Những tiếng nổ cuối cùng

01.04.2011

Những tiếng nổ cuối cùng

Tùy bút

HOÀNG ĐẶNG

Nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ, trong căn nhà nhỏ mẹ cũng ngồi chờ... Chờ hòa bình đến, chờ tiếng bom im... Chờ khô nước mắt, chờ mai này ta dậy trong tiếng hò reo, chờ tiếng kèn đưa về đây những đàn con, chờ ngày Việt Nam thống nhất cho những tình thương vô bờ...!”. Lời ca trong ca khúc Da vàng “Chờ khi quê hương sáng chói” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng những tiếng đại bác rền bên đai thành phố đầu những năm bảy mươi, đánh thức những trái tim đang ngủ quên của những người sống an nhàn với sự bình yên gượng gạo ở chốn đô, phố thị, để biết rằng còn có rất nhiều đứa con của đất nước đã từng ra đi “trên non cao”, lòng nung nấu ý nguyện mang thanh bình về cho mọi người.

Và, những ngày cuối tháng ba, ba mươi sáu năm trước, giữa những ngổn ngang, hoảng loạn súng đạn trong thành phố Đà Nẵng, họ đã thực sự trở về.

BUỔI SÁNG 28 THÁNG 3 NĂM 1975

Mở đầu là tràng tiếng nổ từ khẩu tiểu liên AR-15 trên tay người lính bất thần khạc đạn giữa một quán ăn ở góc ngã từ Trần Hưng Đạo - Yên Bái. Tiếng đạn thay thế tiếng gọi chủ nhà ăn tính tiền. Đạn dội tường bay vòng trước khuôn mặt khiếp đảm của bà chủ quán. Hai tay bà chắp lạy, miệng lắp bắp : “Xin hết lòng miễn phí !”. Thực khách hoảng hốt, lẳng lặng rời quán. Không ai dám lên tiếng trả lời khi một tay súng hỏi : “Có ai thắc mắc gì không ?”. Uống nốt những chai bia còn lại trên bàn xong, đám lính áo quần xộc xệch kéo nhau đi. Có lẽ một cửa hiệu nào đó trong dãy phố này sẽ là mục tiêu kế tiếp cho nhóm quân thất trận kéo về Đà Nẵng sau khi đội hình đã bị tan tác từ một nhóm nhỏ trong số đông không đếm xuể đang tràn lan trên phố.

Tiếng nổ liên thanh khơi mào nhanh chóng cho hàng loạt tiếng nổ tiếp theo ở gần đó : chợ Vườn Hoa (nay là công viên giữa đường Nguyễn Thái Học, Hùng Vương) bị cướp. Đạn bật tung các thùng hàng trong tiếng thét thất thanh, tuyệt vọng của chị em tiểu thương. Khu chợ tán loạn. Nhiều người ôm mặt khóc òa khi vải vóc, vàng bạc trong quầy hàng của họ bị các tay súng thu gom sạch. Một báng súng lạnh lùng nện thẳng vào ngực người phụ nữ tiếc của, gan lì níu kéo không chịu buông tay rời khỏi tài sản của mình. Thân thể của chị đổ gục trên nền chợ giữa những gót giày khệnh khạng, thản nhiên ôm hàng bỏ đi. Vài tiếng đồng hồ sau, chợ Hàn rơi vào tình trạng tương tự. Tiếng súng át hẳn tiếng kêu cứu. Các sạp hàng trong chợ tan hoang. Mạnh ai nấy chạy. Một vài nhà hàng lớn dọc theo bờ sông đóng cửa im ỉm. Sau khi phá một vài cánh cửa, nhà hàng trống rỗng, chủ nhà dọn đi từ lâu. Thất vọng, những kẻ không còn gì để mất xoay mũi súng sang người đi đường. Cả đoạn phố dài bên bờ sông Hàn khiếp sợ. Nhà nhà vội vàng đóng cửa, cài then: cách tự vệ duy nhất và không mấy hy vọng an thân. Vừa trấn lột được chiếc xe Honda Dame cũ nơi này, tay cướp dí súng vào chủ nhân ngôi nhà nơi khác gần đó, bắt buộc mua. Chủ nhà van xin giao nộp ít tiền “ủy lạo chến sĩ” rồi thụt sâu vào trong, không hề đụng tới chiếc xe vừa ngã lăn kềnh trên hè phố. Tay cướp đút nắm tiền vào túi, chửi đổng : “Không mua thì tặng mày luôn, đ.m. tụi tao cần chó gì xe pháo bây giờ!”.

Đến chiều, hầu như trong phố không còn cửa hiệu nào mở cửa. Các tay súng nhắm vào các ngân hàng. Hàng loạt tiếng nổ lại gầm lên trên các dãy phố chính. Dễ nhận thấy bóng dáng các cô nhân viên qua đồng phục ngân hàng tuôn nhào ra đường phố, run rẫy cầu cứu. Những đám đông chờ chực rút tiền tan rã, hỗn loạn, bỏ của chạy lấy người. Thoáng chốc, trong và ngoài các cơ sở ngân hàng chỉ còn lại dày đặc, lố nhố những họng súng.

Những tay súng lẻ tập trung ở chợ Cồn. Những sạp hàng lớn hẳn đã bỏ chợ từ trước, nên chỉ thấy một số tay súng cùng nhóm hôi của ôm ra khỏi chợ những “mặt hàng” khá kềnh càng: Nón lá từng chồng lên đầu, soong nồi, chén bát, những chai dầu ăn, những lọ nước mắm... khó cười nổi vào lúc này, nhưng phải bật cười trước bộ dạng vài bóng lính tuôn ra khỏi chợ, tay súng một bên, tay còn lại ôm đồm, lô lốc một mớ giày dép và áo quần lót phụ nữ, trong khi tay súng bên cạnh chạy chúi mạng dưới lằn đạn xéo ngang với hai, ba thùng giấy ghi dòng chữ “Mì ăn liền” trên đầu. Quả là phải ăn nóng, ăn liền, ăn giựt ăn chạy khi cái chết kề sát bên hông ! Phía ngoài chợ, bên cây xăng, chiếc quân xa M 113 dừng lại, hai chiếc mũ Quân cảnh nhô ra khỏi thùng xe với chiếc loa phóng thanh: “Yêu cầu mọi người dân phải trật tự. Nghiêm lệnh khẩn cho tất cả quân nhân phải trở về trình diện đơn vị cũ !” Tiếng loa phóng thanh lập đi lập lại nhiều lần cho đến khi được hồi âm bằng loạt đạn của chiến hữu. Tiếng loa tắt ngấm. Hai kẻ giữ gìn trật tự cuối cùng trong thành phố có lẽ đã im lặng một cách “trật tự” mãi mãi...

Những tiếng nổ kinh hoàng phát đi từ những họng súng không còn phương hướng ấy mỗi lúc mỗi dày hơn, lan nhanh, rải đều khắp phố cho đến sáng hôm sau.

NGÀY 29-3-1975

Bóng lửa ngùn ngụt bừng lên từ ngôi nhà Lãnh sự quán của Mỹ tăng thêm nỗi sợ hãi của nhiều tay súng lúc này đang tập trung trước bến phà chờ qua sông. “Đ.m tụi nó (Mỹ) chuồn đâu mất tiêu hết rồi, lão còn lớ ngớ đó, chèo lẹ lên !”. Một tay súng quát với ông lái đò. Sáng nay, sau một vài chuyến đưa khách qua sông, hai chiếc phà ngang biến mất. Điền vào khoảng trống khó vượt đó là những con đò nhỏ cùng với các chủ đò nghèo nàn, tội nghiệp, khiếp đảm bên cạnh những tràng đạn cưỡng bứt vãi quanh mạn đò, xé toang mặt sông.

Nhiều cư dân bên kia sông Hàn hớt hải bồng bế nhau chạy qua phố. Những kho gạo, thực phẩm, thuốc men ấy đang bị cướp. Hai chiếc cầu sắt duy nhất nối ngang sông Hàn tắc nghẽn bởi làn sóng người và xe. Xe Jeep, xa GMC vượt qua, chen ngang giữa đoàn xe đò ngược về, tắc ứ. Giải quyết lưu thông, súng lại nổ. Kẻ trúng phải đạn nằm lại giữa cầu, thân thể dập nát dưới đủ loại gót giày đinh và bánh xe trận.

Khi nhiều nhóm hôi của chen chúc, giành giật thực phẩm trong các kho bãi thì các tay súng lũ lượt kéo nhau về phía cầu bằng bất cứ phương tiện nào chiếm được. Chiếc xe hộp màu đen mang bên hông dòng chẽ ICCS của Ban Giám sát quốc tế bỏ lại, lốp xe bị bắn thủng, cũng được các tay súng trưng dụng hướng về phía cầu. Bốn họng súng nhú ra khỏi cửa xe cùng nhả đạn “xin đường” ưu tiên. Một tay súng chồm ra ngoài quát lớn : “Đ.m. chạy lẹ lên, Việt Cộng về tới chân đèo rồi !”. Trên đường, người sản phụ ôm con đỏ hỏn bước đi chầm chậm, đôi mắt sợ hãi nhìn những bọn hôi của đang xông vào bệnh viện. Các tốp hôi của cũng lè kè trên tay súng trận, số khí giới nhặt lượm trên đường phố từ các nhóm lính địa phưong bỏ lại.

Súng vẫn nổ tứ phía. Phố xơ xác, tan hoang, phủ trùm chết chóc. Người ta lo âu không biết bao giờ sẽ đến phiên mình là nạn nhân. Sau khi có của cải, lương thực, những tay súng hung hãn, cuồng loạn, không nơi chốn trở về này sẽ tìm tới từng nhà, sẽ cưỡng hiếp từng người ?! Ai cũng ngóng trông quân đội cách mạng đến từng giờ, từng phút. Và chuyện đó đã đến khi thời gian chờ đợi tưởng như kéo dài vô tận. Quá giờ trưa, đoàn xe tăng quân Giải phóng tiến vào thành phố giữa tiếng reo hò của người dân. Như một phép lạ xảy ra, vào giây khắc này, tất cả tiếng nổ đã gây khủng khiếp cho người dân Đà Nẵng vào những ngày vừa qua đều im bặt...

“Nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ...”, sự chờ đợi mỏi mòn trong khúc hát ngày ấy đã biến thành tiếng reo vang trong ngày vui giải phóng.

H.Đ