MỤC TIÊU CỦA VIỆC DẠY HỌC NGỮVĂN TRONG THỜI ĐẠI MỚI

25.07.2011

MỤC TIÊU CỦA VIỆC DẠY HỌC NGỮVĂN TRONG THỜI ĐẠI MỚI

● Văn học và nhà trường

Bộ môn Ngữvăn cóvai tròquan trọng hàng đầu trong chương trình đào tạo xưa nay. Tuy nhiên, mục tiêu dạy học bộmôn này không giống nhau ởcác quốc gia vàmỗi thờiđại. Xácđịnh đúng đắn mục tiêu dạy học Ngữvăn của Việt Nam trong thế kỷ XXI là rất quan trọng. Nó giúp cho các nhà giáo dục tháo gỡ được những khó khăn trước mắt, nhất là vấn đề học sinh không hứng thú học Văn. Và giúp bộ môn Ngữ văn bước kịp thời đại, hòa nhập vào công cuộc hiện đại hóa đất nước.

I. Điểm qua những mục tiêu dạy học Ngữ văn trong lịch sử giáo dục

Trước khi xácđịnh những mục tiêuđào tạo trước mắt, ta hãy tham khảo bức tranh dạy học Văn trong quá khứ. Thời trung đại, môn Văn chiếm vịtrísố một, nếu không muốn nói làđộc tôn trong nhà trường phong kiến Việt Nam. Người ta đi học, trước hết là để biết viết, biết đọc rồi nghiền ngẫm các kinh sách cổ điển (Tứ thư, Ngũ kinh…) để học đạo lý làm người, học phép tắc viết văn, làm thơ… Nói cách khác, dạy Văn là để dạy đạo đức và năng lực thưởng thức cái hay, cái đẹp của văn chương. Các đề thi thường yêu cầu thí sinh viết một bài luận bàn về triết lý đạo đức của cổ nhân hoặc phân tích cái hay của một áng cổ thi. Người giỏi văn chương có nhiều cơ may thi đậu các kỳ thi rồi ra làm quan. Không làm quan thì làm thầy hoặc nếu không làm thầy thì về nhà ngâm nga thơ phú cũng xem như đạt được mục đích học tập của đời người. Nói tóm lại, thời xưa học Văn chỉ để biết chứ không phải để làm việc nên ít mang tính thiết thực.

Suốt thời cổtrung đại, trong khi giáo dục phương Đông lẩn quẩn trong cái tháp ngà văn chương thì giáo dục phương Tây đã tính đến những mục tiêu thực dụng. Từ thời cổ đại, trường học Hy Lạp không chỉ có môn Ngôn ngữ và Văn chương mà còn có môn Toán học và Võ thuật… Học sinh châu Âu thời trung đại được học bộ môn Tu từ học để rèn luyện kỹ năng viết lời hay ý đẹp sao cho đạt hiệu quả giao tiếp. Ngoài ra, còn có bộ môn Hùng biện chuyên dạy kỹ năng thuyết phục và giao tiếp trước công chúng. Trong nhà trường Pháp, môn Văn chương có chức năng rèn luyện năng lực nghe, nói, đọc, viết, sau đó là khả năng cảm thụ nghệ thuật và giáo dục nhân sinh quan cho học sinh. Từ đầu thế kỷ XX, Việt Nam đã được tiếp thu quan điểm dạy học Văn này qua sách giáo khoa Văn chương Pháp. Sau 1945, Việt Nam chuyển sang học tập mô hình Liên Xô và coi trọng mục tiêu đào tạo con người mới XHCN, môn Văn giữ một vai trò rất quan trọng.

Ở miền Bắc sau 1954, Đảng xem văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, văn nghệ sĩ cũng đồng thời là chiến sĩ. Tác phẩm nghệ thuật phải có chức năng tuyên truyền cách mạng nên việc dạy tác phẩm văn chương trong nhà trường cũng không nằm ngoài nhiệm vụ đó. Việc dạy học văn học cổ điển cũng hướng tới các mục tiêu chính trị, những tác phẩm mang cảm hứng yêu nước chống ngoại xâm được chú trọng. Ngay cả tác phẩm mang cảm hứng thế sự như Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, Chí Phèo, Tắt đèn… cũng được học với tinh thần phê phán chế độ phong kiến, thực dân để cho thấy sự ưu việt của chế độ mới. Những bài nghị luận văn học thời ấy thường rất gần gũi với những bài chính trị và lịch sử. Cũng trong giai đoạn 1955 – 1975, ở miền Nam, mục đích dạy học Văn không đặt nặng việc tuyên truyền chính trị. Sách giáo khoa Việt văn chỉ định hướng học sinh phân tích những vấn đề luân lý và nghệ thuật. Các bài nghị luận xã hội được chú trọng, xoay quanh những vấn đề đạo đức truyền thống. Nhìn chung, mục tiêu dạy học Văn hướng tới triết lý giáo dục của chính phủ Việt Nam cộng hòa: Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng.

Từ 1975, đất nước thống nhất vàviệc dạy học Ngữ văn cũng đi vào một mục tiêu chung, học sinh cả nước học chung một bộ sách giáo khoa. Sách Tập đọc cấp I chủ yếu dạy học sinh biết đọc, biết viết nhưng càng lên cao, môn Ngữ pháp càng ít được chú trọng. Thay vào đó môn Văn dường như chiếm địa vị độc tôn trong chương trình Ngữ văn trung học vì nó giáo dục tư tưởng cách mạng có hiệu quả rõ rệt nhất. Những tác phẩm văn học cách mạng được đề cao và chiếm một dung lượng đáng kể trong chương trình, nhất là thơ Tố Hữu. Từ thập niên 90 trở đi, môn Ngữ văn mới hình thành ba phân môn rõ ràng: Văn học, Tiếng Việt và Làm văn, được dạy song song nhau. Mục tiêu nhân văn và thực dụng của môn Ngữ văn đã bắt đầu hình thành. Tuy nhiên, phải từ sau năm 2000, với sự xuất hiện của sách giáo khoa Ngữ văn theo hướng tích hợp thì môn Ngữ văn mới bộc lộ là “bộ môn có tính chất công cụ”. Từ đây, việc dạy học Ngữ văn ở Việt Nam đã bắt đầu hòa nhịp cùng với mục tiêu chung của việc dạy Ngữ văn trên thế giới.

II. Mục tiêu dạy học Ngữvăn hiện nay

Ở cấp độ vĩ mô, mục tiêu dạy học Ngữ văn hiện nay là sự cụ thể hóa mục tiêu giáo dục nói chung, chú trọng dạy chữ, dạy người và hướng nghiệp. Đi vào cụ thể, môn học Ngữ văn nhấn mạnh ba mục tiêu chính sau: 1. Trang bị những kiến thức phổ thông, cơ bản, hiện đại, có tính hệ thống về ngôn ngữ và văn học – trọng tâm là tiếng Việt và văn học Việt Nam – phù hợp với trình độ phát triển của lứa tuổi và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 2. Hình thành và phát triển ở học sinh các năng lực sử dụng tiếng Việt, tiếp nhận văn bản, cảm thụ thẩm mỹ, phương pháp học tập tư duy, đặc biệt là phương pháp tự học, năng lực ứng dụng những điều đã học vào cuộc sống. 3. Bồi dưỡng cho học sinh tình yêu tiếng Việt, văn học, văn hóa, tình yêu gia đình, thiên nhiên, đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lập, tự cường, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, tinh thần dân chủ nhân văn, giáo dục cho học sinh trách nhiệm công dân, tinh thần hữu nghị hợp tác quốc tế, ý thức tôn trọng và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại”[3, tr. 39].

Mục tiêu dạy học Ngữvăncũng được cụ thể hóa ở từng cấp học, lớp học, phân môn… Chẳng hạn, ở cấp THPT: “Mục tiêu trực tiếp, chủ yếu của môn Ngữ văn THPT là hình thành và rèn luyện cho học sinh năng lực đọc - hiểu cũng như tạo lập các loại văn bản. Chính vì thế, chương trình được tạo dựng theo hai trục tích hợp: Đọc văn và Làm văn” (Đỗ Ngọc Thống) [8, tr.10]. Phân môn Văn học có chức năng cung cấp một hệ thống tri thức phổ thông, cơ bản, hiện đại về văn học Việt Nam và thế giới, thông qua việc phân tích tác phẩm văn chương mà bồi dưỡng cho học sinh những giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Học sinh không chỉ được rèn luyện năng lực phân tích, cảm thụ tác phẩm nghệ thuật, mà còn biết vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Phân môn Làm văn có chức năng rèn luyện kỹ năng viết văn bản. Ban đầu các đề thi chỉ yêu cầu làm nghị luận văn học, càng về sau, nghị luận xã hội càng được chú trọng. Hiện nay, trong các đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học có câu nghị luận xã hội 3 điểm, bàn về một tư tưởng đạo lý hoặc một vấn đề xã hội. Nghĩa là việc dạy học Ngữ văn ngày càng xích lại gần đời sống. Còn chức năng của phân môn Tiếng Việt là: “Thứ nhất, hình thành và rèn luyện cho HS năng lực sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ với bốn kỹ năng cơ bản: đọc, viết, nghe, nói, qua đó mà rèn luyện tư duy. Thứ hai, giúp các em có những hiểu biết nhất định (tối thiểu ?) về hệ thống tri thức tiếng Việt và ngôn ngữ để sử dụng tiếng mẹ đẻ một cách thành thạo, có ý thức. Thứ ba, giúp học sinh biết yêu quý tiếng Việt, có ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát triển tiếng Việt; góp phần hình thành nhân cách và bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm…” (Đỗ Ngọc Thống) [7, tr. 60].

Ở cấp độ vi mô, mục tiêu dạy học được cụ thể hóa đến từng bài học, tiết học. Phần đầu mỗi bài học trong sách giáo khoa đều có ghi mục tiêu cần đạt. Sách Giáo khoa 12, tập 1 (chương trình chuẩn) nêu “kết quả cần đạt” của bài “Nghị luận về một hiện tượng đời sống” như sau: “Nắm được cách làm bài nghị luận về một hiện tượng đời sống; có ý thức và thái độ đúng đắn trước các hiện tượng đời sống”. Giáo án của giáo viên cũng ghi rõ ba mục tiêu bài học (kết quả cần đạt), đó là: kiến thức, kỹ năng, tư tưởng. Đây là mục tiêu cần đạt của bài Bến quê (lớp 9) trong giáo án của một giáo viên: 1. Qua cảnh ngộ và tâm trạng của Nhĩ, học sinh cảm nhận được ý nghĩa triết lý mang tính trải nghiệm về cuộc đời con người, biết nhận ra những vẻ đẹp bình dị và quý giá trong những gì gần gũi của quê hương, gia đình; 2. Thấy và phân tích được đặc sắc nghệ thuật của truyện như tạo tình huống nghịch lý, trần thuật qua dòng nội tâm nhân vật, ngôn ngữ và giọng điệu đầy chất suy tư, hình ảnh giàu tính biểu tượng; 3. Rèn luyện kĩ năng phân tích truyện có sự kết hợp các kiểu loại tự sự, trữ tình, triết lý. Còn đây là mục tiêu cần đạt của bài Ngôn ngữ chung và lời nói cá nhân (lớp 11): 1. Thấy được mối quan hệ giữa ngôn ngữ chung của xã hội và lời nói riêng của cá nhân; 2. Hình thành năng lực lĩnh hội những nét riêng trong lời nói cá nhân, năng lực sáng tạo của cá nhân trên cơ sở vận dụng từ ngữ và quy tắc chung; 3. Có ý thức tôn trọng những quy tắc ngôn ngữ chung của xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc ngôn ngữ dân tộc…

Tuy nhiên, quan điểm dạy học Ngữvăn thường không có sựthống nhất cao giữa các thời kỳ, giữa các tác giảsoạn sách giáo khoa, các cấp học, vùng miền, giữa các cấp lãnh đạo chuyên môn và các giáo viên trực tiếp giảng dạy. Ngoài ra còn phải tính đến sự khác nhau rất lớn giữa “nói” và “làm”, lý thuyết và thực tiễn. Nhìn vào chương trình sách giáo khoa, giáo án và qua phát biểu chỉ đạo của các chuyên viên, người ta thấy việc dạy và học Ngữ văn ngày nay có vẻ rất “đổi mới”, “hiện đại” nhưng kỳ thực, lối dạy cũ vẫn thịnh hành.

III. Mục tiêu của việc dạy học Ngữ văn trong tương lai

Chương trình sách giáo khoa Ngữvăn hiện hành đã tạo ra bước đột phálớn, rút ngắnđáng kểkhoảng cách tụt hậu của ta so với thế giới. Nhiều thành tựu dạy học Ngữ văn ở các nước tiên tiến đã được áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải thành tựu nào của thế giới ta cũng vận dụng được trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, do có nhiều sự khác biệt về thể chế chính trị, trình độ tiếng Anh của người biên soạn sách, tâm lý tiếp nhận của giáo viên và học sinh, giao lưu cách trở về địa lý… Và ngay cả ở những nước có nền giáo dục tiên tiến nhất, người vẫn đang thay đổi, điều chỉnh chương trình từng giờ. Bởi vậy, ta vẫn phải không ngừng cập nhật những thành tựu mới của thế giới để xây dựng chương trình dạy học Ngữ văn trong tương lai. Mục tiêu của việc dạy học Ngữ văn phải được thấm nhuần trong các khâu của quá trình giáo dục như tên gọi môn học, nội dung sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá, sự vận dụng vào cuộc sống… Sau đây, chúng ta sẽ đi vào những mục tiêu cụ thể được thể hiện qua một số công đoạn cơ bản của quá trình dạy học Ngữ văn.

Trước hết, mục tiêu môn họcđược thểhiệnở tên gọi môn học. Ở Việt Nam, tên gọi môn Văn đã thay đổi nhiều lần và đến bây giờ được gọi là Ngữ văn, tức là ghép hai phân môn Ngôn ngữ và Văn học. Tuy nhiên, người ta vẫn quen gọi ngắn gọn là môn Văn, khoa Văn, bỏ mất chữ “ngữ” hoặc “tiếng”. Việc coi trọng dạy học tác phẩm thơ văn cũng là một truyền thống ở Nga và Trung Quốc mà Việt Nam từng chịu ảnh hưởng rất sâu sắc hai nước này. Tuy nhiên, trong nhà trường phổ thông của phần lớn các nước trên thế giới hiện nay, người ta không gọi là môn Văn học mà gọi theo tên tiếng mẹ đẻ. Chẳng hạn, học sinh các nước Anh, Mỹ, Canada, Úc… học môn Tiếng Anh (English, English language art). Học sinh Thái Lan học môn Tiếng Thái, Nhật Bản học Tiếng Nhật, tức là tương đương với cách gọi môn Tiếng Việt ở Việt Nam. Bởi vậy mà khoảng năm 1995, ở Việt Nam có ý kiến đề nghị gọi chung ba phân môn Văn học, Tiếng Việt và Làm văn là môn Tiếng Việt. Tuy nhiên, chủ trương bỏ từ “văn” bị nhiều người phản đối. Dân tộc Việt Nam đã có truyền thống dạy học “Văn” từ ngàn năm phong kiến, đến thời Pháp thuộc, môn này được gọi là Quốc văn, và ở miền Nam trước 1975 gọi là Việt văn. Trong quan niệm truyền thống ở Việt Nam và Trung Quốc, khái niệm Văn đồng nghĩa với văn hóa, bao hàm cả văn chương và ngôn ngữ. Có khi người ta dùng “văn” để chỉ văn chương, có khi dùng “văn” để chỉ “tiếng” (Anh văn, Pháp văn, Nga văn, Việt văn, quốc văn…). Gọi tên môn “Văn” không ổn, gọi môn “Tiếng” không xong, cách gọi tên môn học Ngữ văn (giống như sách giáo khoa Trung Quốc hiện nay) là thích hợp. Nó nhắc nhở mục tiêu dạy học toàn diện, không chỉ dạy chữ (ngôn ngữ) mà còn dạy người (văn chương).

Về cấu trúc chương trình, trước đây, ta xây dựng theo hướng kết hợp (combination) với ba phân môn Văn học, Tiếng Việt, Làm văn, cho đến bây giờvẫn cònảnh hưởng lối dạy tách rời ba phân môn như vậy ở trường phổ thông. Tuy nhiên, phần lớn các nước tiên tiến đều xây dựng chương trình theo hướng tích hợp (integration), tức là học chung một sách giáo khoa, lấy trục ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ làm nòng cốt. Nội dung học bao gồm các kiến thức nghe, nói, đọc, viết. Ngôn ngữ nói và nghe nhìn hình thành cho học sinh kỹ năng giao tiếp, cách ứng xử phù hợp với ngữ cảnh và đối tượng. Học sinh tham gia diễn kịch thảo luận, nắm được nghệ thuật diễn thuyết (hùng biện)… Nói cách khác là học sinh được học cách ăn nói sao cho đạt hiệu quả giao tiếp. Ngôn ngữ đọc hình thành thói quen đọc văn độc lập, biết đào sâu suy nghĩ về các lớp ý nghĩa và có thể tham gia sáng tạo văn bản. Không chỉ đọc, hiểu mà còn biết nhận xét đánh giá vấn đề và biết cách thực thi văn bản.. Ngôn ngữ viết hình thành cho học sinh kỹ năng viết đúng văn phạm, không chỉ diễn đạt đúng mà còn hay, mang tính nghệ thuật. Học sinh được thực hành viết nhiều loại văn bản, trong đó có văn bản văn chương. Như vậy, môn Văn không làm thành trục chính nhưng tác phẩm thơ văn, với tư cách là ngữ liệu, vẫn có mặt trong suốt bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Xét vềphương diện nội dung, cóthểchia môn học Ngữvăn trong nhàtrường trung học thành ba cụm kiến thức lớn: Ngôn ngữ, Văn chương vàVăn hóa nghệthuật. Nhiệm vụ của ngôn ngữ là cung cấp cho học sinh những kiến thức về văn phạm, khả năng giao tiếp và biết viết các loại văn bản. Đây là môn học có tính thực dụng cao, được ứng dụng nhiều trong cuộc sống nên cần phải coi trọng hàng đầu. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta chỉ dạy ngôn ngữ theo kiểu lý thuyết hàn lâm chứ ít chú trọng thực hành. Nên nhiều học sinh Việt Nam thiếu hụt kỹ năng giao tiếp và rất rụt rè trong việc bày tỏ các ý kiến của mình. Nhiệm vụ của môn Văn chương là cung cấp những kiến thức cơ bản về lịch sử văn học, lý luận văn học nhưng quan trọng nhất là kỹ năng phân tích, đánh giá và sáng tạo tác phẩm. Thời phong kiến, Văn chương chiếm vị trí số một trong chương trình giáo dục lẫn trong làng nghệ thuật giải trí nhưng trong thời đại ngày nay, mọi thứ đã thay đổi. Người ta có nhiều môn để học, có nhiều loại hình nghệ thuật để giải trí nên việc dành ít thời gian cho môn Văn là chuyện bình thường. Giáo viên cần hiểu điều này để khỏi than phiền học sinh thời nay ít đọc sách văn chương hơn thời xưa. Mục tiêu dạy học Văn phải thích ứng với thời đại, dạy môn Văn là để rèn năng lực cảm thụ, đánh giá và sáng tạo nghệ thuật nói chung. Ở nhiều nước trên thế giới, học sinh không chỉ biết phân tích thơ văn mà còn biết phân tích một vở kịch, bộ phim, một bức tranh, bản nhạc… Trong khi học sinh Việt Nam rất mù mờ trong việc cảm nhận và thẩm bình tác phẩm nghệ thuật. Ở nước ngoài, có hai cách để dạy cảm thụ tác phẩm văn chương: một là tác phẩm văn chương được đặt vào trong bộ môn Nghệ thuật để dạy chung với mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh… Hai là, văn bản thơ văn sẽ đặt nằm chung với các loại văn bản khác trong bộ môn tiếng mẹ đẻ. Dù nằm trong môn nào, tác phẩm văn chương vẫn không xa rời các chức năng quan trọng của mình là bồi dưỡng các giá trị Chân – Thiện – Mỹ và hình thành các kiến thức, kỹ năng văn hóa nghệ thuật cho học sinh.

Mục tiêu dạy học cũng phản chiếu trong phương pháp dạy học. Vấnđề quan trọng cần xácđịnh ởđây là: trong quátrình dạy học Ngữvăn, ai là nhân tốtrung tâm: thầy hay trò? Thửlấy một vídụ từ nền kinh tế thị trường hiện nay: nhà sản xuất hay khách hàng sẽ là trung tâm của hoạt động mua bán ? Nếu hàng hóa nhằm hướng tới phục vụ nhu cầu chủ doanh nghiệp thì chỉ cần sản xuất sao cho vừa lòng một mình giám đốc là đủ (dĩ nhiên, chỉ có giám đốc mới tiêu thụ hàng hóa đó !). Nếu nhắm tới phục vụ nhu cầu khách hàng thì phải sản xuất sao cho đẹp lòng người mua. Hàng hóa càng tốt, nhân viên phục vụ càng chu đáo thì khách hàng càng nhiều, sản phẩm bán càng chạy, doanh nghiệp càng làm ăn phát đạt, đất nước càng phát triển. Hãy trở lại với môi trường giáo dục, nếu quá trình dạy học nhằm hướng tới phục vụ lợi ích của người thầy thì người thầy sẽ không cần sử dụng các phương thức để lấy lòng học trò. Nghĩa là lên lớp thầy chỉ giảng thao thao bất tuyệt cho hết giờ và chờ tới tháng lãnh lương, còn việc trò có thích và có hiểu hay không là không quan trọng. Nếu như lấy học trò làm trung tâm thì mọi hoạt động giảng dạy phải hướng tới nhu cầu và năng lực của học trò. Nghĩa là thầy phải giảng dạy nhiệt tình, quan tâm tới từng học sinh, biết tôn trọng và lắng nghe, chia sẻ tâm tư nguyện vọng của học sinh. Những trường nào dạy tốt, học sinh đổ xô vào càng nhiều. Ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, phương châm “lấy học sinh làm trung tâm” đã có từ lâu. Còn ở Việt Nam, khoảng 10 năm trở lại đây mới có vài người chủ trương theo hướng này nhưng bị sự kháng cự mạnh mẽ của giới giáo chức bảo thủ. Bởi vậy, giới cải cách phải vội vã chỉnh sửa lại từ ngữ, thay vì nói “lấy học sinh làm trung tâm” thì phải nói là: “lấy hoạt động học làm trung tâm”. Trong tương lai, khi nền kinh tế thị trường phát triển, thì dĩ nhiên, vai trò của người của người học sẽ được tăng cường, nhất là học sinh ở các trường tư. Phương pháp dạy học cũng sẽ hướng tới thị hiếu của người học. Phương pháp nêu vấn đề, đối thoại và trực quan sinh động… được đề cao, ý kiến của học sinh được coi trọng khiến cho giờ học sinh động, đầy hứng thú, tránh được tình trạng học sinh ngủ gật khi nghe thầy “tụng kinh”. Những kiến thức hàn lâm xa rời thực tế và lạc hậu sẽ bị gỡ bỏ dần, thay vào những bài học hấp dẫn, gắn bó tới lợi ích thiết thực của học sinh. Hiện nay, nhiều giáo viên luôn miệng than phiền học sinh ít đọc sách văn học. Nhưng không biết rằng nhiều học sinh tuy chán học các tác phẩm trong nhà trường nhưng lại thích sưu tầm thơ, đọc nghiến ngấu các tiểu thuyết và rất quan tâm theo dõi thời sự văn nghệ trên báo chí và mạng internet… Nghĩa là việc dạy học Văn trong nhà trường hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu yêu văn chương của học sinh. Bởi vậy, trong nhà trường, bên cạnh sách giáo khoa Ngữ văn chính thức, còn phải có các chuyên đề tự chọn để học sinh chọn học theo nhu cầu của mình. Quá trình giáo dục phải hướng tới phục vụ các mục đích học tập đa dạng của học sinh.

Trong sản xuất, khâu cuối cùng quyếtđịnh sự tồn tại của một doanh nghiệp là chất lượng đầu ra của sản phẩm. Cái quan trọng của quá trình giáo dục là đầu ra của học sinh. Tùy vào từng cấp học mà mục tiêu phấn đấu khác nhau. Có nhiều loại mục tiêu: cá nhân – xã hội, giáo viên – học sinh… Đối với học sinh Tiểu học, mục tiêu trước mắt của việc học môn Tiếng Việt là thi đậu các kỳ kiểm tra để được lên lớp và lãnh thưởng. Cuối cấp phấn đấu thi điểm cao để vào học một trường Trung học mà mình mong muốn. Đối với học sinh cuối bậc Trung học, mục tiêu trước mắt của việc học Ngữ văn là thi đậu Tốt nghiệp và đậu vào Đại học (với khối C, D). Tuy nhiên, từ phía nhà giáo dục, mục tiêu cuối cùng của việc dạy học Ngữ văn trong suốt bậc học phổ thông là giúp cho học sinh ra đời có những kiến thức cơ bản về văn hóa, văn học, có khả năng cảm thụ và đánh giá các tác phẩm nghệ thuật. Có khả năng hiểu mình, hiểu người, yêu thương, tôn trọng lẫn nhau để chung sống, chung làm trong cộng đồng. Học sinh được hoàn thiện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, từ đúng đến hay, biết mạnh dạn giao tiếp có hiệu quả trước công chúng, biết soạn thảo các loại văn bản cần thiết trong cuộc sống và trong công việc. Nói chung, việc dạy học môn Ngữ văn phải hướng tới mục tiêu chung của giáo dục thế giới mà tổ chức UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình".

Ở bậc đại học, mục tiêu học tập của sinh viên là rèn luyện chuyên môn tốt để ra trường có việc làm thích hợp vàổn định, có cuộc sống hạnh phúc. Một sinh viên ra trường thành danh, nổi tiếng, tự nó đã quảng cáo chất lượng đào tạo của trường. Sinh viên ra trường không ai thành danh, nghĩa là trường đó không có “hạng”. Sinh viên ra trường không có việc làm, điều đó nói lên rằng, tương lai của trường và khoa đó không có gì sáng sủa. Hiện nay, ngành Ngữ văn đang gặp nhiều khó khăn do ít người theo học. Trước đây, các trường ĐH Tổng hợp, ĐH Sư phạm và các trường CĐSP địa phương đầy ắp sinh viên Ngữ viên. Nay, các trường CĐ và ĐH địa phương vẫn chiêu sinh ngành Ngữ văn nhưng rất ít người học hoặc không có ai học. Ở nhiều trường, các khoa Văn, Sử, Địa nhập lại thành khoa Xã hội nhưng chỉ tồn tại trên giấy tờ vì không có sinh viên. Số lượng sinh viên khoa Ngữ văn các trường dân lập phía Nam như ĐH Văn Hiến, ĐH Bình Dương… ngày càng ít. Ngay cả ở những trường ĐH công lập lớn, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành Ngữ văn cũng ít dần, tỷ lệ chọi giảm, nhiều giảng viên cũng than phiền chất lượng đầu vào ngày càng kém. Nhiều học sinh giỏi Văn cấp tỉnh, cấp quốc gia đã không vào học ngành Ngữ văn mà chọn các ngành thời thượng như Ngoại thương, Tài chính ngân hàng, Luật…Tình trạng ngày càng ít thí sinh vào học ngành Ngữ văn đã khiến cho nhiều trường ĐH phải thay đổi lại mục tiêu đào tạo và tên gọi của ngành. Một số trường đổi tên khoa Ngữ văn, nhập nhiều ngành lại thành: “khoa Xã hội và nhân văn”, “khoa Sư phạm Khoa học Xã hội”, “khoa Ngữ văn và truyền thông”... Thậm chí, trường ĐHSP Đà Nẵng còn tách Ngôn ngữ học ra khỏi Ngữ văn để đào tạo thành một ngành riêng ở bậc đại học. Một số trường giữ nguyên tên gọi Ngữ văn nhưng chương trình đào tạo có thay đổi. Ở trường ĐH Văn Hiến, khoa Ngữ văn thiên về đào tạo ngành Văn học nhưng những năm gần đây, Khoa đã giảm bớt những kiến thức hàn lâm và định hướng cho sinh viên học thêm các bộ môn sư phạm, báo chí xuất bản, hành chính văn phòng… Năm cuối có thực tập hẳn hoi để sinh viên có thể thành thạo công việc sau khi ra trường và có nhiều hướng chọn nghề. Điều đó cho thấy rằng, nhiều khoa Ngữ văn đang có những động thái thay hình đổi dạng để thích nghi với thời đại mới.

Có nhiều lý do để sinh viên vào ngành Ngữ văn ngày càng ít, trong đó có lý do quan trọng là học ngành này khó xin việc làm. Xin làm giáo viên dạy Ngữ văn thì không còn chỗ, các cơ quan báo chí xuất bản thì ít mà người chen chúc thì đông… Nhiều người cảm thấy thất vọng, bế tắc khi không xin được một việc làm đúng như chuyên môn. Thấy đàn anh, đàn chị thất nghiệp thì đàn em cũng không dại gì vào học ngành Văn. Cái khó khăn này xuất phát từ mục tiêu dạy học Văn cổ lỗ vẫn còn tồn tại dai dẳng đến bây giờ. Nhiều người quan niệm rằng, sinh viên ngành Văn chỉ học ba thứ thơ văn vớ vẩn của những nhà thơ nghèo, mộng mị hão huyền và… không bình thường. Mà thời bây giờ, không có công ty nào tuyển dụng những sinh viên giỏi thơ phú. Không có cơ quan nào chiêu mộ những nàng và chàng nghiện đọc tiểu thuyết. Các cơ quan nhà nước lẫn công ty tư nhân chỉ tuyển những người biết soạn thảo các loại văn bản một cách thành thạo, có khả năng giao tiếp tốt, có tài PR, diễn thuyết quảng cáo sản phẩm để tăng lợi nhuận cho công ty. Thực ra, đây cũng là chuyên môn của sinh viên Ngữ văn. Bất cứ một cơ quan, công ty nào có bộ phận văn phòng và truyền thông quảng cáo cũng đều cần cử nhân Ngữ văn. Nghĩa là học ngành Ngữ văn sẽ không lo thất nghiệp. Nhưng vấn đề là các trường Đại học phải đào tạo sao cho sinh viên Ngữ văn của mình thích ứng nhu cầu của thời đại công nghiệp. Giảm bớt những kiến thức lạc hậu và xa rời thực tế, đưa môn Văn xích lại gần với đời sống văn nghệ thực tại. Tăng cường thời lượng cho ngôn ngữ học ứng dụng. Khoa Ngữ văn phải gắn kết với các cơ quan, xí nghiệp, công ty văn hóa, hội văn nghệ, báo chí xuất bản, trường học… coi như đó là môi trường thực nghiệm và sử dụng sản phẩm đào tạo. Thời bao cấp đã qua rồi, không có trường nào còn ngồi chờ sự phân bổ sinh viên của Bộ và không còn sinh viên nào ỷ lại, thụ động ngồi chờ các công ty gọi đi làm. Mỗi trường Đại học phải tự lo đầu ra cho sản phẩm của mình, sẵn sàng tham gia vào môi trường cạnh tranh giáo dục lành mạnh và tự khẳng định thương hiệu của mình vì sự tồn tại của trường và của ngành Ngữ văn.

Nói tóm lại, mục tiêu học tập ngành Ngữvăn trong thời đại mới không phải làhọc“biếtđể chơi”màlà“biếtđể làm”. Môn Ngữ văn không chỉlàmôn“bồi dưỡng tâm hồn” màquan trọng hơn làmôn“công cụ” để học sinh cóthểvận dụng những kiến thức và kỹ năng đã học ứng dụng vào trong cuộc sống và công việc. Quá trình dạy Ngữ văn phải hướng tới lợi ích của người học. Chỉ khi nào người học hứng thú và thấy được lợi ích thiết thực của môn học thì mục tiêu dạy học Ngữ văn của các nhà giáo dục vạch ra mới đạt hiệu quả như mong muốn.

Phạm Ngọc Hiền