anh hùng mà thực sự là một anh hùng. Anh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang vào năm 2010. Trước đó, vào năm 2007, anh được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật...

Viết đến đây, tự nhiên tôi nhớ đến một người mà qua sách báo và Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong hẳn các bạn đã biết: chị Phương Liên - người yêu của Chu Cẩm Phong. Tôi nhớ vào mùa hè năm 2010, chị gởi cho tôi xem hồi ký của chị viết về việc chị đã nghiên cứu và điều chế thành công vắc-xin Viêm não Nhật Bản và được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Chị viết trong thư kèm theo: “Mình phải cố gắng sống sao cho xứng đáng với anh Tiến, Quế à. Ngày đêm mình miệt mài làm việc, chạy đua với thời gian vì tuổi đã cao rồi. Hiện nay, mình đang cùng anh chị em cơ quan đang nghiên cứu và  điều chế vắc-xin Nhật Bản thế hệ 2 đấy”. Và đây, vào một đêm, khi mở Đài Truyền hình Việt Nam để theo dõi Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10 (tháng 12/2020) tại Hà Nội, tôi bất chợt trông thấy chị khập khiễng bước lên sân khấu để nhận bó hoa tươi và danh hiệu cao quý Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới do nhà nước trao tặng. Ngay trong đêm ấy, tôi gọi điện chúc mừng chị. Chị nói: “Chị em mình phải cố gắng để xứng đáng với anh Tiến, Quế à” và tôi nghe tiếng chị nghẹn ngào trong máy... Giá mà anh Chu Cẩm Phong chứng kiến được cảnh này...

T.Q