Kỷ niệm 100 năm sinh (1921-2021) và 20 năm mất (2001-2021) nhà văn Nguyễn Văn Bổng: Nguyễn Văn Bổng - Người đi đâu cũng mang theo hơi ấm quê nhà

15.03.2021
Phạm Phú Uyên Châu - Phạm Phú Phong

Kỷ niệm 100 năm sinh (1921-2021) và 20 năm mất (2001-2021) nhà văn Nguyễn Văn Bổng: Nguyễn Văn Bổng - Người đi đâu cũng mang theo hơi ấm quê nhà

Người ta có thể tách con người ra khỏi quê hương, nhưng không thể tách quê hương ra khỏi con người. (Gamzatov)

  1. Nguyễn Văn Bổng - người Quảng Nam “thứ thiệt”

Trong giới văn chương hiện đại, Đại Lộc có nhiều bậc tài danh như Lương Thúc Kỳ, Nam Trân, Nguyễn Đình, Võ Quảng, Trinh Đường... nhưng trong đó nổi bật nhất có lẽ là Nguyễn Văn Bổng (1921-2001). Ông còn có các bút danh khác là Trần Hiếu Minh (văn học giải phóng), Lê Nguyên Trung, Vương Quế Lâm, Phượng Nguyễn (các bút danh làm báo bí mật ở nội thành Sài Gòn), quê ở làng Bình Cư, nay thuộc xã Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam. Sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho nghèo, ảnh hưởng của người cha, từ nhỏ đã tập tành làm thơ văn thể hiện tâm trạng yếm thế, bất lực trước thực tại chế độ thực dân phong kiến. Sau khi học tiểu học tại quê, ông ra Huế học Cao đẳng tiểu học và tú tài tại trường Quốc Học, đỗ tú tài toàn và vào dạy trường tư thục Thuận Hóa, Huế. Tại đây, ông viết các truyện ngắn có tính chất thử bút, in trên các báo Hà Nội và Sài Gòn. Truyện ngắn đầu tay viết về một thanh niên trí thức, nghỉ hè về quê dạy cho các em học lớp dưới ở một nhà quen vùng núi, thứ bảy và chủ nhật anh xuống biển chơi, rồi trở về, được chủ nhà mời cơm, mời rượu, anh uống say, vì rượu, vì đường xa mệt nhọc, vì tình yêu, nhưng anh không say hẳn, chỉ “say nửa chừng” để đủ nhớ người yêu trên bãi biển xa cách những núi đồi (Say nửa chừng, in báo Thanh Niên SG, số Tết 1943). Truyện khác, kể về người mẹ mất sớm và người cha với những chuyến đi đò dọc sông Thu Bồn về Hội An, Cẩm Phô, Cửa Đại (Cha mẹ, in giai phẩm Xuân đầu mùa HN, Tết 1944)... Có lần, nhà văn ngẫm ngợi về bước mở đầu đi vào con đường văn chương của mình rằng: “Những truyện tôi viết trước 1945, khung cảnh thường lấy ở Quảng Nam Đà Nẵng. Có phải tôi đã đến với văn học  từ những bến sông, bãi biển, đường đèo... quê hương đó chăng?”[1]

Tất nhiên, trong thời gian học và dạy tư thục ở Huế, cảnh vật thơ mộng nơi đây cũng đã ít nhiều tràn vào trang văn Nguyễn Văn Bổng, như trong một đêm trăng đi chơi bằng đò trên sông Hương, ngủ chập chờn thấy mình chết chìm dưới đáy sông, từ đó nhìn lên thấy thái độ thay đổi của bạn bè, người thân và cả người yêu đối xử với mình như thế nào (Dưới đáy sông Hương, in Thanh Nghị, HN 1944); hoặc truyện về một thanh niên chán chường với cuộc sống thường ngày của mình, thấy cần phải “làm lại cuộc đời”, nhưng làm lại thế nào thì chưa rõ, nên cứ hẹn rày hẹn mai, hết ngày này sang tháng khác, lần lữa mãi chẳng bao giờ “làm lại” được, vẫn cứ phải sống mệt mỏi, chán chường (Làm lại cuộc đời, in Thanh Niên SG, 1944). Đọc truyện này, làm ta nhớ đến lời hứa hẹn sẽ trở thành nhà văn lớn trong truyện ngắn Giá không có ruồi của nhà văn châm biếm tài danh Thổ Nhĩ Kỳ Azit Néxin. Nhưng căn cứ vào tuổi tác và thời gian sáng tác không chênh nhau bao nhiêu nên chắc chắn thời điểm đó, ông chưa thể đọc Azit Néxin. Hầu hết những truyện viết trong thời gian này đều phản ánh tâm trạng bế tắc, chán chường, mệt mỏi của thế hệ thanh niên lúc bấy giờ, đang “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” (Tố Hữu), nhưng chưa tìm thấy, nên viết văn cũng chỉ là sự trốn chạy thực tại, núp vào “tháp ngà” nghệ thuật, phải đến sau 1945, ông mới ý thức được sứ mệnh thiêng liêng của công việc sáng tạo, và mới thực sự bước vào nghiệp văn trên chính mảnh đất quê hương: “Phải đến sau Cách mạng tháng Tám 1945, tôi mới thực sự bước vào đời văn - hay mới bước vào đời văn thật sự, tại quê nhà”[2].

Sau 1945, Nguyễn Văn Bổng sôi nổi tham gia công tác cách mạng, sẵn sàng làm bất cứ việc gì cách mạng cần. Ông vừa công tác tại Ty thông tin tuyên truyền thành phố Thái Phiên (tên Đà Nẵng lúc bấy giờ), vừa đứng ra thành lập và làm Hiệu trưởng trường Trung học Thái Phiên, vừa có chân trong Ban chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc thành phố. Tâm trạng hồ hởi của một thanh niên đến với cách mạng, nhập vào cuộc sống và chiến đấu chung với đồng bào được ông thể hiện trong tập bút ký Nhập vào đám đông (trích in trên báo Chiến thắng, sau đó nhà xuất bản Hoa Lư, Hà Nội in năm 1946, nhưng sách bị cháy trong kho của nhà in). Năm 1946, kháng chiến bùng nổ, ông viết bút ký Mùa đông 46, tham gia lãnh đạo đoàn cán bộ tuyên truyền quân dân chính, làm phóng viên rồi phụ trách báo Chiến thắng, kiêm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Cuối năm 1948, ông chuyển hẳn sang công tác văn nghệ, làm Chi hội phó Chi hội văn nghệ Liên khu Năm, kiêm Tổng biên tập báo Văn nghệ Liên khu Năm. Những năm tháng lăn lộn ở chiến trường với tư cách là nhà báo, tham gia nhiều chiến dịch, thường xuyên có mặt ở những trận tuyến nóng bỏng nhất, đã tích lũy vốn sống và thôi thúc ông sáng tạo các vở kịch đã được công diễn thu hút người xem như Em Sinh, Quỹ loạn, Đà Nẵng đêm đông xuân; tham gia chiến dịch 1949-1950, nhằm mục tiêu tuyên truyền vận động địch ông viết truyện ngắn Cái bắt tay người tù binh, rồi đến chiến dịch hè 1952 ở Quảng Nam, ông viết tiểu thuyết Con trâu. Thật ra, thuở còn học cao đẳng tiểu học ở Huế, ông đã từng ướm thử thể loại này với tiểu thuyết có tên là Tìm sống, kể chuyện một em bé sống u uất trong xã hội thời bấy giờ, một đêm khuya trốn nhà đi tìm cuộc sống mới.

Cuối năm 1953, Nguyễn Văn Bổng ra Việt Bắc dự Hội nghị tuyên huấn về cải cách ruộng đất và được giữ lại tham gia công tác cải cách ruộng đất đợt đầu ở Thái Nguyên. Sau hòa bình lập lại 1954, ông về Hà Nội, công tác tại Ban nông nghiệp báo Nhân dân cùng với Bùi Hiển, Phan Thao, bởi do nhờ “tôi viết Con trâu đã đưa tôi đến đây”[3]. Cũng chính những trải nghiệm trong những năm tháng ở nơi đây, ông đã tiếp tục cho ra đời hai tiểu thuyết cũng viết về đề tài nông thôn và người nông dân là Cắm thẻ đồng câu (1955) và Bếp đỏ lửa (2 tập, 1955, 1956). Năm 1955, ông quay lại công tác văn nghệ, chuyển về làm Phó tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam, Ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, viết tập truyện ngắn Người chị (1960), vở kịch Dân cụ Hồ (1962) và kịch bản phim truyện Đường về Nam (1963 mới dựng phim).

Tháng 6.1962, giả biệt vợ (nhà báo Hồ Vân) và bốn đứa con thơ dại, Nguyễn Văn Bổng lên đường trở lại chiến trường miền Nam, làm Trưởng tiểu ban Văn nghệ Ban tuyên giáo Trung ương cục miền Nam, Phó chủ tịch Hội văn nghệ giải phóng miền Nam. Ông có mặt hầu như khắp các điểm nóng của miền Tây Nam Bộ, như Bến Tre đồng khởi, U Minh nước nổi, Cà Mau đất mũi, thậm chí vào sâu tận sào huyệt của địch giữa thành phố Sài Gòn, viết văn, làm báo cho các tờ báo xuất bản công khai (Tin văn, Người Việt), giúp đỡ cho các tổ chức văn học cách mạng hoạt động nửa công khai và bí mật trong thành phố [4], trực tiếp tham dự hai chiến dịch lớn là cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, là nhà văn hiếm hoi có mặt ở dinh Độc Lập đúng vào 12 giờ 30 phút ngày 30.4.1975. Cuối năm 1968, ông có ra lại Hà Nội một thời gian, làm Chủ nhiệm báo Văn nghệ, cho đến cuối năm 1974, lại trở vào chiến trường Nam Bộ. Hiện thực sôi động và nóng bỏng, cùng với bút lực dồi dào, ông đã cho ra đời hàng loạt các tác phẩm Đón mùa xuân mới ở miền Nam (bút ký, 1963), Cửu Long cuộn sóng (ký, 1965), Rừng U Minh (tiểu thuyết, 1966), Sài Gòn ta đó (truyện và ký, 1969), Áo trắng (tiểu thuyết, 1973), Sài Gòn 67 (tiểu thuyết, 1972-1982). Sau ngày thống nhất đất nước, ông ra Hà Nội, làm Tổng biên tập báo Văn nghệ, Ủy viên thường vụ Hội nhà văn Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu 1983. Những tác phẩm ông viết trong thời gian này vẫn khai thác đề tài từ cách mạng miền Nam như Đường đất nước (ký, 1976), Ghi chép về Tây Nguyên (ký, 1978), Chuyện bên cầu Chữ Y (tập truyện ngắn, 1980), Tiểu thuyết cuộc đời (tiểu thuyết,1986-1991), Tiếng nổ Caravel (tiểu thuyết, 1999) và tập tiểu luận phê bình Bên lề những trang sách (1998).

Là nhà văn của nhân dân, cuộc đời hoạt động gian khổ và oanh liệt của Nguyễn Văn Bổng gắn liền với cuộc sống lao khổ của người nông dân trong cách mạng và kháng chiến. Ông nằm trong số các nhà văn hiếm hoi “đã năm lần vượt nghìn dặm dãy Trường Sơn trùng điệp từ Nam ra Bắc rồi lại từ Bắc vào Nam, luôn đứng ở hàng đầu chiến tuyến. Với vốn sống rất phong phú, nhiệt tình cách mạng sôi sục, suốt đời vì nước vì dân, nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân, của Đảng. Bất cứ công việc gì ông cũng đều làm chu đáo, tận tình với tinh thần trách nhiệm cao, không ngại hy sinh không nề gian khổ”[5]. Cả một đời xông xáo, ngang dọc, luôn đứng ở mũi nhọn để tiến công, cường tráng về tư tưởng và nhân cách, đủ bản lĩnh để theo đuổi đến cùng mục đích lý tưởng đã đề ra, là phẩm chất văn hóa của con người xứ Quảng “thứ thiệt” được hun đúc thành truyền thống từ thuở cha ông mở cõi về phương Nam. Con người như ông, dù đi bất cứ nơi đâu, đều mang theo bóng dáng làng quê, sông suối, bãi bồi của quê nhà, đều ý thức từ vùng đất quê hương đã làm nên danh phận con người, từ trong vô thức / tiềm thức, đã trở thành hữu thức, nhắc đi nhắc lại rằng, mình trở thành nhà văn là từ “những bến sông, bãi biển, đường đèo quê hương”, “bước vào đời văn thật sự tại quê nhà”, rồi “hầu hết trong thời gian đó, tôi viết về tỉnh của tôi: Quảng Nam Đà Nẵng”, bởi lẽ “Quảng Nam Đà Nẵng là chiến trường sôi động nhất (...), lại là nơi có truyền thống văn học”[6]. Cái chất Quảng không chỉ thể hiện trong lối sống, phong cách, cá tính mạnh mẽ, trong bản lĩnh quyết liệt có phần ương ngạnh của một con người, mà còn ở sự cường tráng về tâm thức sáng tạo và tư tưởng - nghệ thuật, làm nên cái nhân cách thứ hai của một con người - một văn cách, như nhà thơ Hữu Thỉnh, đã tổng kểt cuộc đời ông, trong Điếu văn đọc tại lễ truy điệu ngày 13.7.2001, rằng: “Nói đến Nguyễn Văn Bổng trước hết chúng ta nói đến một nhà văn xứ Quảng anh hùng, giàu bản sắc, một nhà văn hàng đầu của văn xuôi Việt Nam hiện đại, một bút lực dồi dào, với những tác phẩm tràn đầy nhựa sống, là nói đến một khối lượng lớn những tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký có giá trị mà tiêu biểu là Con trâu, Rừng U Minh, Tiểu thuyết cuộc đời. Những tiểu thuyết bộn bề chất liệu hiện thực, đậm đà hơi thở nóng hổi của cuộc sống giàu màu sắc, phong tục tập quán của miền Nam, những trang viết biểu hiện rực rỡ vốn sống và tài năng của ông, một nhà văn gắn bó tha thiết với cuộc đời lớn của cách mạng, dân tộc, tâm huyết với sự nghiệp lớn của Đảng và đất nước. Nói đến Nguyễn Văn Bổng là nói đến một nhà văn chiến sĩ vào Nam ra Bắc, xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, sống trọn một cuộc đời đầy biến động và thử thách khắc nghiệt đi cùng lịch sử đất nước, luôn có mặt ở nơi mũi nhọn, những điểm nóng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc” [7].

Chính Nguyễn Văn Bổng cũng đã từng “tổng kết” một cách khiêm tốn về đời văn của mình: “Nay nhìn lại, trong những cái tôi đã viết có hai dòng rõ rệt: nông thôn và thành thị. Tôi viết về nông thôn còn nhiều gượng gạo, nhưng những nét mới trong cuộc sống có nhiều hơn. Về thành thị, tôi viết thường nhuyễn hơn, nhưng đây đó rơi rớt lại những nét cũ”[8]. Ông khiêm tốn mà nói thế thôi, chứ nhìn rộng ra, có hai mảng hiện thực đời sống mà ông quan tâm là nông thôn, người nông dân trong cách mạng dân tộc dân chủ và Sài Gòn, các đô thị miền Nam trong những năm chống Mỹ, mà ở mảng nào ông cũng “đóng” được những cột neo vững chắc trong dòng chảy của văn chương nước nhà.

  1. Nguyễn Văn Bổng với  nông dân, nông thôn trong cách mạng dân tộc dân chủ

Cũng giống như Nguyên Ngọc và trước Nguyên Ngọc với tiểu thuyết đầu tay Đất nước đứng lên (1955) đạt giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam (1954-1955), tiểu thuyết đầu tay Con trâu (1952) của Nguyễn Văn Bổng vừa đạt giải thưởng Phạm Văn Đồng của Chi hội văn nghệ Liên khu Năm (1952), vừa đạt giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam (1954-1955). Đó cũng là tiểu thuyết đầu tiên viết về người nông dân và nông thôn trong cách mạng dân tộc dân chủ của văn học nước ta và của chính Nguyễn Văn Bổng. Sau đó, ông tiếp tục đề tài này với các tiểu thuyết Cắm thẻ đồng câu (1955), Bếp đỏ lửa (2 tập, 1955,1956), Rừng U Minh (1966), tập truyện ngắn Người chị (1960) và tập bút ký Cửu Long cuộn sóng (1965), cũng là tác phẩm đạt giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội đồng Văn học nghệ thuật của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1966).

Nguyên lý cơ bản của văn chương thời đại Nguyễn Văn Bổng là phản ánh hiện thực cốt tử của đời sống cách mạng và nhà văn phải là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận. Hai tiểu thuyết Cắm thẻ đồng câu và Bếp đỏ lửa là phép ánh xạ về cuộc đấu tranh giai cấp nhằm trả lại đất đai cho người nông dân, tác giả nêu được vấn đề nhưng phân tích và giải quyết vấn đề còn nhiều khiên cưỡng, khác với tiểu thuyết Con trâu trước đó, gồm mười ba chương, phản ánh về cuộc chiến tranh du kích, bám đất bám làng. Kẻ xâm lược không chỉ càn quyét, cướp phá, giết người ở những vùng tự do trong kháng chiến, mà còn cố giết chết nguồn sống kháng chiến bằng cách giết hại trâu bò, phá hoại sản xuất, để “không còn đàn trâu, bà con phải nai lưng cuốc đất, kéo cày thay trâu, quần quật trên cánh đồng khô cứng vì hạn hán. Vấn đề “con trâu” không còn là chuyện “đầu cơ nghiệp” của một gia đình riêng lẻ, mà là chuyện gắn với sự sống còn chung của làng xã, của quê hương”[9]. Những nhân vật như bí thư chi bộ xã Chức, đội phó du kích Trợ, hoặc những người nông dân như ông Đẩu, ông Hoạch... được miêu tả khá sắc nét, không chỉ tiêu biểu cho người dân trong kháng chiến ở xã Hồng Phong, mà còn là “chân dung trung thực và sinh động về người nông dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”[10] . Hơn mười năm sau, tiểu thuyết Rừng U Minh cũng viết về nông dân, nông thôn, cũng gói gọn trong phạm vi xã An Khánh ở vùng U Minh hạ, miền Tây Nam Bộ, nhưng được tác giả triển khai trên một qui mô lớn hơn, dài 522 trang, dung lượng hiện thực và số lượng nhân vật cũng được huy động nhiều hơn, tính chất của cuộc chiến tranh ác liệt và dữ dội, những thù hằn giai cấp nhiều hơn, nhằm khái quát về số phận người nông dân trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và cuộc chiến tranh chống Mỹ, giải phóng đất nước. Bên cạnh hình tượng những con người trung kiên với đất nước như Ba Lớn, Chín Kiên, Sáu Nhỏ, Bảy Mây, Tám Nhớ, Mười Mến, những người nông dân chất phát và yêu nước, sẵn sàng giúp đỡ cách mạng như ông Hai, má Ba, má Năm, bà Tư Hù... tác giả còn phơi bày bản chất tàn ác của kẻ thù như địa chủ Quản Mun, trung úy Đào, những tên ác ôn như Ba Răng Vàng, Gà Lôi, hoặc những kẻ hoang mang dao động và hèn nhát đầu thú kẻ thù như Tư Khánh... Cuốn tiểu thuyết phản ánh bao quát hiện thực đời sống của nhân dân dưới ách kìm kẹp của kẻ thù và đưa đến phong trào đồng khởi ở miền Tây Nam Bộ, “làm sáng tỏ từng bước đi lên của cách mạng miền Nam: từ tình thế đen tối ngột ngạt năm 1957, đến thời kỳ giằng co ác liệt giữa ta và địch năm 1958, cực kỳ khó khăn năm 1959 để rồi tiến tới thời điểm huy hoàng - nhân dân đồng khởi, làm chủ nông thôn và sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng” [11]. Tuy còn vài nhược điểm dễ thấy như quá ôm đồm về dung lượng hiện thực phản ánh, tác giả đã để cho sự kiện, chi tiết lấn át nhân vật, miêu tả thiên về ngoại hình và hành động mà ít quan tâm đến tâm lý nhân vật, nhưng điều đáng ngạc nhiên là mới mấy năm lăn lộn ở chiến trường Nam Bộ, nhưng nhà tiểu thuyết đã thể hiện được đậm đặc phẩm chất đời sống, tính cách hiên ngang và hào phóng, phong tục tập quán của người dân nơi đây, không thua kém những nhà văn cùng thời gốc người Nam Bộ như Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức...

Ở thể loại truyện ngắn và ký viết về đề tài này, có hai tác phẩm nổi bật là Người chị và Cửu Long cuộn sóng. Cả bốn truyện trong tập Người chị đều viết về những con người bình thường, thầm lặng, xuất thân từ làng quê đất Quảng một lòng một dạ với cách mạng và kháng chiến. Một cậu bé mồ côi, được người bác họ đưa về nuôi, cách mạng nổ ra cậu trở thành người cán bộ cách mạng, thoát ly gia đình, vẫn nhớ về gia đình bác và bà con làng quê (Chuyện làng); tâm trạng nhớ thương vợ con và quê hương miền Nam day dứt khôn nguôi của một người cán bộ tập kết sống trên đất Bắc (Kỷ niệm); một người phụ nữ từng tham gia kháng chiến đến giúp việc cho một gia đình trí thức ở thành phố, đã dần dần giác ngộ được cả gia đình chủ tham gia công tác cách mạng (Người kháng chiến). Truyện Người chị là truyện tác giả lấy làm nhan đề cho cả tập sách là một truyện ngắn có dung lượng tiểu thuyết, kể về cuộc đời của chị Cầm, một người phụ nữ miền Trung, từ khi còn là thiếu nữ cho đến khi trở thành bà ngoại, với bao mất mát hy sinh về tình yêu, các con tham gia cách mạng đứa bị tù đày, đứa hy sinh, chị phải nuôi nấng cháu ngoại, nhưng vẫn vững lòng tin vào thắng lợi của cách mạng. Với dòng chữ ghi rõ ở bìa sách là “Tập bút ký từ miền Nam gửi ra”, phần lớn các bút ký trong Cửu Long cuộn sóng viết về Bến Tre, tỉnh đã vùng lên đồng khởi sớm nhất ở miền Nam. Bắt đầu từ Ngọn lửa Mỏ Cày bốc cháy ở Khánh Thạnh Tân, đến Thạnh Phú, Châu Thành, Ba Tri, rồi lan rộng khắp châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, cho đến toàn miền Nam, nhân dân nổi dậy phá khu trù mật, diệt ác, trừ gian cướp súng đạn và bốt đồn (Mùa xuân trên nền cũ một khu trù mật, Thăm quê Đồ Chiểu, Chuyện Thạnh Phú, Măng tầm vông). Những sự kiện tự sự được diễn ngôn thấm đẫm chất trữ tình, trong đó có nổi lên chân dung những người phụ nữ hiên ngang, bất khuất như Út Tiết, Thanh Hồng, Mười Lý, Hoa, Xuân, Tươi, Thắm, chị Hai, chị Ba, chị H, chị N (Mỹ đến nhà, Chiến thắng, Sóng Cửu Long). Ngoài Bến Tre, tác giả còn soi ngòi bút đến hai điển hình khác là Ấp Bắc - thành đồng của thành đồng kể về trận đánh vang dội khắp chiến trường miền Nam với nhiều tấm gương anh dũng hy sinh của người dân vô danh, bên cạnh còn có sự hy sinh vô bờ bến và không kém phần bất khuất của nhân dân trong Đơn vị Girông. Với sự phong phú về người thật việc thật, được tái hiện với âm hưởng ngợi ca, tuy đây đó còn vài chi tiết chưa được chắt lọc thiếu sự cô đọng, nhưng những trang anh hùng ca về cuộc chiến đấu của nhân dân, mở đầu một giai đoạn mới của cách mạng miền Nam đáng được ghi nhận, xứng đáng với giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu mà tập sách đã được trao tặng.

Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta, xét cho cùng là cách mạng nông dân. Viết về cách mạng và kháng chiến là viết về nông thôn và người nông dân. Nguyễn Văn Bổng không phải là nông dân, nhưng không thể không viết về họ khi cuộc kháng chiến như một cơn lốc thổi nguồn cảm hứng mãnh liệt vào tâm hồn ông và cũng chính những người nông dân - kháng chiến đã đùm bọc, chở che, thậm chí có cả sự hy sinh mạng sống cho cuộc kháng chiến và chính bản thân nhà văn sống còn đến ngày thắng lợi: “Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nhưng phần lớn tuổi thanh niên sống ở Huế. Đọc, thích phần lớn là sách của phương Tây, nhất là tiểu thuyết Pháp. Tôi chưa bao giờ là nông dân. Hồi viết Con trâu tôi chưa từng được cầm đến cán cuốc, tay cày. Tôi chưa phân biệt được ruộng lúa tẻ với ruộng lúa nếp... Những hiểu biết và yêu mến nông thôn là do cách mạng và kháng chiến đem lại cho tôi. Cái vốn tôi có thể viết Con trâu là cái vốn tôi có được từ những ngày đầu lăn lộn trong kháng chiến, từ những ngày tôi mang chiếc túi bên người, đi khắp chiến trường trong tỉnh để viết tin và bài cho báo Chiến thắng. Nhớ lại hồi viết Con trâu, tôi nhớ những đêm ở vùng tự do vào vùng bị chiếm, chúng tôi qua sông, qua đường có đồng bào và du kích bố trí cảnh giới bảo vệ đưa chúng tôi đi. Tôi nhớ những ngày được đồng bào cho ăn uống, chăm sóc, giấu hầm bí mật... Nhớ lại những lúc gian khổ, ác liệt và cũng rất hào hùng đó, không thể không kính phục, thương yêu đồng bào, du kích và bộ đội chúng ta. Và không thể không viết về họ”[12].

Có thể nhận ra, chỉ tính riêng về tiểu thuyết, những trang viết về nông thôn và người nông dân trong cách mạng dân tộc dân chủ của Nguyễn Văn Bổng trải dài trên một diện rộng, được phân bổ trên vùng không gian địa lý ở cả ba miền, khởi đầu từ quê hương miền Trung (Con trâu), đến nông thôn miền Bắc (Cắm thẻ đồng câu, Bếp đỏ lửa) và đến các thôn ấp miền Nam (Rừng U Minh). Bóng dáng làng quê nông thôn của cả ba miền không còn dừng lại ở không gian địa lý cụ thể, mà đã trở thành hình tượng không gian nghệ thuật, trở nên thân thuộc với mọi người, và quan trọng hơn, nếu chăm chú ngước nhìn một cách tập trung, nó hiện ra như một vệt sáng lung linh, không chỉ trong sự nghiệp sáng tạo của ông, mà còn cả trong nền văn học Việt Nam trên con đường hiện đại hóa.

  1. Nguyễn Văn Bổng với Sài Gòn và các đô thị miền Nam những năm chống Mỹ

Trong cái vệt sáng về người nông dân và nông thôn trong cách mạng dân tộc dân chủ đã có sự đan xen những quầng sáng mạnh mẽ về miền Tây Nam Bộ trên dòng chảy Cửu Long cuộn sóng hay ngước nhìn sừng sững Rừng U Minh mùa nước dâng cao. Nhưng chúng ta còn có thêm một Nguyễn Văn Bổng cắm sâu ngòi bút vào đô thành Sài Gòn và các đô thị vùng tạm chiếm miền Nam: Sài Gòn ta đó (1969), Áo trắng (1973), Sài Gòn 67 (1972-1982), Đường đất nước (1976), Ghi chép về Tây Nguyên (1978), Tiểu thuyết cuộc đời (1986-1991), Tiếng nổ Caravel (1999). Không kể các nhà nghiên cứu văn hóa - văn học như Vương Hồng Sển, Nguyễn Hiến Lê... chắc ít có nhà văn nào có những nhan đề lặp đi lặp lại như một điệp khúc Sài Gòn ta đó, Sài Gòn 67, Áo trắng Sài Gòn (nhan đề tiểu thuyết Áo trắng khi được dịch ra tiếng Hàn vào những năn bảy mươi). Ngoài quê hương xứ Quảng, ông còn có một miền quê sáng tác thứ hai, không chỉ là nông thôn Nam Bộ, mà còn tập trung vào các đô thị, trong đó chủ yếu là đô thành Sài Gòn. Trong Các tác gia văn chương Việt Nam, Trần Mạnh Thường cho rằng: “Điều nung nấu và canh cánh bên lòng của Nguyễn Văn Bổng là tấm lòng đối với miền Nam. Ông đã dồn mọi nỗi niềm đó vào trong tập bút ký Cửu Long cuộn sóng và tiểu thuyết Rừng U Minh. Đặc biệt là sự gắn bó của ông đối với Sài Gòn, ông đã gửi trọn lòng mình vào Sài Gòn ta đó và Sài Gòn 67”[13].

Bút ký của Nguyễn Văn Bổng bao giờ cũng đầy ăm ắp các chi tiết, các sự kiện. Nó gần với ký sự hơn là bút ký, bởi lẽ các sự kiện luôn được làm đầy lên, lấn át những cảm xúc trữ tình đằm thắm và lãng mạn. Phần bút ký trong Sài Gòn ta đó cũng không phải là ngoại lệ. Ngay cả các truyện ngắn ở đây cũng thấm đẫm chất liệu thực tế, ít nhiều có pha chút “kiêu hùng” của đời sống chiến tranh, chưa có sự dụng công nghệ thuật cần thiết, rất gần gủi với những ký sự hoặc truyện ký, hơn là truyện ngắn. Vừa là người trực tiếp tham gia, vừa là chứng nhân của cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 vào đô thành Sài Gòn, tận mắt nhìn thấy sự hy sinh anh dũng của đồng bào đồng chí, cùng với sự rệu rã nhưng đầy ngoan cố và độc ác của kẻ thù, là chất liệu mỹ cảm đầy tự hào, để ông lần tìm ra đường kim mũi chỉ dệt nên bức phù điêu hoành tráng giàu chất sử thi Sài Gòn ta đó. Cũng với tâm trạng phấn khởi, cảm hứng ngợi ca và lối viết nhẩn nha, nhấm nháp các sự kiện đầy tính phát hiện ấy, sau ngày thống nhất đất nước, ông đi dọc theo chiều dài đất nước, qua các tỉnh thành vừa mới thoát khỏi vòng kìm kẹp của địch, nhìn ngắm cảnh đẹp của non sông, chứng kiến niềm vui của mọi tầng lớp nhân dân trong những ngày hòa bình đầu tiên, nhất là gặp gỡ với các thế hệ cầm bút hoạt động ở nội thành, hoặc từ trên núi xuống như Thanh Hải, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Hà Khánh Linh (Huế), Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Bùi Minh Quốc (Đà Nẵng), Giang Nam, Văn Công, Nguyễn Khắc Phục, Thế Vũ, Nguyễn Hoàng Thu (Nha Trang)... trải dài theo bước chân dọc Đường đất nước [14]; hoặc thăm lại chiến trường Tây Nguyên, nơi mở đầu cho chiến dịch Hồ Chí Minh, nhưng do cuộc tiến công thần tốc, không thể viết kịp, nay ông quay trở về thăm, chứng kiến cuộc đời mới của bà con, đan xen với những hồi ức, kỷ niệm xưa để mà Ghi chép về Tây Nguyên.

Tài năng văn chương của Nguyễn Văn Bổng thể hiện rõ nhất với tư cách là nhà tiểu thuyết. Điều đó đã bộc lộ ngay từ Con trâu, tiểu thuyết đầu tay của ông và cũng là tiểu thuyết đầu tiên của văn học Liên khu Năm kháng chiến. Điều đó ngày càng được khẳng định khi ông tiếp tục vung bút tung hoành với thể loại này khi viết về cải cách ruộng đất, về chiến tranh ở đồng bằng Nam Bộ, về đô thị Sài Gòn, kể cả những trang viết thời còn chiến tranh và sau chiến tranh. Áo trắng được tác giả ghi là “truyện”, dài 218 trang, nhưng không phải vì số trang, mà từ dung lượng hiện thực, tư tưởng chủ đề, nhân vật và cả lối diễn ngôn, đều vượt khuôn khổ của thể loại truyện, hoàn toàn có thể được xem như là một tiểu thuyết thực sự. Sách gồm có bảy chương, phản ánh và ca ngợi phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh ở đô thị Sài Gòn. Nhân vật trung tâm là nhân vật trần thuật ở ngôi thứ nhất, xưng tôi, tên là Nguyễn Thị Phượng. Cô sinh ra ở một làng quê nghèo, thường ngày ngoài giờ đi học, cô giúp mẹ gánh cá đi bán. Bố chết, mẹ gửi cô lên Sài Gòn cho người chú nuôi ăn học, được tổ chức móc nối, cô trở thành một cán bộ hoạt động nội thành gan dạ, dũng cảm, lập nên nhiều chiến công. Nhóm bạn, đồng thời cũng là đồng chí cùng hoạt động với Phượng mỗi người xuất thân một hoàn cảnh, một tính cách, nhưng đều có lòng yêu nước, cùng đi chung một con đường là đến với phong trào, rồi đến với cách mạng, trở thành những con người dũng cảm, trung kiên. B.B.Thanh là người Hà Nội, người anh rể lôi kéo di cư vào Nam với âm mưu chiếm đoạt của cải, ăn mặc phóng túng, tính tình ngổ ngáo nhưng sống rất chân tình. Hoàng là con nhà nghèo, hàng ngày phải đi đánh giày, bán báo, kiếm thêm tiền để đi học, lại là người chín chắn, có quan hệ và hiểu biết rộng. Hồng Lan con nhà giàu, ở biệt thự, đi xe hơi. Linh râu sống ngang tàng, bất cần đời... Điều quan trọng là khi họ đã được lý tưởng soi sáng, đều trở thành những người gan dạ, mưu trí, hoạt động đem lại những chiến công vang dội làm rúng động tận tâm can lũ giặc, nhiều người trong số họ, như Phượng, Thanh, Hoàng đều bị sa vào tay giặc nhưng vẫn giữ vững được chí khí chiến đấu, hiên ngang vượt qua mọi cám dỗ, thử thách và những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, như chính câu thơ áo trắng mà Phượng đã viết ra trong nhà tù, sau những màn tra tấn dã man của kẻ thù: “Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót/ Áo này nguyện trắng mãi không thôi”. Lồng trong các sự kiện mà các học sinh, sinh viên nội thành trải qua là sự phát triển của cách mạng miền Nam như phong trào đồng khởi, sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và mối tình chớm nở sáng tinh khôi giữa Phượng và Hoàng. Về nghệ thuật xây dựng nhân vật, tác giả còn hạn chế về bề dày của tính cách, đời sống nội tâm nhân vật chưa phong phú, nhưng đặc điểm thể hiện tài năng của nhà tiểu thuyết chính là không khí được miêu tả đậm đặc chất văn xuôi, thể hiện hơi thở ngột ngạt của đời sống đô thị dưới sự o ép, theo dõi, khủng bố tinh thần của kẻ thù. Dù chỉ bí mật vào hoạt động ở nội thành Sài Gòn mấy năm, mà chắc chắn rằng phần lớn ban ngày phải nằm hầm bí mật, ban đêm mới đi lại, nhìn ngắm phố phường, tiếp xúc với những người tin cậy... nhưng Nguyễn Văn Bổng đã có những trang viết không thua kém gì những nhà văn đang sống và viết công khai hợp pháp ở nội thành. Vũ Tuấn Anh, trong Tự điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam có lý khi cho rằng: “Là người từng gắn bó với hoạt động nội thành và phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn thời chống Mỹ, Nguyễn Văn Bổng có nhiều tư liệu, vốn sống và những nguyên mẫu để xây dựng tác phẩm. Cuốn truyện đã phần nào tái hiện được không khí xã hội - chính trị Sài Gòn đầu những năm sáu mươi (thế kỷ XX), tinh thần yêu nước và các hình thức đấu tranh của học sinh, sinh viên. Trong số đó, nhiều người đã được tôi luyện để trở thành những chiến sĩ trung kiên. Tác giả cũng đã cố gắng xây dựng nhiều mẫu nhân vật khác nhau về ngoại hình, lối sống, tính cách, để phần nào cho thấy tính chất phong phú và đa dạng của phong trào này”[15]. Điều thú vị là, trong số nhiều tác phẩm của ông đã được dịch và công bố ở nhiều nước trên thế giới như Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... trong đó có Áo trắng: “Nhiều bạn đọc hết sức vui mừng khi biết tác phẩm Áo trắng của ông được dịch và in ở Hàn Quốc với cái tên Áo trắng Sài Gòn. Sau khi Áo trắng Sài Gòn bị nhà cầm quyền cấm, nó đã được nhanh chóng sao chụp thành hàng vạn bản, phổ biến rộng khắp trong các trường đại học ở Hàn Quốc, trong sinh viên và thanh niên, như là một vũ khí, một tấm gương”[16].

Tiểu thuyết Sài Gòn 67 được tác giả thai nghén, bắt đầu viết những dòng đầu từ năm 1972, nhưng phải đến mười năm sau, năm 1982 mới hoàn thành và cho ra mắt bạn đọc. Vì vậy, tuy được bắt đầu từ rất sớm, nhưng tác phẩm thuộc loại viết về chiến tranh sau chiến tranh. Dường như đã có một thế hệ các nhà tiểu thuyết viết về chiến tranh sau chiến tranh như Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh... đang thay thế ông. Nhưng Nguyễn Văn Bổng vẫn trước sau trung thành với lối viết của mình và với món nợ về đề tài chiến tranh chưa bao giờ trả đủ, nhất là với mảnh đất Sài Gòn, nơi chịu nhiều hy sinh mất mát để cưu mang mạng sống của chính bản thân ông, và lớn hơn, sự sống của cách mạng. Cũng vào thời điểm sau chiến tranh, nhà văn đồng hương Nguyễn Chí Trung, là thế hệ kế cận ngay sau lưng ông, đã từng cho rằng: “Chúng ta không cần đến chiến tranh, nếu không phải vì kẻ thù bắt buộc. Nhưng chúng ta đang cần đến những trang viết về cuộc chiến tranh thần kỳ của chúng ta mấy chục năm qua. Có lẽ còn cần hơn cả hồi đang chiến tranh. Nhân dân cần đến nó, những trang viết ấy, vì chính nhân dân khao khát tự soi mình, tự hiểu mình, tự bồi đắp cho mình phẩm giá đẹp vô ngần mà chính nhân dân đã tự đào luyện trong chiến tranh/ Chiến tranh tàn phá ghê gớm. Nhưng những gì con người thu lượm được trong khắc nghiệt của chiến tranh, những khổ đau, những bi tráng, những hào hùng, những tự vấn, những thẩm định, những phán xét, những cái bắt buộc con người nhất thiết phải lớn lên và trung thực, phải tự bóc dần cái giả dối, phải tự lọc dần cái ươn hèn, biết vượt qua cái cay đắng lắm lúc như một thứ định mệnh ập xuống đầu, tất cả những cái ấy cả khi thắng và khi thua, quý giá xiết bao. Song tất cả những cái ấy cũng sẽ rơi rụng, tan biến, mai một, chột thui dần nếu như không được kết tinh và cố định trong những tác phẩm hợp thành giá trị tinh thần” [17] [18, tr.48-49]. Dường như tất cả những điều này đã trở thành mục tiêu, động lực đã thôi thúc những người đã từng tham chiến cầm bút sau chiến tranh, và đã ít nhiều thể hiện được trong các tác phẩm. Với Sài Gòn 67 của Nguyễn Văn Bổng cũng không là ngoại lệ. Dung lượng khiêm tốn chỉ gói gọn trong thời gian chưa đầy một năm, các sự kiện xảy ra dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, nhưng cuốn tiểu thuyết không dừng lại ở việc trình bày những vấn đề ở một vùng, một thời điểm, mà có khả năng khái quát được nhiều nơi, nhìn lại bối cảnh những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, trông ra trước mặt, thấy được xu hướng tất thắng của cuộc kháng chiến. Mặt khác, Sài Gòn 67 không chỉ thu hút một lớp người, một số phận, một chân dung nhân vật mà còn có sức chi phối đến nhiều lớp người, nhiều dạng nhân vật, từ thượng lưu trí thức đến tiểu thị dân, nông dân, cách mạng... trong thời điểm 1967, năm bản lề của cuộc kháng chiến, năm sục sôi và chuẩn bị cho cuộc tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Điểm nổi bật là tác giả đã “vẻ” ra tấm bản đồ đường đời của hai tuyến nhân vật với xu hướng phát triển phù hợp với tính cách của nó. Một bên là luật sư Trần Thanh Phát khi còn là sinh viên đã ở vi-la, đi xe hơi, sau này trở thành ứng cử viên tổng thống; bóng dáng còn lưu lại thế hệ sau là Trần Thanh Hiệp với cái kết cục bằng cái chết thảm; hoặc Lâm Đại Tâm với tâm địa độc ác, lối sống sa đọa... Bên này là Huỳnh Thanh Hiệp, một sinh viên yêu nước, một thành ủy viên phụ trách trí vận và là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Riêng với Nhã, một thanh niên sinh ra và lớn lên ở miền Nam nhưng được hấp thu truyền thống gia đình, được may mắn có mối tình đằm thắm với Diệu Thúy và nhiều điều kiện khách quan khác đã đưa dần Nhã đến với cách mạng. Trong một hoàn cảnh khác, Diệu Thúy với tâm hồn trong sáng, tin vào lẽ phải trên nền tảng tinh thần yêu nước do ông nội - cụ giáo sư Nghĩa - nên mỗi bước đến với cách mạng đều mở ra những điều mới mẻ, để đi đến một thái độ dứt khoát... Nhà văn Bùi Hiển cho rằng, Nguyễn Văn Bổng là người xứng danh nhà văn chiến sĩ và tiểu thuyết Sài Gòn 67 được “viết mười năm, một đóng góp xuất sắc vào gia tài văn học. Bằng lời văn báo chí nhanh gọn chính xác, anh đã dựng lên hình ảnh những nhân vật sống động nhiều màu sắc và tâm tư nhiều cá tính độc đáo. Đây là lịch sử được tiểu thuyết hóa, giúp cho người đọc hình dung được phần nào đời sống riêng tư giữa các thành viên trong một gia đình với những sắc thái riêng biệt. Một mối tình cảm nam nữ trong sáng vô tư, được tô đậm thêm khi nhân vật nữ khám phá thêm ra những nét lý tưởng ở người yêu giữa khung cảnh chiến đấu và tàn phá ác liệt”[18]. Vấn đề mà các nhà lý thuyết văn chương thường đề cập đối với các nhà tiểu thuyết là trữ lượng của vốn sống và cách trải nghiệm của nhà văn. Đối với riêng trường hợp Nguyễn Văn Bổng, điều đó là hẳn nhiên. Nhưng dường ông là người đã tìm cách nhảy vượt lên trên những gì mình đã trải nghiệm, tìm ra những dư ba xung động trong tâm thức sáng tạo chợt chớp sáng, sau quá trình nung nấu hàng chục năm: “Trong quá trình sáng tác, Nguyễn Văn Bổng đã qua nhiều nơi, được sống trong nhiều không khí sôi động của cách mạng, xây dựng được nhiều đề tài, nhiều miền quê sáng tác. Nhưng có lẽ Sài Gòn 67 là nơi những vấn đề của cuộc sống, sức mạnh của ngòi bút, khả năng diễn đạt cốt truyện... có sức quyến rũ người đọc. Kinh nghiệm văn học nước ta chỉ ra rằng, vấn đề của văn học không phải bao giờ cũng do người viết, mà vấn đề của văn học là vấn đề của đời sống, phải do chính đời sống giải quyết. Ngược lại, không phải cứ có vốn sống phong phú thì có tác phẩm hay. Có vốn sống, có tài năng nhưng phải có cảm hứng, máu thịt tâm huyết với vấn đề mà nhà văn đề cập đến”[19] [20]. Đọc tiểu thuyết sự kiện / chiến tranh của Nguyễn Văn Bổng, trong đó có Sài Gòn 67, có thể thấy rõ điều ấy.

Hai vấn đề trên chỉ là nơi tập trung chăm chú quan sát và để lại những vệt sáng đậm, sâu thăm thẳm và lấp lánh của Nguyễn Văn Bổng. Trong hành trang cuộc đời ngổn ngang chinh chiến và sự nghiệp đồ sộ của ông còn có cả kịch bản phim truyện, kịch bản sân khấu, phê bình tiểu luận và hàng trăm bài báo, phát ngôn văn học, thể hiện một lý tưởng thẩm mỹ sáng rõ và quan niệm nghệ thuật rạch ròi, đồng thời sẵn sàng chiến đấu đến cùng để bảo vệ lý tưởng đã đề ra và theo đuổi. Chính điều đó tạo nên nhân cách và cũng là văn cách / phong cách của ông, xuất phát từ phẩm chất người của một con người xứ Quảng đậm đặc, cho dù sống ở đâu, trong hoàn cảnh nào, ngay cả lúc cận kề cái chết trong những năm tháng lăn lộn ở nội thành Sài Gòn, cũng không thể nào pha loãng được, mà dường như càng sống, càng gian nguy, khốc liệt, càng làm đầy lên, đậm thêm như gừng cay muối mặn của quê nhà. Chính vì thế, với tư cách là công dân, ông được nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều huân chương cao quý, với tư cách là nhà văn, ông được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

 

[1] Nguyễn Văn Bổng, Từ vùng đất quê hương, in trong Về một vùng văn học, Viện Văn học - Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam Đà Nẵng xuất bản, 1983, tr 11.

[2] Nguyễn Văn Bổng,  sđd tr 11.

[3] Phạm Phú Phong, Nhận diện lại văn học kháng chiến Liên khu Năm (1945-1954), Nxb Đà Nẵng, 2007, tr 55.

[4] Nguyễn Văn Bổng, sđd tr 19.

[5] Đặng Minh Phương, Nhà văn Nguyễn Văn Bổng, in trong Văn nghệ sĩ Liên khu Năm, lý tưởng, nhân cách, sáng tạo, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009, tr 228.

[6] Nguyễn Văn Bổng, sđd tr 12 - 13.

[7] Dẫn theo Trần Mạnh Thường, Các tác gia văn chương Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2008, tr 1849.

[8] Nguyễn Văn Bổng, sđd tr 15.

[9] Lưu Khánh Thơ, Tự điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr 208.

[10] Lưu Khánh Thơ, sđd, tr 208.

[11] Vũ Tuấn Anh, Tự điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam, Nxb Giáo dục, 2006, tr 759.

[12] Phạm Phú Phong, sđd, tr 53, 54.

[13] Trần Mạnh Thường, sdd, tr 1849.

[14] Phạm Phú Phong, Nha Trang-Khánh Hòa:30 năm văn học yêu nước và cách mạng, Viện Văn học-Hội Văn nghệ Nha Trang, xuất bản, 1989, tr 128.

[15] Vũ Tuấn Anh, sđd, tr 29.

[16] Đặng Minh Phương, sđd, tr 228.

[17] Nguyễn Chí Trung, Vùng đất đã sinh ra tôi, in trong Về một vùng văn học, Viện Văn học-Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam Đà Nẵng, xuất bản, 1983, tr 48-49.

[18] Bùi Hiển (2001), Xứng danh nhà văn chiến sĩ, báo Văn nghệ số 29, ngày 21.7.2001.

[19] Phạm Phú Phong (1984), “Sài Gòn 67” của Nguyễn Văn Bổng, báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số 334, ngày 22.6.1984.