Con trai của ông Phan
Ngồi câu cá cạnh hồ nước trước nhà, cầm cần miết từ sáng tới chừ mà tôi có câu được con cá mô đâu. Bởi tôi đang nghĩ tới cậu tôi - ba anh em tôi đều gọi cha bằng cậu, gọi mẹ bằng mợ. Mấy bữa trước nghe nói cậu tôi đã được nhà cầm quyền Pháp đưa từ nhà tù Côn Lôn về giam lỏng ở Mỹ Tho. Mợ tôi được tin này vui ra mặt, suốt ngày cứ kể chuyện cậu tôi cho em Đậu và em Mè nghe. Mợ kể cái hồ nước thả sen trước nhà mình hồi nhỏ cậu tụi bay thường hay ra câu cá, đến khi cậu thi đậu phó bảng, dân làng bàn nhau kỉnh cho cậu cả cái hồ này để mừng ông Bảng Trinh tân khoa vinh quy bái tổ. Mợ còn kể sở dĩ cậu tôi lấy hiệu Tây Hồ vì cậu cảm kích trước tấm lòng tri ngộ mà dân làng dành cho mình nên đã đặt tên cái hồ trước nhà là Tây Hồ nghĩa là hồ của làng Tây Lộc, rồi sau đó tự lấy làm hiệu, thành Phan Châu Trinh hiệu Tây Hồ, gắn cuộc đời mình với cái làng quê bán sơn địa xa xôi này. Tôi nhớ có lần cậu tôi nói với bác Xã Sáu Lê Cơ rằng cậu tôi rất thích cách nghĩ của bác - Túng bất năng hành chi thiên hạ do khả nghiệm chi nhất hương nghĩa là Dẫu không làm nổi việc lớn cho thiên hạ thì cũng có thể thí nghiệm trong một làng. Cậu tôi bảo làng nào cũng làm được như làng Phú Lâm của anh thì còn chi bằng…
Mải nghĩ chuyện tên làng, tên hồ, tên hiệu liên quan đến cậu tôi, tôi hào hứng buông cần câu, cắm hờ xuống đất rồi lững thững đi bộ vòng quanh hồ nước. Sen vẫn phủ kín mặt hồ và Tây Hồ vẫn luôn là cái hồ đẹp nhất làng Tây Lộc. Vừa đi vừa ngẫm nghĩ về người đàn ông đã sinh thành ra mình, đã làm rạng rỡ dòng họ và gia đình mình, tự dưng lòng tôi trào dâng nỗi khao khát được một lần gặp lại cậu tôi sau bao ngày xa cách. Đủng đỉnh hồi lâu thì qua tới bên tê hồ. Đứng chỗ ni ngó sang, tôi nhìn thấy toàn cảnh ngôi nhà ba gian nho nhỏ của cậu mợ tôi - nơi hàng chục năm nay mợ tôi thay chồng nuôi ba đứa con khôn lớn. Bỗng tôi trông thấy mợ và hai em tôi hình như đang tiễn một người ra cổng, dáng dấp người ấy nom cũng có vẻ quen quen, tôi liền ba chân bốn cẳng ù chạy về nhà, nhưng không kịp... Hỏi ra mới biết người vừa ghé thăm mẹ con tôi là chú Trần Đình Phiên, con trai quan đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong thầy giáo của cậu tôi. Chú tới chừng mấy phút, nói nhỏ với mợ tôi vài câu rồi vội đi ngay, giống như lần trước chú nghe bà con ngư dân Phan Thiết đánh bắt xa bờ ngoài Côn Lôn báo tin cậu tôi vừa về tới đất liền, bèn tức tốc ghé nhà nói cho mợ tôi biết.
Mợ tôi lật đật kéo tay tôi vào gian phòng thờ - nơi cha tôi mỗi lần từ Huế vô thăm quê thường ngồi uống trà chờ mợ tôi làm ruộng về - và ghé tai bảo tôi: Dật ơi, chú Phiên nói chừng năm bữa nữa sẽ đón mợ vào Mỹ Tho gặp cậu, trước khi cậu mi qua bên Tây! Tôi bảo mợ rằng cậu con đang ở tù, ai cho qua Tây? Mợ tôi liền lớn tiếng: Thằng này đúng dân Quảng Nam, không cãi không chịu được! Giống chi mà giống bất nhơn rứa trời! Rồi mợ dịu giọng: Cũng chẳng biết ra răng nữa, thôi cứ gặp được cậu mi là tốt rồi! Mi đi với mợ, nếu cậu mi được qua Tây thiệt, không chừng ổng dẫn mi đi luôn đó, chú Phiên nói cậu mi tính như rứa… Sau đó mợ tôi nói chuyện với em Đậu và mặc dầu đã đồng ý cho em đi Mỹ Tho luôn thể để nếu cậu dẫn tôi qua Tây thiệt thì còn có người cùng về quê với mợ, nhưng khi nghĩ tới chuyện em Mè ở nhà một mình không tiện, nên cuối cùng mợ nói rằng sẽ mang gởi cả em Đậu và em Mè cho nhà ông Thiệp bên Cẩm Khê... Tối hôm đó và cả nhiều hôm sau nữa tôi cứ thao thức trằn trọc không ngủ được. Thế nhưng những lúc mệt quá, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết và trong giấc mơ, không ít lần tôi thấy mình nôn thốc nôn tháo vì không chịu nổi mùi nước biển và những con sóng lớn dập dềnh dập dềnh dưới chân tàu đang vượt trùng dương sang Pháp.
Tôi nghe tiếng ông Phan Châu Trinh đã lâu và rất ngưỡng mộ thán phục quan điểm Chi bằng học của người đứng đầu phong trào Duy tân đất Quảng, nhưng mãi đến sáng hôm nay tôi mới được gặp ông Phan tại ký túc xá đại học ở số 32 đường Vouillé, quận 15 thủ đô Paris. Hồi tháng 4 năm ngoái, ông Phan sang được đây là nhờ sự can thiệp tích cực và hiệu quả của Hội Nhân quyền Pháp. Vừa nhìn thấy tôi, ông Phan chắp hai tay trước ngực và hỏi: Có phải Luật sư Phan Văn Trường đây không? Tôi là Phan Châu Trinh, còn thằng ni là Phan Châu Dật con trai đầu của tôi. Nghe cha gọi tên mình, Dật cũng bắt chước cha chắp hai tay trước ngực rồi nói con chào chú. Tôi nhìn sang Dật mỉm cười và thấy có thiện cảm ngay với cậu bé chừng mười bốn, mười lăm tuổi rất có tư chất này. Giọng nói của Dật còn nặng âm hưởng Quảng Nam, không như ông Phan từng ra Bắc vào Nam ăn cơm nếm khắp thiên hạ nên nói dễ nghe hơn nhiều. Tôi bảo Dật tôi sẽ tìm trường cho Dật đi học và sẽ phụ đạo thêm Pháp văn để Dật có thể theo kịp chương trình. Và không lâu sau lần gặp ở đường Vouillé hôm ấy, tôi đã liên hệ để xin cho con trai của ông Phan vào học trường làng Montparnasse.
Cảm nhận ban đầu của tôi về con trai của ông Phan là hoàn toàn chính xác. Những lúc kèm Dật học tiếng Pháp, tôi nhận ra rằng Dật không chỉ học để biết mà còn và chủ yếu là để biết cách học. Kết quả là chỉ sau sáu tháng theo học ở trường Montparnasse, Dật đã có thể bắt đầu dạy cha mình học tiếng Pháp và làm thông ngôn cho ông Phan trong những cuộc giao tiếp thông thường mà trước đó tôi hay Nguyễn Thế Truyền phải trực tiếp cáng đáng. Tháng nào Dật cũng khoe với tôi rằng lớp có gần năm chục học trò mà con được xếp hạng nhất. Ngoài việc phụ đạo theo những nội dung trong sách giáo khoa Dật học ở trường, thỉnh thoảng tôi còn dạy thêm cho Dật một số từ ngữ liên quan đến chuyên môn sâu của tôi là luật pháp và Dật cũng tỏ ra rất có hứng thú về lĩnh vực này. Không ai ngờ rằng đến tháng 9 năm 1914, khi Dật đang học trung học thì cả tôi và ông Phan đều bị Chính phủ Pháp bắt giam - ông Phan bị giam ở nhà ngục Santé còn tôi thì bị giam ở nhà ngục Cherche-Midi, và lúc bấy giờ chính cái vốn từ ngữ về pháp lý mà tôi dạy cho Dật lâu nay đã giúp Dật có đủ kiến thức và sự tự tin cần thiết để dịch đơn thơ kêu cứu cũng như chạy ngược chạy xuôi gõ cửa các nhân vật hữu quan nhờ can thiệp trường hợp ông Phan và tôi. Có thể nói con trai của ông Phan có công lớn trong việc giúp anh em tôi sớm được trả tự do nhằm tiếp tục lãnh đạo hoạt động yêu nước của cộng đồng người Việt Nam ta tại Pháp.
Nơi cái xứ sở lạ lùng, con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh này, ngoài cậu tôi ra thì người thường xuyên gần gũi thân thiết với tôi không ai khác là chú Phan Văn Trường. Chính chú Trường là người hay gọi tôi bằng cái tên “con trai của ông Phan”. Chính chú Trường đã xin cho tôi vào học trường Montparnasse khi cha con tôi vừa đặt chân đến Paris không lâu. Chính chú Trường đã dạy tôi học tiếng Pháp có khi còn mau tấn tới hơn là học với các thầy cô giáo bản xứ ở trường. Chính chú Trường đã bày tôi phương pháp học tập hiệu quả - chú hay kể tôi nghe chuyện Hạng Võ đòi Hạng Lương dạy cho mình binh pháp để đánh thắng vạn người chứ quyết không học kiếm thuật chỉ đánh thắng một người hoặc một vài người. Chính chú Trường đã trang bị cho tôi vốn từ ngữ về luật pháp và bảo tôi rằng dân Quảng Nam hay cãi nên sau này lớn lên con học luật thành thầy cãi như chú là phù hợp nhất. Nhờ vậy mà khi chú Trường và cậu tôi bị bắt giam, tôi có thể dễ dàng dịch các đơn thơ kêu cứu cậu tôi viết để gửi cho Hội chủ Hội Nhân quyền Pháp, cho Hạ nghị sĩ Luật sư Marius Moutet…
Thậm chí có lần chú Trường còn định mai mối tôi cho một cô gái người Việt rất dễ thương, con một bác từng tham gia Hội Đồng bào Thân ái do chú Trường và cậu tôi đồng sáng lập. Mặc dầu rất có cảm tình với cô gái xinh đẹp này nhưng tôi vẫn nói với chú rằng con hãy còn trẻ, học hành chưa tới đâu, lại còn phải tất bật làm thuê để kiếm sống nên chưa dám nghĩ tới chuyện trai gái... Thực ra còn một lý do nữa mà tôi ngần ngừ chưa muốn kể chú Trường nghe là sau khi cậu tôi và chú Trường ra tù, tôi bắt đầu cảm thấy mình không được khỏe, thỉnh thoảng lại rát cổ tức ngực và ho khan. Những lúc gặp cậu tôi, sợ cậu lo nên tôi cố nén cơn ho, nhưng phàm cái giống ho này càng nén thì càng ngứa cổ và càng ho nhiều hơn nữa...
Giờ thì tôi đã được trở về cái làng Tây Lộc thời thơ ấu của mình, ngày ngày được nằm cạnh mợ tôi và ông bà nội tôi. Nhớ năm xưa, ngày hai mẹ con tôi sắp sửa khăn gói từ Tây Lộc xuống Tam Kỳ để cùng chú Trần Đình Phiên đi Mỹ Tho gặp cậu tôi, mợ tôi bảo tôi tranh thủ chạy ra thắp hương mộ ông bà nội, tôi đã thầm nghĩ không biết bao giờ mình mới được trở về thăm mộ ông bà mình lần nữa. Thế nhưng chuyện mợ tôi đau nặng rồi qua đời đúng vào thời gian cậu tôi đang bị giam trong nhà ngục Santé, cả cậu và tôi đều không hay biết gì cả. Khi nhận được hung tin, cậu tôi thay tôi làm câu đối khóc mẹ, vừa đọc tôi vừa khóc nức nở: “Con tưởng mẹ, mẹ ơi! Mẹ đau con chẳng biết, mẹ mất con chẳng hay, biển rộng trời cao, nghìn dặm luống trông tin mẹ mạnh/ Mẹ thương con, con rõ! Con ở mẹ nhọc lo, con đi mẹ nhọc nhớ, ơn dày nghĩa nặng, trăm năm đành để nợ con mang”. Mợ ơi giờ thì con luôn bên mợ rồi...
Nhớ lúc còn sống với cậu tôi bên Pháp, thỉnh thoảng tôi bị rát cổ tức ngực và ho khan, cậu thấy tôi ho nhiều nên sốt ruột cứ hỏi có chi không con... có răng không con... Rồi một hôm nghe tôi kêu thất thanh cậu ơi con ho ra máu, cậu tôi hốt hoảng liền cùng chú Trường đưa tôi tới nhà thương và bác sĩ kết luận tôi bị lao phổi. Chữa trị ở Paris một thời gian, bệnh tình tôi vẫn không thuyên giảm, cho nên cậu tôi bàn hay là con về trong nước, nghe nói nhà thương ở Huế chữa bịnh lao cũng được lắm. Thế là một lần nữa tôi vừa ho vừa nôn thốc nôn tháo vì không chịu nổi mùi nước biển và những con sóng lớn dập dềnh dập dềnh dưới chân tàu đang vượt trùng dương không phải sang Pháp như lần trước mà là... về lại cố hương. Rồi tôi được đưa từ Huế vô mai táng ở cánh đồng làng Tây Lộc hồi cuối tháng 2 năm 1921, gần bảy năm sau ngày mẹ tôi ra nằm đây, bên cạnh cha mẹ chồng. Do tôi mất vì bệnh truyền nhiễm nên dưới huyệt mộ tôi người ta cho rất nhiều vôi trắng để khử trùng. Nhưng gì thì gì, điều quan trọng là cuối cùng tôi cũng đã được trở về cái làng Tây Lộc thời thơ ấu của mình, ngày ngày được nằm cạnh mợ tôi và ông bà nội tôi. Chỉ thương cho cậu tôi tới khi từ giã cõi đời mà vẫn một thân một mình nơi đất khách quê người, vẫn là người Quảng xa quê...
B.V.T
Đà Nẵng, mồng bốn tết Tân Sửu 2021