Gian nan đường về đích - Huỳnh Lê
Sau một năm thực hiện Chỉ thị số 18 CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn thành phố”, vùng đất Hòa Vang đã thực sự thay da đổi thịt. Tuy nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn vì chỉ tiêu đưa ra và hoàn cảnh thực tế còn nhiều bất cập.
Điểm nhấn tạo nên sự thay đổi
Nếu ai đã từng sinh sống hay đến Hòa Vang cách đây 5, 10 năm, giờ quay lại, chắc hẳn sẽ nhanh chóng nhận ra sự thay đổi đó. Sự thay đổi theo hướng tích cực. Trong từng nếp nhà, cuộc sống diễn ra tươi vui và đầm ấm. Quán xá mọc lên khắp nơi. Những con đường nhựa, bê-tông len lỏi tận xóm làng. Sự đổi thay ấy, như ông Trần Hữu Giật, thôn 5 xã Hòa Khương, người đã hiến 250m2 đất thổ cư và tự tháo dỡ 70m tường rào xây dựng NTM bày tỏ “đó là điều mà người dân chúng tôi bao đời nay ao ước. Là điều tôi mong muốn con cháu mình được thụ hưởng trong tương lai”.
Cùng với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, nhiều mô hình sáng tạo cấp xã đã góp phần giúp vùng đất này ngày càng khởi sắc. Nhiều tiêu chí NTM được hoàn thành. Cụ thể, xã Hòa Châu đạt 17/19 tiêu chí, xã Hòa Tiến đạt 16 tiêu chí; xã Hòa Phước đạt 14 tiêu chí, xã Hòa Phong và Hòa Phú cùng đạt 13 tiêu chí… Bên cạnh đó, UBND huyện Hòa Vang cũng đã hoàn thành chi tiết quy hoạch 11/11 xã. Đến thời điểm này được thành phố phê duyệt thực hiện tại 9 xã. Các công trình trụ sở làm việc, chợ, điện chiếu sáng, nhà văn hóa thôn, hệ thống xử lý, thu gom rác được triển khai rộng khắp tại nhiều xã trên địa bàn.
Có thể nói, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu đột phá, quan trọng nhất trong xây dựng NTM. Do đó, các cấp, ngành thành phố, huyện đã quan tâm chỉ đạo, tập trung lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Trong 2 năm đã thực hiện 68 công trình với tổng kinh phí đầu tư gần 109 tỷ đồng. Đặc biệt trong năm 2012, huyện Hòa Vang đã tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư giao thông kiệt hẻm theo chuẩn NTM (mặt đường bê tông từ 3,5m-5m). Theo phương thức nhà nước hỗ trợ xi măng và 30 đến 50% cát sạn (tùy theo từng xã) thực hiện gần 22 km giao thông kiệt xóm. Đã có hàng trăm hộ gia đình tự nguyện hiến đất, chặt cây, phá dỡ tường rào, cổng ngõ, mồ mả, đóng góp kinh phí vật liệu (cát, sạn). Điển hình như hộ bà Lê Thị Hiên thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước tự nguyện hiến 520m2 đất đang trồng đậu phụng hay hộ ông Nguyễn Văn Long, thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc hiến 320m2 đất thổ cư...
Để bà con yên tâm sản xuất, UBND huyện Hòa Vang đã đầu tư 32 công trình với tổng kinh phí 35,7 tỷ đồng. Ngoài ra, đầu tư gần 18 tỷ đồng nhân rộng các mô hình sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả như trồng nấm ở Hòa Tiến, nuôi tôm ở Hòa Liên, trồng dưa hấu ở Hòa Khương, Hòa Phong… Nhằm tạo nên sự phát triển đồng đều, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, tại buổi sơ kết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cho biết, thời gian tới thành phố sẽ tổ chức buổi trao đổi giữa người dân và doanh nghiệp, đưa sản phẩm nông nghiệp của Hòa Vang vào bày bán tại siêu thị. Tạo điều kiện để người dân quảng bá sản phẩm của mình ra thị trường thông qua việc trưng bày sản phẩm tại các hội chợ. Đây được kỳ vọng là giải pháp quan trọng để giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân thời gian đến.
Còn đó những vấn đề khó
Đơn cử, trong 19 tiêu chí NTM, có 1 tiêu chí chưa xã nào ở Hòa Vang đạt được là cơ sở vật chất văn hóa. Theo quy định, xã đạt NTM phải có nhà văn hóa (NVH) từ 500m2 trở lên, khu thể thao đạt chuẩn từ 2.000m2 trở lên. Với yêu cầu này, chỉ có 40% NVH ở Hòa Vang đạt chuẩn. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, xã được công nhận NTM phải có 70% số thôn trở lên đạt chuẩn văn hóa. Để thực hiện điều đó, nhiều xã vẫn đang chật vật xoay sở bởi gặp không ít khó khăn, vướng mắc về đất đai và nguồn kinh phí xây dựng.
Đạt 10/19 tiêu chí, xã Hòa Khương vẫn nằm trong nhóm xã có tỷ lệ đạt chuẩn thấp nhất ở Hòa Vang. Ông Trần Hữu Bình, Trưởng phòng Văn hóa-Xã hội cho biết, một trong những vướng mắc tạo sức ì trong quá trình triển khai xây dựng NTM ở Hòa Khương là quỹ đất và nguồn kinh phí. Hiện nay toàn xã có 11/11 thôn có NVH với diện tích trung bình hơn 200m2, chỉ có 2 NVH đạt chuẩn trên 500m2 nằm ở thôn Gò Hà và Phú Sơn 3. Trong đó, khuôn viên NVH Phú Sơn 3 dù có diện tích đáng mơ ước là 1300m2, gồm 100 chỗ ngồi nhưng đến nay, sau 10 năm sử dụng đã xuống cấp trầm trọng, nền bê-tông sụt lún, mái tôn bị dột, thiếu công trình phụ như khu thể thao đơn giản, nhà để xe, nhà vệ sinh…
Ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Hòa Vang cho biết, trong năm 2012, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án “Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa giai đoạn 2012-2015” để giúp địa phương thực hiện tiêu chí cơ sở văn hóa theo quy định của Bộ. Qua đó, thành phố sẽ đầu tư xây dựng mới 23 NVH thôn theo chuẩn NTM ở các xã, phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 100% thôn có NVH và 85% số NVH đạt chuẩn theo quy định của Bộ.
Tuy nhiên, trước tình hình toàn huyện 118 thôn, có 8 thôn chưa có NVH và 78 NVH thôn thiếu trang thiết bị tối thiểu cho các hoạt động. Chưa xã nào có NVH cấp xã đạt chuẩn thì đây quả là thách thức không nhỏ. Nhằm tăng tính đồng thuận trong nhân dân, cũng như cố gắng hoàn thành tiêu chí này, lãnh đạo huyện Hòa Vang đã giao các xã xây dựng Đề án NTM phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Đề án hoàn thiện có sự đóng góp ý kiến của người dân và được công bố ngay sau khi được cấp trên phê duyệt.
Được biết, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM tại huyện Hòa Vang trong hai năm 2011 và 2012 là hơn 370 tỷ đồng. Riêng nhân dân đóng góp xây dựng giao thông kiệt xóm và nhà văn hóa hơn 10,2 tỷ đồng. Theo lộ trình đặt ra, toàn huyện Hòa Vang phấn đấu cuối năm 2013 sẽ có 2/11 xã là Hòa Châu và Hòa Tiến đạt chuẩn xã NTM. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi mà tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa còn đang vướng những khó khăn về diện tích, cơ sở vật chất thiết yếu, thì lộ trình này, vẫn còn là thách thức không nhỏ ở từng địa phương trên địa bàn toàn huyện.
H.L