10 năm nghệ thuật múa Đà Nẵng - Lê Huân

11.07.2013

10 năm nghệ thuật múa Đà Nẵng - Lê Huân

Sau 10 năm thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị loại 1 (2003-2013), nghệ thuật múa cũng như các ngành văn học – nghệ thuật khác của Đà Nẵng có những bước chuyển biến tốt đẹp.

            Hiện nay Hội Nghệ sĩ múa thành phố Đà Nẵng đã có gần 60 hội viên bao gồm nghệ sĩ hoạt động ở các chuyên ngành sáng tác, huấn luyện, biểu diễn và hoạt động phong trào. Gần nửa anh chị em nghệ sĩ múa Đà Nẵng là hội viên Trung ương.

            Năm 2002, cùng với Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, Hội Nghệ sĩ múa thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nghệ sĩ múa thành phố Đà Nẵng đã đứng ra tổ chức cuộc giao kết tổ chức hội múa của 3 thành phố lớn nhằm cùng với Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đẩy mạnh mọi hoạt động về cả chiều sâu, chiều rộng cho nghệ thuật múa Việt Nam.

            Về sáng tác, nghệ thuật múa Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động văn học – nghệ thuật của thành phố. Hai lần Ủy ban nhân dân thành phố trao giải thưởng lớn (5 năm 1 lần cho văn học – nghệ thuật). Tác phẩm múa cả 2 lần được xếp giải thưởng đầu đó là kịch múa “Huyền tích Ngũ Hành Sơn” và kịch múa “Một thời và mãi mãi” của NSND Lê Huân cùng tập thể cán bộ diễn viên Hội Nghệ sĩ múa tham gia xây dựng.

            Cần nói thêm rằng, sự thành công của 2 vở kịch múa này đã đưa vị thế nghệ thuật múa Đà Nẵng lên với tầm cao của nghệ thuật múa trong nước, bởi không phải địa phương nào cũng có thể xây dựng được thể loại nghệ thuật múa đỉnh cao này. Ngoài 2 vở kịch múa trên còn có các tác phẩm múa khác ở thể loại ngắn như “Dũng sĩ Núi Thành”, “Sông lửa”, “Bờ khát” của NSƯT Hồng Hà, “Nước thiền” của NSƯT Thiện Tâm, “Thủ Thiện giả quan” của NSND Lê Huân, “Học trò xứ Quảng” của NSND Lê Huân và Hoài Nam.

            Những biên đạo khác như NSƯT Hoàng Ngọc Chiến, Hội An, Kiều Như, Hoài Nam, Vũ Mạnh v..v.. đều hoạt động sáng tác rất tích cực, có nhiều sáng tác phẩm về múa, hát múa cho các đoàn ca múa nhạc thành phố, Đoàn văn công Quân khu V, Trường văn hóa nghệ thuật.

            Đặc biệt những chương trình lễ hội lớn của thành phố như chương trình văn hóa - du lịch biển Đà Nẵng lần thứ I, chương trình kỷ niệm 35 năm giải phóng Đà Nẵng, các nghệ sĩ múa Đà Nẵng đã tham gia sáng tác, biên đạo và biểu diễn với tinh thần chủ động sáng tạo và đi tới thành công.

            Đi đầu trên cả nước về cung cách xã hội hóa nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ múa thành phố đứng ra xây dựng đoàn nghệ thuật dân gian Non Nước, định hướng bản sắc dân gian, dân tộc, có dàn nhạc dân tộc riêng. Đoàn đã tổ chức sáng tác, xây dựng và biểu diễn nhiều chương trình phục vụ cho khán giả Đà Nẵng, phục vụ cho đối ngoại, du lịch, lễ hội và tham gia các hội thi toàn quốc của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức như thi múa dân tộc, múa ít người v..v..

            Công tác đào tạo diễn viên múa cũng được chú trọng. Hằng năm, Trường văn hóa - nghệ thuật thành phố đã đào tạo các lớp diễn viên múa có trình độ trung cấp. Phối hợp với các trường đại học nghệ thuật ở Trung ương để đào tạo biên đạo, cán bộ huấn luyện cho các đoàn nghệ thuật trên địa bàn thành phố và khu vực miền Trung. Đội ngũ cán bộ giảng dạy chuyên trách của trường như Hội An, Dương Ngọc Lai, Lê Thị Hậu, Hoàng Anh Tú, các cộng tác viên Kim Huê, Thúy Anh, Phan Thục Linh, Hoài Nam, NSƯT Hồng Hà, NSND Lê Huân đều là những hội viên, những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm và nhiệt huyết để tạo nên các thế hệ nghệ sĩ múa nối tiếp.

            Trong cơ chế thị trường, nghệ thuật múa Đà Nẵng đang tích cực tiếp thu hội nhập. Đội ngũ nghệ sĩ giảng viên khiêu vũ, huấn luyện múa đường phố như Hip hop, Break Dance, Dance sport được tổ chức hội quan tâm động viên phát triển. Bên cạnh đó là sự duy trì phát triển huấn luyện múa dân tộc cho trẻ mầm non, cho thiếu niên nhi đồng ở nhà thiếu nhi thành phố, tổ chức các lớp bồi dưỡng khả năng biên đạo quần chúng tại Trung tâm văn hóa thành phố.

            Công tác nghiên cứu lý luận, sưu tầm về múa tuy ít người có khả năng tham gia nhưng hàng năm vẫn có những đóng góp tích cực cho ngành múa Việt Nam như một số bài viết của NSND Lê Huân, công trình sưu tầm múa KaTu, Giẻ chiêng, Chu ru của NSƯT Thiện Tâm.

            Hội Nghệ sĩ múa thành phố Đà Nẵng tới nay được nhà nước phong tặng danh hiệu và giải thưởng nghệ thuật cao quý cho nghệ sĩ Lê Huân: Nghệ sĩ nhân dân, giải thưởng Nhà nước; các Nghệ sĩ ưu tú: Hoàng Ngọc Chiến, Phan Hồng Hà, Nguyễn Thiện Tâm, Đào Minh Vân. Nhiều nghệ sĩ đang phát huy hết khả năng, sức lực của mình cho sự nghiệp nghệ thuật múa trên thành phố Đà Nẵng.

            Các nghệ sĩ tuy còn gặp nhiều khó khăn trong mưu sinh, khó khăn để dàn dựng tác phẩm bởi múa là một nghề thể hiện nghệ thuật bằng cơ thể, sức lực ngoài trí tuệ, trái tim mình. Mỗi tác phẩm múa là một công trình tập thể cần nhiều sự hỗ trợ của âm nhạc, sân khấu, phục trang, bài trí. Không có kinh phí, không thành điệu múa để diễn được cho người xem. Nghệ sĩ múa của thành phố tin rằng, qua chặng đường phát triển về kinh tế-xã hội của Đà Nẵng, nghệ thuật múa cũng sẽ được quan tâm hơn để theo cùng nhịp điệu thành phố.

 

L.H.