Chuyện nhặt dọc bờ biển

15.03.2021
Văn Thành Lê

Chuyện nhặt dọc bờ biển

Cứ tưởng tượng, giá như không có sông và biển thì con người sẽ không phát kiến một ý tưởng lãng mạn là đóng ra những chiếc ghe, con thuyền để “cuộc đời mình như chiếc thuyền nan, trôi nó trôi bềnh bồng” như ca từ một bài hát sinh hoạt cộng đồng. Và, nhờ đó, những câu chuyện mang sắc màu của sóng nước mới có dịp neo đậu trong hồn người, thỉnh thoảng tỏa hương thời gian trên cõi nhân gian xanh rêu ký ức.

1.Nhà nghiên cứu Thạch Phương, lúc tổ chức thu thập tài liệu, hình ảnh cho bản thảo bộ Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng, đã nhờ tôi đưa ông đi dọc bờ biển từ bán đảo Sơn Trà về Điện Ngọc, Điện Dương của thị xã Điện Bàn.

Sáng hôm đó, ông lững thững đi bộ trên đường dẫn lên cầu Thuận Phước phía bờ Đông, khi cây cầu bắc qua sông Hàn nơi cửa biển này đang trong xây dựng. Ông quay nhìn khắp nơi, nắng ngập cả một miền sông nước, gió lòa xòa trên mái tóc gội sương. Âu thuyền Thọ Quang, khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, xa hơn là cảng Tiên Sa với huyền thoại gắn liền với tên đất tên làng giữa một bên sông, một bên núi.

Một chiều muộn xưa. Một chàng trai làng chài đang kéo mẻ lưới cuối cùng thì phát hiện trên bãi vắng thấp thoáng chín bóng hồng trong xiêm y cổ kính. Các nàng vờn đôi cánh mềm múa ca một lát rồi xiêm y để lại trên bờ, vóc ngọc thỏa thuê đắm mình dưới làn nước trong xanh giữa một bên non một bên biển. Có một nàng vì mải miết đắm mình giữa không gian huyền hoặc mà nắng chiều khuất sau đỉnh non xa vẫn chưa chịu quay về. Khi sực tỉnh, mới vội vã bay về trời, bỏ lại chiếc áo khoác bên bờ cát trắng.

Chàng trai xóm chài cầm chiếc áo đẫm sương còn vương hương người ngọc, mơ màng nghĩ về chủ nhân của nó. Nàng, cô út trong Cửu vị Tiên nương, bị Tây Vương Mẫu quở trách bèn quay lại tìm chiếc áo bỏ quên. Cuộc hội ngộ tiên - trần bất ngờ, sau phút đầu e ấp, họ tay trong tay, mắt nhìn mắt, nói với nhau bằng những điệu múa diễm tình. Chuyện xưa đầy màu sắc huyền thoại được nhạc sĩ Phan Ngọc kể lại trong một tổ khúc múa có tên là Chuyện tình Tiên Sa...

Nhà nghiên cứu Thạch Phương dõi mắt xa xăm về phía bờ cát trải dài dưới chân núi Sơn Trà, chuyện xưa bồng bềnh theo nhịp sóng vẳng lên từ những chân cầu mới dựng. Lúc đó, tôi cố gắng sắm tròn vai “thổ công” và chăm chú nghe phản hồi từ ông những trải nghiệm của người đi trước. Lồng lộng gió biển Hà My, chói chang nắng trưa khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, mát rượi bóng núi Ngũ Hành Sơn... qua từng chặng dừng chân, những tên đất, tên người từ ký ức ông bật lên thành cảm thức thực tại trong tôi.

Gần 3 năm sau 2010, Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng (Thạch Phương - Nguyễn Đình An chủ biên) chính thức được NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, ấn hành. Ở trang 103, thấy có một thông tin khá thú vị. Bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng dài khoảng 150km, trong đó thành phố Đà Nẵng chiếm 74km (tính theo bờ cong vịnh Đà Nẵng từ mũi Isabell là 26km + đường bờ quanh co của bán đảo Sơn Trà là 32km + bãi ngang từ bờ nam bán đảo Sơn Trà đến Điện Ngọc là 16km). Con số thực tế này làm ngạc nhiên không ít người, bởi lẽ không ai nghĩ rằng bờ biển thành phố Đà Nẵng lại có chiều dài xấp xỉ với bờ biển tỉnh Quảng Nam!

Phía đông bắc cầu Thuận Phước có một cồn đất từng mang tên là Cồn Ma, rộng tầm 5 ha. Gọi thế, bởi đây là nơi an nghỉ của những hồn ma không nơi nương tựa. Cồn Ma có từ bao giờ, chưa ai xác quyết được, đó là tên gọi dân gian, chưa bao giờ đi vào địa danh hành chính. Nó như một hòn đảo nhỏ được viền quanh bằng những hàng dương liễu, đứng trên đỉnh Sơn Trà nhìn xuống trông như một giọt nước. Người dân Nại Hiên Đông ví như giọt nước mắt rơi từ cửa biển Đà Nẵng vào đất liền, bởi đây là nơi an nghỉ của những ông Được, bà Được.

Ông Nguyễn Văn Dũng, nguyên Bí thư phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, dẫn lời các cụ xưa cho rằng đây là nơi tàu Pháp bị chìm ngày trước, lâu ngày đất tụ lại thành cồn. Dân thấy cồn sạch sẽ, cao ráo nên chọn làm nơi chôn cất những người chết trôi trên sông, biển. Cồn Ma nằm bên cửa khẩu Đà Nẵng, rất thuận lợi cho việc cập tàu vào và đưa những ông Được, bà Được lên tìm cho họ một chỗ an nghỉ cuối cùng. Người đi biển hễ gặp xác người lênh đênh bất kể từ đâu dạt tới, bất kể màu da sắc tóc, đều ghé tàu lại đưa họ về, dù mới xuất bến, dù chuyến biển đó có tổn phí đến hàng chục triệu đồng.

Làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, trước cũng có một bãi tha ma dành chôn cất những người “được” ven biển. Trả lời câu hỏi vì sao ngư dân lại tự nguyện một cách tâm linh trong việc nghĩa này, ông Đặng Dùng, một cư dân Nam Ô, lý giải: Người dân biển tin rằng làm việc phước đức đó thế nào cũng sẽ được người chết phù hộ cho trúng mùa và được bình an trên biển khơi.

Nam Ô có nghề đánh cá cơm than làm mắm, trong đó nổi tiếng nhất là ông Phan Lang, bà con quen gọi là Lợi theo tên người con gái đầu của ông. Ông nổi tiếng là người luôn ra tay “hành hiệp” với những xác người “được” trên sông biển. Cả cha ông cũng thế. Tuy cha con ông rất giỏi nghề biển giã, nhưng người ta vẫn tin rằng nhờ có tấm lòng rộng rãi, quảng đại mà họ luôn có một thế lực vô hình phò trợ, cứu khổn phò nguy.

Một lần, có người “ứng đồng” ở dinh Cô hồn, bảo rằng đi biển mùa này sẽ có lộc. Ông Lợi nghe thế, đưa tàu ra khơi, chạy suốt một ngày đêm thì “được” một xác người, ông đưa lên tàu, vì tử thi đã bắt đầu phân hủy nên ông ướp muối vào rồi lấy chiếu bó lại. Về, lo xong chuyện tống táng, ông lại đi biển và liên tục trúng mùa cá chuồn. Hồi đó ai được 6-7 thiên cá chuồn đã xem là trúng, ai được vạn là trúng lớn, nhưng ông Lợi thì phải tính đến hàng muôn, nghĩa là trăm nghìn.

Cồn Ma, qua bao đổi thay, giờ không mang hình “giọt nước mắt” nữa và những linh hồn mang tên Được cũng đã có nơi yên nghỉ mới ở các nghĩa trang. Bãi tha ma cho người “được” ở Nam Ô giờ cũng đã giải tỏa. Song, có một điều không hề dời đổi, đó là tập tục cao đẹp nghìn đời ấy của người dân vùng biển vẫn mãi lưu truyền qua các thế hệ và trở thành một đạo lý bất biến với thời gian...

Cứ tưởng tượng, giá như không có sông và biển thì con người sẽ không phát kiến một ý tưởng lãng mạn là đóng ra những chiếc ghe, con thuyền để “cuộc đời mình như chiếc thuyền nan, trôi nó trôi bềnh bồng” như ca từ một bài hát sinh hoạt cộng đồng. Và, nhờ đó, những câu chuyện mang sắc màu của sóng nước mới có dịp neo đậu trong hồn người, thỉnh thoảng tỏa hương thời gian trên cõi nhân gian xanh rêu ký ức.

Một trong những nhân vật lịch sử gắn liền chuyện tích đời mình với biển, với sông là Công chúa Huyền Trân, con gái vua Trần Nhân Tông. Ở Đà Nẵng, có ít nhất hai di tích được cho là liên quan đến cuộc vượt biển ngoạn mục của bà.

Năm 1306, vua Trần Nhân Tông nhận lời gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân, vị vua trẻ tài ba của Chiêm quốc, sính lễ là hai châu Ô, Lý. Năm 1307, Chế Mân băng hà, theo tục nước Chiêm Thành khi vua chết, Hoàng hậu phải lên giàn hỏa tuẫn táng. Vua Trần Anh Tông, anh của Công chúa Huyền Trân biết tin, sai Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách cứu em gái mình. Khắc Chung bày kế, dùng thuyền nhẹ cướp công chúa và đưa bà về Đại Việt bằng đường biển...

Tương truyền, trên đường về Đại Việt, Huyền Trân đã từng đi thuyền trên sông Cổ Cò (tên chữ là Lộ Cảnh Giang) - đường thủy quan trọng thuận tiện nhất giữa hai cảng thị về sau có tên là Đà Nẵng và Hội An. Ở phía Tây Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn bên tả ngạn sông Cổ Cò hiện còn di tích miếu thờ Huyền Trân công chúa dưới chân ngọn Kim Sơn, người dân địa phương thường gọi là Miếu Bà, hằng năm cứ đến ngày 16-2 âm lịch là bà con quanh vùng tổ chức cúng tế Bà.

Giữa làng chài Nam Ô cũng có một ngôi miếu cổ nằm dưới chân núi Xuân Dương, tương truyền đây là ngôi miếu thờ vọng công chúa Huyền Trân. Theo lời “nhà Nam Ô học” Đặng Dùng, ngôi miếu được trùng tu cách đây trên 150 năm, vào năm Tự Đức thứ mười sáu (1863).

Cách ngôi miếu cổ không xa, nằm ngay ven cửa sông Cu Đê là di tích mộ tiền hiền của các chư phái tộc làng Nam Ô. Tương truyền, đây là mộ của vị tướng quân đã anh dũng hy sinh trong trận đánh chặn quân Chiêm Thành để giải cứu Công chúa Huyền Trân cùng quan Nhập Nội Hành khiển Thượng thư Tả Bộc xạ Trần Khắc Chung, An phủ sứ Đặng Văn và đoàn tùy tùng thoát ra biển quay về cố quốc.

Từ đời vị tổ đầu tiên rời đất Bắc vào nơi đây khẩn hoang lập ấp và lập nên làng Nam Ô, các thế hệ dân làng đã nghe truyền tụng về tấm gương trung liệt của vị tướng quân Nhà Trần đã anh dũng hy sinh trong trận đánh chặn quân Chiêm năm xưa. Dù không rõ danh tính, quê quán vị tướng quân, nhưng các chư phái tộc làng Nam Ô đều đồng lòng suy tôn vị tướng quân này là “Tiền hiền triệu cơ” (Tiền hiền mở cõi) của làng, một cách không chỉ ghi nhớ công đức tiền nhân mở cõi mà còn nhắc nhở cháu con câu chuyện nàng công chúa Nhà Trần đã “vị quốc vong thân” và lưu lại trong dân gian câu ca ngậm ngùi thân phận: Tiếc thay cây quế giữa rừng/ Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo!

Tết rồi, theo chân mấy người bạn lên tham quan ghềnh đá Nam Ô. Nhìn những tảng đá nhiều kích cỡ lô nhô nhoài mình trên bãi biển, rêu xanh ấm màu nắng tháng Giêng, lòng chợt bồi hồi nhớ huyền tích cũ. Đoàn thuyền đưa nàng công chúa quay về từ Chiêm quốc năm xưa hẳn đã thả neo đâu đó trên bờ biển và từ ngày đó đã neo đậu trong tâm hồn người dân bản xứ một thiên sử thi mang màu sắc tâm linh diễm ảo. Thời gian lặng lẽ trôi đi như sông về với biển, chỉ những chuyện tích gắn với sóng nước vẫn ở lại trong hồn người. Được chiêm nghiệm qua nhiều thế hệ, chúng kết tinh thành những vỉa quặng óng ánh vẻ đẹp mà ta có thể gọi một cách văn vẻ là văn hóa dân gian...

V.T.L