Đà Nẵng - Xây dựng kiến trúc đô thị thông minh, sinh thái và bền vững

06.04.2021
Huỳnh Thạch Hà (thực hiện)

Đà Nẵng - Xây dựng kiến trúc đô thị thông minh, sinh thái và bền vững

Đà Nẵng được coi là thành phố trẻ đang từng bước vươn lên trở thành đô thị hiện đại nhất miền Trung - Tây Nguyên. Những đổi thay về diện mạo, tầm vóc đã tạo nên một thành phố bên sông Hàn duyên dáng, trẻ trung, năng động, sánh vai với các thành phố lớn trong cả nước. Cùng với quá trình quy hoạch, chỉnh trang đô thị, nhiều khu phố mới hình thành, nhiều con đường được mở, thành phố phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa quá nhanh đã tạo ra sự không đồng bộ về kiến trúc. Mà kiến trúc chính là một trong những sự biểu hiện sinh động cho văn hóa và nghệ thuật tạo hình. Vì vậy, việc hướng tới xây dựng đô thị Đà Nẵng có nét đặc trưng riêng, tạo sự hài hòa với hình sông, thế núi và đời sống văn hóa người dân nơi đây là rất cần thiết. Trong số này, Tạp chí Non Nước gửi đến bạn đọc ý kiến của Kiến trúc sư Bùi Huy Trí - Chuyên gia về lĩnh vực kiến trúc đô thị về vấn đề phát triển kiến trúc đô thị thành phố Đà Nẵng trong quá trình đô thị hóa hiện nay.

PV: Đà Nẵng là vùng đất được coi là giao điểm của nhiều luồng văn hóa trên thế giới, theo anh điều này có ảnh hưởng đến diện mạo kiến trúc đô thị thành phố trong thời gian qua không ạ?

Kiến trúc sư Bùi Huy Trí (BHT): Nếu nói về sự giao hòa nhiều luồng văn hóa trên thế giới và cụ thể là các nền kiến trúc thì cần mở rộng ra cả vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Riêng Đà Nẵng thì có thể nói sự đóng góp của các nền kiến trúc Chămpa, Pháp và Trung Hoa là có nhưng không quá nhiều. Định hướng phát triển kiến trúc đô thị Đà Nẵng là kiến tạo một môi trường kiến trúc hiện đại, đồng thời lưu giữ những giá trị kiến trúc mang tính lịch sử như những ký ức quý giá.

PV: Kiến trúc đô thị Đà Nẵng hiện nay được cho là phát triển nhanh so với nhiều thập niên trước, có phần ảnh hưởng do quá trình đô thị hóa quá nhanh, anh có thể cho biết thêm về vấn đề này?

BHT: Cùng với sự phát triển mở rộng không gian đô thị thì sự phát triển của kiến trúc là tất yếu. Tuy nhiên cần phân biệt giữa khối lượng công trình kiến trúc và nghệ thuật kiến trúc. Nếu nói về công trình kiến trúc thì rõ ràng là sự phát triển về số lượng đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của đô thị. Quay lại thời điểm trước những năm 80 thế kỷ trước, có thể nói hình ảnh chủ đạo là kiến trúc thấp tầng, tập trung quanh khu vực quận Hải Châu là chính. Một số công trình tiêu biểu của thời kỳ đó là khách sạn Thái Bình Dương, khách sạn Đông Phương, Chợ Cồn... Qua thời kỳ mở cửa cho đến trước năm 2000, cùng với sự phát triển kinh tế, kiến trúc đô thị đã có bước tiến đáng kể. Các khách sạn Bạch Đằng, Thanh Lịch, Hải Âu... đưa đến những nét kiến trúc mới, hiện đại. Các trục đường 2/9, Đông Tây đã tạo nên những khu phố mới sinh động. Nhưng sự bùng nổ kiến trúc đô thị chỉ thực sự diễn ra khi Đà Nẵng trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Các khu đô thị mới với hàng nghìn hécta tại Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ đã chuyển dịch một lượng lớn khu vực nông thôn thành phố thị. Khu vực đô thị cũ xuất hiện nhiều công trình cao tầng, nhưng đáng kể nhất phải là khu vực Sơn Trà với các trục đường ven biển, đường Phạm Văn Đồng, đường Võ Văn Kiệt... Nhìn chung, sau mấy mươi năm phát triển, đô thị Đà Nẵng đã có một tầm vóc mới to đẹp hơn, chất lượng hơn, trở thành một trong những đô thị khang trang nhất trong hệ thống đô thị Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách khắt khe hơn về nghệ thuật kiến trúc cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Trước hết là công tác thiết kế đô thị chưa được thực thi đúng mức nên xét về tổng thể, hình ảnh chung kiến trúc Đà Nẵng còn thiếu tính nhịp điệu. Điển hình như vệt ven biển hai bên công viên Phạm Văn Đồng, các công trình cao tầng ít có tính tương tác và ứng xử. Nói nôm na là ai cũng muốn mình đẹp nhưng cả đội hình thì không đẹp. Các trục đường được coi là phát triển khác cũng vậy. Một ví dụ khác là cặp công trình phía Tây cầu Sông Hàn, khách sạn Hillton và tổ hợp Marriott. Cả hai đều là có kiến trúc không hề tệ nhưng lại là một cặp khó coi. Hy vọng là trong thời gian tới, mọi chuyện sẽ chuyển biến tích cực hơn.

PV: Yếu tố địa hình, tự nhiên có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kiến trúc đô thị Đà Nẵng ạ?

BHT: Kiến trúc luôn gắn với thiên nhiên cả về hình hài, vật liệu và công nghệ. Đà Nẵng là thành phố có sự đa dạng về địa hình gồm cả miền núi, trung du và đồng bằng, cả nông thôn và đô thị, cả đồi núi và sông biển. Về kiến trúc đô thị, có thể thấy rõ sự gắn kết giữa kiến trúc và hình ảnh sông nước dọc hai bên sông Hàn và dải ven biển. Các công trình thường được thiết kế với ý tưởng tận dụng tối đa khả năng thụ hưởng vẻ đẹp của sông, của biển cũng như yếu tố thông gió tự nhiên. Kiến trúc nông thôn vẫn giữ được vẻ dung dị, khiêm nhường gắn kết với cỏ cây, đồng ruộng. Ở góc độ sâu hơn có thể suy ngẫm về tính chất bắc cầu giữa thiên nhiên - con người - kiến trúc. Thiên nhiên thân thiện tạo nên con người ôn hòa và dẫn đến kiến trúc thuần khiết. Có thể thấy kiến trúc Đà Nẵng rất ít tính lai căng, khoa trương hay giả tạo.

PV: Hiện nay, kiến trúc đô thị Đà Nẵng đang từng bước hoàn thiện. Theo anh thì nên làm gì để Đà Nẵng là thành phố đi đầu về quy hoạch và kiến trúc đô thị hiện đại, có bản sắc riêng?

BHT: Có thể coi Đà Nẵng đã qua giai đoạn phát triển thô và đang đi từng bước ở giai đoạn phát triển tinh. Nếu không có đại dịch Covid-19 thì có thể khẳng định hàng loạt các dự án công trình lớn đã được triển khai trong thời gian qua. Tuy nhiên trong cái rủi cũng nên tìm ra cái hay. Đây chính là lúc thuận lợi để nhìn nhận, suy nghĩ về những bước đi tiếp theo để vạch ra một lộ trình kiến trúc ưu Việt. Trước hết là tư duy kiến trúc của hệ thống quản lý. Cần phải xác định hình ảnh kiến trúc Đà Nẵng trong tương lai phải là hình ảnh mang dáng dấp và đẳng cấp quốc tế. Một đô thị đẹp cần phải có ba bước làm đẹp chính yếu: quy hoạch đẹp - thiết kế đô thị đẹp - thiết kế công trình đẹp. Về quy hoạch, có thể coi Đà Nẵng đã làm khá tốt, đã tạo nên một không gian chung có định hướng, có phân khu rõ ràng và hệ thống hạ tầng cơ bản. Về thiết kế đô thị, Đà Nẵng đang từng bước chú trọng hơn công tác này. Gần đây đã thực hiện thiết kế đô thị cho vệt ven biển và một số trục đường chính. Về thiết kế, thành phố cũng đã quan tâm hơn việc thi tuyển kiến trúc và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như Công viên 29/3, Bảo tàng Đà Nẵng. Đó là những hướng đi cần thiết và phải phát huy hơn nữa để khích lệ tính sáng tạo của các kiến trúc sư khi thiết kế công trình tại Đà Nẵng. Một việc hết sức cần là công tác thẩm định và phản biện đối với các đồ án kiến trúc. Gần đây thành phố đã thành lập Hội đồng Tư vấn kiến trúc. Đây là điều rất tích cực, tạo điều kiện cho các chuyên gia đóng góp những ý kiến thiết thực cho các tác giả, các chủ nhiệm đồ án, đồng thời giúp lãnh đạo thành phố đưa ra các quyết định thuyết phục khi lựa chọn các phương án kiến trúc. Cuối cùng là tất cả những người tham gia vào việc hình thành một đồ án quy hoạch, kiến trúc, bất kể đó là chủ đầu tư, kiến trúc sư và cán bộ quản lý phải có cái tâm sáng và một tình yêu vô tư đối với nền kiến trúc Đà Nẵng.

PV: Trên thế giới xuất hiện khá nhiều thành phố thông minh như Seoul, Thượng Hải, Tokyo, Cairo, Dubai, Amsterdam, New York,... Xu hướng này được nhiều quốc gia lựa chọn cho việc phát triển đô thị của mình. Thành phố Đà Nẵng cũng triển khai thực hiện khá sớm, đến nay thì sao thưa anh?

BHT: Đà Nẵng đã tiếp cận và triển khai Đề án đô thị thông minh từ khá sớm, ngay từ năm 2012. Các lĩnh vực đã được ứng dụng gồm y tế, giáo dục, giao thông, cấp nước... đến nay vẫn tiếp tục được phát huy. Đô thị thông minh không phải là một khái niệm xa vời, trái lại nó rất thiết thực và hiển hiện quanh ta. Hãy hình dung mọi nhu cầu xã hội như đi lại, mua sắm, học hành, khám chữa bệnh cho đến kinh doanh, quản lý đều được mọi người dân hiểu, cập nhật và ứng dụng thành thục thì cuộc sống sẽ giảm đi rất nhiều các bất tiện. Thí dụ quận Hải Châu đã tiên phong trong việc áp dụng thành công công nghệ thông minh để quản lý trật tự đô thị trên các ứng dụng điện thoại. Quận Cẩm Lệ cũng đang triển khai tốt Đề án đô thị thông minh trong lĩnh vực bản đồ và quản lý đất đai. Đà Nẵng có hệ thống hạ tầng tốt, đó là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển theo mô hình đô thị thông minh. Đó cũng chính là lý do mà những năm gần đây, thành phố không ngừng chỉ đạo các sở, ngành, các đơn vị thực hiện tốt công tác này. Năm 2020 Đà Nẵng, giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2020 đã được trao cho Đà Nẵng, thành phố duy nhất trong cả nước giành được giải thưởng này. Đà Nẵng được ghi nhận những thành tựu nổi bật ở nhiều hạng mục: Thành phố dịch vụ công thông minh, Thành phố hạ tầng số thông minh, Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đó là vinh dự và cũng là động lực để Đà Nẵng mạnh dạn hơn nữa tiến những bước dài hướng đến một đô thị thông minh, sinh thái và bền vững.

Xin cảm ơn anh đã chia sẻ ạ!

H.T.H