Thành phố và những cây cầu - Nguyễn Văn Tám

11.07.2013

Thành phố và những cây cầu - Nguyễn Văn Tám

Trước năm 2000 nối bờ đông và bờ tây sông Hàn vỏn vẹn có hai cầu:  cầu Đờ Lát do người Pháp xây dựng vào những năm 40 của thế kỷ trước rồi đổi tên là Trịnh Minh Thế và cầu đường sắt không có tên. Sau giải phóng, chính quyền cách mạng đặt tên cho cầu Trịnh Minh Thế là cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu đường sắt là cầu Trần Thị Lý. Ngoài ra còn có một bến phà ngang nối hai bờ sông Hàn. Do chiến tranh mấy mươi năm đoạn đường sắt này ngừng hoạt động nên tàu hỏa không còn đi trên cầu nữa. Cầu Nguyễn Văn Trỗi vốn là cầu quân dụng lắp ghép dùng cho việc chuyên chở khí tài chiến tranh từ cảng Tiên Sa vào các kho quân nhu nội thành Đà Nẵng, phục vụ  cho chiến tranh đánh nhanh thắng nhanh nên khi đưa vào phục vụ dân sinh đã không chịu nổi tải trọng qua lại trên cầu mỗi ngày. Vận chuyển thô sơ cả thành phố và vùng lân cận phải đi qua bến phà sông Hàn. Tất cả xe máy, xe đạp, con người đều chất lên phà một cách lộn xộn. Ngày ấy không có phao bơi cho hàng mấy trăm con người, nếu lỡ xảy ra tai nạn thật khó có thể lường được hậu quả. Những chiếc thuyền nhỏ nép mình bên bờ sông Hàn đợi khách đầu đường Quang Trung lèo tèo heo hút. Bây giờ nhớ lại, nghe lại tiếng gọi đò trong mưa mà thắt lòng.  

 

   Quảng Nam-Đà Nẵng là một tỉnh lớn. Việc phân bổ vốn ngân sách cho giao thông nói chung và cầu đường nói riêng như muối bỏ biển. Ngày ấy có hai công trình thi công cùng một lúc là Tượng đài Liệt sĩ tại Quảng trường 2-9 bây giờ và nâng cấp cầu đường sắt Trần Thị Lý. Vì thiếu vốn nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trương Quang Được ưu tiên thi công cầu đường sắt trước và xây tượng đài liệt sĩ chậm hơn. Nâng cấp mặt cầu bằng cách tháo dỡ đường sắt cũ, lát mặt cầu bằng gỗ tẩm dầu, phủ nhựa lên mặt cầu. Cùng một lúc tháo dỡ tuyến đường sắt chạy trên đường Đống Đa ra tận đường Bạch Đằng trước Ủy ban nhân dân thành phố bây giờ. Bóc tiếp đường sắt chui qua Cầu Vồng sau chợ Cồn đến ngã tư Quân đoàn, chạy thẳng ra cảng Tiên Sa. Đồng chí Trương Quang Được nói một câu đầy ý nghĩa, tôi còn nhớ đại ý như sau:“ Người chết thì đã chết rồi, tập trung và ưu tiên cho người đang sống và thi công cầu đường sắt trước. Tôi tin các anh hùng liệt sĩ cũng  ủng hộ chúng ta”.

     Trung ương muốn miền Trung bật dậy mọi mặt nên có hướng chỉ đạo tập trung cho thành phố Đà Nẵng. Năm 1997, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được tách thành hai đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Nhưng phải sáu năm sau, Đà Nẵng mới được chính thức công nhận là thành phố loại Một trực thuộc Trung ương. Đó là thành quả nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi suốt một chặng đường dài của nhân dân và cán bộ thành phố Đà Nẵng. Từ kết quả đó Đà Nẵng đã bật dậy vươn lên với tư tưởng dám nghĩ dám làm và năng động. Công trình đột phá đầu tiên là mở đường từ sân bay Quốc tế Đà Nẵng đến đường Hoàng Diệu đặt tên đường Nguyễn Văn Linh. Cùng lúc khai thông tuyến đường Hàm Nghi, xẻ đôi Bàu Thạc Gián. Làm mới đường Phan Thanh, đường 2 tháng 9 nối đường Cách mạng tháng Tám. Các nhà hàng, khách sạn, quán bar, cà phê  theo nhau mọc lên, xây dựng theo kiến trúc hiện đại. Diện mạo Đà Nẵng không ngừng đổi mới…

    Không chỉ dừng lại ở đó, ý nghĩ làm cầu sông Hàn để xóa đò ngang, nối đôi bờ theo ước nguyện của nhân dân cũng được cả thành phố đồng thuận và trở thành quyết tâm của Đà Nẵng.

    Vẫn biết con đò qua lại sông Hàn đã từng gắn bó bao đời với người dân, là tâm tư, là hoài niệm một đời người. Bến đò là nơi cất giấu một phần tâm hồn, tính cách một vùng đất. Cầu không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông mà còn là phương tiện kết nối kinh tế, văn hóa của hai bên bờ sông. Bao nhiêu tâm huyết của lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng cho cây cầu sông Hàn - chiếc cầu quay đầu tiên ở Việt Nam - biểu tượng của thành phố ra đời. Ngày ấy thi công cầu sông Hàn cực khổ trăm bề. Thành phố mời những kỹ sư có kinh nghiệm từ Hà Nội vào chỉ đạo thi công như kỹ sư Chu Ngọc Sũng, giám đốc Tổng công ty cầu lớn (Tecdi) làm chuyên gia. Ông Vũ Bá Cường chuyên về nền móng là chuyên gia khoan cọc nhồi – một công nghệ mới đối với nước ta lúc bấy giờ. Thành phố mời những công ty của Trung Quốc thi công những hạng mục khó như phần hạ bộ nền móng và hệ thống phần thép đoạn giữa cũng như toàn bộ hệ thống quay của cầu. Mọi công việc tưởng như êm ả trôi xuôi nhưng ông trời như muốn thử thách Đà Nẵng một lần nữa để giao thêm nhiệm vụ lớn hơn. Những đợt lũ từ thượng nguồn tràn về phá vỡ đường công vụ nối từ bờ ra trụ cầu bằng ván thép (Blatxen) đóng sâu kiên cố. Thấy đường công vụ bị lũ cuốn trôi, nhân dân ra xem xót xa như chính nhà mình bị thiệt hại.

    Ngày khánh thành cầu sông Hàn, người dân Đà Nẵng và địa phương lân cận đứng xem không có chỗ chen chân. Cả đời tôi chưa thấy địa phương nào nhân dân góp tiền xây cầu nhiều như ở Đà Nẵng. Tiền Ngân sách 60%, tiền cán bộ, chiến sĩ nhân dân và các công ty trên địa bàn đóng góp chiếm 40%. Thế mới thấy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

 Cầu sông Hàn vừa khánh thành xong lại làm tiếp cầu Cẩm Lệ và sau đó là thi công cầu Thuận Phước rồi lên phương án xây cầu Hòa Xuân (dài 303m55, rộng 14,5m), hiện đang tiếp tục mở rộng và thay đổi kết cấu, hình dáng hiện đại hơn. Cầu Thuận Phước dài 1.855m với chiều rộng mặt cầu 18.0m . Kết cấu cầu Thuận Phước là cầu dây văng chịu lực với đường kính 40cm. Thành phố Đà Nẵng đón đầu khách du lịch tuyến đường xuyên Á từ Thái Lan, Cămpuchia, Miến Điện và Lào qua cửa khẩu Lao Bảo về Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn… Địa chất cửa sông gặp đá ngầm rất phức tạp. Áp lực gió tại cửa biển thất thường. Độ cao tĩnh không phù hợp cho tàu thuyền qua lại. Thành phố chưa có kinh nghiệm mời đơn vị thi công chuyên nghiệp, một phần cầu dây văng liên hợp ít phổ biến trên thế giới. Mặt khác quan trọng hơn là vốn không đáp ứng kịp thời cho đơn vị thi công. Giá vật liệu tăng đột biến, tất cả khó khăn chồng chất nên thi công rất chậm, gần bảy năm sau, tháng 7 năm 2009 cầu Thuận Phước mới hoàn thành.

      Niềm tự hào hân hoan của người dân Đà Nẵng khi cầu Thuận Phước hoàn thành không kém gì khi hoàn thành cầu sông Hàn. Song song với thi công cầu Thuận Phước, Trung ương cấp vốn thi công cầu Tuyên Sơn dành cho xe siêu trường siêu trọng nhận hàng hóa từ Cảng Tiên Sa đi khắp nơi. Cầu Cẩm Lệ, Hòa Xuân lần lượt khánh thành. Ba chiếc cầu hiện đại hơn là cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Trần Thị Lý và cầu Rồng lên phương án thi công. Những cầu mới xây đã làm cho bộ mặt thành phố thay đổi lạ kỳ. Những cây cầu thi công sau này tuy phức tạp về kết cấu và hình dáng, nhưng trong quá trình thi công đều hoàn thành đúng tiến độ. Có lẽ thuận ý trời và thuận lòng dân mới nhanh như vậy. Cầu Nguyễn Tri Phương hình thức quản lý đặc biệt hơn. Cơ quan chủ quản là Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và Authoriti in Charge. Chủ đầu tư là Investor. Điều hành dự án là : Project Operator. Riêng cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý được tuyển chọn thiết kế qua cuộc thi và công ty WPS của Phần Lan giành giải nhất. Cầu Rồng là biểu tượng khát vọng vươn ra biển lớn của thành phố Đà Nẵng. Hai cầu thiết kế rất hiện đại không trùng hợp với bất cứ đâu ở Việt Nam. Thời gian thay đổi, khoa học kỹ thuật nói chung và công  nghệ thiết kế xây dựng cầu đã đi xa quá tầm hiểu biết của một kỹ sư vừa học xong vào chiến trường kinh nghiệm ít ỏi như tôi. Ngày là sinh viên, sách và thầy dạy thiết kế phải đối xứng để triệt tiêu lực như cầu sông Hàn hoặc cầu Thuận Phước. Nhưng cầu Trần Thị Lý thì kết cấu lệch tâm với đối trọng là những hố thế đặc biệt. Ở đây dây treo không cân xứng và trụ đỡ giữ dây treo cao 143m có thang máy bên trong, lệch với phương thẳng đứng nghiêng 12 độ! Cầu dài 731m, rộng 34.5m. Còn cầu Rồng dài 666.656m, rộng 36 đến 37.5m. Hai cầu thi công không cùng thời gian nhưng cả hai đều kịp tiến độ hoàn thành vào dịp lễ quan trọng kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng Đà Nẵng 29 tháng Ba. Tôi không thể nào bắt nhịp được với công nghệ mới hiện đại thế kỷ 21 và trở thành con người muôn năm cũ! Cầu mới bắc qua sông sẽ làm sống lại một vùng đất, vành đai xanh, khu công nghiệp sau này. Người ta từng bắc điện trên những con đường mới mở, nhưng  vẫn là những bóng đèn cô đơn tự soi bóng mình. Mắc điện trên những cây cầu sẽ phát huy sức tỏa sáng một bóng thành hàng trăm, hàng vạn bóng đèn vỡ vụn in xuống mặt nước lung linh, huyền ảo.

    Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố lớn nhất nước, có nhiều điểm trung tâm với những công trình thế kỷ. Nhiều trung tâm, nhiều điểm nên trung tâm nào cũng hoành tráng và loãng. Đà Nẵng lấy một điểm sông Hàn là trung tâm, làm điểm nhấn để từ đây lan tỏa tới Hội An và những vùng lân cận. Trời ban cho Đà Nẵng thế núi, thế sông, thế biển là có thật, nhưng nếu không biết thay đổi làm mới Đà Nẵng mà cứ ôm mấy cái thế được trời ban đó thì Đà Nẵng vẫn ngàn năm là Đà Nẵng xưa! Con người Đà Nẵng nhạy cảm, năng động, dám nghĩ dám làm và làm quyết liệt.

      Ngần ấy những thành quả lao động không mệt mỏi của nhân dân thành phố Đà Nẵng làm cho cả nước biết, khu vực Đông Nam Á và một số nước trên thế giới biết. Muốn “người ta” biết “mặt mày phải đẹp và sáng ”. Muốn vậy chỉ bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng hấp dẫn, xanh, sạch, đẹp và có nếp sống văn minh lịch sự. Có như vậy mới thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Làm có cái được, cái chưa được. Những cái chưa được còn nhiều như có người nói Đà Nẵng làm mới mình khập khiễng không cân đối. Đúng! Công nghiệp, nhà máy chưa làm ra sản phẩm thiết thực đáp ứng nhu cầu cuộc sống của nhân dân. Đúng! Tất cả họ nói rất đúng. Nhưng…không thể xây dựng Kim Tự Tháp trong vòng ba ngày! Ranh giới giữa đúng và sai còn mong manh nhưng một Đà Nẵng trẻ trung, hiếu động đáng sống như hôm nay là khát vọng, là ước mơ của nhân dân Đà Nẵng và thế hệ chúng tôi – những người chân ướt chân ráo bước ra từ chiến tranh. Nói và làm là một khoảng cách rất gần nhưng cũng xa vời vợi. Phải đổi bằng suy nghĩ vắt não, bằng lao động cật lực, bằng đoàn kết nhìn về một hướng mà bây giờ người ta quen gọi là đồng thuận. Những mặt chưa được như người ta đã chân thành góp ý sẽ dành cho thế hệ kế tiếp có kiến thức khoa học kỹ thuật và có tâm có tầm hết mình vì thành phố Đà Nẵng, vì đất nước thân yêu này.

      Đi đâu xa tôi cũng mong về Đà Nẵng để được hưởng chút gió thơm bên bờ sông Hàn. Gió biển Đà Nẵng tinh khiết lắm.

     Đêm pháo hoa năm nay Đà Nẵng lung linh kỳ ảo và đẹp nhất trong các cuộc thi bắn pháo hoa Quốc tế bên bờ sông Hàn. Cả nước nhìn Đà Nẵng qua màn hình với những cảm xúc khác nhau. Những chiếc cầu hiện đại dăng ngang trên sóng nước sông Hàn để biết thêm một Đà Nẵng như mơ. Giữa niềm vui thăng hoa trong đêm pháo hoa tôi nhận những cú điện thoại và tin nhắn từ bạn bè, người thân bốn phương, kể cả lớp cũ ngày còn là sinh viên ở trường Đại học Giao thông Hà Nội gọi về khen Đà Nẵng của tôi đẹp lắm. Lòng tôi bồi hồi nhớ lại những tháng năm gian khổ cùng mọi người bước vào công cuộc đổi mới cam go và đầy niềm tin về thành  phố của mình - nơi mình gắn bó vui cùng vui, buồn cùng buồn, trăn trở như máu thịt.

 

N.V.T