Đà Nẵng - Mạch nguồn văn hoá biển
Đà Nẵng là thành phố trọng điểm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Phát huy lợi thế về kinh tế biển cũng như giữ gìn những giá trị văn hóa biển, đã và đang được chính quyền thành phố quan tâm, sâu sát. Giữ lại những giá trị văn hóa biển “còn lại” sau một thời gian dài chịu sự tác động mạnh mẽ của đô thị hóa, dẫu chưa phải là tất cả, nhưng, ở một góc độ nào đó, vẫn là đáng để lưu tâm.
Biển và những lát cắt
Thành phố Đà Nẵng có vị trí then chốt, là huyết mạch của cả khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước. Bên biển, bên sông, bên núi nhưng vững chãi và mạnh mẽ kiên cường. Và ngư dân Đà Nẵng, bao đời nay, vẫn nỗ lực có thể để giữ lại những giá trị cốt lõi của văn hoá làng chài, văn hóa biển. Đà Nẵng nổi tiếng với hơn 70km đường bờ biển dài và đẹp, có ngư trường rộng 15.000km2 nơi các làng chài hình thành và tồn tại từ hàng trăm năm trước. Tỷ lệ lớn ngư dân tham gia và phụ thuộc trực tiếp vào các hoạt động đánh bắt quy mô nhỏ trong các khu vực bao gồm biển, sông và lạch, cũng như buôn bán cá, thủ công, chế biến và các hoạt động liên quan đến sinh kế. Nếu như, những dấu tích làng chài, còn lại trong những khu vực lăng thờ, đền thờ cá Voi ông, hay những văn bản sắc phong, thì trong sự phát triển, tôn tạo, đô thị hóa hôm nay, chừng như, các giá trị còn lại đó, lại nắm giữ một trọng trách quan trọng. Đó, như sợi dây kết dính, là sự giao thoa của nhiều tầng nấc văn hóa biển.
Theo thống kê mới đây nhất của Trung tâm Học tập Gắn kết Cộng đồng, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng (CELC-DAU), thì các giá trị văn hóa biển, làng biển dọc dải đất miền Trung, đang rất cần sự tương trợ từ nhiều phía để ngư dân, có thể từng bước “vực” lại, giữ lại các giá trị cốt lõi này. Theo Thạc sỹ, Kiến trúc sư Phan Trần Kiều Trang, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, CELC-DAU đã thực hiện khảo sát, thống kê trong hơn một năm qua cho dự án Nghiên cứu về các cộng đồng làng chài ở thành phố Đà Nẵng: Đánh giá những tài sản và nguồn lực hiện có nhằm cải thiện sinh kế của ngư dân trong bối cảnh đô thị hóa (Dự án). Dự án nhằm thu hẹp khoảng cách kiến thức này bằng cách thiết lập cơ sở dữ liệu về các làng chài hiện tại ở thành phố Đà Nẵng. Dựa trên bản đồ cộng đồng, đánh giá các tài sản và nguồn lực do chính cộng đồng thực hiện, dự án dự kiến sẽ kết nối các cộng đồng, phát huy thế mạnh của họ nhằm tạo ra sinh kế bền vững hơn trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng gia tăng. Các kết quả có thể được sử dụng để đưa ra khuyến nghị cho chính quyền thành phố trong việc đưa ra các kế hoạch có liên quan đến các làng chài trong tương lai. Kết quả bước đầu cho thấy, thành phố Đà Nẵng hiện có khoảng 17 làng chài ven biển, phân bổ đều tại năm quận gồm Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Điều đáng ghi nhận, trong số này có những làng chài đầu tiên ở Đà Nẵng được hình thành từ thế kỷ 14 - 15 với sự di cư của cộng đồng ngư dân ở khu vực Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh. Cụ thể, từ thế kỷ 17, trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn, một nhóm người từ Hà Tĩnh di cư đến Đà Nẵng và hình thành nên làng chài Thanh Khê. Trong thế kỷ thứ 19, vào thời kỳ Pháp thuộc, những người di cư từ Quảng Bình tiếp tục di cư về Đà Nẵng và hình thành nên các làng chài mới là Thủy Tú, Hà Khê, Đa Phước, Tân Trà, Đông Hải và Mỹ An. Và có một số làng chài nhỏ tự phát xuất hiện ở gần những làng chài cổ và mở rộng về hướng biển thế kỷ 20. “Khi chúng tôi thực hiện dự án này, cũng mong muốn có được một cái nhìn tổng quát về thực trạng các làng chài, cuộc sống của ngư dân biển đánh giá những tài sản và nguồn lực hiện có nhằm cải thiện sinh kế của ngư dân trong bối cảnh đô thị hóa cũng như công tác bảo tồn tín ngưỡng cư dân ven biển đã có sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là dân cư sở tại. Mặt khác, đây là cách tiếp cận mới đưa vào chương trình giảng dạy, đào tạo sinh viên. Tạo điều kiện cho sinh viên thực tế, vẽ lại các làng chài. Đây cũng là một cách gìn giữ các giá trị văn hóa biển, làng biển”, Thạc sỹ, Kiến trúc sư Phan Trần Kiều Trang thông tin.
Nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi, Đà Nẵng đã phát huy, đánh thức được bao nhiêu tiềm năng kinh tế - văn hóa biển? Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, phát huy lợi thế kinh tế - văn hóa biển không những giữ vững chủ quyền biển, đảo Việt Nam mà còn mang giá trị trao truyền, tiếp nối cho thế hệ trẻ. Bài học về giữ biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam có giá trị mãi bền vững đối với mọi thế hệ người Việt Nam, mà trong đó, đối với mỗi ngư dân vùng biển, như Đà Nẵng - trọng trách lại càng nặng hơn.
Giữ biển từ các Di sản văn hóa phi vật thể biển
Bằng những quyết sách đúng đắn và kịp thời trong quá trình đầu tư, phát triển văn hóa, mấy năm trở lại đây, Đà Nẵng đã nhận được những mùa quả ngọt đầu tiên với rất nhiều di tích, lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2016, Lễ hội cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng đã chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2019, nghề làm nước mắm Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng được công nhận là Di sản phi vật thể Quốc gia. Làng nước mắm Nam Ô được hình thành trên 400 năm. Đây là một trong số ít làng nghề nước mắm truyền thống còn tồn tại trên cả nước. Không chỉ mang lại giá trị vật chất, mắm Nam Ô còn là một sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc của làng nghề truyền thống bao đời, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương, không chỉ là món ăn, là gia vị mà còn là một phần của lịch sử, của văn hóa, hàm chứa những tri thức dân gian, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương vùng biển Liên Chiểu. Đây là niềm tự hào, phần thưởng xứng đáng, ghi nhận những nỗ lực của chính quyền thành phố, quận Liên Chiểu và đặc biệt là bà con vùng làng chài Nam Ô trong việc gìn giữ làng nghề có từ hàng trăm năm nay; là động lực lớn để chính quyền, các cấp và người dân làng Nam Ô tiếp tục phát huy giá trị làng nghề và đưa thương hiệu mắm Nam Ô vươn xa với thị trường tiêu thụ rộng lớn. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là sự khẳng định, ghi nhận về những nỗ lực thực sự của ngành văn hóa Đà Nẵng trong bối cảnh phải khắc phục nhiều khó khăn để gìn giữ các giá trị văn hoá biển trước bờ vực của xóa sổ.
Sinh viên Đại học kiến trúc Đà Nẵng với các bản vẽ về các làng chài Đà Nẵng
Đối với ngư dân vùng biển, Lễ hội Cầu ngư là lễ lớn nhất trong năm, là lễ tế ngư thần và cầu xin thần ban cho được một năm “trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang”, “tấn tài, tấn lộc, tấn bình an”. Với ngư dân, đây là mạch sống ngọn nguồn. Trong nhiều năm qua, cùng với sự quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của thành phố Đà Nẵng và các quận Thanh Khê, Sơn Trà, đặc biệt là lòng thành kính, cùng chung sức giữ gìn các tập tục đã trở thành nếp sống, nếp văn hóa của miền biển ở bà con ngư dân. Lễ hội Cầu ngư được tổ chức thường niên, quy mô, bài bản ở các địa phương gắn với sống bên biển, sống với nghề biển. Lễ hội cũng hội đủ các yếu tố nội dung lẫn hình thức để trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, giới thiệu, truyền bá nét đặc sắc trong dòng chảy văn hóa biển của thành phố Đà Nẵng. Qua đó góp phần mang lại nhiều tác động tích cực và lợi ích trong phát triển kinh tế, xã hội đối với địa phương đăng cai, chủ trì nghi lễ và cộng đồng. Nghệ sỹ Nhân dân Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Đà Nẵng, là người đổ nhiều tâm sức vực dậy các giá trị văn hóa, di sản cho Đà Nẵng. Ông khẳng định, Lễ hội Cầu ngư chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, có vai trò rất lớn trong đời sống tâm linh và tác động sâu sắc đến việc bám biển, mưu sinh ở cộng đồng vạn chài. Đây còn là nguồn sử liệu, là những bằng chứng vật chất và tinh thần xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Lễ hội đã khẳng định cả hàng ngàn năm qua, dân tộc ta đã có tầm nhìn thoáng mở, luôn hướng và tiến ra biển, đã khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển và đồng thời vẫn luôn trọn vẹn khát vọng vươn khơi, bám biển, bám ngư trường để làm chủ vùng biển Đông của Tổ quốc. Việc Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị đặc sắc của Lễ hội này, đồng thời thể hiện sự ghi nhận công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, các thế hệ ngư dân, nhà nghiên cứu... đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa biển.
Vĩ thanh
Đà Nẵng là thành phố du lịch và tiềm năng khai thác các giá trị biển, văn hoá biển vẫn còn điều kiện khai mở. Bãi biển Đà Nẵng được mệnh danh là bãi biển đẹp nhất hành tinh. Đô thị hóa đã thay đổi diện mạo đô thị Đà Nẵng và trong đó, thay đổi/xóa sổ nhiều làng chài ven biển, đó cũng là quy luật tất yếu của sự phát triển. Trong điều kiện hiện nay, việc ngư dân bám biển vừa đánh bắt thuỷ hải sản, vừa là những cột mốc sống trên biển bảo vệ chủ quyền lãnh hải Việt Nam, vừa là mưu sinh vừa là mệnh lệnh.
Tôi đã có nhiều ngày tìm về những vùng biển, làng biển, làng chài Đà Nẵng, dọc từ làng biển Nam Ô, đến biển Non Nước, đến khu vực Tân Trà... Gặp ngư dân, dù họ còn theo nghề biển hay đã gác biển, gác mái chèo lên bờ, vẫn đau đáu một niềm yêu biển và tự hào về biển. Trong những lần ngồi trước biển với bình minh sóng non, hay những chiều vãn nắng, hay ngày mưa, tôi vẫn rất thương những gương mặt rám nắng của ngư dân vùng biển. Đó là niềm vui của những lần tàu cá cập bến đầy thuỷ hải sản, hay những mẻ lưới kéo lên trên cát trắng giữa trưa nắng chang chang và phần lộc biển chia cho mỗi người là dăm con cá, nửa ký mực, nửa ký tép... Những tấm lưng trần đỏ rần trong nắng biển và bao nụ cười, cùng hò dô kéo lưới lên bờ, là hình ảnh vừa thân quen, vừa thực. Là một góc sống của các làng chài ven biển.
Một thời gian dài, những giá trị và tiềm năng từ các làng chài ngày càng bị mai một và chưa đóng góp xứng tầm cho sự phát triển của thành phố. Nhiều làng chài lại là nơi phát sinh thách thức mà thành phố buộc phải giải quyết về sinh kế, giảm nghèo, giữ gìn bản sắc biển mà chưa phát huy được thế mạnh biển, giá trị văn hóa biển. Người dân trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ bỏ nghề cá và có ít kiến thức về các giá trị văn hóa, di sản trong cộng đồng địa phương. Giữ lửa ấm từ đất liền, giữ lại những giá trị cốt lõi của các làng biển, cùng với việc chăm lo, nâng cao đời sống cho người dân, đã và đang ra nhiều trọng trách nặng nề cho chính quyền thành phố. Các quyết sách, chính sách hỗ trợ đặc biệt cho ngư dân, thời gian qua đã được thành phố Đà Nẵng đồng loạt triển khai cùng với các chính sách hỗ trợ từ Trung ương, Chính phủ. Đà Nẵng cũng đã khắc phục những tồn đọng tại các dự án ven biển và hiện đang giữ lại được làng biển cổ Nam Ô. Dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng tại khu vực này đã được điều chỉnh phù hợp, với phương châm vừa phát triển du lịch, vừa gìn giữ phát huy các giá trị văn hoá của làng biển cổ Nam Ô. Theo lộ trình, sau nhiều lần điều chỉnh phù hợp, đúng dịp tháng ba này, dự án sẽ được khởi công xây dựng với ba hạng mục đầu tiên được doanh nghiệp đầu tư hoàn toàn kinh phí và đưa vào phục vụ người dân. Đầu tháng 01-2021, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã có kết luận về việc thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô. Theo đó, thành phố ghi nhận, hoan nghênh việc tham gia đầu tư của Công ty CP Trung Thủy Đà Nẵng. Và phía doanh nghiệp là Công ty CP Trung Thủy Đà Nẵng cam kết đầu tư toàn bộ kinh phí ba sản phẩm du lịch không thu phí gồm ngắm bình minh, hoàng hôn trên vịnh Nam Ô bằng thuyền thúng; tắm biển tại bãi tắm Nam Ô; đi bộ, tham quan ghềnh Nam Ô. Công trình dự kiến khởi công đúng vào tháng 3-2021. Đây là nỗ lực vô cùng lớn của chính quyền cùng sự tâm huyết đầu tư của doanh nghiệp vì mục đích cộng đồng. Giữa việc bảo tồn giá trị văn hóa biển, phát triển các làng nghề truyền thống và đầu tư phát triển du lịch, nếu đặt các giá trị di sản văn hóa phi vật thể lên trên, trước hết, sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho Đà Nẵng.
Như lời tâm huyết của ông Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm Nam Ô Trần Ngọc Vinh, nghề biển và nghề làm nước mắm Nam Ô đã có hàng trăm năm nay. Và giá trị nghề, giá trị quê hương nằm ở cốt lõi cuối cùng - làng biển Nam Ô, trong quá trình hội nhập và phát triển, buộc phải thay đổi diện mạo một cách phù hợp nhất. Làng còn, nghề còn, người còn là còn hồn cốt văn hóa biển.
N.T.A.Đ