Những người canh biển
Đi dọc các bãi biển Đà Nẵng, người dân và du khách không khó để nhận ra các nhân viên cứu hộ, cứu nạn thuộc Ban Quản Lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng trong đồng phục vàng, đỏ. Những thanh niên có làn da bánh mật, thân hình rắn rỏi, bất kể ngày nắng hay mưa, họ vẫn miệt mài với công việc của mình.
Lặng thầm giữa biển...
Xuất phát từ những bất cập về vấn đề đuối nước của người dân, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo thành lập các Đội cứu hộ, cứu nạn trên các bãi biển nhằm giúp giảm thiểu số lượng người đuối nước, tạo sự an toàn cho người dân và du khách khi tắm biển tại đây. Đội trưởng đội cứu hộ Nguyễn Quốc Vinh sơ lược: “Những ngày đầu mới thành lập, toàn Đội chỉ có 22 người, nhưng cho đến thời điểm hiện nay thì quân số đã tăng lên gần 100 người và được chia thành 25 tổ đảm nhận 25 bãi tắm”.
Thoạt nghe cứ tưởng con số trên có thể đáp ứng được nhu cầu bảo vệ du khách và người dân tắm biển. Tuy nhiên, nếu đặt con số đó trong bối cảnh Đà Nẵng có trên dưới 20 bãi tắm du lịch và nhiều bãi tắm tự phát khác trải dọc biển gần 30km thì lực lượng trên còn khá khiêm tốn, đặc biệt là vào mùa du lịch. “Những ngày cuối tuần hay dịp lễ, tết... lượng khách tăng đột biến khiến áp lực và tần suất làm việc đối với các nhân viên cứu hộ thêm phần căng thẳng và bận rộn.”- Đội trưởng Vinh chia sẻ.
Từ 4 giờ 30' đến 18 giờ 30' mỗi ngày, họ có mặt đều đặn trên các bãi tắm. Và du khách dường như đã quá quen thuộc với hình ảnh các nhân viên cứu hộ kéo dây phao phân định giới hạn khu vực an toàn. Họ điều khiển thuyền thúng mấp mô cưỡi sóng, tay phất cờ và tiếng huýt còi cuộn trong tiếng sóng ầm ào... như một tín hiệu quen thuộc nhằm cảnh báo khách không bơi quá xa. Đặc biệt, những đôi mắt lúc nào cũng như muốn căng ra giữa biển người và biển nước mênh mông để quan sát và ứng cứu những trường hợp khẩn cấp. “Trong trường hợp đặc biệt, phải lội hẳn xuống nước, bơi ra ngoài ngăn chặn những vị khách mất phương hướng bơi vào dòng chảy nguy hiểm hoặc bơi ra quá xa”, anh Huỳnh Văn Cảnh, nhân viên Đội cứu hộ chia sẻ.
“Mỗi ngày, các nhân viên cứu hộ trong Đội đều thay phiên nhau thực hiện những đợt kiểm tra nhằm theo dõi sự thay đổi về địa hình do dòng chảy, do sóng và gió..., để khoanh vùng những chỗ nguy hiểm, điều chỉnh khu vực tắm an toàn. Ngoài ra, Đội cứu hộ cũng được trang bị hệ thống loa phát thanh dọc các bãi biển để cảnh báo các nguy cơ cũng như tuyên truyền, nhắc nhở mọi người chấp hành tốt nội quy an toàn của bãi biển”, anh Nguyễn Quốc Vinh cho biết.
Mặc dù việc ngăn ngừa đuối nước luôn được các nhân viên cứu hộ thực hiện nghiêm ngặt, song hằng năm vẫn có nhiều trường hợp đuối nước xảy ra. Một trong những nguyên nhân này là do ý thức của người dân chưa cao, họ còn chủ quan, không chịu nghe theo sự chỉ dẫn của nhân viên cứu hộ, thích thể hiện mình bằng cách bơi ra xa hoặc vào những vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, có một số trường hợp khách sau khi dùng chất kích thích, chất có cồn rồi xuống tắm dẫn đến tình trạng đột quỵ, bị sóng cuốn. Anh Lê Đức Tài, người có thâm niên hơn 12 năm làm cứu hộ chia sẻ: “Làm nghề này như làm dâu trăm họ, chúng tôi vất vả từ sáng sớm đến tối mịt chỉ mong mang lại sự an toàn tuyệt đối cho mọi người. Nhưng không phải lúc nào cũng cũng nhận được sự hợp tác, có những người phớt lờ trước sự chỉ dẫn, thậm chí nhiều người còn buông những lời lẽ khiếm nhã khi được nhắc nhở không vào khu vực nguy hiểm.”
Với mức lương từ 2-2,5triệu đồng/tháng, cao nhất cũng chỉ từ 3-4 triệu đồng/tháng, nhiều người đã tìm công việc khác để trang trải cuộc sống, nhưng phần đông vẫn ở lại bám trụ với nghề. “Anh em chúng tôi không xem đây là nghề, mà xem nó như cái nghiệp không dễ dàng bỏ được. Mỗi lần cứu được người thì lòng chúng tôi lại vui đến không tả được”, anh Nguyễn Nữa (45 tuổi), người có thâm niên hơn 15 năm làm công tác cứu hộ hồ hởi nói.
“Mệnh lệnh” từ trái tim
Đối với họ, cứu người là mệnh lệnh từ trái tim. Anh Nguyễn Viết Dũng (trú phường Thọ Quang) kể, từ ngày nhập nghề đến nay đã ngót chục năm, anh không nhớ đã cùng đồng đội giải cứu kịp thời bao nhiêu sinh mạng trước cơn sóng dữ. Còn nhớ cách đây không lâu, vào khoảng 2 giờ chiều, có một nhóm học sinh chừng 14 - 15 tuổi gồm 5 em (3 trai, 2 gái) ra bãi tắm số 2 thuộc bãi biển Phạm Văn Đồng chơi. Trước khi ra tắm các em đã được dặn dò tắm gần bờ. Thế nhưng, vừa ra chưa được bao lâu thì cả 5 em đều bị sóng cuốn ra xa. Ngồi trên đài quan sát phát hiện tình huống nguy hiểm anh đã ứng cứu kịp thời và may mắn cứu sống được cả 5 em. Sau khi đưa lên bờ thành công cả 5 em, anh Dũng dường như kiệt sức. Tuy nhiên, như lời anh thì “cảm thấy vui và mãn nguyện với bản thân vì đã cứu sống cả thảy 5 mạng người”.
Gần đây nhất, một cụ bà tên Thơ, trong lúc tắm không may bơi vào dòng chảy nguy hiểm, nhưng may mắn được phát hiện và giải cứu kịp thời. Cụ bà mừng rỡ và có một phần thưởng nho nhỏ dành cho anh, nhưng anh kiên quyết không nhận vì xem “đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của bản thân mình. “Làm công việc này niềm vui là được cứu người. Nhưng cũng cảm thấy ray rứt lương tâm lắm nếu sẩy mất một sinh mạng”, anh Dũng bộc bạch.
Mỗi ngày trôi qua có biết bao du khách đến tắm rồi lại đi, nhưng liệu có mấy ai “nhớ mặt - nhớ tên” những người cứu hộ nơi đây? Ngày ngày họ chỉ biết cống hiến sức lực của mình, vật lộn với “thủy thần” để dành giật sự sống cho du khách. Họ làm tất cả những điều đó, như lời anh Nguyễn Quốc Vinh, là “không mong nhận được sự biết ơn của khách mà chỉ mong mang lại sự an toàn cho mọi người khi chọn biển Đà Nẵng là điểm đến an toàn”.
“Tôi cảm thấy rất an tâm khi chọn bãi tắm ở Đà Nẵng. Biển đẹp, thái độ làm việc của Đội cứu hộ rất tốt, ứng xử lịch thiệp, luôn quan tâm và tận tình đối với khách”, ông Hoàng Vinh, du khách đến từ Nam Định cho biết. Những lời nhận xét tốt đẹp của du khách như trên cũng là động lực, là những gì mà các “hiệp sỹ” giữa biển khơi xứng đáng được nhận. Bởi chính họ là những nhân tố góp phần tạo nên nét đẹp và nâng tầm thương hiệu cho du lịch biển Đà Nẵng trong hiện tại cũng như tương lai...
T.G