Thi ảnh sen qua chùm thơ Nguyễn Nho Khiêm

15.03.2021
Nguyễn Thị Thu Thuỷ

Thi ảnh sen qua chùm thơ Nguyễn Nho Khiêm

Sen

1.

Chiếc lá sen tròn xanh

Hứng nắng

Gói mưa

Những chiếc lá sen vươn lên tỏa mát

Lợp một vườn địa đàng

Giữa cánh đồng cỏ dại.

2.

Em tặng tôi bó sen hồng

Ba giờ sáng hoa nở

Làn hương thanh khiết đánh thức tôi.

Mỗi ngày tôi phải hít bao nhiêu mùi

phường phố

Chiếc khẩu trang phập phồng...

May trong tôi có hương sen

Tẩy trừ

Thanh lọc.

3.

Chiếc hồ ngưng đọng

Rơm rạ nước đổi màu

Từ khi tôi trồng sen trong chiếc hồ ấy

Nước trong thanh.

Ước gì tôi trồng được sen

Trong vũng lầy nhân thế.

4.

Tinh sương

Bơi ghe ra đầm

Tôi ướp trà vào giữa hoa sen

Tôi chắt nước sương trên lá.

Trong ly trà nóng

Tôi thấy tình yêu của em hoá thành

hơi thở.

5.

Nơi tinh khiết, có sen

Nơi bùn lầy, có sen.

Khi lòng vui, cần hoa sen thắm tỏa

Khi đau buồn, cần hoa sen sẻ chia.

Khi những cánh hoa tàn rụng

Hiện lên gương sen càng đẹp

Khi đầm sen tàn khô

Vẫn gửi cho ta thông điệp hạnh phúc.

Sen mọc lên từ bùn

Hạt là tinh hương từ trời cao

gieo xuống.

NGUYỄN NHO KHIÊM

Lời bình:

 Viết về sen, loài hoa mọc từ bùn lầy nhưng vẫn thanh cao, trong sạch, ca dao xưa có câu: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Á Nam Trần Tuấn Khải cảm thức: “Hồng bay muôn dặm hương thơm ngát/ Sóng vỗ nghìn trùng tiết vẫn cao; Phan Bội Châu đã từng viết: “Tròn lửng bóng in trăng đáy nước/ Hồng tươi sắc khiếp ráng chiều hôm/...Quân tử hay hoa ai chẳng biết/ Ngàn thu ruột đắng với lòng thơm”. Trong cảm quan của thơ xưa, hoa sen tượng trưng cho hình ảnh của người quân tử với tiết tháo trong sáng, cao ngạo. Ngày nay, hoa sen là quốc hoa, mang linh hồn của một dân tộc vươn lên từ máu lửa, rũ bùn đứng dậy sáng lòa (Đất nước của Nguyễn Đình Thi). Loài hoa hương sắc vẹn toàn ấy, đều đặn mỗi khi thời tiết từ xuân sang hạ, bừng bừng vươn dậy sau những ngày ngủ vùi, và không bao lâu những chiếc lá tròn xoe như những chiếc nón trời xanh tươi, tỏa mát xoa dịu đi cái nắng oi ả của trưa hè. Lần theo gót chân sen trong thi ca, tôi gặp chùm thơ Sen, in trên báo Văn nghệ, Tết Tân Sửu (số 6+7+8) của Nguyễn Nho Khiêm. Năm bài thơ nhỏ, xinh như năm nốt trên khuông nhạc; mỗi nốt là một thanh âm về giai điệu sen, dẫn dụ độc giả về với những ao đầm cùng một loài hoa lặng lẽ điểm xuyết sắc hương cho đồng nội.

Chùm thơ Sen của Nguyễn Nho Khiêm hòa quyện giữa chất trữ tình và chất thế sự. Sen như một tín hiệu thẩm mĩ để nhà thơ ngẫm suy về phẩm chất thanh tao của thế giới tự nhiên và xã hội loài người... Mỗi bài thơ như một cánh hoa sen cứ nở dần, nở dần làm nền, để lộ cái nhụy hoa thơm tho và kín đáo. Nhà thơ như đang rủ rỉ tâm sự cùng “em” đồng thời dắt dẫn người đọc đến thưởng lãm loài hoa dân dã quen thuộc bằng ngôn từ mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng sâu sắc. Thật vậy, giữa cái nắng chói chang ngày hạ, tâm hồn người như dịu mát hẳn đi khi ghé lại bên đầm sen, nhìn những “chiếc lá sen tròn xanh/ Hửng nắng/ Gói mưa”. Theo thời gian, lấp ló giữa màu xanh bao la ấy những búp sen tím hồng vươn lên bằng búp tay trẻ con, đựng vào trong cả nắng mưa; để rồi một buổi sáng hoa bất ngờ bung nở với “làn hương thanh khiết/ đánh thức tôi”. Nếu lá sen vươn lên từ bùn đen, cỏ dại “lợp vườn địa đàng” cho tình yêu đâm chồi nảy lộc thì làn hương thanh nhã tẩy rửa những bụi bẩn, lem luốc của đời thường, hướng con người đến với sự thanh tao, thoát tục. Nhà thơ đưa người đọc cùng bơi ghe ra đầm sen để tận mắt nhìn thấy màu hồng tinh khôi; mũi tận hưởng hương vị ngan ngát của sen mới nở, và cùng thưởng thức chén trà sen được ướp từ giữa đóa hoa, được pha từ tinh túy của hạt sương đọng trên mặt lá: “Tinh sương/ Bơi ghe ra đầm/ Tôi ướp trà vào giữa hoa sen/ Tôi chắt nước sương trên lá”.  Ý thơ của Nguyễn Nho Khiêm gợi nhớ đến thú thưởng trà thật phong cách Nguyễn Tuân ở truyện ngắn “Chén trà trong sương sớm” (Tập truyện Vang bóng một thời).

Bưng tách trà nóng đậm hương vị sen ấy, ta không chỉ hình dung sự tinh tế của những bàn tay ướp trà mà còn được đánh thức bởi hương vị tình yêu: “Trong ly trà nóng/ Tôi thấy tình yêu của em/ hóa thành hơi thở”. Đó là một tình yêu đánh thức thiên lương cao đẹp của tâm hồn con người. Sen ở đây đã biến thành một ám dụ cho một tình yêu thánh thiện, trong sáng không nhuốm mùi tục lụy. Nâng niu mối tình thuần khiết đó, con người sẽ có động lực vượt lên mọi nỗi buồn; để sống hữu ích dù đời người hữu hạn đến bao nhiêu.

Từ hình ảnh của sen, nhà thơ gửi gắm những suy nghĩ về cuộc sống xung quanh khi môi trường sống ô nhiễm bởi cái xấu lan tràn và lấn áp cái Đẹp, cái Thiện: “Mỗi ngày tôi phải hít bao nhiêu phường phố/ Chiếc khẩu trang phập phồng.../ May trong tôi có hương sen/Tẩy trừ/ Thanh lọc”. Chiếc khẩu trang chỉ chắn được bụi bẩn từ bên ngoài chứ làm sao gột rửa được những lem luốc từ bên trong? Phải chăng sen là hiện thân của cái Đẹp; cái Đẹp có thể hiện hữu và bảo tồn ngay trong môi trường đen tối của cái xấu; cái Đẹp có sức lan tỏa và cảm hóa cái ác... Nhận thức được ý nghĩa của sen, thi sĩ ao ước: “Ước gì tôi trồng được sen/ Trong vũng lầy nhân thế”. Ước vọng của thi sĩ cũng chính là mong ước chung của bao nghệ sĩ: gieo trồng cái Đẹp để đẩy lùi những tha hóa của cuộc sống hôm nay. Đó cũng chính là sứ mạng chung của người cầm bút chân chính giữa bao biến động, thị phi trong hiện tại.

Giai điệu sen khép lại bằng đoản khúc cuối: “Nơi tinh khiết, có sen/ Nơi bùn lầy, có sen/ Khi lòng vui, cần hoa sen thắm tỏa/ Khi đau buồn, cần hoa sen sẻ chia/ Khi những cánh hoa tàn rụng/ Hiện lên gương sen càng đẹp/ Khi đầm sen tàn khô/ Vẫn gửi cho ta thông điệp hạnh phúc/ Sen mọc lên từ bùn/ Hạt là tinh hương từ trời cao gieo xuống”. Nguyễn Nho Khiêm vận dụng độc đáo nghệ thuật đối ngẫu và phép điệp từ, điệp ngữ để nâng cao ý nghĩa của loài hoa mọc giữa bùn lầy đồng thời lí giải qui luật sinh tử ở đời này. Cánh sen hồng rực rồi sẽ tàn phai theo thời gian, dành mọi tinh túy để phôi thai cho hạt. Cũng như, sự sống nảy mầm từ cái chết; hạnh phúc hiện hình trong gian khổ, đau thương; mọi sự hi sinh đều mang lại ý nghĩa lớn lao cho cuộc đời. Một đời hoa sen không chỉ dâng hiến sắc hương mà còn tụ hạt, những hạt sen thơm mát ngọt lành. Như con tằm rút ruột nhả tơ, như hoa sen tàn rụi nhưng vẫn không ngừng cống hiến; người nghệ sĩ ở đời đã tận lực sáng tạo cho chúng ta những đứa con tinh thần như những hạt sen, hạt ngọc trời với“Tinh hương từ trời cao gieo xuống”.

Thi ảnh sen trong thơ Nguyễn Nho Khiêm vừa có nét kế thừa từ ý tưởng của các bậc tiền bối, vừa lung linh ảo diệu bởi chất Thiền hòa trong cảm thức hiện đại. Những câu thơ dài ngắn đan xen nhau như những búp sen ẩn hiện giữa rừng lá xanh, chờ ngày bung tỏa. Đọc chùm thơ Sen của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, ta như đang cầm trong tay tách trà nóng ướp bằng hương vị đồng quê, mới uống có chút chan chát nơi đầu lưỡi, nhưng đọng lại là vị thanh ngọt khiến lòng người lắng đọng những suy tư. Sen mãi là loài hoa quyến dụ người ngắm nhìn và chùm thơ của người thơ đất Quảng - Nguyễn Nho Khiêm luôn gợi lại trong ta niềm vương vấn khó phai.

Xuân Tân Sửu

N.T.T.T