Biển nhìn từ núi

15.03.2021
Hồ Sĩ Bình

Biển nhìn từ núi

Ngày đó, năm 1972 gia đình tôi về trong một trại lính cũ đã bỏ không ngay sát bờ biển Mỹ Khê. Những ngày nghỉ học ở Huế tôi vẫn thường về nhà, có mặt ở biển từ sáng tới chiều. Biển ngày ấy vẫn còn hoang vu, thỉnh thoảng tôi vẫn lang thang bên bờ biển nhặt những vỏ ốc màu sắc sặc sỡ, theo chân tôi là một cô bạn nhỏ, đợi tôi nhặt được vỏ ốc nào đẹp là cô ấy nhặt lấy với những nụ cười thích chí. Vào cái tuổi mới biết buồn, những ngày mưa tôi vẫn ngồi dưới cái lều nhỏ bỏ hoang nhìn biển chìm trong mưa và mơ mộng. Để rồi hơn sáu năm sau tôi ra trường, vác ba lô lên Tây Nguyên dạy học mang theo một nỗi nhớ biển khơi, đêm đêm trong giấc ngủ vẫn thì thầm tiếng sóng như một lời nhắn nhủ, hãy trở về với biển. Những ngày đầu sau 1975, tôi chợt đọc đâu đó một bài thơ của Ngô Thế Oanh, thích mấy câu viết về biển: Em sinh ra và lớn lên ven bờ biển/ Tiếng sóng vỗ một đời em xao xuyến/ nhưng em ơi hãy yêu tình yêu những cánh rừng.. Tôi đang ở rừng cũng yêu rừng nhưng lại nhớ biển với những kỷ niệm với cô bé từng cùng tôi đi nhặt vỏ ốc ngày nào, những ngày mưa xa vắng...

Phải bảy năm sau tôi mới trở lại và định cư luôn ở Đà Nẵng. Theo thời gian, với biển đã có một góc nhìn khác trong tôi, tình yêu cũng đã khác đi. Đắm đuối mà trân trọng trong một tâm thế biết ơn, dạt dào xúc cảm với với những dòng sử ký bi hùng với biển Đà Nẵng. Nhắc lại hai sự kiện bi hùng, người Pháp theo đường biển vào biển sông Hàn đánh vào thành Điện Hải năm 1858 và quân Mỹ đổ bộ đầu tiên vào bãi biển Xuân Thiều ngày 08/3/1965. Cả hai đều chọn Đà Nẵng là điểm khởi đầu cho cuộc xâm lược Việt Nam. Khoan nói đến vị trí chiến lược về địa lý và quân sự của thành phố bên sông Hàn, tôi nghĩ nhiều về sức kháng cự quyết liệt chiến đấu dũng cảm của quân chủ lực thuộc triều đình cùng với sự tham gia của biền binh và dân binh làm cho quân Pháp không thể nới rộng địa bàn hoạt động để rồi sang đầu năm 1859, Pháp phải chuyển quân vào Gia Định... Đúng như câu thơ của Thu Bồn hơn một thế kỷ sau Cho con núi rộng sông dài/ Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn năm. Mỗi lần đọc lại sử ký về những năm tháng bấy giờ lòng không khỏi xúc động và ngưỡng mộ vô cùng về quân dân Cửa Hàn (Tên gọi của Đà Nẵng trước khi quân Pháp đánh vào thành Điện Hải cho đến năm 1945) đã cầm thanh gươm của thân phụ lưu truyền hiên ngang trấn giữ trước cửa biển tiền tiêu của Tổ quốc...

Sau khi thông hầm Hải Vân, chúng tôi vẫn thường lên đèo. Vào buổi trời âm u, mưa gió, tôi và Hiền thường ghé lại một quán trên đỉnh sương sương một vài chai ngắm mông lung, tán chuyện vu vơ rồi xuống đèo. Lúc nhàn du, có khi đem mồi và rượu theo, leo tít lên mấy lô cốt ở trên cao, trải báo ra rồi mặc sức ngắm thiên địa mang mang trong một nỗi khinh khoái tột cùng. Lúc này Ải Vân quan, mù mịt giữa mây trời trông như một ông già trong cổ tích đăm chiêu nhìn thế sự, phảng phất nét u trầm nghiêm nghị với nỗi tự hào không thèm nói ra. Trước đây, giữa ồn ã ngược xuôi xe cộ khó chiêm ngắm được cái hình hài đúng như chính nó đã sinh thành và tồn tại trong mỗi bước đi tồn vong của lịch sử dân tộc.

Ngồi trên đỉnh, mới tâm lĩnh được cái thế yết hầu, cái chìa khóa vàng của miền Thuận Quảng xưa.

Tại sao khi quân Pháp sau khi đã tấn công thành Điện Hải đã không nhân cơ hội đó thẳng tiến về phía Bắc để chiếm luôn kinh thành Huế?  

Để trả lời câu hỏi của tôi, Hiền, như một nhà nghiên cứu quân sự, vẫn có thói quen mở tấm bản đồ phòng thủ dưới thời Nhà Nguyễn, với lối diễn giải thật chi tiết và đầy cảm hứng về cách bố trí những khẩu súng thần công trong tư thế dàn hàng ngang hướng về vùng vịnh Đà Nẵng, vị trí và tầm quan sát cùng những đồn bót hỗ trợ phòng ngự. Cách bố trí đội hình trong tư thế sẵn sàng quyết tử để làm lá chắn, tạo thành một “bức tường thép'' làm tuyến phòng thủ lợi thế về địa hình từ trên cao nhìn xuống sẽ làm chùn chân quân Pháp khó vượt qua cửa ải Hải Vân . Một phần, bấy giờ quân đội viễn chinh của Pháp đã bị tiêu hao lực lượng, bệnh tật, không được tiếp tế lương thực vì chủ trương “vườn không nhà trống” của ta. Trên một độ cao sơn thủy chập chùng và sự phấn khích đựơc đẩy đến tận cùng, nếu được giải thích lịch sử, tôi ngờ rằng hơn 160 năm về trước sau khi đánh thành Điện Hải với âm mưu đánh thọc thẳng vào kinh đô, thay vì tiến sâu họ đã phải rút đi, ngoài yếu tố gặp sự kháng cự quyết liệt của quân và dân bên bờ sông Hàn, thì Ải Vân quan là một thế sinh tử mà người Pháp phải e ngại, khó mà vượt qua. Khi nhìn lại lịch sử đây là thời điểm đáng tự hào nhất, thể hiện rõ nhất vị trí chiến lược con đường sạn đạo cực kì quan trọng của ải quan hào hùng. Tất cả là giả sử. Thử quay lại thời gian, nếu như không có Ải Vân quan thì tốc độ chiếm cứ nước ta của người Pháp sẽ diễn ra nhanh hơn, quá trình thực dân đô hộ sẽ sớm hơn, tất yếu sự dập tắt ý chí chiến đấu của người Việt sẽ hiệu quả hơn bởi chỉ một trận đầu họ đã thôn tính được kinh đô, đánh gục được bộ chỉ huy đầu não của đất nước. Dĩ nhiên, lịch sử chống ngoại xâm ắt phải đẻ ra những anh hùng cụ thể vào một thời điểm cụ thể như một tất yếu nhưng con người luôn muốn đặt ra những giả định trên cơ sở hiện thực để trầm tư, tra vấn và lý giải hướng đi của lịch sử. Chỉ nghĩ đến điều đó thôi, đã thấy hào khí ngất trời trong tâm cảm của người uống rượu đời nay tự hào về hùng quan ải cũ đang sừng sững trước mắt bằng một câu hỏi cần được trả lời, một giá trị cần được khẳng định.

Để nhìn được biển Đà Nẵng từ trên đỉnh đèo Hải Vân ta mới cảm nhận rõ hơn mối quan hệ máu thịt giữa núi rừng và biển tạo nên một cửa ngõ vừa mở vừa khép kín trong thế trận phòng thủ suốt cả chiều dài lịch sử. Khi hòa bình lập lại thì Đà Nẵng với vị trí đắc địa của mình sẽ rất lý tưởng để xây dựng Cảng trung chuyển cho cả khu vực...

Đêm ngủ lại Hòa Vân dưới chân núi, đi dọc ven biển, chúng tôi gặp một ngọn núi cao chồm ra biển, trong vị thế cùng với núi Sơn Trà ôm lấy vùng vịnh và thành phố Đà Nẵng thành hai gọng kềm phòng thủ rất lí tưởng đối với Biển Đông, tầm quan sát và hoạt động không chỉ là mặt biển mà còn khống chế cả trên không. Nhìn vào bản đồ, Đà Nẵng là phần nhô ra của chữ S so với mặt biển thì hai gọng kềm này cùng với Ải Vân quan tạo ra tuyến phòng thủ vô cùng quan trọng. Vâng, lịch sử đã trao tay ta cho ngọn đèo một thanh kiếm của cha ông để trấn giữ nơi đầu sóng biên viễn của Tổ quốc.

Đêm ngủ lại trên lưng đèo, trong kho tàng thơ ca viết về Hải Vân của các danh sĩ ngày trước, tôi lại nghĩ về Lê Thánh Tôn với bài thất ngôn Hải Vân hải môn lữ thứ (Qua cửa biển Hải Vân) viết vào năm 1470 - trên đường chinh phạt đất Chiêm ngủ lại ở vịnh Đồng Long (tên gọi của vịnh Đà Nẵng bây giờ) nhưng nhà vua không ngủ được (Tam canh dạ lĩnh Đồng Long nguyệt), nhìn lên cửa ải rồi nhìn ra thế núi, thế sông; vừa kỳ vọng, vừa trầm tư nội cảm, bậc minh vương không khỏi tự hào: Hỗn nhất xa thư cộng bức thiên/ Hải Vân hoành giới viết Nam thiên (Nước thống nhất, bánh xe cùng một cỡ, một kiểu chữ, một cương vực. Hải Vân vạch ngang ranh giới xuống trời Nam). Câu thơ rạch ngang một nhát chém giữa trời Nam mạnh mẽ, mang sức mạnh của một lời khẳng quyết. Tôi chợt nghĩ đến một thành phố Đà Nẵng bấy giờ đứng ở đâu bên vịnh biển, chỉ là một vệt dài lau lách um tùm cây cối. Có không một giấc mơ nào của đấng quân vương về một cửa ngõ trước Biển Đông để định danh cho một vùng đất mới. Còn Trần Cao Vân trên độ cao 500 mét, lời thơ như muốn xé ngang trời: Sầu lắng biển xanh, tầm mắt vút/ Hờn lên mây trắng nắm tay vung. Biển dẫu có xanh nhưng đã thuộc chủ quyền của quân xâm lược nên sầu lụy căm hờn muốn vung tay mà đấm trời mây.

Chúng tôi ngồi uống rượu trên đỉnh đèo, trong đầu óc luôn khinh khoái suy nghĩ đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Nhiều khi trên nắp hầm lô cốt, nắng vừa tỏa dày thì khoảng chốc mây, sương, hơi đá và gió lạnh lại ập xuống rất nhanh. Khi ấy cảm giác như mình đang trôi đi xa lắm, trong men rượu nồng nàn tưởng đang cùng sương trắng bay la đà ra khỏi cõi nhân gian. Nhiều khi cao hứng ngồi uống rượu ngẫm ngợi chuyện xưa, chuyện nay cho đến khuya. Trong bóng tối lặng ngắt, chỉ còn le lói mấy ngọn đèn dưới dãy hàng quán, biển Đà Nẵng bỗng hiện lên trong vẻ đẹp của một dải hoa đăng kỳ ảo, lung linh như một vệt ngân hà sáng loáng mà ai đó đã kéo xuống rồi bày biện ra trên mặt đất. Có lẽ đây là một góc nhìn lý tưởng nhất để cảm nhận trọn vẹn nét đẹp của biển đêm Đà Nẵng. Đôi khi tưởng là giấc mơ, và tự hỏi, ngày trước cái vịnh Đồng Long (vịnh Đà Nẵng bây giờ) trong mắt nhìn vua Lê Thánh Tôn thuở ấy trong đêm tối chỉ là một vệt sóng rêu mờ, có thầm mơ về một vùng đất huyền mị, hư ảo, tươi rói một màu hoa đăng như bây giờ.

 

Đã nhiều lần đứng trên núi cao Hải Vân và trên đỉnh Sơn Trà, tôi cho rằng đó là nơi giúp ta cơ hội chiêm ngắm biển Đà Nẵng một cách trọn vẹn nhất, đầy đủ nhất với hình ảnh vừa bao la rộng dài ngút mắt vừa gần gũi thân thiết, hùng vĩ hào hùng mà xao xuyến khinh khoái.

Hình thế - Biển - Núi sông là một hồng ân của thượng đế đã ban tặng cho chúng ta để Đà Nẵng “rừng trong phố biển” trở thành một đô thị biển được kỳ vọng nhất và là đô thị kiểu mẫu trong chiến lược phát triển đô thị Việt Nam. Biển là một niềm hy vọng. Hơn 30 năm trước, dù trước đó Đà Nẵng còn là một đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong một tâm thế đứng trước biển “Cần phải cười đi, đùa đi, nếu không muốn rưng rưng nước mắt” đã có một sức tiên cảm thật kỳ lạ về tương lai phát triển của Đà Nẵng:

... Ngoài kia Sơn Trà đã phủ sương/ Biết bao tin cậy giữa lòng mình/ Khi mình giữa lòng Đà Nẵng/ Ở đây anh không thể trôi ra biển/ Cũng không chịu dạt lên ngàn

... Đà Nẵng tự đẻ ra mình từ khơi xa/ Dẫu sau những bức tường kia còn nhộn nhạo những mưu mô kẻ cắp/ Tôi tin những giấc mơ lành trong trong đêm có thể lấy lại được/ Theo cách Đà Nẵng/ Trước thềm biển...

Vâng, dù ngoài kia ở biển Đông “còn nhộn nhạo những mưu mô kẻ cắp”. Đà Nẵng đã không ngừng phát triển để xây dựng một thành phố biển lý tưởng. Tính từ năm 1996, sau khi Đà Nẵng tách tỉnh và trở thành thành phố trực thuộc trung ương mới có điều kiện phát triển vượt bậc. Tôi vẫn nghĩ trong quá trình phát triển của mình, chủ trương phát triển quy hoạch của thành phố về phía Đông, về phía biển là một dấu mốc, một thành tựu đáng kể nhất, ý nghĩa nhất. Sau khi xây dựng cầu sông Hàn, liên tiếp những cây cầu: cầu Cẩm Lệ, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Thuận Phước, cầu Tuyên Sơn... được thiết kế, kiến trúc, kỹ thuật có giá trị cao về thẩm mỹ đã được xây dựng. Cùng với đó, xóa bỏ xóm nhà Chồ bên sông Hàn, hình thành một hệ thống giao thông đô thị hiện đại với những cụm dân cư, trung tâm hành chính, những khu phố, cơ sở vật chất khang trang, đồ sộ... đã làm thay đổi diện mạo một vùng đất rộng lớn vốn trước đây được xem như một làng chài nằm cạnh đô thị.

Trong một lần nói chuyện với KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, từ năm 1991 là Chủ nhiệm đồ án Quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng, ông nghĩ gì trước khi bắt tay vào việc thiết kế quy hoạch tổng thể Đà Nẵng theo mô hình của một thành phố biển. Theo ông Chính: “Trong các đô thị biển Việt Nam, ngoài thành phố Hạ Long gắn bó với kỳ quan thế giới vịnh Hạ Long thì thành phố Đà Nẵng là đô thị biển có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và có vẻ đẹp hiếm có với biển Thái Bình Dương và vịnh Đà Nẵng, núi Sơn Trà, núi Hải Vân, vòng cung núi Phước Tường và xa hơn là Bà Nà của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Đà Nẵng được sở hữu một dòng sông có đầy đủ tiêu chí theo mong muốn để dòng sông này được quy hoạch và xây dựng để trở thành một bài thơ đô thị cho thành phố biển đặc sắc. Sông Hàn đã làm nên sự khác biệt của Đà Nẵng khác các đô thị Việt Nam”. Để xây dựng tuyến đường ven biển từ Điện Ngọc đến Sơn Trà, từ Sơn Trà đến Nam Ô thật tuyệt vời nhằm phục vụ cho du lịch biển với phương án giải tỏa một số đất đai liên quan đến an ninh quốc phòng như sân bay Nước Mặn. Cũng theo ông Chính, rất may bên Quân khu 5 đã đồng ý. Một chuỗi khách sạn và resort đẹp, có nhiều view chiêm ngưỡng biển lý tưởng ít có nơi nào sánh được góp phần nâng cao phát triển cho kinh tế biển của thành phố. Chưa kể đến, chính con đường này còn mở ra một tuyến du lịch sinh thái biển quanh núi Sơn Trà thật lý thú…

Những làng chài được tổ chức sắp xếp lại hợp lý hơn, Cảng nước sâu Tiên Sa được nạo vét, cải tạo và nâng cấp để đón những tàu bè có trọng tải lớn. Các đoàn tàu đánh bắt xa bờ được thành lập ra khơi bám biển. Từ lâu Đà Nẵng cũng đã thành lập một huyện đảo Hoàng Sa. Đặc biệt là nhà trưng bày Hoàng Sa với đầy đủ các tư liệu hình ảnh để chứng minh chủ quyền của Việt Nam với quần đảo thân yêu này. Những bạn bè, người quen khi đến Đà Nẵng tôi vẫn thường đưa họ đến thăm Nhà trưng bày. Ai nấy đều cảm thấy xúc động đến chảy nước mắt trước sự hy sinh của những người lính đảo, đặc biệt là sự kiện năm 1974 khi Trung Quốc đánh chiếm cụm đảo này. Cụm đảo là một phần xương thịt thiêng liêng của tổ quốc không thể tách rời. Hoàng Sa đối với người Đà Nẵng như là một lời chào nhắc nhủ về hòn đảo thân yêu luôn ở trong tim của mọi người. Nhắc để nhớ, ta không bao giờ được quên. Tôi muốn như người Achentina, họ thường chào hỏi nhau bằng câu nói: “Chào Malvinas”. Họ nhắc nhau hãy nhớ đến quần đảo Malvinas của đất nước họ bị đế quốc Anh chiếm đóng từ thế kỷ 19.

Theo sách Địa Chí Quảng Nam - Đà Nẵng (NXB Khoa học & Xã hội, 2010)   bờ biển Đà Nẵng dài khoảng 150 km sở hữu nhiều bãi biển: Non Nước, Bắc Mỹ An, Mỹ Khê, Xuân Thiều Nam Ô, Làng Vân. Mỗi bãi biển đều có những nét đẹp riêng. Bãi biễn Mỹ Khê được tạp chí Forbes xếp hạng là vào một trong 6 bãi biển hấp dẫn nhất hành tinh. Bãi biển Mỹ Khê là bãi ngang, bờ cát mịn dài rộng, nước biển trong xanh, độ sâu đáy biển tính từ bờ ra, thoai thoải từ nông đến sâu. Nhưng có lẽ góp phần để tăng sự hấp dẫn của bãi biển, bên cạnh cảnh quan thiên nhiên thơ mộng chính là ý thức bảo vệ môi trường biển, trong xanh, sạch đẹp an toàn của người Đà Nẵng. Nhiều lễ hội quanh năm được tổ chức tại đây nhằm tôn vinh giá trị một nền văn hóa biển đặc sắc tại địa phương. Nói về du lịch biển, kinh tế biển của Đà Nẵng, tôi không phải là người nghiên cứu về kinh tế nhưng mới đây theo lời của anh Huỳnh Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Du lịch: “Do hậu quả của đại dịch Covid, tăng trưởng kinh tế của cả nước năm 2020 là 2,7%, mức tăng trưởng vào tốp cao nhất của thế giới nhưng với Đà Nẵng lại âm tới 12%, một con số nói lên tất cả...”

Một buổi sớm mùa hè, tôi bỗng gặp lại “cô bé” cùng tôi đi nhặt vỏ ốc của mấy chục năm trước. Cô nhận ra tôi khi vô tình ngồi uống cà phê bên bãi biển sau khi tắm lên. Sau bao năm, biết bao điều để nói cùng nhau, nhất là nói về biển. Cô cho biết, cô vẫn giữ mãi tình yêu với biển, một tình yêu không thay đổi. Quanh năm, sáng sớm nào cũng đi tắm biển kể cả ngày mưa lạnh mùa đông, chỉ trừ khi đi xa và khi... có bão. Những ngày bão, buồn vì không ra biển được... Cô kể, đọc trên báo, một lần nghe một khách sạn, một công ty nào đó đã lén lút xả nước thải ra biển, cô căm giận đến nỗi “em phát khóc luôn, anh có tin không”. Tôi tin, tin luôn cả tình yêu biển đến mê đắm của cô. Sau khi không đi làm việc nữa, cô vẫn hay xách máy ảnh lên núi Sơn Trà để chụp ảnh linh trưởng Vọoc vá chân nâu và các loài chim đặc hữu của núi. Rồi cô bảo: “Mỗi lần lên núi, em luôn dành ít phút, tìm chỗ thích hợp để nhìn biển”... “càng lên cao, lạ - nhìn biển lại đẹp, lại thấy biển gần gũi hơn”... Tôi thêm, càng lên núi cao lại càng nhớ biển...

H.S.B