Bóng núi

15.03.2021
Minh Thuỷ

Bóng núi

Giang sơn một gánh giữa đồng.

Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ quên...

 

Khi được Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân mời viết về Phan Hành Sơn, tôi có nhiều cảm xúc trái ngược. Vinh dự bởi được viết về người anh hùng mà mình ngưỡng mộ từ nhỏ. Ít có anh hùng nào trong cuộc chiến tranh chống Mỹ mà tiếng tăm lẫy lừng, tác động đến tinh thần của nhiều thế hệ như Phan Hành Sơn. Vào những năm đầu thập niên 1970, khi ấy mới hơn mười tuổi nhưng tôi cũng biết Phan Hành Sơn qua thơ của Tố Hữu: Ta tiến công/ Với sức mạnh thánh thần/ Của những Phan Hành Sơn đánh tung núi Ngũ Hành, diệt Mỹ! Ông vua thơ tình Xuân Diệu cũng có những câu như tạc vào đá núi: ...Sáu thứ vũ khí vào tay chiến sĩ Phan Hành Sơn/ Giặc đã chết rồi còn khiếp sợ.../ ...Phan Hành Sơn! Anh hơn ánh thép/ Anh là thân của đất nước mình/ Đỉnh núi sắc, dòng sông rộng đẹp/ Nhân dân hào, trời biển thông minh! Phan Hành Sơn là một huyền thoại sống đã góp phần thôi thúc lớp lớp thanh niên tuổi đôi mươi ngày ấy ra trận.

Cảm xúc trái ngược là tôi ngại. Phan Hành Sơn mất đã lâu. Viết về nhân vật không chỉ cần tư liệu mà cả cảm xúc khi tiếp cận. Đôi khi vô tình, nhân vật hé lộ tình tiết nào đó và người viết chớp lấy rồi theo đó mà phăng. Điều khó hơn nữa là anh mang nhiều... triết lý, thậm chí, những đánh giá trái chiều! Anh chịu nhiều giông gió hậu chiến: Mổ xẻ liên miên vì vết thương dẫn đến nghiện thuốc giảm đau phải cai nghiện rồi lăn lộn mưu sinh và mất vì vết thương tái phát khi còn khá trẻ.

Thấy tôi phân vân, nhà báo quân đội, Đại úy Nguyễn Sỹ Long bàn: Hay là chúng ta gặp Thiếu tướng Nguyên Tiến Cung, nguyên Phó Tổng cục trưởng Cục 2. Ông ấy nguyên là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng, chắc chắn sẽ có những tư liệu về Phan Hành Sơn.

Thế là câu chuyện người anh hùng chiến trận được bắt đầu từ viên tướng tình báo! Thật bất ngờ, Thiếu tướng Trần Tiến Cung cũng... như chúng tôi, tức là “diện thanh bất diện kiến”. Điều may mắn là từ năm 1965 đến đầu 1968, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Cung làm Cụm trưởng Cụm H32, đóng ở Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam. H32 là mật danh của mạng lưới tình báo hoạt động ở địa bàn các tỉnh miền Trung, còn Gò Nổi là địa bàn xung yếu, ta và địch đều muốn làm chủ. Thiếu tướng cho tôi biết: Lúc ấy lực lượng quân chủ lực của Quảng Đà có Tiểu đoàn bộ binh 1 (gọi tắt là R20, tiểu đoàn nổi tiếng với câu ca Trên trời có phản lực cơ/ Ở dưới mặt đất có R20) và Tiểu đoàn bộ binh 2 (tức R25). Tuy là bộ đội địa phương nhưng khả năng tác chiến 2 tiểu đoàn này rất tốt, nhiều lần lập công trên chiến trường Quân khu 5. Mỗi lần anh em từ Đà Nẵng về Gò Nổi liên lạc với ông để trao đổi công việc đều nhắc đến Phan Hiệp (tên khai sinh của Phan Hành Sơn), Đại đội trưởng Đại đội 3 của tiểu đoàn R20. Sự táo bạo, nhanh nhạy và dũng cảm của Phan Hiệp khiến quân địch nể sợ. Anh từng cải trang thành nông dân vác cuốc đi làm ruộng để vào chi khu địch giữa ban ngày, nắm được vị trí bố trí vũ khí của chúng. Có khi cải trang học sinh, trà trộn vào dòng người lánh đạn, nắm tình hình địch để tổ chức đưa thương binh và đơn vị rút ra theo hướng an toàn. Trong một trận đánh cạn kiệt đạn, Phan Hiệp bò ra lấy 400 viên đạn 7,62 li của số lính Mỹ đã chết, bổ sung cho 3 khẩu trung liên. Nhiều trận đánh, nhờ sự thông minh, quyết đoán mà anh đã xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động. Anh còn nằm vắt người trên hàng rào kẽm gai để đồng đội nhảy qua, phát triển chiến đấu tiêu diệt địch. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Phan Hiệp tham dự các trận đánh vào Trung Lương, Cồn Dầu, khu dồn Bình Kỳ, Non Nước... những căn cứ quan trọng được địch bảo vệ nghiêm ngặt. Sự quyết đoán và chiến đấu quả cảm của Phan Hiệp được ví là “đại náo Ngũ Hành Sơn”. Sau trận này, anh được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cũng từ đây, anh được đổi tên Phan Hành Sơn, ngọn núi quê hương mình.

Cuối những năm 1970, khi công tác ở Cam-pu-chia, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Cung lại nghe hoạt động của

Phan Hành Sơn trên nước bạn. Anh lập nhiều chiến công, bị thương cũng nhiều lần. Lần nặng nhất, anh được đưa về tuyến sau bằng trực thăng. Từ đây, người anh hùng phải qua nhiều cuộc phẫu thuật. Theo Thiếu tướng Trần Tiến Cung, với 28 lần được phong tặng Dũng sĩ diệt máy bay, Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ Quyết thắng và hơn ba mươi giấy khen, bằng khen, Huân chương Chiến công, đặc biệt, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng khi mới 22 tuổi, Phan Hành Sơn xứng đáng là tấm gương cho thế hệ sau học tập nhưng trong nhiều anh hùng mà ông gặp thì từ khi phong tặng đến chết họ đều sống trong vinh quang, được hưởng thụ mọi chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, riêng Phan Hành Sơn chỉ hạnh phúc trong chiến đấu, sau khi bị thương rồi nghỉ hưu thì mọi khoản chế độ chỉ đổ vào thuốc.

Sau khi được “cái sườn” câu chuyện, tôi gặp chị Thạnh, người vợ của anh hùng. Chị có dáng vẻ mặn mòi nhưng lại khá khô khan khi tôi đặt vấn đề. Chị nói: Có gì đâu mà viết, và “thôi, chuyện gì cũng qua rồi...”

Khơi gợi mãi tôi mới được chị trải lòng. Chị ở xã Hòa Phụng, huyện Hòa Vang (nay là phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn). Giáp ranh thành phố nên xã chị là vành đai lửa trong chiến tranh. Anh em bộ đội trước khi vào thành phố đều về trú và địch cũng theo đó mà càn mà đánh. Người dân một lòng với cách mạng, không lên núi với bộ đội thì vào du kích, bám trụ làng quê. Nhiều nhà chết hết. Còn lại nhà nào cũng đau thương. Cha của Phan Hành Sơn vẫn làm nghề mộc để bám trụ, em gái anh là Hoa làm giao liên, năm lần bị tra tấn dã man vẫn không khai. Có lần giao thừa, Hoa dẫn đường cho đơn vị anh trai vượt sông. Hai anh em gặp nhau nhưng chẳng kịp nói điều gì, sang sông rồi người nào vào vị trí người ấy. Sau đó vài tháng thì Hoa mất vì lựu đạn Mỹ. Nhà chị cũng vậy. Hai anh trai và một chị gái của chị đều là bộ đội và du kích. Cô em gái út của chị chết trong một trận đánh khi mới 5 tuổi. Lúc đó là tháng 5/1967, địch phát hiện bộ đội về làng nên bao vây. Bộ đội phá vòng vây rút chạy, địch xả đạn. Cha chị bồng con gái út định vượt sông thì trúng đạn. Con gái chết, ông bị thương ở tay. Ngày hôm ấy, thôn Khái Tây của chị có nhà chết cả 5 người.

Em gái út chết tháng 5 thì đến tháng Chạp, anh trai đầu của chị hy sinh. Năm ấy nhà chị không ăn tết. Sang năm sau, chị gái kề chị hy sinh. Đúng 21 ngày sau, khi đang làm cơm cúng tuần 3 cho chị gái thì nhận được tin anh trai thứ tư hy sinh. Mẹ chị ngất xỉu ngay bên mâm cơm cúng con gái mình. Sau đó bà thường xuyên bị ngất xỉu. Mỗi lần mẹ ngất, chị chỉ biết xoa dầu và khóc “má đừng chết nữa, con không có nước mắt để khóc má đâu”.

Chị chấm giọt nước mắt vừa ra ứa ra rồi nói: Cũng may là giải phóng sớm không thì chết hết. Có điều, em gái của chị không vượt qua được nỗi đau tinh thần, trở nên đãng trí.

Chị nói duyên phận của chị và Phan Hành Sơn cũng bắt đầu từ chiến tranh. Cùng xã nhưng anh ở thôn Bá Tùng. Anh trai của chị là liệt sỹ Nguyễn Vinh Trấu, cùng đơn vị với Phan Hành Sơn. Sau giải phóng, chị tìm gặp Phan Hành Sơn để nhờ giúp đỡ tìm mộ anh trai. Từng nghe tên và cũng rất nể phục anh nên cơ duyên bén rễ nhanh. Cuối năm 1976, anh chị làm lễ cưới. Bạn bè trang lứa đều mừng, thuyền quyên gặp anh hùng. Một người bạn thân còn nói chị: Rứa là mi sướng rồi.

Sau ngày cưới, anh lên Tây Nguyên làm nhiệm vụ tiễu trừ bọn phản động Phun-rô. Năm 1978, anh sang Cam-pu-chia làm nhiệm vụ quốc tế, chiến đấu và bị thương rất nhiều lần. Tổng thảy anh bị thương khoảng 30 lần trong các trận đánh với Mỹ, ngụy, Nam Hàn, Pôn Pốt-Iêng Xa ry. Chữa trị qua không biết bao nhiêu trạm xá dã chiến, bệnh xá, bệnh viện trong và ngoài quân đội và cả bệnh viện nước ngoài. Tiểu phẫu, trung phẫu, đại phẫu không biết bao nhiêu lần. Ruột nối không biết bao nhiêu đoạn. Nhưng tháng 8 năm 1978, anh bị thương nặng. Mìn nổ hất tung anh lên cao, chân trái gãy, chân phải bị dập, từ lưng lên đến đầu mảnh mìn găm đầy. Quân y sơ cứu rồi chuyển về cơ quan tiền phương Quân khu 5 điều trị. Tư lệnh Quân khu 5 muốn cứu chữa đôi chân cho anh, điều hẳn một chiếc máy bay chở anh về. Do bị thương vào mùa mưa, ở mặt trận chỉ sơ cứu nên vết thương bị nhiễm trùng, anh bị tụt huyết áp. Chống cơn đau gây choáng ngất, bác sỹ tiêm mooc-phin giảm đau để chuyển anh về Quân y Viện 17 điều trị. Bác sỹ hết lòng cứu chữa. Rồi chuyển viện. Từ Đà Nẵng ra Hà Nội, Vĩnh Phúc lại về Đà Nẵng. Con đường từ Quân y viện 17 ra Bệnh viện Trung ương, Quân y viện 108 rồi trở lại Quân y 17, chị đi về không biết bao nhiêu lần.

Là cán bộ xã, lương rất thấp nhưng phần con ăn học, phần anh đi viện. Khi lành lặn anh đi chiến đấu, mình chị với mẹ già, con nhỏ. Giờ anh về thì bao nhiêu tiền lương, phụ cấp đổ vào thuốc. Chị kể: Ngày ấy ở Hòa Quý ra Quân y Viện 17 khó hơn bây giờ đi ngoại tỉnh. Đường vắng ngắt vắng ngơ, không đèn không đóm. Thu xếp công việc, cho con ăn uống, đến trường xong chị mới đạp xe đến viện. Những lần anh đau nặng, phải ở lại thì chị gởi con cho ông bà nội, ngoại. Mỗi khi anh dừng truyền thuốc, cho anh ăn xong là chị tranh thủ chạy về nhà. Hơn chục cây số nhưng chị vẫn đạp xe đi về hàng ngày.

Sau hai năm, từ ngày bị thương trên đất Cam-pu-chia, anh mới ngồi dậy được. Chân bị gãy phải nối nên ngắn đi vài phân. Chân bị dập, phải mổ đi mổ lại để gắp những mảnh xương không thể hàn gắn được. Do dùng kháng sinh liều cao, tóc anh rụng hết, y như bị xạ trị hóa chất chữa ung thư. Da chân thì khô đen, sẹo lớn sẹo nhỏ, hang hốc. Sau này, mỗi khi mấy đứa trẻ hàng xóm khóc nhè hay biếng ăn, chỉ cần anh kéo ống quần lên là chúng “tuân lệnh” tắp lự.

Tủy vẫn rò rỉ gây đau đớn, trái gió trở trời càng đau. Dù bệnh viện có đầy đủ phương tiện nhưng với vết thương như vậy đau đớn kéo dài. Mỗi khi vết thương tái phát, anh vật vã, quằn quại, phải dùng thuốc giảm đau. Phan Hành Sơn trở thành người lệ thuộc vào mooc-phin. Nhưng anh khốn khổ hơn con nghiện vì phải gánh thêm sự nhức nhối của vết thương.

Năm 1980, anh xin về nhà dưỡng thương. Chị vẫn làm việc ở xã. Lúc này cả nước đang khó khăn, Hòa Quý là vùng tranh chấp, xơ xác vì chiến tranh nay cũng chung cảnh với cả nước, nhà nào cũng đói. Cả làng cả xã ngoài lúc làm ruộng thì lên núi chặt củi bán. Tất cả chỉ tập trung cho áo cơm. Bạt, chàng, dùi đục của cha anh thời trước đành cất để gia nhập đoàn quân lên núi chặt củi, đốt than. Trong một lần cùng cha đi đò dọc lên Phú Túc, một thôn của bà con dân tộc Cơtu thuộc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thấy đất đai, thung lũng hợp với việc trồng trọt, chăn nuôi. Vậy là anh quyết tâm đi xa thành phố, dựng lán trại, đốt rẫy trồng sắn khoai, nuôi heo, thả bò. Sau này chị mới biết anh lên rừng lo cái ăn của gia đình trong thời khốn khó, đồng thời qua lao động, anh quyết tự cai căn bệnh nghiện thuốc giảm đau quái ác của mình.

Chị Thạnh làm việc ở xã, chăm sóc con, cuối tuần gom mắm muối, gạo, dầu đưa lên cho anh. Đường lên Hòa Phú ngày ấy khó gấp trăm lần lên Tây Nguyên bây giờ. Mỗi ngày chỉ một chuyến xe lên nên chị phải dậy sớm, qua đò, đi bộ lên Hòa Cầm mới đón được xe. Lên đến nơi chỉ nấu cho anh ăn được bữa trưa rồi lại lật đật ra đường đón xe trở về với con.

Cuối năm 1982, Phi-đen Ca-xtơ-rô, lãnh tụ của nhân dân Cu-ba sang thăm và hỏi người lính từng tháp tùng ông vào Quảng Trị năm 1972 (khi ấy Phan Hành Sơn đang học chuyên môn quân sự vừa học bổ túc văn hóa ở miền Bắc và được cử đi tháp tùng đoàn). Lãnh đạo địa phương đã cử cán bộ lên núi đón Phan Hành Sơn. Anh được Phi-đen mời sang thăm Cu Ba với tư cách chuyên gia quân sự. Phan Hành Sơn làm trưởng đoàn. Những tháng ngày này vết thương vẫn hành hạ nhưng anh cố gắng tập trung thời gian cho việc trao đổi kinh nghiệm với nước bạn.

Chị Thạnh lại gánh công việc của chồng. Gửi con cho ông bà, chị lên núi trông coi vườn tược, heo gà. Một tháng rưỡi, anh ở Cu Ba là một tháng rưỡi một mình chị giữa núi đồi hoang vắng, cuốc xới, trông coi heo gà. Chỉ mong có bà con dưới xuôi lên chặt củi ở lại cho vui. Có lúc nhớ con quá, chị về đem con lên chơi vài ngày rồi lại đem về gửi ông bà.

Ở Cu-Ba về anh lại lên núi, lại cuốc xới trồng trọt, chăn nuôi. Tủy rò rỉ, viêm nhiễm ngày càng nặng hơn. Liều lượng, thời gian cần thuốc ngày càng tăng. Các loại thuốc kháng sinh của bệnh viện dùng mãi cũng nhờn, chị phải mua ngoài. Mọi khoản tiền lương, phụ cấp thương binh đều đổ vào thuốc. Chăm anh, chị chẳng còn nhớ mình đang là bệnh binh. Cũng chẳng nghĩ đến cái sự “tiền bệnh binh của mình để mua thuốc cho thương binh chồng!”. Nhưng kháng sinh trị viêm nhiễm phải có thời gian, cắt cơn đau của anh chỉ có moóc-phin. Anh tìm mọi cách để có thuốc uống ngoài hướng dẫn của bác sỹ. Tuy nhiên thuốc giảm đau được quản lý rất chặt. Trong những lần điều trị, anh để ý nơi cất giữ thuốc rồi chờ tối đột nhập vào kho lấy thuốc. Khi người quản lý thuốc bị quy trách nhiệm và có khả năng ra trước tòa thì anh không chịu nỗi “cơn đau” này. Anh thú nhận sự việc và bước vào cuộc chiến mới, chiến đấu với chính mình - cai nghiện.

Lãnh đạo Quân y viện 17 cho chị biết sự thật để chị xác định tư tưởng và tiếp thêm sức mạnh cho anh. Qua cơn choáng váng, chị động viên anh cai nghiện với lí do nhẹ nhàng hơn “vì sức khỏe chớ không phải vì tiếng tăm”! Bệnh viện đã cho anh một căn phòng độc lập, cách ly hoàn toàn.

Những ngày này với chị Thạnh vô cùng khó khăn. Hai đứa con trai gửi ông bà chăm sóc. Chị ẵm con gái thứ ba chưa tròn một tuổi đến bệnh viện trông nom chồng. Có lúc mẹ anh ra thay chị vài ngày nhưng cũng không biết con trai mình đang cai nghiện.

Gần hai tháng trời anh mới cai nghiện được. Anh chị lại cùng nhau lên núi, những lúc không ốm đau lại cuốc xới, chăm heo, gà kiếm thêm tiền ăn tiền thuốc. Lúc này sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu kéo theo tình hình kinh tế của cả nước rơi vào giai đoạn khốn khó nhất. Nhiều tổ chức, cơ quan Nhà nước cũng thành lập các bộ phận về nông thôn hoặc lên vùng núi để tăng gia sản xuất. Huyện Hòa Vang đặt vấn đề mua lại trang trại của anh chị. Lúc này con trai đã đến tuổi đến trường. Vậy là anh chị quyết định “xuống núi” vì tương lai con cái.

Sau khi giám định lại vết thương, anh được xếp Thương binh loại 1. Năm 1989, Quân khu 5 cấp nhà cho anh ở phường An Hải. Phòng doanh trại kết hợp với Công ty Vạn Tường xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chị. Chị đắn đo mãi rồi xin nghỉ việc ở phường. Bạn bè cùng trang lứa người động viên chị ở lại, người thì hờn lẫy “bom trên đạn dưới vẫn bám trụ, bây giờ hòa bình lại đi”. Chị nói, anh cần chị, con cái cần mẹ. Bỏ việc để chăm sóc chồng cũng là một nhiệm vụ. Vậy là chị dứt áo rời quê, dù biết ở thành phố cũng sẽ phải chạy cơm, chạy thuốc từng bữa.

Những lúc vết thương đỡ đau, anh giúp chị cho heo gà ăn, thu gom phế liệu. Đơn vị D84 gần nhà anh chị có một hồ nước, nguyên là hồ chứa nước chữa cháy của đơn vị lính Mỹ trước đây. D84 cũng đã từng nuôi cá để cải thiện cho cán bộ chiến sỹ đơn vị nhưng không hiệu quả do không có lối thoát nước và luôn bị mất trộm. Khi anh bảo nhận nuôi chị sợ không thoát được cái “bóng” người đi trước nhưng luôn tôn trọng quyết định chồng và thực thi nhiệm vụ “hậu cần”. Tiền đầu tư cải tạo hồ không thể làm chịu thì chịu tiền cám bã. Rồi cả ngày cắt cỏ, băm rau cho cá. Khổ nhất là những lúc anh nằm viện, chị vừa vào viện chăm sóc anh vừa chăm sóc cá. Công việc lút đầu lại thêm bọn trộm cắp biết anh nằm viện cứ rình bắt trộm cá.

Năm đầu không thoát được cái bóng người trước, cá chết nhiều do thiếu ô-xy, nước không đảm bảo chất lượng. Năm sau rút kinh nghiệm, cải tạo lòng hồ và thả cá ít hơn. Vật vã cả ngày với hồ cá. Không phụ công người, tiền ăn học cho con, tiền thuốc men cho chồng được cá gánh đỡ. Thu nhập từ hồ cá cộng với thu gom phế thải tạm đủ cho con ăn học và thuốc men. Nhưng năm 1999, trận lụt cuối thiên niên kỷ đã lùa sạch cá của anh chị ra đường Ngô Quyền. Chị đắng lòng nhìn người ta nô nức bắt cá từ hồ tràn ra đường. Sau lũ, cạn kiệt vốn liếng, việc cải tạo làm đường thoát nước qua khu dân cư hoàn toàn nằm ngoài ý chí, sức lực, anh chị đành trả lại hồ.

Về hưu với thẻ thương binh nặng nhưng anh tham gia công tác: Bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, dân phòng, mặt trận. Người dân An Đồn, An Thị Mỹ từ nhiều nơi đến cư trú, từng lấy thùng hàng của lính Mỹ khi xe chở từ cảng về. Thời kỳ bao cấp thiếu đói cũng đưa người ta đến con đường ấy nên an ninh trật tự rất phức tạp. Anh phối hợp với công an, hằng đêm cùng đội dân phòng tuần tra canh gác, không cho tụ tập nhậu nhẹt, bài bạc. Dù mưa, nắng, “chân chấm chân phẩy” vẫn đi. Nhờ vậy mà các vụ chè chén, bài bạc, ẩu đả giảm hẳn. Tết đến, không nằm viện thì anh chạy đi chạy lại phường, hội xin tiền cho người neo đơn, trang trí xóm ngõ… Chị về quê lo hương đèn, cúng gia tiên rồi ra dọn cửa nhà, mua cho con cái áo quần, mứt kẹo,...

Rồi khu phố anh giải tỏa cho dự án mở rộng đường Ngô Quyền, con đường phục vụ giao thương hàng hóa xuất nhập qua cảng Tiên Sa, là điểm cuối của hành lang Kinh tế Đông - Tây (East - West Economic Corrider - EWEC), kéo dài qua 4 nước Myanma, Thái Lan, Lào, Việt Nam. Đây là một việc rất cần sự đồng lòng của người dân. Rất nhiều nơi đã xảy ra khiếu kiện quyền lợi, chậm trễ giao trả mặt bằng. Vậy mà anh là người đầu tiên nhận tiền đền bù và giao trả mặt bằng để “làm gương cho người khác”. Anh thực hiện đúng lời hứa với lãnh đạo thành phố: Khối phố 1 dẫn đầu việc giao mặt bằng. Chẳng mấy ai biết chị chịu “hậu giải tỏa”. Tiền đền bù thường chỉ đủ mua đất, người cần làm tạm gì cũng nhắm anh. Người thì mượn tiền. Anh bảo chị: Cho mượn đi! Chị đưa. Rồi họ... đi luôn! Trong một lần Chi đoàn tổ chức chuyến đi “tìm địa chỉ đỏ”, nhìn tên anh trên bảng chiến công trận đánh ngày 21 tháng 8 năm 1968 trong động Huyền Không, núi Ngũ Hành Sơn, tự nhiên tôi nghĩ về Tề Thiên đại thánh, nhân vật thông minh, chính trực và đôi lúc ngang tàng của tác phẩm Tây du ký. Nhớ lại tôi không khỏi bật cười.

Năm 2002, Phan Hành Sơn phải vào ra bệnh viện thường xuyên, mổ 3 lần. Tổng số cả thảy là 17 lần mổ. Sau mỗi đợt điều trị, anh ở nhà không quá hai tuần. Lúc này mẹ anh đã rất yếu. Chị ở giữa hai người bệnh, chạy qua chạy lại nhà và bệnh viện cả ngày. Mẹ mất, anh xin bệnh viện về chịu tang mẹ xong là trở lại viện.

Thành phố hỗ trợ một khoản tiền cho vợ chồng anh làm nhà nhưng lúc này anh đau suốt, hầu như cả năm nằm trong bệnh viện. Mình chị vừa lo thợ thầy vừa chạy đi chạy lại bệnh viện. Gần 30 năm, sau câu nói của người bạn thân trong ngày cưới, chị vẫn tất tả ngược xuôi, chăm chồng nuôi con.

Giữa năm 2003, vết thương tái phát, nhiễm khuẩn, anh mất. Ngôi nhà khang trang nhưng thời gian ở nhà mới của anh chỉ chừng hai tháng. Tính từ ngày bị thương đến khi mất là nửa cuộc đời anh chiến đấu trong mặt trận không tiếng súng nhưng vô cùng gian nan.

Với 28 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ trong đó có 1 lần Dũng sĩ diệt máy bay, 7 lần Dũng sĩ diệt Mỹ, 20 lần Dũng sĩ Quyết thắng và hơn ba mươi giấy khen, bằng khen, Huân chương Chiến công. Tính ra, số danh hiệu mà anh được phong tặng so với số lần anh lên bàn mổ thì vẫn dư dả!

Tôi nhìn ngôi nhà khang trang, cuộc sống mới đã mở ra. Trước mặt nhà là con đường “hướng ra biển lớn” Ngô Quyền 48m, rộng thênh thênh. Bên kia đường là những tòa cao ốc chọc trời. Xã Hòa Quý của anh chị cũng đã chuyển thành phường, những con đường mới rộng đẹp đã mở ra, những khu phố mới đã mọc lên. Chiến tranh đã lùi xa, như thể nó chưa từng diễn ra.

Tôi nói: Chị có thể thanh thản khi đã song hành cùng anh suốt chặng đường gian khó. Thế nhưng chị Thạnh nói: Chưa đâu. Là Mẹ Việt Nam anh hùng, với các khoản tiền trợ cấp của Nhà nước, mẹ chị không phải lo cái ăn nhưng vẫn phải bám trụ quê nhà để hương khói gia tiên và chăm người con gái ngoài 50 tuổi đang nửa tỉnh nửa mê. Chị muốn đưa mẹ ra phụng dưỡng nhưng không được. Vì vậy, thay đoạn đường giữa nhà và bệnh viện, chị về quê, với mẹ và em gái, dưới chân ngọn núi đã cho anh tên gọi.  

M.T