Sen - Truyện ngắn Trần Nguyễn Yến Nhi

11.07.2013

Sen - Truyện ngắn Trần Nguyễn Yến Nhi

LTS. Cây bút trẻ Trần Nguyễn Yến Nhi (Nhi Trần) hiện là sinh viên khoa Du Lịch - Đại học Huế, từng đạt Giải Ba tại Trại sáng tác Văn học thiếu nhi Đà Nẵng năm 2007 do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức, Huy chương đồng cuộc thi Olympic toàn miền Nam năm 2010. Thời gian qua, Trần Nguyễn Yến Nhi đã gửi bài cộng tác với nhiều báo và tạp chí. Non Nước  gửi đến bạn đọc tác phẩm mới nhất của em. 

 

Sen hồng một độ, em hồng một thuở xuân xanh. Sen buồn một mình, em buồn đến trọn mối tình… (Trịnh Công Sơn)

Chiều tháng Sáu. Những buổi chiều hè nóng nực luôn gây cho tôi cảm giác như công việc nhiều gấp đôi bình thường. Đang vật lộn với mớ chữ nghĩa ngồn ngộn trên trang giấy thì có giọng nói nhẹ nhàng phía cuối cửa: “Dạ chào anh, em là cộng tác viên mới…”. Ngẩng lên, giữa buổi chiều tháng Sáu và mớ giấy tờ bề bộn, tôi lần đầu nhìn thấy nụ cười của em.

Em mặc một bộ áo dài màu hồng phấn nhạt. Trên tà áo là họa tiết một cành sen trắng thanh mảnh. Khuôn mặt em nhìn nghiêng trong nắng chiều mùa hạ, dường như trở nên hơi mơ hồ. Và khi em nở nụ cười, thứ nắng chiều đó như tỏa rạng.

Rất lâu sau này, khi năm tháng làm những đường nét trẻ trung trên khuôn mặt em mờ đi, với tôi dường như sự rực rỡ trong nụ cười em vẫn không hề thay đổi. Khuôn miệng hơi nhếch lên, khóe miệng còn nho nhỏ hai lúm hột gạo, đuôi mắt nheo lại, em nở nụ cười. Đó là một nụ cười thật sự trong sáng và mạnh mẽ.

Đêm rằm. Tôi chạy chiếc xe máy hơn chục cây số đến nhà em. Một căn nhà nhỏ nằm yên tĩnh giữa khu vườn xanh ngát bóng cây. Giữa lúc tiếng chuông thanh mảnh vọng lại từ khung cửa nhà em, tôi ngước nhìn lên giàn hoa giấy phủ trên chiếc cổng nhỏ, tự hỏi không biết mình đã đứng ở nơi này bao nhiêu lần. Bên trong vọng ra tiếng cười nói trong trẻo của trẻ con. Có lẽ là học trò của em. Em rất thích đêm trăng rằm. Tháng nào cũng vậy, hễ đêm rằm là em lại bày biện đủ loại đồ ăn thức uống, bảo học trò đến “thưởng nguyệt”. Em đôi lúc ở giữa đám học trò, cứ như trẻ con, không ngừng cười nói. Những lúc như thế, tôi nhìn mãi không nhận ra đâu là cô đâu là trò.

Đợi một lúc thì em ra mở cửa. Bỗng nhiên tôi nhớ đến lần đầu tiên gặp em. Từ cô gái nhỏ bé, ngơ ngác, giờ đã là một giáo viên thấp thoáng vết nhăn hằn trên đuôi mắt. Duy chỉ có nụ cười, chỉ nụ cười của em vẫn luôn nguyên vẹn. Trong sáng và mạnh mẽ.

Thấy lũ trẻ con tíu tít chuyện trò trong nhà, tôi mỉm cười rồi bước ra sân. Em rất thích nấu nướng, bày biện, cười đùa bên học trò mình. Người ta nhìn vào nhà em, thấy lúc nào cũng toàn một đám con nít, chặc lưỡi bảo, người lớn gì toàn chơi với trẻ con. Người ta bảo em lập dị. Nghe được, em cười. Còn đi khoe với lũ học trò rằng người ta bảo cô lập dị, chơi với mỗi lũ chúng mày. Nhưng tôi hiểu, em thích sự hồn hậu nơi những đứa trẻ vô tư đó. Suy nghĩ của trẻ con rất đơn thuần và trong sáng, không giống như người lớn. Chan hòa với chúng, chính em cũng sẽ được trong trẻo, hồn nhiên.

Đêm trăng tròn, cả khoảnh sân nhỏ sáng lên, có chút mờ ảo, lại có chút rõ ràng. Tôi chợt liên tưởng đến một bức tranh thủy mặc. Ở giữa sân, em đã trải sẵn chiếc chiếu hoa, bên trên bày biện một khay trà nhỏ, và vài chiếc bánh đậu xanh. Tôi ngồi xuống, tiện tay vớ lấy cây đàn bên cạnh, so dây, dạo thử một đoạn. Lâu rồi không đụng đến guitar, bây giờ tay có chút ngường ngượng, giai điệu cứ lạc nhịp. Em nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh, im lặng nhìn tôi thử đàn. Rồi em bảo:

-Anh chơi một bài đi?

Tôi cười:

-Thôi anh chơi dở lắm. Già cả rồi, dây nọ nhớ nhầm dây kia, lạc nhịp hết cả.

-Thì chỉ một bản thôi mà...

-Em muốn nghe bài nào?

-“Đóa hoa vô thường”.

Tôi dạo đàn rồi lẩm nhẩm hát cái đoạn mà mình thích nhất: Sen hồng một nụ, em ngồi một thuở. Một thuở yêu nhau, có vui cùng sầu. Từ rạng đông cao, đến đêm ngọt ngào. Sen hồng một độ, em hồng một thuở xuân xanh. Sen buồn một mình, em buồn đến trọn mối tình...

Em ngồi đó, thinh lặng trong tiếng đàn tôi, ngước mặt nhìn trăng. Trong ánh mắt của em như bao phủ một làn sương nhẹ. Thoáng chốc tôi thấy nó đong đầy thuần một màu trăng. Học trò của em cũng lặng yên, tưởng chừng nghe được làn gió đêm nhẹ thoảng. Trong cái tĩnh lặng của đêm trăng, tôi có cảm giác như không phải là tôi mà một ai đó cất tiếng hát. Liêu trai và mơ hồ. Khàn khàn và đầy thương cảm.

Bài hát kết thúc. Em và học trò vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Đêm về khuya. Lũ trẻ thấm mệt, lặng lẽ kéo nhau vào phòng ngủ. Chỉ còn lại em và tôi.

Em vẫn ngồi bên cạnh tôi, nói bâng quơ những chuyện vô thưởng vô phạt. Từ chuyện em thích nhạc Trịnh đến chuyện sáng nay đi làm được mọi người khen mặc cái áo dài đẹp thế… Toàn những chuyện không đầu không cuối. Tôi chỉ im lặng lắng nghe và mỉm cười. Cái em cần là sự chia sẻ. Và im lặng của tôi, với em đã là chia sẻ.

Những câu chuyện không đầu không cuối như thế tôi đã nghe nhiều năm qua. Vẫn không chán, bởi thế nào khi kết thúc câu chuyện em cũng “khuyến mãi” một nụ cười. Nụ cười làm tim tôi ấm lại, cuộc đời trở nên giản đơn và đẹp đẽ hơn lên rất nhiều.

Cuộc đời của em là một chuỗi truân chuyên, từ khi còn là một cô gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu đến mãi tận bây giờ. Truân chuyên đến mức có lần tôi vừa cười vừa nói với em, chuyện đời em mà đem đi viết tiểu thuyết chắc chắn là ăn đứt Quỳnh Dao. Em cười bảo, vậy khi về già em sẽ viết hồi ký, nhất định sẽ là một best-seller.

Nhưng tôi thấy truân chuyên mà hoàn toàn không bất hạnh. Tôi thương cho cuộc đời em, nhưng là đồng cảm, không phải thương hại. Bởi vì em đã làm cuộc đời mình rực rỡ đủ đầy đến mức không còn chỗ cho hai chữ “bất hạnh” xen vào nữa. Em làm nó rực rỡ bằng nụ cười, cùng với hai đứa con đáng yêu của em. Phải, chính nụ cười trong sáng và rực rỡ tôi nhìn thấy nơi ngày đầu gặp gỡ ấy đã làm cuộc đời em đẹp hơn tiểu thuyết Quỳnh Dao rất nhiều. Và hai đứa con em, cũng giống như em, luôn đối mặt với nỗi “truân chuyên” của cuộc đời bằng một nụ cười rất trong sáng và mạnh mẽ.

Đôi khi nhìn ba con người ấy cười, tôi như thấy trước mắt mình một vườn hướng dương đang nở.

Đã có rất nhiều người hỏi tôi rằng có phải tôi yêu em. Tôi trước đây cũng thường tự hỏi lòng có phải mình yêu em. Nhưng tôi nghĩ là không phải. Chính xác hơn là không hẳn. Có một thứ tình cảm còn cao hơn cả tình yêu, đó là tình người. Tình yêu thường vị kỷ, nhưng tình người bao dung. Nó làm cho chúng ta trở nên trong trẻo và vô tư hơn rất nhiều. Không có ý muốn chiếm hữu, cũng không đòi hỏi, chỉ có thấu hiểu và sẻ chia. Vậy nên tôi nghĩ, tình cảm tôi đối với em chính là thứ tình người ấy.

Tôi thương một người con gái với bao nỗi truân chuyên. Và tôi cảm phục một người con gái với nụ cười tỏa rạng luôn muốn hướng đến mặt trời. Tôi ngồi xuống đây, cùng em hát khúc đồng dao. Chỉ vậy thôi.

***

Đã gần ba năm rồi, tôi chuyển công tác vào Sài Gòn. Đất chật người đông, cả ngày cặm cụi làm việc như quên hết thời gian. Một hôm ngồi gõ bàn phím máy vi tính, chợt thấy lưng mỏi, tay nhức, giật mình soi gương, nhận ra đầu đã lốm đốm vài sợi bạc.

Chiều nay đi làm về, chạy ngang con đường rợp bóng cây xanh quen thuộc, bỗng thấy một gánh hàng hoa sen đung đưa theo nhịp đi của người phụ nữ đội nón lá. Ngắm nhìn những cánh sen phớt hồng trong làn nắng chiều, tôi chợt nhớ tới em. Ngày đầu gặp nhau, em cũng mặc tà áo dài có họa tiết những cánh sen mềm mại như thế này cùng với nụ cười tỏa rạng nắng chiều. Khoảng cách địa lý bây giờ xa quá, tôi chỉ có thể ngắm nhìn nụ cười hướng dương ấy trong tâm tưởng. Đầu tôi đã nhiều sợi bạc, không biết nụ cười rạng rỡ ấy của em liệu có phai nhòa?

Tôi thường nghĩ em giống như một bông hoa hướng dương kiên cường tỏa sáng dưới ánh mặt trời. Nhưng trong buổi chiều hôm ấy, khi nhìn những bông hoa sen hồng mịn nơi gánh hàng, tôi lại nghĩ em trong tôi chính là một cành sen. Cành sen ấy đã nở mông mênh vô thường trong câu hát tôi đàn em nghe năm nào: Sen hồng một độ. Em hồng một thuở xuân xanh

T.N.Y.N