Phía sau những người đã ngã xuống vì TrườngSa - Đài Trang
Trên Internet lan truyền một video/clip ghi lại hình ảnh về “Vòng tròn bất tử” được các chiến sỹ công binh Việt Nam tạo nên xung quanh cột cờ Tổ Quốc để ngăn cản lính hải quân Trung Quốc xông lên cướp cờ, bảo vệ chủ quyền biên cương – Đó là hình ảnh trên bãi đá Gạc Ma những ngày tháng ba năm 1988. Trong đó, 9 chiến sỹ bị Trung Quốc bắt giữ, 61 chiến sỹ mất tung tích và 3 chiến sỹ hi sinh… Cuộc đời của những con người ấy sau hai mươi ba năm là những lá thư còn sót lại, những giọt nước mắt lăn dài trên má mẹ, là sự cơ cực, vất vả trong những bon chen cuộc sống…
Mẹ Trường Sa
Tôi trở lại Đà Nẵng vào một ngày mùa đông, phố xá còn ẩm ướt và gió rét căm căm. Hướng mắt về phía ngoài khơi kia là Hoàng Sa, và câu chuyện Trường Sa lại cháy lên, như ngọn lửa ấm lòng nhưng cũng mang đầy trăn trở.
Ngồi đối diện với mẹ Hồ Thị Lai, đôi mắt trũng sâu của mẹ làm sống mũi tôi cay cay, mẹ đang khóc khi kể về liệt sĩ Trương Quốc Hùng – người con trai dũng cảm của mẹ, anh nhập ngũ khi tuổi mới đôi mươi.
Ở tuổi 21, người ta vừa mới bắt đầu cuộc đời đã phải vội vàng kết thúc nó. Nhưng mẹ bảo: chết vì lý tưởng thì không có gì hối tiếc, mẹ chỉ có một điều hãy còn thương mãi, đó là khi xưa ở nhà gạo còn không đủ nấu cháo, bây giờ sung túc hơn thì lại không thể nấu cơm cho con mình được nữa. Tuổi tác không làm trí nhớ mẹ mờ đi. Biết bao nhiêu kí ức, từ những câu chuyện cũ thuở mẹ còn thiếu nữ, cho tới những chuyện kể của nửa thế kỷ sau – tất cả vẫn được mẹ nâng niu, cất giữ. Đó có lẽ là “két sắt vô hạn” ngay trong chính tâm khảm của mẹ. Đúc kết sau gần một đời người, mẹ chưa phải ân hận với bất cứ điều gì đã làm. Chợt nhớ tới phương châm sống của nhân vật Pavel trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” mà một thời thế hệ thanh niên Việt Nam đã thuộc nằm lòng: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa, ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí” – Với phẩm chất ấy, tôi xin được gọi mẹ là mẹ Việt Nam anh hùng.
Khi đau thương là tột cùng, người ta hoặc sẽ chấp nhận nó, hoặc lãng quên nó cho tâm tình vơi theo cát bụi. Trong khi gia đình liệt sỹ Trương Quốc Hùng chọn cách thứ hai thì gia đình liệt sỹ Lê Văn Xanh đã giữ lại tất cả những kỉ vật của anh: từ những lá thư, những trang nhật ký, những bộ quần áo đến cả chứng minh nhân dân…
Nghỉ Tết, anh trở về quê hương Hòa Cường đoàn tụ gia đình. Bao tâm tư nỗi niềm người lính, anh được dịp trút bầu tâm sự hết với mẹ. Mẹ nói: anh tài hoa nghệ sỹ lắm, viết- vẽ- đàn- ca đủ cả. Đã hai mươi ba năm trôi qua, không biết ngoài gia đình anh còn mấy ai biết được chuyện tình của người lính tên Xanh? Thời còn ở nhà, anh quen một người con gái, theo gia đình kể lại thì giữa họ chắc chắn là tình yêu.
Tin anh hi sinh tại đảo Gạc Ma báo về quê nhà, người con gái đau đớn khóc ròng mấy ngày dài. Dù rằng giữa họ chưa rõ đã có hứa hẹn gì hay chưa, nhưng bởi nỗi nhớ mong, chị xin phép gia đình lập bàn thờ anh tại nhà riêng. Hàng năm, người con gái ấy vẫn qua lại gia đình nhang khói cho anh mỗi dịp lễ Tết và giỗ chạp, việc này diễn ra cho tới khi chị quyết định lấy chồng. Không biết phải nghĩ thương đau với chị là thế nào, hay do đường duyên tình trắc trở mà người chồng của chị cũng chết vì ngã trong khi thắp hương cho anh Xanh. Có lẽ là do sự đời quá trái ngang, chị đã mang theo chân nhang anh mà tìm đến nương tựa cửa Phật.
Sau tất cả những đau thương, người ta sẽ cố gìn giữ và ghi nhớ nó như một phần đã diễn ra trong cuộc đời mình, hay sẽ tự chôn kín như một điều gì đó riêng tư, khó chạm? Trong suốt cuộc trò chuyện, mẹ Lê Thị Muôn không tâm sự nhiều, nhưng gương mặt mẹ lại ẩn hiện nhiều nỗi niềm khó nói. Người con trai của mẹ – liệt sỹ Phan Văn Sự nhận lệnh nhập ngũ khi người anh cả đang tại ngũ và cha bệnh nặng trên giường. Được gia đình động viên “cứ yên tâm làm nhiệm vụ”, anh Sự lên đường. Trước khi ra Trường Sa theo chiến dịch chủ quyền 1988 ( gọi tắt là chiến dịch CQ88), anh được nghỉ phép về thăm gia đình. Có lẽ đến giờ mẹ vẫn không tin, đó cũng là lần cuối gặp anh.
Cuộc hành trình tìm về những câu chuyện nơi Trường Sa của tôi tiếp tục dừng lại ở một ngôi nhà nhỏ quạnh vắng, chỉ có hai người tuổi đã xế chiều ngày ngày vui vầy với nhau. Đó là cha mẹ liệt sỹ Nguyễn Phú Đoàn. Cha anh trước đây cũng từng là lính, cũng có biết bao tấm huân chương ghi dấu chặng đường đấu tranh mà ông đã trải qua. Nhưng giờ đây, tuổi già đã khiến ông không còn đủ khỏe để chống lại bệnh tật, “cha” cứ cố ngồi dậy nghe cho rõ câu chuyện giữa mẹ-con tôi. Người phụ nữ mà tôi ngồi đối diện lúc ấy, bình thường và giản dị như bao người dân thường khác, nhưng mẹ đã hi sinh tuổi thanh xuân vò võ chờ chồng và rồi dâng cho đất nước một chiến sỹ quả cảm. Những chấm đồi mồi, từng nếp nhăn cứ xếp lớp như con sóng xô bờ, đến cuối đời, mẹ vẫn chưa hết những vất vả những lo toan. Cuộc đời lúc này cô quạnh, vắng bóng người… có ai hiểu vì sao? Màu áo hải quân, và giọt nước mắt người đầu bạc khóc kẻ tóc xanh…!
Đây không phải là tất cả những câu chuyện làm thay đổi cung bậc cảm xúc trong tôi, cũng chưa phải là tất cả những gì tôi có thể diễn tả được như khi tôi được cảm nhận bằng mắt, bằng tai và bằng cả trái tim. Biết là thế, tôi xin phép được dừng lại, hi vọng có chút dấu lặng trong lòng các bạn. Tuy vậy, tôi chắc chắn một điều rằng, còn trải nghiệm thì tôi sẽ vẫn còn kể tiếp, kể tiếp các bạn nghe về Trường Sa nơi Đà thành vào một dịp khác không xa…
Theo chiều dài Tổ Quốc
“Lịch sử vùng III hải quân 1975 – 2005″ do NXB Quân đội nhân dân đã ghi lại: “Ngày 14 tháng 3 năm 1988, khi các tàu vận tải cùng với bộ đội của ta đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao, thì các tàu chiến của đối phương lao đến ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế, họ đã dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở đảo Len Đao và HQ-505 ở đảo Cô Lin; cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Tổ quốc, nổ súng vào bộ đội gây cho chúng ta nhiều tổn thất…”.
Không sợ nguy hiểm, người chiến sĩ Trần Văn Phương đã lao vào giành giật lá cờ Tổ Quốc và trúng đạn. Anh để lại cho đời sau một di chúc: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng hải quân anh hùng”. Giây phút đó, anh đang là Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn). Người thanh niên 23 tuổi này đã lỡ mất lời hứa “…về trông nhà cho em” với vợ mình.
Trở về Sài Gòn, đến bây giờ, tôi vẫn không ngờ mình gặp vợ người anh hùng ấy ngay giữa chốn phồn hoa đô thị này. Tôi gặp cô Mai Thị Hoa – vợ liệt sỹ Trần Văn Phương (Quảng Trạch -Quảng Bình) giữa một chiều mưa gió. Nhắc tới anh, cô vẫn nghẹn ngào như câu chuyện vừa mới hôm qua. Trước khi theo tàu HQ 604 ra Trường Sa, anh còn dặn dò:
- “Mẹ cho con gửi nhà con ở đây, sau này hoàn thành nhiệm vụ, con sẽ về làm một căn nhà nhỏ rồi con đón vợ con qua”
- “Nếu em muốn biết thông tin về anh thì cứ nghe trên báo đài, đừng đợi thư anh”
- “Sau này mà anh về, anh sẽ chỉ giữ nhà cho em đi làm thôi, anh không đi làm đâu”…
Vẫn là một ngày cuối đông gió rét, chúng tôi đi trên con đường xứ Thanh gập ghềnh sỏi đá, tới một ngôi nhà đã phủ rêu phong, quạnh vắng tiếng người. Nơi đây, chúng tôi được gặp những người con của liệt sỹ Vũ Phi Trừ – thuyền trưởng tàu HQ604. Tiếp bước cha mình, người con trai lớn của anh – anh Đăng hiện đang là chiến sỹ hải quân thuộc Lữ đoàn 125 – nơi cha anh đã từng sống và cống hiến, tiếp tục theo cha ghi dấu chân đứng trên mũi tàu bảo vệ biên cương Tổ Quốc. Người con trai út bây giờ đã là cựu sinh viên của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.
Trái đất tròn, dòng đời xô đẩy những bước chân vô tình chạm nhau. Đôi khi bần thần, tôi chợt nghĩ: lòng Sài Gòn rất rộng, ôm trọn mọi kiếp người, từ Đông tới Tây, từ Nam chí Bắc.
Nghe vang vọng câu ca nơi vĩ tuyến:
“Đò xuôi Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”
Đất mẹ Quảng Trị anh hùng ghi dấu những người con ra đi không hẹn ngày trở về. Gió Lào và cát trắng, nghe như rát đến cả tâm can. Anh trai liệt sỹ Tống Sỹ Bái (Đông Hà – Quảng Trị) ngậm ngùi: “Không một kỷ vật, không một manh áo, không một nấm mồ!” – ‘Nghe xót xa như rụng bàn tay’!. Cuộc nói chuyện của chúng tôi với gia đình liệt sĩ Hoàng Ánh Đông trở nên đầy xúc động khi mẹ của liệt sĩ nghẹn ngào trong nước mắt: “Năm tháng qua lo làm ăn lăn lộn với cuộc sống làm quên đi chứ tới những ngày này các con về thăm, mẹ thấy đau khổ lắm!”. Sống mũi cay cay và đôi mắt nhòe đi, tôi cố gắng ghi lại những hình ảnh giây phút đó.
Nỗi đau mất mát là nỗi đau chung của bao người mẹ trên đất nước Việt Nam này, là nỗi đau của cả một thế hệ đứng giữa đoạn trường mà lịch sử phân chia. Ngày ấy, anh ra đi với tâm hồn phơi phơi của tuổi trẻ, hẹn ngày trở về với những khát vọng yêu thương. Dòng thơ viết nghiêng nghiêng trong trang lưu bút nói nên những tâm tư của buổi biệt ly: Biết khi nào gặp lại? Biết khi nào nhìn được mẹ thương yêu? Những người chiến sĩ ấy lên đường, hành trang mà họ tự gói ghém cho mình còn là niềm tin trở về. Dẫu bao gian nan đang chờ đợi, mặc cho sóng gió bão táp giữa biển khơi, các anh vẫn sống hết lòng cho lý tưởng, dành trái tim mình dâng tặng quê hương.
Hai mươi ba năm trôi qua không phải là quá dài nhưng chừng đó cũng đủ để con người ta lãng quên nhiều thứ. Hành trình tìm lại ký ức một thời máu lửa của những chiến sĩ Trường Sa năm nào của chúng tôi dẫu bị không gian địa lý ngăn cách, dẫu bị che mờ bởi thời gian nhưng tên tuổi của các anh sẽ được lưu danh sử sách muôn đời.
Đ.T