Tất Nguyệt Ô*

15.03.2021
Đỗ Nhựt Thư

Tất Nguyệt Ô*

Tháng 8 năm Canh Thìn 1580 sau kỳ thi đình tại hành cung Nam triều xứ Thanh Hoa, Nguyễn Văn Giai lại đoạt hạng Đình nguyên và là Tam nguyên đầu tiên dưới đời Lê Thế Tông thời Nam Bắc triều.

‘Giỏi thật! Trời giúp ta đây. Một nhân tài hiếm có của xã tắc.’ Trịnh Tiết chế nhủ thầm lòng đầy hoan hỉ. Nhìn dáng người cao to uy dũng, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, tính cách trung lương hiển lộ và văn tài cự phách của Nguyễn, ông đem lòng mến mộ sâu xa, liền bổ nhiệm Nguyễn giữ chức Tán ký lục trong ban tham mưu dưới trướng, luôn kề cận bàn luận quân cơ trong công cuộc thống nhất sơn hà.

Trịnh Tiết chế đang mang nỗi hận cháy lòng với Bắc triều. Bao năm nay Nam triều chỉ làm chủ từ xứ Thanh Hoa trở vào, quân ít, dân chúng nghèo nàn, đất đai sỏi đá, lương thảo hạn chế nên nhà Mạc cứ thường xuyên đem quân vào đánh phá. Nội bộ Nam triều bao lần vì quyền lợi mà huynh đệ tương tàn, vương huynh Trịnh Cối muốn ép ông để thâu tóm binh quyền, sau đó vua Lê Anh Tông vốn tài hèn sức mọn nhưng muốn giành quyền thống lĩnh quan quân mà nghe lời gièm pha của Cảnh Hấp và Đình Ngạn kéo quân tướng về Nghệ An để chống ông. 'Thời cát cứ phải là thân danh tướng mới mong thống nhất giang sơn, họ đều là những kẻ tầm thường sao lại không biết mình để ta phải ra tay dứt bỏ thế kia?' Ông buồn bã nhủ thầm.    

Tháng 7 năm Quý Mùi 1583 quân Mạc lại vào đánh phá Thanh Hoa. Nhưng chúng đã lầm, bao năm nay Trịnh công đã ra tay xây dựng lại cơ đồ, rèn luyện quân tướng hàng ngũ chỉnh tề, làu thông binh pháp, quân Nam giờ đã vững mạnh, mặt khác ông nghe lời Nguyễn cho tham mưu vẽ địa đồ nắm vững địa hình khắp nước nhằm sử dụng khi xung trận nên đã đánh đuổi quân Mạc dễ như bỡn. Ông nghiến răng chỉ tay về Thăng Long: “Lũ bội chúa kia! Không lâu đâu ta sẽ vào kinh thành bêu đầu chúng mày.” Ông thề sẽ chuyển sang tấn công.

Trịnh Tiết chế đau đáu là chưa tìm được một Khổng Minh để phù trợ cho nghiệp lớn. Giờ Tý ngày sóc tháng 9 ông làm lễ cáo thiên địa xin xuất binh thu phục giang sơn và xin trên ban cho mưu tướng. Khuya, trong mơ ông thấy mình muốn vẽ mặt trời mà sao không vẽ nổi, một sức mạnh giữ cứng tay ông lại, cố sức nên mồ hồi vã ra như tắm. Bỗng có vị thần xuất hiện cười cười: “Muốn thế phải trọng dụng Tất Nguyệt Ô người Thiên Lộc.”

Tỉnh dậy ông lục tung trí nhớ. Tất Nguyệt Ô? Sao Tất. Ai vậy nhỉ?

Bào đệ Tả Đô đốc Trịnh Đỗ kể với ông và chư tướng về Nguyễn Văn Giai. Đúng rồi! Nguyễn người Thiên Lộc. Chuyện là cha mẹ Nguyễn mười năm không con, một ngày có thầy phong thủy đến xin ở nhờ vài hôm, thấy vợ chồng hiền lành tốt bụng lại ao ước có con, thầy liền bấm quẻ và bảo: “Đêm 15 trăng sáng bà ra giếng Trạng chờ khi có ngôi sao rơi xuống giếng thì múc lấy nước giếng ấy mà uống sẽ sinh quý tử. Một tú của chòm Bạch hổ ở phương tây trong Nhị thập bát tú đã đến kỳ giáng hạ xứ này, âu cũng là định số, ta phải nhường cho vợ chồng bà vậy.”

Quả nhiên ngày sinh Nguyễn có 7 khối sáng sa xuống thành 7 ụ đất gần nhà. 5 tuổi đã biết đọc, 9 tuổi đã làm văn sách, ăn một bữa bằng 7 người, to lớn hơn người tính lại khí khái tôn phù nhân nghĩa lễ trí tín.

Đúng thật rồi. Trong trận Đường Nang 1582 vừa rồi nếu Nguyễn không dũng cảm thì ông đã nguy. Cùng ngồi chung voi chiến xung trận, viên quản tượng bị tên hất nhào xuống đất, con voi lúng túng quay đầu, quân tướng sững sờ dừng chân ngựa, Nguyễn nhanh như cắt nhào lên đầu voi thúc nó tiến lên, ông đứng phắt dậy vung gươm hét như sấm: “Xung phong. Giết!” Ba quân ào ạt xung trận sức như thác đổ, quân Mạc khiếp sợ bỏ chạy tán loạn.

Chư tướng cũng sôi nổi kể về Nguyễn càng cũng cố thêm giấc mơ nhân tài của Trịnh Tiết chế.

Nguyễn đến vùng Đan Nê, Yên Định làm thuê, ở nhờ nhà họ Lê đọc sách, làng tổ chức cúng thần Đồng Cổ - vị thần từng giúp vua Trần đánh thắng giặc Nguyên. Cúng xong thấy mất 2 mâm liền tỏa đi tìm, gặp ông đang ăn ngấu nghiến. Tuần đinh định làm lớn chuyện bỗng vị hương trưởng ào ào đến, mặt đỏ lừng, giọng âm lạnh như xói vào tai: “Các ngươi nghe đây, Tất Nguyệt Ô đang khó, ta mời cơm ông. Chúng ngươi phải lo cho người tử tế, sau sẽ được đền ơn.” - 'Thần nhập' cả bọn sụp lạy.       

Nghe lời Nguyễn tháng 10 năm ấy Trịnh Tiết chế thân dẫn đại quân đánh chiếm các vựa lúa thuộc miền Sơn Nam, Yên Mô, Yên Khang... Nhử địch vào tấn công để phục binh đánh quân Mạc tan tác nhằm tạo uy danh, tướng Mạc là Kỳ quận công Nguyễn Viết Kính phụ trách Đông đạo tâm phục nên về hàng và ông cho quân thong thả thu hoạch lương thảo đem về Thanh Hoa. Quân Mạc hoảng vía nên từ đó không dám bén mảng xâm phạm bờ cõi Nam triều.

Năm 1592 sau những lần xuất quân đánh thắng quân Mạc, Trịnh Tiết chế dẫn đại quân Bắc tiến quyết chiến trận đánh quyết định làm sụp đổ nhà Mạc và chiếm lại kinh đô. Quả nhiên dưới thiên tài của ông quân Nam như cọp dữ đánh cho quân Mạc tan tác, chiếm được Thăng Long, tiến qua Kim Thành bắt được vua Mạc là Mậu Hợp đem về làm tội bêu sống ba ngày rồi chém ở bến Bồ Đề vào ngày 15 tháng 12 năm ấy.

Tháng 4 năm sau vua Lê Thế Tông ngự tại chính điện thành Thăng Long sau 3 tháng xây dựng lại, xuống chiếu ban thưởng quan quân. Trịnh Tùng trước đó đã được gia phong làm Đô tướng tiết chế kiêm quản nội ngoại Bình chương quân quốc trọng sự Tả tướng Thái úy Trưởng quốc công.

Nguyễn Văn Giai được thăng chức Đề hình Giám sát ngự sử, 3 năm sau thăng Ngự sử đài đô ngự sử.

Tháng 4 năm 1599 vua Lê hạ chiếu phong Trịnh công làm Đô Nguyên soái Tổng quốc chính thượng phụ Bình An vương, quyền chỉ dưới vua. Vương cho xây dựng phủ chúa và quyết định việc nước, vua Lê chỉ làm vì để che mắt nhà Minh và dân đen, ngài chỉ có 5.000 lính túc vệ, được thu thuế 1.000 xã để chi dụng.  

Năm 1609 Nguyễn Ngự sử sau khi phụ giá vua Kính Tông lên Nam Quan làm việc cùng quan tướng nhà Minh, ông đã khôn khéo giải quyết được việc cho xã tắc và giữ được thể diện quốc gia. Hồi triều ông được thăng làm Tham tụng Thượng thư bộ Lại chưởng Lục bộ sự kiêm Ngự sử đài đô ngự sử Lễ quận công.

Năm 1617 gia phong Nguyễn công chức Thiếu phó.

Năm 1623 Nguyễn công có nhiều công lớn nên được gia phong tước Thái bảo, ông cho lập Thừa tướng phủ để cân bằng quyền lực giữa vua Lê và chúa Trịnh, chúa nể trọng ông nên ngậm bồ hòn làm ngọt.

Nhị phu nhân Trình thị ruột gan bời bời, bà nửa muốn nửa không làm cái việc lừa chồng hôm nay. 'Tướng công! Xin tha lỗi cho thiếp. Mạng người vốn quý thiếp đành tệ với phu quân vậy.' Tự nhủ như vậy nhưng trong lòng bà vô cùng áy náy. Gia phụ vốn dòng dõi vương tộc Trần, bị nhà Hồ đổi sang họ Trình, người bao năm răn dạy: Phận thê thiếp phải tùng quân, hình luật cũng tuyên những kẻ trái đạo phu thê sẽ bị chồng trừng phạt, ruồng bỏ.

Trình thị chợt mỉm cười nhớ lại cái ngày duyên nợ xa xưa ấy. Nàng ra ao làng giặt giũ thì thấy một chàng trai cao to tuấn tú thẹn thò chôn chân dưới nước. Hai mắt nhìn nhau sững sờ lóa nắng, bèn thẹn thùng lui gót. Khoảng nửa canh giờ nàng lại ra ao, vẫn thấy người ấy ngâm mình dưới nước, mắt nhìn nàng cầu khẩn như có điều gì khó nói, nhìn quanh không thấy y phục nàng liền hiểu vội về nhà đem tấm vải cho chàng quấn thân.

Năm kế đó sau khi lấy bảng vàng Nguyễn tìm đến nhà Trình gia xin cưới nàng làm thiếp, dù đã có chính thê nhưng vẫn mạnh dạn xin được gần gũi để đền đáp ơn xưa. Cùng lúc có vị tiến sĩ đồng khoa cũng đến dạm hỏi nàng về làm chính thất. Phụ mẫu nàng bối rối đành giao quyền cho con gái. Và ... như duyên nợ nàng đã nhận lời về làm thứ thiếp cho Nguyễn. Nàng đã không chọn lầm người, được phu quân yêu quý cho theo nâng khăn sửa túi chốn kinh kỳ.

Hôm qua có Trịnh Quận chúa của Bình An vương đến nhà cầu lụy bà. Nguyên vị Quận mã - phu quân của Quận chúa cầm quân ra trận đánh nhau với tàn dư quân Mạc bị phục binh thua chạy làm mất nhuệ khí quân triều, bị bắt bỏ ngục chờ triều đình định tội, chiểu theo quân lệnh là tội tử hình mà người quyết định là Nguyễn công. Chúa Trịnh cũng muốn cứu nghĩa tế nhưng biết tính Nguyễn Thiếu phó nên cũng ngần ngại liền bảo quận chúa sang cầu cứu Nhị phu nhân.

Bà cương quyết khước từ mâm châu báu và phân trần: “Tướng công nhà tôi là người thanh liêm, ngay thẳng. Việc của triều đình, tôi đâu dám can dự vào.”

Bà liền kể việc ông đã về quê Thiên Lộc xử Tam công tử là Hùng Lĩnh hầu con của Đại phu nhân đang giữ nếp nhà. Hầu ỷ thế cha làm nhiều điều xằng bậy với chúng dân trong vùng, quan lại địa phương e sợ nên im lặng không dám tố cáo. Ông nghe được liền tức tốc về quê cho lập án và đích thân xét xử. Xét điều luật Hầu phạm án tử ông đành tuyên y án. Ông tuyên bố: “Xử án phải công bằng, đúng đắn và luật pháp triều đình không vì con quan đại thần ngự sử mà nương nhẹ.” Vua chúa, quan lại, chúng dân đều lạnh người và tôn trọng như thần.

Quận chúa khóc sướt mướt, nỉ non cầu khẩn lại bảo là ý của Vương, xiêu lòng phu nhân nhẹ giọng: “Nếu vậy sáng mai, Quận chúa cho đem một cái thủ lợn luộc chín, một mâm xôi nếp cái, kèm cả tương giấm, dao thớt nữa, lựa lúc tướng công tôi vào triều thì đưa vào. Tôi sẽ lựa lời nói giúp.” - Món ăn này là món khoái khẩu mà Nguyễn công thường bảo bà lo cho ông.

Trưa hôm sau từ triều về Nguyễn công đói ngấu, ông vốn phàm ăn, gọi không nghe phu nhân thưa trình, thấy trên bàn sẵn món ưa thích ông liền ngồi xuống ăn một mạch. Ăn xong bà dâng nước, ông tò mò: “Món này hôm nay phu nhân làm sao mà là lạ và ngon thế?” Bà liền quỳ xuống mà trình bày sự tình. Ông hét như sấm: “Phu nhân! Sao phu nhân lại hại ta như thế?” Bà thút thít: “Tướng công! Mạng người quý lắm. Quân pháp vô tình quá. Trong đời ai mà không thất bại. Vả lại Quận chúa bảo là do ý của Vương gia.”

Ông nguôi giận lẩm bẩm: “Tại ta tham ăn mà ra đây mà. Thôi! Từ nay ta không ăn món này nữa. Nhưng cứu được một mạng người cũng là việc nên làm, tình tiết vụ này có thể gia giảm.”   

Chiều ông lên kiệu vào phủ sớm, xin cho Quận mã thoát án tử, chỉ cách tuột chức hàm, cho làm lính thú. Chúa Trịnh nghe xong mừng lắm liền y án, cho thi hành lệnh ngay, chợt nghĩ đến lòng mừng rỡ của cô Quận chúa trẻ trung nhí nhảnh của mình mà mười phần hoan hỉ.

Mùa xuân năm Mậu Thìn 1628, đất nước sau mấy năm yên ổn, lòng người vui vẻ, chung hưởng hội xuân thái hòa. Sau tiết Nguyên tiêu sao Tất lu mờ dần và Nguyễn Thiếu phó mất khi đã 75 khi vẫn đương chức, vua chúa vẫn chưa cho trí sĩ. Thương tiếc vua Lê đã truy thăng hàm Tư đồ và viếng cặp đối:

“Quốc thạch trụ tam triều

danh tướng

Địa giang sơn vạn cổ phúc thần”

(Trải ba triều thuộc hàng danh tướng trụ cột của nước nhà

Vạn năm sau là bậc phúc thần nơi sông núi quê hương).

Cặp đối này đã khắc lưu giữ muôn đời cho con cháu tại ngôi nhà thờ ông.   

Gia phả còn ghi lại lời ông răn bảo triều thần: Ta giữ việc triều chính cốt cho liêm chính, không nhận hối lộ của bất kỳ ai. Người có tài đức thì phải biết trọng dụng; ai có lỗi lầm phải biết lựa lời can ngăn; ai oan uổng phải biết cứu xét phân minh cẩn trọng và bênh vực; kẻ nghèo khó phải ra tay giúp đỡ. Không nên làm những điều bất chính để tích trữ vàng ngọc làm giàu; phải biết tu nhân tích đức cho đời sau con cháu vậy.

Xin viết thêm, thuở sinh tiền ông đã xin vua trùng tu đền Đồng Cổ và tự tay soạn tấm văn bia dựng ở đền, đến nay vẫn còn; hằng năm ông vẫn trích lương bổng ít ỏi của mình gởi về giúp đỡ cho những làng mạc đã cưu mang ông từ thuở hàn vi.

Đ.N.T

* Tất Nguyệt Ô: Sao Tất (Kim Ô) là một trong nhị thập bát tú trong Thiên văn học phương Đông.