NƯỚC MẮT TÌNH THÂM - Đỗ Như Thuần

25.07.2011

NƯỚC MẮT TÌNH THÂM - Đỗ Như Thuần

Bây giờ phần mộ Liệt sĩ Trần Đình Cự được an táng tại quê nhà, cạnh nghĩa trang xóm Bài, Tỉnh Gia, Thanh Hóa. Ai đến thắp nhang khi về cũng buông lững một lời khen: Mộ đẹp! Con trai anh, cháu Trần Đình Dự, 26 năm sau ngày giải phòng đã đi khắp miền Nam để tìm mộ cha. Dự học rất giỏi nhưng không thi vào đại học, tự nguyện ở nhà làm thợ xây, với mơ ước cháy lòng, nếu tìm được hài cốt của ba sẽ xây cho ba một ngôi mộ thật đẹp.

Chuyện xảy ra cách đây 9 năm và là một dấu ấn kỷ niệm khó quên đối với tôi. Những giọt nước mắt hòa lẫn nước mưa tại nghĩa trang Gò Cà ngày ấy như dòng xoáy của cơn bão cuộc đời cứ giằng xé tâm can buộc tôi phải ngồi dậy bật đèn lên và viết, âu đó cũng là nén tâm nhang thắp cho người quá cố.

Hồi ấy, tôi còn ở Nhà văn hóa Quân khu, tháng 11 trời Đà Nẵng như người con gái khó tính, đỏng đảnh và kiêu sa, khi vần vũ mây, khi le lói chút ánh sáng vàng vọt báo hiệu sắp có giông bão. Vừa triển khai xong việc tôi nghe chuông điện thoại đổ dồn. Nhấc tổ hợp, phía bên kia đầu dây tôi nghe giọng thân quen:

- Chào chú! Anh là Trần Chinh, khỏe không?

- Em khỏe, anh nói đi, Đà Nẵng sắp mưa to.

- Có việc trọng đại nhờ chú.

- Sao phải nhờ em. Các anh thiếu gì người…

- Không! Việc này chỉ có chú mới giúp được.

Tôi biết anh Trần Chinh từ ngày còn ở Sư đoàn 2, anh có trí nhớ tốt, nói rất có duyên và thu hút người khác nên được chuyển về Hà Nội làm báo cáo viên, điều mà không phải ai là cán bộ chính trị cũng có được. Anh tóm tắt công việc đại ý: “Cơ quan có anh Ngô Khắc Ký mới về, có em con cậu ruột là liệt sĩ Trần Đình Cự hy sinh ở chiến trường Khu 5 chưa tìm được mộ. Nhờ chú…”

- Chà việc khó đây! Tôi ngập ngừng trả lời anh.

- Khó mới nhờ đến chú.

Đúng rồi, Trần Chinh là lính chiến Sư đoàn 2, đánh Mỹ ở Khu 5 người ta nhờ là phải, còn mình là lính mới tò te…Trước mặt tôi hiện lên hình ảnh đại tá Trần Chinh với một người nghiêm nghị, bao dung thật khó lòng từ chối. Trời sắp mưa, sấm chớp ầm ầm, tôi hứa vội với anh: “Em sẽ cố gắng” ròi xin phép dừng cuộc đàm thoại. Ngoài trời mưa nặng hạt, tiếng sét đánh mạnh vào tổ hợp như búa bổ. Tôi cúp máy, đầu có choáng váng như người lính vừa nhận nhiệm vụ mới.

Sáu năm chiến đấu ở Mặt trận 579 Campuchia tôi đã từng vuốt mắt, chôn đồng đội và bốc mộ liệt sĩ chuyển về nước nhiều lần nhưng tìm liệt sĩ thì quả thật tôi chưa từng. Biết làm sao đây, lỡ hứa với Tần Chinh như đã hứa với vong linh người đã khuất. Hơn một tháng tôi như người mất hồn việc cơ quan trễ nãi, tôi tìm đến phòng Chính sách Quân khu nơi lưu giữ cẩn thận những cuốn sổ bìa đỏ, trong đó ghi rõ danh sách các liệt sĩ trên địa bàn Khu 5 qua hai cuộc kháng chiến. Tôi đọc nhiều lần nhưng không có tên anh, một nỗi buồn vô vọng không cắt nghĩa được xâm chiếm lòng tôi. Mỗi lần bưng bát cơm lên miệng đắng ngắt, những dòng tên liệt sĩ cứ nhảy múa, mờ tỏ, ẩn hiện trước mắt như chơi trò ú tim, như một món nợ khó trả. Tôi quyết định điện hỏi đại tá Ngô Khắc Ký, người nhà liệt sĩ và biết thêm chi tiết cực kỳ quan trọng: Anh Cự là chiến sĩ lái xe.

Thế mới biết đi tìm liệt sĩ đâu phải là chuyện đùa nếu không có cái tâm trong sáng và lòng thành kính. Chỗ quen biết, tôi về Cục Hậu cần nhờ chú Công tìm hộ. Vốn là người cẩn thận và trách nhiệm hơn một tuần sau, Công cho tôi biết có tên anh Cự trong danh sách lưu trữ từ năm 1975. Tôi mừng rơn và rủ Công vào Viện Quân y 17 để lục tìm hồ sơ lưu trữ và được anh Hệ phụ trách Y vụ cho biết: “Trung sĩ Trần Đình Cự, chiến sĩ lái xe bị thương nặng tháng 3 năm 1975 trong khi làm nhiệm vụ phục vụ chiến dịch, vết thương quá nặng, máu ra nhiều, hai ngày sau anh mất tại trạm phẫu dã chiến Viện Quân y 17”. Vậy mộ anh Cự ở đâu, với tôi vẫn là một câu hỏi lớn trong lộ trình tìm kiếm.

Trở lại Phòng Chính sách trong một ngày nắng đẹp, anh Mương phụ trách hồ sơ cho tôi xem tập danh sách Tử sĩ của Quân khu. Khỏi phải tìm lâu, tôi đã tra đúng tên người cần gặp. Anh Hưng cán bộ Phòng còn cho biết thêm: “Mộ anh Cự ngày trước chôn ở nghĩa địa Hòa Khánh, khi thành phố quy hoạch khu vực này, mộ các anh được quy tập về nghĩa trang Gò Cà”. Như người vớ được của quý, vội chia tay các anh, tôi phóng xe một mạch tìm đến nghĩa trang thành phố.

Nghĩa trang Gò Cà thuộc xã Hòa Khương-Hòa Vang là nghĩa trang rộng với hàng chục ngàn ngôi mộ đủ các kiểu xây cấy khang trang, tỉa vẽ công phu. Anh Cự nằm đâu giữa chốn u tịch này? Tôi đứng lặng nhìn những ngọn bạch đàn chao nghiêng theo gió. Sực nhớ trong tay mình có nhang và hoa quả, tôi tìm chỗ bằng phẳng đặt các lễ vật thắp nhang cầu khấn.

- Kính thỉnh…Tôi là…đến đây tìm mộ liệt sĩ Trần Đình Cự, cấp bậc trung sĩ, lái xe Cục Hậu cần, con bà Đặng Thị Hoàng hơn 80 tuổi quê Thanh Hóa, Tỉnh Gia, Anh Sơn, Xóm Bài. Anh sống khôn thác thiêng dẫn đường cho tôi tìm được mộ chí.

Đất trời vẫn im lặng, gió vẫn thì thào, tôi vái anh và thổ địa ba vái rồi cắm cả bó nhang xuống đất. Vừa hút xong điếu thuốc tôi thấy trong người nhẹ hẩng, một cảm xúc lâng lâng như có người dẫn lối mách bảo. Tôi chạy xe một mạch leo dốc và đến chỗ anh nằm. Bảy ngôi mộ cùng một kích thước xếp hàng như trong đội hình dự lệnh, những tấm bia cũ mòn theo mưa nắng thời gian. Lạ thay, bảy ngôi sao như còn mới tinh gợi trong tôi cảm giác thiêng liêng ấm áp về tình đồng đội. Từ ngày tìm được mộ anh, việc cơ quan chạy đều, tắp lự. Tôi sung sướng gọi điện ra Hà Nội báo tin cho đại tá Trần Chinh. Nhận được tin, anh Ký dẫn vợ là cô giáo Hoàng Thị Nụ dạy ở khoa Văn hóa trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội về quê báo tin. Mọi việc diễn ra thật suông sẻ.

Hôm ấy, chiều chủ nhật tôi đang sửa lại mái nhà thì nghe tiếng vợ tôi giục xuống. Chú Hồng lái xe cơ quan chở đến hai người khách lạ, bác Thanh lấy em gái của liệt sĩ Trần Đình Cự và một người khó đoán tuổi là Trần Đình Dự con trai liệt sĩ.

- Cháu vào xin phép bốc mộ bố. Dự nói.

- Chiều rồi, để sáng mai thong thả được không?

- Cháu đã xem ngày.

Vợ tôi chen vào: “Có mấy viên ngói hôm nay không lợp thì mai làm, bốc mộ là việc hệ trọng chú ấy đã xem ngày, ba sắp xếp đi cho kịp”.

Vợ tôi ngày thường vốn hiền lành, ít nói vậy mà bây giờ cũng lên tiếng đồng tình. Rửa sơ mặt mũi, mặc vội áo quân, không kịp uống nước, tôi lên xe đến nghĩa trang cho kịp.

Dự ngồi ghế trước, người gầy, lưỡng quyền nhô cao, trán dô, râu tóc dài như ông lão ngoài 50 tuổi, tay ôm khư khư túi đồ cứng do bà nội chuẩn bị. Nhìn bàn tay chai sạn, tôi nghĩ hắn Dự đã phải nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh vì miếng cơm manh áo.

Xe đến Gò Cà, tôi bảo Hồng mua ít lễ để thắp hương cho các liệt sĩ, ít rượu để rửa hài cốt và thuê người phụ giúp cho kịp trước khi trời tối. Trời về chiều tím biếc trĩu nặng, từng đàn chim đua nhau về tổ càng làm cho không gian thêm nặng nề. Đến nơi Dự ôm lấy mộ cha khóc nức nở, mọi người không ngăn được nước mắt. Để cho Dự khóc tôi bảo bác Thanh, chú Hồng làm lễ xin bốc mộ. Khi những nhát cuốc cuối cùng dừng lại, phần hài cốt được gói kỹ trong bọc nylon hiện ra thì Dự khóc thét và ngất xỉu. Chúng tôi buông cuốc xẻng cấp cứu cho Dự. Âm dương như giao hòa, gió tự nhiên thổi mạnh, làm cho rặng bạch đàn nghiêng ngã như cúi đầu mặc niệm phút chia ly. Trời đổ mưa, tôi quyết định để nguyên túi nylon đưa toàn bộ hài cốt của anh vào túi xách của Dự, đốt hết lễ vật, rưới rượu lên mặt đất khấn xin các liệt sĩ và thổ thần chứng giám cho cuộc tiễn đưa này. Những nén nhang quê thơm thảo chia đều cho các mộ tỏa mùi trầm ngào ngạt len vào đất mẹ trong ráng chiều tĩnh lặng.

Dự tỉnh dậy, đất dưới chân trĩu nặng bởi những giọt nước mắt của hàng chục năm tìm kiếm, đợi chờ trông ngóng đã thi nhau rơi xuống nơi mảnh đất cha anh từng chiến đấu, hy sinh.

Hài cốt anh Cự được đặt ở vị trí trang trọng trong Nhà Văn hóa Quân khu trước khi trở về quê hương xứ sở có đầy đủ lễ vật thờ phụng thành kính, trang nghiêm.

Chín năm đã trôi qua, khi viết những dòng chữ này trước mặt tôi vẫn hiện lên hình ảnh những giọt nước mắt đau khổ, sung sướng của Dự khi tìm được hài cốt của cha. Suối đổ về biển mặn, âu đó là lẽ đời, vậy là tôi đã làm được một việc có ích. Gió thổi, mây bay cứ phiêu dạt hồn tôi về phương xa vắng ấy.

Đ.N.T.