Thơ Nguyễn Dũng Hiệp

11.07.2013

Thơ Nguyễn Dũng Hiệp

Tác giả hát bộ, nhà thơ sinh ngày 22/11/1928 - xã Duy Thành huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Mất ngày 8/7/2012 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tác phẩm+tuồng hát bộ:

- Cai Tranh đốt quán 1962, Thạch Sanh 1962, Cơn ác mộng 1963, Gan bất khuất 1964, Mụ Lonáo Bạch cung 1964, Tình cá nước (với Trương Kỉnh) 1967

Văn: Tiếng gọi đò – NXB Đà Nẵng – 1999

Thơ: Nỗi buồn của trái đất – Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam-Đà Nẵng xuất bản 1990

Màu trái chín – Hội Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh xuất bản 1996

Nơi công tác: Đoàn hát bộ Liên khu V ở miền Bắc từ 1957 đến 1972 – Bộ Văn hóa – Hà Nội

Bút danh: Tú Ca (lúc ở lại Đà Nẵng, sau 1954 hoạt động bí mật), Dũng Ca, Hoàng Trúc Kiều

Được điều ra miền Bắc, theo đường biển, sau một năm ở cơ sở (1955-1956)

 

 

 

 

Xin đừng bao giờ quên

 

 

Chúng tôi nằm đây

Cạnh lề quốc lộ

82 con người

Nằm chung một chỗ (1)

            Từ mùa xuân ấy – Mậu Thân

 

Đã bảy lần

Mùa xuân mặc áo hồng đi qua trên mộ

Nghe hơi ấm xôn xao từng ngọn cỏ

Nghe bước người thân nhộn nhịp đi, về

Nghe đàn én của ta từ Tân Sơn Nhất bay đi(2)

Nghe tiếng pháo từ Chợ Lớn, Bến Thành vọng lại

 

Chúng tôi – 82 con người

Ước mong mãi mãi

Được sống một ngày

Dù chỉ một ngày

Hạnh phúc biết bao

Được thấy Sài Gòn rực rỡ ánh cờ sao

 

Đã mười mấy mùa xuân

Chúng tôi không rời vị trí

Trong đất lạnh

Chúng tôi nằm suy nghĩ

Dõi theo

Từng bước chân đi:

Của anh em

Đồng chí

Kẻ thù.

 

Nếu người chết vẫn còn nói được

Lời đồng thanh sẽ từ đất vang lên:

Xin mọi người đừng bao giờ quên

Nỗi ô nhục tám mươi năm xiềng gông, ngục tối

Nỗi cay đắng ba mươi năm giặc thù, lửa khói

Mỗi bước ta đi đều có máu anh em

Có thể nào làm cho ta quên

Xương máu anh em, đồng bào, đồng chí?

 

Trời xuân đẹp một màu suy nghĩ

Có nghe chăng

Những lời âm vang?

 

 

1981

 

 

 

 

Bài giảng văn giảng tiếp

 

 

Hôm ấy

Thầy giảng bài Bình Ngô đại cáo

Cả lớp ngồi im uống cạn từng lời

Ngoài sân trường nghe rõ lá bàng rơi

Sợi tóc bạc trên trán thầy phơ phất

 

Cúi mặt xuống bàn,

Tôi cố giấu hai dòng nước mắt

Vừa lau xong lại tiếp trào tuôn

Thầy đến bên tôi – với giọng trầm buồn:

- Sao em khóc?

Hay thầy giảng bài không rõ?

Tôi ấp úng nghẹn từng lời trong cổ:

Chú…của em…vừa bị đi…tù

vì biểu tình…xuống tòa sứ…xin xâu(1)

 

 

Thầy thở dài, ngồi im lặng hồi lâu

Hai bàn tay đỡ lấy vầng trán rộng:

- Thôi các em về! (Giọng thầy xúc động)

Chiều thứ tư, thầy giảng tiếp phần sau.

 

 

Nhưng chúng tôi không được nghe thầy giảng nữa đâu

Tối hôm ấy thầy giáo tôi bị bắt

Bọn mật thám đánh thầy chết ngất

Vì chính thầy viết đơn cho những kẻ xin xâu

Tôi lén khóc thầy dưới bóng những hàng dâu

Bờ nước Thu Bồn nghẹn ngào sóng vỗ.

 

 

Bài Đại cáo Bình Ngô nửa chừng bỏ dở

Hùng khí ngàn xưa

Uất nghẹn giữa tim thầy

Mười lăm năm mang án lưu đày

Ra Côn Đảo, thầy không về được nữa!

 

Chiều hôm nay nghĩa địa Hàng Dương(2)

Nắng vàng, cỏ úa

Tôi tìm mộ thầy, nào thấy gì đâu

Hàng vạn ngôi mồ chồng chất lên nhau

Dưới bóng thông già

Gió chiều vi vút…

Tôi chợt nghe tiếng thầy giảng tiếp

Bài Đại cáo Bình Ngô

 

 

Giữa những ngôi mồ

Trầm mặc…

Nhấp nhô…

Tiếng sóng biển

Rền xa như trống trận

 

1976

                                                N.D.H



(1) Ngôi mộ 82 liệt sĩ tại quận Tân Bình.

(2) Én bạc: Tiếng thường gọi máy bay MIC của ta.

(1) Phong trào “xin xâu” (đi phu) ở Quảng Nam-Quảng Ngãi.

(2) Nghĩa địa lớn ở Côn Đảo