Phượng yêu

06.04.2021
Trần Trung Sáng

Phượng yêu

1.Phượng. Cái tên nàng, ngay buổi đầu gặp gỡ, lập tức làm gợi nhớ  trong tôi khúc hát “Phượng yêu” đầy trữ tình và da diết của nhạc sĩ Phạm Duy: Yêu người, yêu Phượng!/ Yêu hoa đầu mùa/Yêu mầu rực rỡ, yêu em mù lòa/ Yêu bằng tiếng nói đơn sơ/ Yêu người, yêu cả cơn mơ rụt rè... Nhưng không chỉ là cái tên, mà cái giọng nói của Phượng cũng gây cho tôi một ấn tượng khá thú vị, bởi là người ở miền quê Phú Yên (nay thuộc Khánh Hòa), nên những âm vần “ê”, nàng đều nói thành “ơ”. Chẳng hạn: Đi uống cà phê, nàng gọi là “cà phơ”; đi về nàng gọi là “đi vờ”;  nhà quê, nàng gọi là “nhà quơ”...

Hồi đó, vào khoảng giữa năm 1978, trong thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự, tôi được đơn vị từ Tây Nguyên cử về tại chính quê nhà Đà Nẵng học nghiệp vụ chiếu phim ở Liên đội chiếu bóng Quân khu V. Còn Phượng từ Tuy Hòa, Phú Yên đến Đà Nẵng theo học tại Trường Trung cấp Y tế. Tình cờ, trong một lần gặp gỡ, tôi và Phượng quen nhau. Thích nhau bởi một vài đặc điểm cá biệt, rồi dần dần chúng tôi tiến đến tình cảm ngày một quyến luyến, khăng khít nhau hơn...

Là lính chuyên môn kỹ thuật, lại đóng quân gần nhà, nên thỉnh thoảng cuối tuần tôi thường được về thăm gia đình. Có đôi lần tôi đưa Phượng về giới thiệu cùng ba má tôi. Má tôi rất quý nàng. Má nói: “Thời buổi chừ mà tìm được một cô gái nước da trắng ngần, gương mặt trái xoan, tóc dài thuôn thả... như ri, chắc phải là con nhà nết na. Con nên tính chuyện lâu dài với cô ấy đi”. Là nói vậy, chứ thực ra, tôi và Phượng vẫn xem nhau như đôi bạn tri âm tâm đắc, chẳng mấy khi nghĩ chuyện tương lai xa xôi. Đôi lần, tôi đùa vui nói với Phượng: “Phượng thấy nhà anh ra sao? Có ở lại đây làm dâu luôn được không?”, thì Phượng véo tay tôi thật mạnh trả lời: “Đừng tưởng bở! Ra trường xong, Phượng phải về quê, chứ bỏ mẹ già cho ai chăm lo!”. Thế rồi, những tháng ngày êm ái cũng chẳng thể dài lâu. Sau mùa Xuân  năm 1979, tôi hoàn thành khóa học chiếu bóng tại Liên đội chiếu bóng Quân khu V, cũng là thời điểm quân đội Việt Nam giải phóng Kampuchia và biên giới phía Bắc đang diễn ra những cuộc chiến khốc liệt với Trung Quốc, nên buộc phải trở lại đơn vị cũ ở Tây Nguyên để sau đó sang phục vụ ở đất K.

Ngày tôi lên đường, phải dậy sớm từ 4 giờ sáng để ra bến xe. Theo lời Phượng dặn, tôi đi ngang qua phòng nội trú của Phượng ở kề tường rào để cho nàng biết kịp thức dậy tiễn tôi. Tôi gọi: “Phượng ơi, Phượng ơi! Anh đi nghe!”. Trong giây lát, tôi nghe tiếng xô cửa thật mạnh. Phượng chạy tung ra áp người về phía bờ rào, vẫy tay: “Anh cứ đi trước đi, Phượng sẽ lên tiễn anh ngay”. Vừa đến bến xe được vài phút, tôi đã nhìn thấy Phượng từ một chiếc xe thồ, tóc tai rối tung chạy đến bên tôi. Suốt thời gian đợi xe lăn bánh, nàng chỉ nắm chặt tay tôi, đôi mắt ướt sũng, chẳng nói điều gì. Hơn bao giờ hết, lúc này tôi lại nhớ đến câu hát trong bản nhạc Phượng yêu: “Yêu người xong chết được ngày mai/Yêu như loài ma quái đi theo ai cuối chân trời/Đi không nơi kêu gào, làm sao trốn được tình yêu...”. Vì tôi hiểu rằng, từ đó hình ảnh Phượng sẽ theo tôi đến tận cùng rừng sâu, non thẳm.

2.Trở lại đơn vị cũ tại Daklak, hầu như  toàn bộ anh em đồng đội của tôi đều cùng bộ chỉ huy ra tuyến trước. Chỉ còn lại dăm ba người lính vệ binh và lính hậu cần ở lại coi ngó, bảo vệ doanh trại. Tôi nghỉ ngơi được một hai đêm thì lập tức cùng vài anh em đồng đội tháp tùng theo cùng một đoàn xe sang đất K.

Lúc này, cuộc chiến biên giới Tây Nam vốn có nguyên nhân từ các đợt tấn công, khủng bố của quân Khomer Đỏ giết chóc người dân và đốt phá làng mạc Việt Nam trong những năm 1975 - 1978, được xem là đã kết thúc từ cuối tháng 01/1979. Tuy nhiên, trên thực tế, lực lượng bọn chúng chỉ bị tan rã chứ chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Do vậy, trên đường hành quân, sau khi từ Đức Cơ tiến sâu vào Ratanakiri của đất K. chừng vài trăm cây số, chúng tôi liên tục được các cấp chỉ huy cảnh báo, phải giữ chặt tay súng, sẵn sàng chiến đấu khi bị phục kích. Và thỉnh thoảng, tôi lại nghe thêm những câu chuyện xì xào về mối hiểm nguy cho những đoàn xe qua lại trên các tuyến đường đất K. Như để tự trấn an mình, mỗi lần có dịp dừng chân nghỉ ngơi, các tay lính Bắc ít nhiều trải qua cuộc chiến trước 75, thường trò chuyện bông lơn đùa nghịch:

- Ê chú mày, đừng lo sợ làm quái gì! Nhỡ có chết thì hết, thì thành liệt sĩ, lên bàn thờ ngồi. Vậy thôi.

Một gã lại lay vai tôi hỏi:

- Hồi ở nhà có bồ chưa? Lúc nào, qua đoạn đường nguy hiểm, hồi hộp căng thẳng quá, thì hãy nhắm mắt lại nghĩ đến con bồ là vơi nhẹ ngay. Tao làm vậy đó!

Quả nhiên, sau những câu chuyện đùa vui, tôi thấy tinh thần mình dễ chịu, lạc quan nhiều hơn. Suốt chặng hành trình, ngang qua những làng mạc, đôi khi chúng tôi lại gặp những cô gái trẻ tóc ngắn, quấn khăn rằn tụ tập ven đường vẫy tay reo hò: “Chi dô Việt Nam! Chi dô Việt Nam!” (Hoan hô Việt Nam), hoặc những người đàn ông lưng trần cỡi chú voi to tướng băng ra từ những cánh rừng rậm rịt, làm gợi nhớ đến những con tem thư dành cho đất Cao Mên thời Đông Dương xưa cũ. Tuy nhiên, cũng có những đoạn đường khúc khuỷu, quanh co, khô khốc... còn đó những xác xe quân sự nằm lăn lóc, với những vết cháy và dấu đạn loang lổ, như sự việc vừa xảy ra không lâu. Tôi nhận ra, những chiến hữu đứng, ngồi quanh mình đều nín lặng, nhìn về chốn xa xăm. Gã lúc nãy vỗ vai tôi hỏi chuyện bồ bịch cũng vậy. Tự nhiên, tôi nhớ đến Phượng? Không biết giờ này Phượng đang làm gì? Có nghĩ đến tôi không? Và rồi, một ngày nào đó... nếu tôi hoàn thành nghĩa vụ trở về, Phượng có còn đợi chờ tôi? Sau chừng vài tiếng đồng hồ, rồi đoạn đường khó khăn nhất chừng cũng đã bỏ lại phía sau. Rải rác hai ven đường, chúng tôi thấy có nhiều chốt lều trại, và anh em bộ đội Việt Nam qua lại tuần tra. Tiếng cười, tiếng nói... vui nhộn quay về. Một người nói: “Đã đến Munđunkiri. Sắp vào hậu cứ Conhet của đơn vị!”

Munđunkiri có lẽ là một tỉnh không nhỏ của xứ chùa tháp, cách xa Nông Pênh chừng hơn 350 cây số, nhưng giờ đây, trong con mắt chúng tôi chẳng còn lại bao nhiêu dấu vết phố thị, bởi chế độ diệt chủng của Pôn Pốt chủ trương đập phá san bằng mọi hệ thống cơ sở vật chất, kể cả chợ búa, bệnh viện, trường học... Doanh trại của Bộ chỉ huy của chúng tôi đóng ở những ngôi nhà sàn dài, nằm kề cận bên một hồ nước rộng. Trong giai đoạn đầu, công việc chuyên môn của đội chiếu phim chúng tôi chưa được triển khai hoạt động đáng kể, nên phần lớn thời gian hàng ngày của tôi là tăng gia sản xuất, rồi nấu nướng, nghỉ ngơi... khá nhàn hạ.

Những ngày dài như vậy, thỉnh thoảng ngoài những tin tức bất an về việc chạm súng với tàn quân Pôn Pốt diễn ra từ các đơn vị cơ sở đưa về, chúng tôi thường mong ngóng hai niềm vui: Một là  đoàn xe nào đó từ hậu cứ quê nhà, có một chiến hữu thân quen đem đến vài thứ quà cáp, mà quý nhất là những nhúm thuốc rê; hai là anh quân bưu mang thư tín đến đơn vị, trong đó có tên mình. Và dĩ nhiên, niềm vui lớn nhất của tôi là những khi nhận được thư của Phượng.  

Những lá thư của Phượng luôn được viết trên một loại giấy pơluya mỏng hồng, xếp thành khổ nhỏ. Chữ của nàng không nắn nót, nhưng luôn ngay thẳng, không rối rắm, mỗi lần cầm trên tay, tôi luôn xao xuyến như sắp đọc được những vần thơ, dù đó chỉ là những dòng chữ vu vơ: “Bây giờ là 11 giờ 30 rồi, giảng đường chẳng còn ai, một mình em ngồi viết thư cho anh giữa đàn muỗi bay vo ve... Em dũng cảm lắm mới không hét lên anh ạ. S của em,  bây giờ anh đã ngủ chưa? Hay đang canh gác ở một nơi nào đó? Em nguyện cầu bình an cho anh. Bây giờ tụi mình xa nhau thật rồi - Xa thật rồi anh ơi...” Hoặc: “P trông thư anh dễ sợ, mới đây mà P tưởng như lâu lắm! Bây giờ viết thư cho anh P sợ gởi theo địa chỉ anh đưa sẽ không đến - Có lẽ P sẽ không gởi cho anh đâu...”. Thư đi tin lại như vậy với những tình cảm nhung nhớ thiết tha, kéo dài chừng một năm thì Phượng cho biết nàng đã thi tốt nghiệp ra trường và đang lo nhận nhiệm sở tại quê nhà. Tôi thực sự mừng cho Phượng đã đạt được nguyện vọng như nàng từng mong muốn, nhưng lòng cũng thoáng chút gì lo lắng bâng quơ...

3.Kampuchia bước vào mùa nóng. So với mùa nắng hạ ở quê nhà, tôi chưa bao giờ trải qua cái nắng chói chang, khô khốc, rát bỏng như vậy. Tuy nhiên, đây là thời gian thuận lợi để Đội chiếu bóng đến phục vụ các thôn bản và các đơn vị cơ sở trải dài các miền rừng rú. Theo lệnh của Bộ chỉ huy Sư đoàn, chúng tôi chuẩn bị máy móc, phim ảnh để lên đường đến một địa điểm cách xa Munđunkirri chừng 200 cây số.

Là bộ phận kỹ thuật chuyên môn, Đội chiếu bóng của chúng tôi chỉ được trang bị vài cây súng, còn rải dọc theo các đường đi, đã có các đơn vị cơ sở rải quân tuần tra bảo vệ. Dù vậy, khi băng qua những cánh rừng dài thâm u, với những ngõ ngách gập ghềnh, đầy những chướng ngại, tôi không thể tránh khỏi cái cảm giác rờn rợn gai người, như chuyến hành quân lần đầu qua đất K. Tôi lại nghĩ đến Phượng. Nghĩ đến những lá thư giấy hồng, mực tím nàng đã vỗ về tôi trong những ngày tháng gần đây. Không biết đến giờ này, Phượng về lại quê nhà làm việc ra sao? Và liệu tôi có may mắn để trở về gặp nàng lần nào nữa hay không?

Buổi chiếu phim diễn ra lần lượt ở các phum nhỏ an toàn tốt đẹp. Hầu hết bà con dân cư từ người già đến trẻ đều mang gương mặt hân hoan, vui vẻ. Nhưng khi tiếp cận, hỏi chuyện, họ vẫn còn thấp thoáng nỗi hoang mang lo sợ về nỗi đe dọa của quân Pôn Pốt. Buổi cuối cùng khi chia tay, một cụ già nói với chúng tôi: “Sớm trở lại chiếu phim nữa nhé! Có bộ đội Việt Nam ở đây thì chúng tôi rất yên bụng”.

Hôm ấy, khoảng chừng 7 giờ, chúng tôi bắt đầu khởi hành quay về lại đơn vị ở Bộ chỉ huy. Bầu trời trong xanh và khoáng đãng lạ thường. Dọc những cánh rừng hai ven đường, chim chóc và muôn thú kêu vang những âm thanh vui nhộn. Được một quãng, chợt gã thuyết minh của đội chiếu phim reo to: “Mọi người nghe gì không? Con mang vừa tát mấy tiếng. Tôi nhìn thấy nó đang lẩn quẩn ở gốc cây kia kìa. Bảo tài xế dừng xe lại bắn nhé!”. Một anh lính Bắc khá già dặn quạt ngang: “Dẹp đi. Hành quân mà nghe tiếng mang tát là xui xẻo đó. Bắn nó làm gì!”.

Chiếc xe vẫn tiếp tục hành trình với một tốc độ chừng mực, bởi gặp đoạn đường nhiều ổ gà. Lúc này gương mặt mọi người ai nấy trở nên ưu tư, trầm mặc. Nhìn về ô cửa phía sau xe, tôi thấy đan xen trong cây lá, rải rác vài anh bộ đội cầm súng đi chầm chậm. Chợt vang lên một tiếng nổ chát chúa!... Chiếc xe thắng gấp. Chúng tôi chưa kịp biết điều gì xảy ra, nhưng tất cả đều lao ra khỏi xe chạy về bìa rừng phía trước. Nhiều loạt đạn dồn dập vẫn không ngừng xối xả từ phía sau. Tôi chạy được một đoạn thì nghe người mình tê cứng, ngã quỵ bên một gốc cây. Tôi chỉ kịp nghe tiếng nói của một đồng đội vọng lại kề tai: “Mày bị thương rồi, hãy nằm yên đó”, rồi mê man hẳn.

4.Lần đó, tôi bị một vài viên đạn của địch bắn trúng vào mông và chân phải. Thương tích không quá nghiêm trọng, nhưng được đơn vị chuyển về điều trị tại bệnh viện hậu cứ ở DakLak và sau đó là tại bệnh viện Quân Khu V ở Đà Nẵng để tập đi và xuất ngũ.

Trong thời gian bị thương và thuyên chuyển từ nơi này sang nơi khác, ba lô cùng vài tư trang của tôi bị thất lạc. Tôi không tìm thấy những lá thư của Phượng, nên không nhớ được địa chỉ của nàng ở quê nhà để liên lạc. Dò hỏi liên tục trong gần hai năm liền, tôi hay tin Phượng đã chuyển về công tác tại bệnh viện Nha Trang và đã lập gia đình ổn định tại thành phố biển xinh đẹp này. Vậy là xong. Với tôi, mùa Phượng cũ đã xa rồi. Yêu người yêu có một lần thôi...

Cũng như mọi người lính trở về. Vết thương cũ chiến tranh cũng dần quên lãng. Mối tình năm cũ rồi cũng phôi pha. Tôi có vợ, có con, mưu sinh kiếm sống lo gia đình bằng nhiều công việc. Rồi cuối cùng trở thành một gã cầm bút, viết văn, viết sách... để dẫn đến cơ hội hôm nay, tôi có dịp hình thành tình tiết đoạn kết câu chuyện Phượng yêu - mối tình đầu dở dang.

Vào mùa xuân cách đây ba năm trước, nghĩa là gần hơn 35 năm tôi không gặp lại Phượng. Tình cờ, vào một chuyến công tác ghé ngang thành phố Tuy Hòa, trong buổi sinh hoạt giao lưu với anh chị em văn nghệ sĩ địa phương, để tạo nên mối liên hệ gần gũi với họ, tôi đã kể lại tóm lược câu chuyện tình của tôi và Phượng, người con gái của quê hương Tuy Hòa, như thể hiện một ước vọng tìm kiếm. Bất ngờ, trong số người tham dự, sau khi xác nhận với tôi lại một vài thông tin, đã khẳng định anh biết rõ về Phượng, vì anh là người hàng xóm cô ấy. Anh cho biết, nhiều năm qua, cô ấy đã chuyển đi làm việc và sinh sống tại Nha Trang. Anh hứa trong thời gian nhanh nhất, anh sẽ giúp tôi liên lạc được cô ấy.

Quả nhiên, chỉ một ngày sau là tôi có được trong tay số điện thoại của Phượng. Đã mấy chục năm, lần đầu được nghe lại giọng nói của Phượng, tôi thật bồi hồi xúc động. Phượng cũng vậy, nàng ngập ngừng, chậm rãi từng câu, từng chữ... Rồi câu chuyện đời của nàng cũng dần hiện ra trước mắt, khiến tôi lắng nghe mà muốn ngã quỵ: Sau một thời gian, không nhận được liên lạc của tôi, Phượng đã xin chuyển lên công tác tại Bệnh viện Nha Trang. Duyên số đưa đẩy, nàng kết hôn với một người tại đây. Cả hai có với nhau được một đứa con trai. Khi đứa trẻ chưa đầy 5 tuổi, thì chồng Phường đột ngột bị bệnh qua đời. Nàng chỉ còn biết tìm niềm vui bên con, nhưng định mệnh nghiệt ngã thay: Vừa đến tuổi 18, bước vào đại học, thì đứa con cũng bị bệnh đột tử tương tự người chồng, bỏ lại Phượng sống đời đơn chiếc! Hiện Phượng đã về hưu, nàng mua một ngôi nhà nhỏ đưa mẹ già từ quê lên Nha Trang để tiện việc chăm sóc.

Ngay khi nghe đầy đủ câu chuyện như vậy, tôi lập tức thu xếp công việc đón xe về Nha Trang thăm Phượng. Ngồi kề cận bên nhau trong quán nước, Phượng nói:

- Từ ngày chồng rồi con mất đi, em ăn chay trường. Không bao giờ gặp gỡ với ai như vầy cả, ngoại trừ với anh. Bởi vì, anh là mối tình đầu của em...

Nhắc về kỷ niệm, Phường ít nhiều tiếc nuối câu chuyện tình dở dang đột ngột của chúng tôi thời trẻ dại, nhưng nàng không quy lỗi cho ai, mà bảo rằng đó số phận trời Phật đã an bài. Mỗi người phải đi trên một con đường riêng và gánh vác nghiệp chướng do chính mình gây ra. Phượng mong sao trong tháng ngày còn lại, tôi luôn có cuộc sống hạnh phúc an lành. Còn phần nàng, hiện vẫn làm thêm trong một bệnh viện tư nhân, mỗi ngày đi về để tìm niềm vui trong công việc và chăm sóc mẹ già đã ngoài tuổi 90. Và dự định, đến ngày mẹ qua đời thì sẽ nhập thất, tu tại gia, không tiếp xúc với cuộc sống xã hội bên ngoài nữa.

Lần đó, Phượng đưa tôi về thăm nhà nàng ở một khu ngoại thành Nha Trang. Nhìn thoáng qua, nhà nàng không rộng lớn, nhưng khang trang, gọn ghẽ. Gặp tôi, mẹ Phượng chào hỏi những câu ngắn gọn, rồi như nói mình những câu vu vơ với ai đó. Phượng bảo, bà đi qua lại quanh quẩn trong nhà được, nhưng lãng lắm rồi,  chẳng để ý đến ai. Ở nhà, có đứa cháu trên quê xuống lo cho bà việc ăn uống... Tôi cũng được đưa lên gian thờ trên tầng lầu để thắp hương cho chồng và con. Tôi thực sự thấy lạnh xương sống, khi niệm những lời khẩn cầu đến vong linh hai bức ảnh đặt trên bàn thờ, chừng cảm nhận giữa họ và mình có một mối liên quan nào đó. Nhưng điều não lòng hơn cả, khi Phuợng chỉ tôi nhìn vào gian phòng sau gian thờ bảo: “Đây là tịnh thất của em, em chuẩn bị nơi này cho mình sau khi mẹ mất”.

Đêm cuối cùng trước khi rời khỏi Nha Trang, tôi và Phượng cùng dạo bên nhau như không ít lần đùa vui trên  bờ cát Mỹ Khê, Đà Nẵng một thời tuổi trẻ. Có những lúc không kìm được cảm xúc, tôi đã quàng ôm tấm thân gầy guộc của nàng hôn vào mặt tới tấp, mặc cho Phượng vùng vằng thổn thức: “Đừng anh, đừng anh... Nếu thương em, thì hãy để em yên bình với kinh kệ trong cõi Phật. Kẻo anh đi rồi em sống ra sao?...”.

Vài tháng kể từ sau lần gặp ấy, tôi nghe tin mẹ Phượng qua đời. Tôi hiểu, đã đến lúc tôi không nên tìm gặp Phượng nữa. Hãy để nàng sống yên lành trong những ngày còn lại, dù tôi chẳng thể nào vĩnh viễn khép chặt trong lòng mối tình đầu “Phượng yêu”.

T.T.S