Nơi mười mùa hoa đi qua - Ký Văn Thành Lê

11.07.2013

Nơi mười mùa hoa đi qua -  Ký  Văn Thành Lê

Thượng tuần tháng 4 vừa qua, một đồng nghiệp chạy cái phóng sự ảnh “Đà Nẵng rực rỡ sắc hoa” rất hoành tráng trên báo Đà Nẵng cuối tuần kèm theo lời giới thiệu: Không chỉ nổi tiếng là thành phố đáng sống, thành phố của những cây cầu độc đáo, những ngày này, khi đặt chân đến Đà Nẵng, du khách sẽ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng trước cảnh sắc tuyệt đẹp của hàng chục loài hoa đang đua nhau khoe sắc trên khắp các nẻo đường thành phố...

Chuyện về một bản tin

Lần đó, nhà báo Đặng Ngọc Khoa gọi điện cho tôi thì tôi đang ở tít trên Hòa Sơn, loay hoay cùng với mấy đứa em trong gia đình thực hiện các nghi thức tâm linh cải táng mộ ông bà nội ở Nghĩa trang Hòa Sơn dưới sự hướng dẫn của chú tôi. Sự kiện quan trọng vậy sao ông không dự mà bỏ đi lang thang tận đâu thế? – Khoa hỏi. Biết tôi đang làm việc gia đình cũng không kém “quan trọng”, theo quan niệm Á Đông thì không thể thay đổi ngày giờ, anh cười sằng sặc qua điện thoại: Nói dzui dzậy thôi, chứ ông lo việc nhà chu đáo đi nha, việc nước đã có tui lo rồi.

“Việc nước” theo cách nói của Khoa, hôm đó, 30-12, là ngày UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức tại tiền sảnh Nhà hát Trưng Vương lễ công bố Quyết định số 145/2003/QĐ-TTg ngày 15-7-2003 của Thủ tướng Chính phủ công nhận Đà Nẵng là Đô thị loại 1. Đúng một tháng trước đó, tôi đã mục kích hàng nghìn người thuộc mọi tầng lớp đạp xe đạp trên đường Nguyễn Tất Thành – con đường được cho là thơ mộng nhất thành phố - để chào mừng sự kiện “2 trong 1”: Đà Nẵng được “lên chiếu trên” và SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam, qua đó kêu gọi công dân cùng tham gia xây dựng và bảo vệ thành phố xanh, sạch, đẹp.

Cái ngày công bố quyết định trọng đại ấy, tôi lấy làm tiếc là mình không được tham dự, nhưng có thể mường tượng ra tất cả qua tường thuật của đồng nghiệp ngoài đời thường (có pha chút văn nghệ văn gừng) hay trên trang báo, trên màn ảnh nhỏ (tất nhiên, chỉnh chu hơn). Tôi đọc thấy tin Khoa đưa trên báo Thanh Niên với lời bình: “Đà Nẵng không chỉ là một trong 4 thành phố lớn nhất Việt Nam mà còn là đô thị hạt nhân miền Trung trong thời kỳ phát triển mới”. Anh còn thông tin thêm về viễn cảnh xán lạn không xa của thành phố bên bờ sông Hàn:

“Hiện Đà Nẵng đang tiếp tục phát triển đô thị về phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam và Đông Nam. Sông Hàn vẫn là trục cảnh quan thiên nhiên quan trọng. Sau cầu Sông Hàn, cầu Cẩm Lệ và cầu Tuyên Sơn đã hoàn thành, sẽ có thêm 2 cây cầu nữa là Hòa Xuân và Thuận Phước bắc ngang sông Hàn trong nay mai. Đặc biệt, cầu Thuận Phước sẽ nối trung tâm thành phố với bán đảo Sơn Trà và đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc, một tuyến đường du lịch rất quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của Đà Nẵng”.

Động từ được chia ở thì tương lai trong bản tin mười năm trước giờ đã là thì quá khứ. Có điều, so với bản tin đó thì mười năm sau đã khác hơn nhiều, sông Cẩm Lệ giờ đã có thêm cầu Nguyễn Tri Phương, sông Hàn có thêm cầu Rồng và cầu mới thay nhịp Trần Thị Lý. Tên gọi cầu Tuyên Sơn (tạm gọi theo tên dự án) đã được chính thức “cải danh” thành cầu Tiên Sơn – một làng quê của đất Hòa Cường xưa – theo một Nghị quyết của HĐND thành phố về đặt, đổi tên đường và công trình công cộng ở Đà Nẵng.

Một bài thơ của Ngân Vịnh đã được Đình Thậm phổ nhạc, có câu: “Núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi”. Tương tự thế, Nguyễn Văn Soong cùng với Minh Đức cũng đã gửi vào người yêu thơ, yêu nhạc một tự tình rất riêng, rất Đà Nẵng: “Thành phố đầu cửa biển. Thành phố cuối dòng sông”. Trong mười năm qua, ở nơi “đầu biển, cuối sông” ấy đã có biết bao đổi thay đến diệu kỳ, từ những công trình dựng lên trên mặt đất cho đến những công trình dựng lên trong lòng người. Trong chặng đường mười năm ấy, trong hành trang người Đà Nẵng mang theo có cả hoan nghênh, đồng thuận xen lẫn phản biện, đối thoại, nhưng tựu trung vẫn từng bước khẳng định thành công của tư duy Đà Nẵng, cách làm Đà Nẵng trước bạn bè trong nước và quốc tế.

Trong các hướng mà Đà Nẵng tiếp tục phát triển đô thị về nơi đó, như bản tin của Khoa mười năm trước, tôi nghiệm lại trong bước đường “tác nghiệp” của mình, vẫn thấy thinh thích cái hướng Tây Bắc. Nói đến phía này, hình như hầu hết mọi ý nghĩ đều hướng đến vùng đất Liên Chiểu với những đổi thay chóng mặt về phát triển đô thị trong mười năm qua. Tôi thì khác. Tôi đi xa hơn chút, cũng về hướng Tây Bắc, nhưng đến tận cùng miền đất có người ở về phía Bắc của huyện nông thôn Hòa Vang, nơi đã lưu lại trong tôi những kỷ niệm khó quên.

“Héo mặt son”

Một thời, Giàn Bí và Tà Lang - hai thôn xa của người Cơtu ở xã Hòa Bắc, là địa chỉ để “thử sức” cán bộ người Kinh. Từ trung tâm xã lên Giàn Bí chỉ non 8 cây số, nhưng đường sá ngày đó chẳng khác gì đường vào đất Thục đã được đại thi hào Lý Bạch mô tả trong bài “Thục đạo nan” qua lời dịch của Trần Trọng San: “Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh/ Khiến người nghe nói héo mặt son/ Núi liền cách trời chẳng đầy thước/ Thông khô vắt vẻo vách cao ngất”.

Phương tiện lúc đó rặt là xe thồ, có hẳn một “đội quân” đóng dưới chân cơ quan ủy ban xã, gồm các loại xe chuyên lội đường núi như Minsk, Simson… Đường vào đất Thục “khó hơn lên trời xanh” thế nào không biết, nhưng đường lên Giàn Bí, Tà Lang ngày đó thì không ít người “nghe nói héo mặt son” thật. Đường đã hẹp lại đầy ổ gà, ổ voi, thỉnh thoảng một vài cành cây rậm rịt nhô hẳn ra mặt đường ngay khúc cua, nếu không quen đường thì khó tránh tai nạn.

Từ cơ quan xã lên Giàn Bí có 7 cái khe. Anh Phạm Tạo, Phó Giám đốc Trung tâm 05-06 Đà Nẵng, nguyên Bí thư Hòa Bắc, kể vanh vách theo thứ tự từ Nam ngược ra Bắc: Khe Cầu Đôi, khe Dâu, khe Bưu Điện (gần đó có bưu điện của bà con Quận Nhì, nay là Thanh Khê, thời lên làm kinh tế mới), khe Trí, khe Ông Cận, khe Đào, khe Xô. Trong đó, khe nổi tiếng “gay go” nhất là khe Ông Cận, còn gọi là khe Ba Lá, vì bắc qua khe là một chiếc cầu nhỏ ghép bằng ba tấm ván, chênh vênh, thách đố. Xe máy qua khe phải chạy với tốc độ đủ nhanh để không rơi xuống khe. Đã xảy ra vậy rồi, may mà gặp mùa hè, nước chỉ ngang nửa ống quyển.

Có lần tôi gặp một đoàn gồm các chị phụ nữ thành phố và huyện Hòa Vang về Hòa Bắc công tác. Làm việc ở xã xong, đoàn đi thực tế lên Giàn Bí, Tà Lang, tất nhiên là bằng xe thồ. Mỗi hai chị đi một xe, “tài xế” dặn các chị phải ôm thật chặt vào để anh chạy cho an toàn. Đoàn xe nối nhau hàng một, phóng nhanh như đàn sóc băng vào rừng rậm, bụi mịt trời. Quanh co qua những khúc cua, ổ gà... xe xóc mạnh từng cơn như muốn hất tung “hành khách” xuống đất. Các chị, lúc đầu còn ngại, đến nước đó thì “héo mặt son”, thà ôm chặt lấy anh lái xe còn hơn…

Đường lên Tà Lang – Giàn Bí một thời là thế. Chủ tịch Mặt trận thành phố Nguyễn Đình An lần lên thăm và tặng quà hộ ông Bùi Văn Cầm ở thôn Giàn Bí bị cháy nhà cũng thế, cứ xe thồ mà đi.

Cách đây hai năm, tôi làm “thổ địa” đưa hai đồng nghiệp nữ lên đây. Một cô lần đầu lên Tà Lang nên không hình dung ra được những khó khăn, vất vả một thời khi “tác nghiệp” lên vùng đất xa nhất tính từ trung tâm thành phố này. Một cô, trước đó đã “héo mặt son” khi nắm chặt tay tôi lội qua suối Tà Lang giữa mùa nước lớn. Nước níu chân người, nước ầm ào gào thét muốn lôi tuột người về phía hạ lưu.

Tôi cũng từng “héo mặt... son” khi hơn 10 năm trước cùng ông Lê Văn Toàn, lúc đó là Chủ tịch Mặt trận huyện Hòa Vang, vượt suối với chiếc “ghe” làm bằng hai cái ruột bánh xe hơi bơm căng (gọi là pic-xi). Anh “tài công” điềm nhiên điều khiển “ghe”, còn tôi thì ngọ nguậy mãi, thỉnh thoảng sóng đập sát bên hông, con đường xếp bằng đá để băng suối mùa hè chìm sâu dưới làn nước mùa lũ. Lại nghĩ dại, nếu nước mạnh quá, cuốn phăng “ghe” xuống dưới xa thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra…

Vượt suối một lần như tôi đã héo mặt, thế mà hơn 300 người dân Tà Lang (trong đó có khoảng 30 người Kinh) đã sống 35 năm heo hút bên kia suối, trước khi điều kỳ diệu đến với họ vào ngày 5-2-2010: Cây cầu Tà Lang - Giàn Bí được khánh thành đưa vào sử dụng với kinh phí gần 11 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, làm một gạch nối đường bộ giữa hai thôn dân tộc Cơtu xã Hòa Bắc như tên gọi của cầu.

Trước đó mấy năm, con đường “Thục đạo nan” gần 8 cây số ấy cũng đã vĩnh viễn bị xóa tên. Việc mở rộng, nâng cấp con đường một thời đầy ổ voi ấy đã “rút ngắn” khoảng cách từ thôn xa này về trung tâm xã. Lên Tà Lang lần khánh thành cầu mới, tôi nghe nhiều người dân nơi này tính chuyện mua xe đạp cho con cái đi học.

Giờ thì không còn ai phải “héo mặt son” khi ngược lên Giàn Bí, Tà Lang.

Động từ ở thì quá khứ

Trở lại câu chuyện nhỏ của tôi ở trên. Lần đó nhờ tạm gác “việc nước” để lo việc nhà mà tôi biết thêm một trong những lĩnh vực xã hội rất được lãnh đạo thành phố quan tâm. Đó là lo cho quá khứ, cho sự đã qua, cho người đã khuất. Sau khi Nghĩa trang Sơn Gà (dân gian gọi là Gò Cà), Hòa Khương, đã “quá tải”, thành phố đã cho mở tiếp các nghĩa trang ở Hòa Sơn và Hòa Ninh để có có chỗ cho hàng trăm nghìn ngôi mộ cải táng và mộ mới.

Anh Phùng Quýt ngày đó là tổ trưởng Tổ quản lý Nghĩa trang Hòa Sơn, giờ là Phó Trưởng ban Nghĩa trang thành phố. Mới đây gặp lại, anh bảo Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố ở Hòa Khương với gần 700 mộ liệt sĩ cũng đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo cảnh quan để tôn vinh công ơn người nằm xuống. Nghĩa trang Hòa Sơn thì gần như Tết nào cũng kẹt xe. Nơi đây có hai đường vào, một ở cổng chính phía đường ĐT 602 (Hòa Khánh đi Hòa Ninh), một ở Lộc Hòa, thuộc thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn. (Lộc Hòa và Khe Lâm là hai địa danh trước năm 1975, nay đã nhập lại thành thôn Hòa Khê). Tết năm ngoái, các chiến sĩ công an đã hướng dẫn đường ra ở Lộc Hòa nhưng vẫn ít người biết, dẫn đến tình trạng tắc đường đến hơn 3,5 giờ. Năm nay, Tổ quản lý Nghĩa trang Hòa Sơn đã cắm 8 biển chỉ đường để bà con đi viếng mộ có thể theo đường Lộc Hòa ra đường tránh Nam Hải Vân, quyết đưa tình trạng kẹt xe vào… quá khứ.

Quá khứ là hôm qua của hôm nay. Khuôn mặt của quá khứ có hình dạng thành công hay thất bại là tùy thuộc vào nỗ lực tự thân của ngày hôm sau. 16 năm trực thuộc Trung ương, nhất là 10 năm Đô thị loại 1, với những quyết sách của lãnh đạo thành phố và sự đồng thuận của người dân, Đà Nẵng bắt đầu một thời kỳ phát triển với tốc độ nhanh trong công cuộc kiến thiết đô thị và trở thành “hiện tượng Đà Nẵng”. Đến mức cán bộ nhiều tỉnh, thành đã “cơm đùm, gạo bới” về Đà Nẵng học tập kinh nghiệm, nhất là trong công tác đền bù, giải tỏa và mở rộng không gian đô thị.

Mười năm đi qua, mười mùa cây nẩy chồi thay lá, mười mùa hoa thắm sắc khoe hương. Mười năm đã để lại hương sắc trong những công trình vật thể và phi vật thể mang dấu ấn riêng của Đà Nẵng. Nhưng, cũng có khi đơn giản chỉ là tâm tình của anh Trưởng đài Truyền thanh xã Đoàn Văn Thể trong câu hát hò khoan ở nơi “sơn cùng thủy tận” Tà Lang, Giàn Bí: Quê tôi Hòa Bắc xứ nguồn/ Anh em các dân tộc sống chung thuận hòa/ Thủy chung Kinh - Thượng một nhà/ Tình làng nghĩa xóm đậm đà sắt son

Động từ được chia ở thì tương lai trong bản tin mười năm trước của Khoa giờ đã là thì quá khứ. Ngay cả anh giờ cũng đã trở thành người của quá khứ. Thành phố quê nhà đang viết tiếp những trang đời tươi đẹp để mười mùa hoa nữa lại trở thành chuyện của quá khứ. Tôi tin rằng ở một nơi nào đó, anh vẫn đang làm thơ về quê nhà, như đã từng “Nhớ miền Tây” qua mấy câu thơ viết ở Đà Nẵng vào đầu tháng 4-2008, hơn một năm trước khi anh ra đi: Trần gian đẹp quá, nghìn sau nhé/ Hãy nói giùm tôi những ngập ngừng...

Khoa ơi, những mùa hoa sẽ nối nhau đi qua thành phố này cho mãi đến nghìn sau. Người ở lại sẽ nói thay những gì bạn chưa nói hết, rằng: trần gian đẹp quá

 

 

V.T.L.