Nhịp bước cùng thành phố quê hương - Thanh Quế

11.07.2013

Nhịp bước cùng thành phố quê hương - Thanh Quế

Cuối năm ngoái, tôi ra công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam. Trong lúc chờ họp, ngồi uống trà ở văn phòng Hội, một cô nhân viên trẻ nói với tôi:

            - Đà Nẵng của chú đẹp thật đấy. Cháu mới đến lần đầu mà lúc về không muốn rời. Người ta nói đó là thành phố đáng sống quả không sai.

            Có lẽ đúng như cô gái ấy đã nói. Mười năm qua, Đà Nẵng chúng ta có những bước phát triển vượt bực. Biết bao con đường mới mở, bao khu phố được xây dựng, và các cây cầu hùng vĩ được bắc qua sông Hàn. Các khu công nghiệp được mở. Những khu du lịch Bà Nà, Sơn Trà, Suối Hoa quyến rũ du khách…Và đây dải bờ biển cát trắng cong cong vào loại đẹp nhất hành tinh đang chào mời bạn bè đến thăm…

            Khó mà nói hết những thay đổi của Đà Nẵng trong một bài viết ngắn. Mười năm nay, nhiều văn nghệ sĩ của Đà Nẵng đã ghi lại những thay đổi của quê hương qua những bút ký, những bản nhạc, những tấm ảnh, những bức tranh… Anh chị em đã có rất nhiều cố gắng nhưng nào đã làm được bao nhiêu. Có thể nói đó chỉ là những hạt cát trên bờ bãi quê hương mà thôi. Nhiều văn nghệ sĩ day dứt nói với tôi:

            - Anh em mình kém tài quá. Đà Nẵng phát triển nhanh như vậy mà mình chưa nói được gì.

            Anh chị em văn nghệ sĩ băn khoăn như vậy là có cái lý của nó. Họ vốn là những người gắn bó và yêu mến quê hương như máu thịt của mình. Nhưng dù sao cũng phải nói là anh chị em đã cố gắng hết sức để cùng nhịp bước với thành phố quê hương…

            Mười năm qua, lực lượng văn nghệ sĩ ở thành phố ta cũng phát triển mạnh mẽ. Lực lượng này có từ hai nguồn: văn nghệ sĩ người Đà Nẵng và văn nghệ sĩ ở khắp cả nước tụ về đây bởi sức hút của thành phố. Tôi còn nhớ ngày nào cả Quảng Nam - Đà Nẵng chưa tròn con số 400 hội viên thuộc các ngành văn học nghệ thuật, mà nay, chỉ riêng Đà Nẵng đã có 920 hội viên, trong đó có tới 335 người là hội viên thuộc các ngành văn học nghệ thuật Trung ương.

            Lực lượng hội viên phát triển dẫn đến tổ chức cũng phải phát triển theo. Từ 9 phân hội trước đây giờ đã trở thành 9 hội chuyên ngành: Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Âm nhạc, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật, Hội Điện ảnh, Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Hội Kiến trúc, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Nghệ sĩ Múa… Và vì thế, từ Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng đã chuyển thành Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng.

            Tôi được biết, Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố cùng các hội chuyên ngành luôn được Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam đầu tư cả về tinh thần lẫn vật chất để tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ làm việc và sáng tác. Nhớ hồi năm 1998, sau cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Nguyễn Bá Thanh, Liên hiệp Hội được cấp 300 triệu để sửa chữa cơ quan làm việc. Hiện nay, Ủy ban cấp gần 4 tỷ để Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành xây dựng và sửa chữa một khu nhà làm việc khang trang bề thế. Bên cạnh việc cấp kinh phí hoạt động hàng năm cho Liên hiệp Hội và các hội chuyên ngành, Ủy ban nhân dân thành phố còn đầu tư cho Hội mở các trại sáng tác, trao giải thưởng hàng năm và 5 năm một lần (Giải thưởng của Ủy ban nhân dân thành phố). Đó là chưa kể việc cấp kinh phí cho nhiều anh chị em văn nghệ sĩ đi tham quan, học tập, triển lãm ở nước ngoài như Pháp, Singapore, Trung Quốc…

            Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam hàng năm hỗ trợ cho Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng từ 300 đến 600 triệu  đồng tổ chức các hoạt động văn học nghệ thuật và mở các trại sáng tác để tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ nói chung và văn nghệ sĩ Đà Nẵng sáng tác.

            Vận dụng sự hỗ trợ của Thành phố và của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng và các hội chuyên ngành tổ chức nhiều chuyến đi thực tế sáng tác ở Tây Bắc, ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là chuyến đi đường dài theo bước chân Bác Hồ từ Quảng Tây (Trung Quốc) về Việt Bắc. Những chuyến đi thực tế ở địa phương của các hội chuyên ngành và các nhóm văn nghệ sĩ đã trở thành thường xuyên. Anh chị em đã xuống cơ sở, sống với công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc để tìm hiểu đời sống và công việc của họ, ghi chép và sáng tác.

            Hàng năm, có hàng chục hội viên tham gia các trại sáng tác văn học -  nghệ thuật do Liên hiệp hội Trung ương mở ở Vũng Tàu, Đà Lạt, Tam Đảo, Đại Lãi, Đồ Sơn, Nha Trang. Tại đây anh chị em đã hoàn chỉnh những tác phẩm vừa sáng tác hoặc bắt tay vào viết những tác phẩm mới.

            Tôi đã được đọc, được xem hàng trăm tác phẩm thuộc các thể loại văn học nghệ thuật của anh chị em văn nghệ sĩ Đà Nẵng trong mười năm qua. Đến nay, tôi vẫn còn nhớ đến nhiều tác phẩm và tác giả. Đó là tiểu thuyết Kỳ nữ họ Tống của Nguyễn Văn Xuân; Trùng tuMinh sư của Thái Bá Lợi; Nội tôi của Bùi Tự Lực; Chớp mắt đời người của Đoàn Xoa. Các tập thơ: Nỗi lan tỏa của ngày của Nguyễn Kim Huy; Khúc hồi âm của lá của Nguyễn Nhã Tiên; Chân trời của Nguyễn Minh Hùng; Động và Tĩnh của Bùi Công Minh; Nắng trên đồi của Nguyễn Nho Khiêm; Lặng lẽ tường đá ong của Ngân Vịnh; Dệt của Nguyễn Thị Anh Đào. Các tập lý luận phê bình văn học: Cảm nhận văn chương - Ngôi thứ tư số ít của Nguyễn Minh Hùng; Thu Bồn, nhà thơ trữ tình Đất Quảng của Nguyễn Kim Huy… Những tác phẩm tranh, tượng: Chung sức sau bão của Hồ Đình Nam Kha; Bản sắc Nam miền Trung và Tây Nguyên của Nguyễn Tường Vinh; Ngày mùa của Vũ Dương; Phút nghỉ bên suối của Mai Ngọc Chính; Khát vọng mùa xuân của Phạm Hồng…Các bản nhạc: Sông Hàn của Phan Ngọc; Tình yêu Đà Nẵng của Trần Ái Nghĩa; Sông Hàn trong tôi của Thái Nghĩa; Đà Nẵng tình người của Nguyễn Đình Thậm. Các tác phẩm nghiên cứu âm nhạc: Nhạc đàn kịch dân ca của Trần Hồng; Ca nhạc bài chòi - Ca nhạc kịch hát bài chòi của Trương Đình Quang. Kịch bản sân khấu: Đất thì thầm của Hồ Hải Học. Kịch bản múa Một thời và mãi mãi của Lê Huân, Hồng Hà, Bá Thái. Các bức ảnh: Nắng chiều của Hồ Xuân Bổn; Tiếng trống khai hội của Phùng Đức Dũng; Tình mẫu tử của Phạm Huy Đằng; Lung linh sông Hàn của Ông Văn Sinh; Nâng cấp đường làng của Thân Nguyên. Kịch bản phim Người giữ thành Hà Nội của Huỳnh Hùng; Mẹ rừng của Trương Vũ Quỳnh - Hoàng Tùng; Nhớ đảo của Huỳnh Yên Khê; Trang đời huyền thoại của Huỳnh Hùng, Trí Trung, Rạng Đông. Các tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian: Văn nghệ dân gian đất Quảng của Võ Văn Hòe, Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng; Chuyện làng nghề đất Quảng của Phạm Hữu Đăng Đạt. Tác phẩm: Quy hoạch thiết kế cảnh quan đường Bạch Đằng Đà Nẵng của Nguyễn Văn Chương v...v…

            Những tác phẩm của các văn nghệ sĩ tôi vừa kể trên cùng với nhiều tác phẩm mà tôi không nhớ hết đã được trao giải trong các cuộc thi ở trung ương và địa phương, của các hội chuyên ngành và Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng, của Ủy ban nhân dân Đà Nẵng (5 năm 1 lần), của các hội chuyên ngành Trung ương, của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Đặc biệt trong 10 năm qua, ở thành phố chúng ta có 10 tác giả được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước, hàng chục văn nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú…

            Tôi nhớ có một lần, một nhà báo hỏi tôi:

            - Anh thấy tình hình văn học nghệ thuật ở Đà Nẵng hiện nay ra sao?

            - Đang phát triển tốt và có nhiều tác phẩm đáng chú ý.

            - So với tình hình văn nghệ cả nước, nó đứng ở vị trí nào?

            - Nó đứng ở vị trí như vị trí của Đà Nẵng đối với khu vực và cả nước. Và nó đang cùng nhịp bước với thành phố quê hương…

 

Đà Nẵng 5 - 2013

     T. Q