Chuyện thời thơ ấu, hồi ký của Nguyễn Xuân Nhĩ
Chuyện thời thơ ấu là tập hồi ký của Nguyễn Xuân Nhĩ, tác giả tập thơ Lời tự tình, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2009. Các câu chuyện trong tập hồi ký này đều ngắn gọn, súc tích, gần gũi và diễn ra chủ yếu ở một làng quê thuộc miền duyên hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam với những kỷ niệm buồn vui, những lam lũ lo toan, những sinh hoạt thường ngày của bản thân và gia đình cùng những cảnh sống, nếp sống của người dân nơi đây, cách ngày nay đã hơn nửa thế kỷ.
Thật khó lòng để một em học sinh bậc tiểu học, trung học ngày nay hình dung ra cái cảnh một cậu bé vùng quê năm xưa, hằng ngày vừa chăn bò, vừa đi học, buổi tối học bài chỉ dám khêu ngọn đèn vừa đủ sáng trang vở vì sợ hao dầu; và với nhiều người, cũng thật khó để hình dung ra cái cách mà những người dân quê đi chân trần trên cát giữa trưa hè nóng bỏng, phải cầm trên tay một nắm lá thật to, thi thoảng lại bỏ xuống cát, giẫm chân lên cho dịu cái nóng rồi tiếp tục đi, khi khác thì lại có người gánh nước đi trước tưới đường cho những người gánh lúa, gánh khoai đi sau, giữa trưa đứng bóng cho đỡ nóng bàn chân... Những cảnh sinh hoạt như thế bàng bạc, lấp lánh trong tập hồi ký này, từ cảnh chăn bò, ghẻ ngứa, bồng em, bắt cá, mò tôm đến lội cát, chạy lụt, thiếu ăn; từ hình ảnh ông nội, bà nội, cha mẹ, cô dì, anh chị em trong gia đình đến sự đùm bọc, cưu mang, nhường nhịn, hy sinh cho nhau; từ lễ giáo trong gia đình đến tình cảm cộng đồng, giúp nhau bữa đói, nương tựa nhau lúc thiên tai hoạn nạn... Nói chung, Chuyện thời thơ ấu của Nguyễn Xuân Nhĩ là hồi ức của những chuyện thường ngày, xảy ra ở thôn quê, nhưng được kể rất chi tiết và cảm động, khiến ta yêu mến người kể, cảm ơn người kể đã cho chúng ta hình dung ra được một vùng nông thôn ven biển Thăng Bình ngày ấy trước khi miền quê này bị chiến tranh, bom đạn tàn phá một cách khốc liệt và nặng nề nhất trong lịch sử.
Trong các chương sách, mỗi chương, mỗi sự việc đều có sắc thái riêng, như cảnh chạy lụt năm Thìn, cảnh tác giả theo cha ra đồng bắt cá, hay chuyện về người mẹ hết việc đồng áng đến việc trong nhà, chưa bao giờ thấy mẹ ngủ trưa..., Nhiều lắm, trong đó, ấn tượng nhất với tôi là khi tác giả viết về ông nội của mình, mỗi tối, trước khi ngủ đã dạy cho đứa cháu nội (tức là tác giả) những ý hay, lời đẹp của cổ nhân, mà nội dung chủ yếu là răn dạy về đạo đức làm người, về sự khiêm tốn trong ứng xử ở đời. Qua nhiều năm quen biết với tác giả, tôi có cảm giác, nền nếp gia phong và những lời giáo huấn của người ông mà tác giả rất kính yêu đã góp phần hình thành nhân cách, ảnh hưởng đến cung cách ứng xử của tác giả với công việc cũng như cư xử với cộng đồng...
Những trang cuối của Chuyện thời thơ ấu dừng lại khi tác giả 14 tuổi với những câu chuyện cảm động, chan chứa tình yêu thương về bản thân, gia đình, bạn bè, những kỷ niệm khó quên... Còn những câu chuyện, kể từ tuổi 14 đến sau này, tôi được biết là những câu chuyện dữ dội, khốc liệt trong chiến tranh, khi sự sống và chết có lúc chỉ cách nhau một sợi tóc, với tình đồng chí, nghĩa đồng bào sâu đậm, tác giả sẽ dành cho tập sách tiếp theo của mình.
B.X