NHÀ THƠ ĐOÀN TÁ VÀ PHÚ KHÊ THI TẬP

01.04.2011

NHÀ THƠ ĐOÀN TÁ VÀ PHÚ KHÊ THI TẬP

Một phát hiện mới về thơ xứ Quảng

Nguyễn Phước Tương

Phú Khê Đoàn Tá

(1884 – 1958)

Vào năm 2002, một gia đình tộc Đoàn quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam sống ở Thành phố Hồ Chí Minh đã may mắn tìm lại được tập thơ Đường của cụ Đoàn Tá, người huyện Đại Lộc, sau nhiều năm bị thất lạc qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, gồm trên 600 bài thơ được đánh máy trên giấy thô, có tựa đề là Phú Khê Thi Tập, đóng thành hai tập, dày cả thảy 334 trang, được tác giả sáng tác trong suốt 30 năm dưới thời Pháp thuộc cho đến thời kháng chiến chống Pháp, từ năm Nhâm Tuất 1822 đến năm Nhâm Thìn 1952.

I. Tiểu sử và thân thế

Cụ Đoàn Tá lúc nhỏ có tên là Đoàn Công Mưu, quê ở làng Phú Sơn, xã Phiếm Ái, tổng Đức Hạ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, sau Cách mạng tháng tám 1945 là làng Đại Phú, xã Đại Hoà, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, nay là xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Cụ sinh năm Giáp Thân 1884 tại làng An Cựu, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên (nay là phường An Cựu thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) khi thân sinh là Quang Lộc Tự Khanh Đoàn Công Trí làm quan tại Huế, là hậu duệ nhiều đời của Quận công Đoàn Công Nhạn và Quý Phi Đoàn Thị Ngọc, hậu của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan. Làm thơ, cụ lấy bút danh là Phú Khê (dòng suối phong phú).

Khi còn nhỏ, ban đầu cụ theo học chữ Hán, tiếp đó học Tây học ở Huế và Vinh, về sau được đào tạo tại Trường Hậu Bổ để thành quan lại, công chức và năm 1906 bắt đầu làm việc tại Toà Khâm sứ Trung Kỳ, sau đó công tác tại Toà công sứ tỉnh Lâm Đồng tại Đà Lạt và Toà Công sứ tỉnh Bình Thuận tại Phan Thiết (1925 - 1932).

Cụ là người có gia giáo, hiền hậu, ở đâu cụ cũng được thầy thương, bạn mến:

Văn hay chữ tốt tuy không mấy

Bạn mến thầy thương vẹn cả mười...

(Đi qua Trường học Vinh hữu cảm, 1937)

Cụ nghỉ hưu tại Phan Thiết ngày 1 tháng 6 năm 1936 sau 30 năm làm việc với phẩm hàm Hồng Lô Tự Khanh. Khi xét tinh thần làm việc có trách nhiệm và liêm khiết, Triều đình Huế ngày 30.3.1940 phong tặng cụ phẩm hàm Quang Lộc Tự Khanh rồi năm năm sau, ngày 30.3.1940 phong tặng cụ phẩm hàm Thái Thương Tự Khanh (ngạch chánh tam phẩm). Khi nhận được phẩm hàm Thái Thường Tự Khanh, cụ làm thơ tự trào:

Trời xuân dọi khắp bóng thiều quang,

Hưu cũng thăng lên bực Thái Thường.

(Mừng thăng Thái Thường Tự Khanh, 1945)

Cụ là một người rất sùng đạo Phật vì vậy khi làm việc ở Phan Thiết, cụ đã vận động các nhà hảo tâm và cộng đồng phật tử đóng góp tiền để mua một đám đất ở Trung tâm thị xã trên đường Gia Long (nay là đường Trần Phú) và xây dựng một chùa Phật lớn năm 1935, gọi là Chùa Tỉnh Hội tỉnh Bình Thuận rất đẹp.

Đến năm 1945, cụ làm Chánh Hội trưởng tỉnh Bình Thuận cho đến lúc qua đời. Cụ cũng đứng ra thành lập các Chi hội Phật giáo trong tỉnh Bình Thuận tại các Chùa Phan Rí Thành, Chùa Long Hương, Chùa Linh Sơn (tức Chùa Cú ở Trà Cú), đến đâu cụ cũng làm thơ để lại. Dưới đây là bài thơ cụ cảm tác khi đến Chùa Long Hương, mang màu sắc Thiền:

Thuyền từ đậu sẵn chốn tân đầu

Đưa khách qua giang kẻ trước sau

Gió thuận buồm xuôi tay lái vững

Sang bên bờ giác chẳng bao lâu

(Vịnh đò ngang sông Long Hương, 1952)

Sau khi xây dựng Chùa Phật Tỉnh Hội Bình Thuận, cụ Đoàn Tá nghĩ đến việc xây dựng trường học cho con em trong tỉnh. Cụ đứng ra vận động các thân hào, nhân sĩ, nhà giàu lập quỹ xây dựng trường. Cụ cũng mở cuộc lạc quyên trong giới đạo hữu. Và vào năm 1955 - 1956, Trường Trung học Bồ Đề ra đời trên một khu đất rộng cách Chùa Phật Tỉnh hội không bao xa. Sau ngày nước thống nhất 1975, Trường được đổi thành Trường Tiểu học Tuyên Quang, trường kết nghĩa với tỉnh Tuyên Quang ở miền Bắc.

Nhiều gia đình phật tử ở xóm Chợ Gò vẫn còn nhớ ngôi nhà rộng của cụ trên đường Hải Thượng Lãn Ông ngày ấy với bàn thờ Phật uy nghiêm chiếm cả gian nhà trước. Nhà cụ trở thành một khuôn hội, tập hợp bà con mộ đạo ngày rằm, mồng một tập trung để tụng kinh niệm Phật và nghe cụ thuyết pháp giảng giải những điều bổ ích. Sinh hoạt này duy trì cho đến tận ngày cụ qua đời.

Một sự việc mà bà con xóm Chợ Gò, thị xã Phan Thiết không thể nào quên là trận lụt lớn năm Nhâm Thìn, 1952. Đến đêm bà con trong xóm kéo nhau đến nhà cụ tá túc mỗi lúc một đông. Đến trưa bà con chẳng có gì ăn, may mà trước đó cụ bà đi buôn đưa về nhà ba tấn gạo, cụ sai mấy cô con gái trong nhà nấu cơm dọn cho mọi người đều ăn. Trong nhà còn một số sữa hộp, cụ đem cho các cụ lão già yếu ốm đau. Hôm sau, nhà bếp của cụ cũng bị ngập nước, cụ liền bảo mấy cô con gái đem gạo phân chia đều cho bà con mỗi ngày hai bữa giống như con cháu (đến 10 người) mà không dự trữ cho gia đình. Khi nước lụt vẫn dâng cao, cụ cho chuyển một số bà con đến khu đất cao gần nhà cụ là Trường Nữ học. Bỗng một chiếc thuyền chở đầy người tấp vào nhà cụ xin tị nạn, cụ vui lòng mời họ vào nhà. Sẵn có thuyền, cụ sai một người con rể cùng một số tráng đinh chèo thuyền khắp xóm để cứu những người đang bám vào xà hay ngồi trên các nóc nhà bị ngập nước.

Chỉ vài hôm sau, nhà cụ không còn gạo, cụ và con cháu trong nhà cùng chịu đựng chung cảnh đói với bà con tị nạn mà lòng cụ vẫn thấy thanh thản. Một sự việc bất ngờ xảy ra: một phụ nữ có chửa đáng chuyển dạ sắp sinh con. Cụ liền gọi người con gái đang có chửa, bảo con mang những thứ mình đã chuẩn bị cho người phụ nữ đó và sai người con rể là y tá chuyển người phụ nữ đó qua khu Trường nữ học. Ngay ngày hôm đó, trong cảnh chạy lụt, bà con Xóm Gò nhận được tin vui: người sản phụ tị nạn đã được "mẹ tròn con vuông". Đó là nhờ sự hảo tâm và lòng nhân hậu của Cụ Đoàn Tá.

Sau trận lụt đó, cụ Đoàn Tá đã nhận được Thư khen và Huân chương "Anh Dũng Bội Tinh" của Chính phủ Bảo Đại tặng. Nhà thơ An Đình Trần Kinh của Hương Bình Thi Xã ở Huế đã làm bài thơ ca ngợi cụ:

Phú Khê, khen bác có duyên già

"Thiên hạ tam môn" đạt cả ba

Đức xỉ đã dành nêu giá trọng

Vinh hoa thêm lại rạng gương nhà

Một phen liên quận cơn phong lạc

Bao nỗi từ tâm, lượng hải hà

Âm thưởng lừng danh nơi khách địa

"Long Tinh Anh Dũng" ánh sao loà

(Xuân Quý Tỵ, 1953)

Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm thường xuyên xảy ra những cuộc đấu tranh của Phật giáo. Các cuộc đấu tranh bị đàn áp dã man và nhiều phật tử bị bắt giam trong nhà lao Phan Thiết. Cụ Đoàn Tá cũng là người đầu tiên khởi xướng việc phải thành lập một ngôi chùa Phật trong nhà lao Phan Thiết để ngày ngày các tù nhân phật tử có nơi nương tựa về mặt tâm linh hàng ngày khấn Đức Phật phù hộ cho họ để họ đấu tranh cho tự do, bình đẳng tôn giáo. May nhờ ông tỉnh trưởng là một người theo đạo Phật, nên việc làm không gặp khó khăn. Tuy ngôi chùa trong nhà lao chỉ là một gian nhà thờ đơn sơ nhưng đầy đủ lễ bộ với tượng Đức Phật, lư hương, lọ hoa trông rất trang nghiêm.

Hoà thượng Thích Ấn Nghiêm, sau hoà bình 1975, là trụ trì Chùa Phật Xuân Thọ Bình Thuận nhớ lại: "Năm đấu tranh của Phật giáo, tôi bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt, phải lãnh án tù mấy năm và bị giam tại nhà lao Phan Thiết. Thì chính cái chùa do cụ Đoàn Tá lập ra đó, sáng chiều nào tôi cũng đến đó tụng niệm, cầu an... Sự đời chẳng ai ngờ rằng ngày đó cụ Đoàn Tá lập ra ngôi chùa đó là để dành cho tôi, để cứu độ tôi trong hoạn nạn..."

Ở Hội thơ Liên Thành Thi xã cũng như Xóm Chợ Gò ở thị xã Phan Thiết, người ta kể nhiều giai thoại về cụ Đoàn Tá không sao kể hết về tính nhân đức và lòng nhân hậu của cụ đối với mọi người, nên không ai không biết đến cụ, họ xem cụ như người cha đỡ đầu. Nhà ai có chuyện vợ chồng bất hoà họ thường đến thưa với cụ để phân xử, hoà giải. Khi cụ thấy có người ăn ở không phải đạo làm con đối với cha mẹ thì cụ gọi đến nhà khuyên răn dạy bảo. Trong xóm có ai rượu chè, cờ bạc không thương vợ thương con cụ cũng không bỏ qua, đến gặp họ phân tích lời hay lẽ thiệt.

Cụ có bốn người con và con rể tham gia kháng chiến: Người con trai thứ hai là Đoàn Khiêm là liệt sĩ, người con trai thứ ba là Giáo sư Thiếu tướng Đoàn Huyên trong chiến tranh chống Mỹ, về sau là Viện trưởng Viện Khoa học Quân sự người con gái út là Đoàn Thị Bích Hoàn trong kháng chiến là cơ sở kinh tế bí mật của Đảng "bột sinh dưỡng Bích Chi" tại Sài Gong, sau 1975 là Chủ tịch phường Yên Đỗ, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh; người con rể thứ nhất là Tôn Thất Phán, Hiệu trưởng Trường Phổ thông cấp II Vĩnh Lộc, Tỉnh Thanh Hoá; người con rể út là Đỗ Như Công là thành uỷ viên Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh nhiều khoá cho đến khi qua đời.

Cụ Đoàn Tá qua đời ngày 15 tháng 2 năm Mậu Tú (3.4.1958) tại thị xã Phan Thiết, hưởng thọ 75 tuổi trong niềm thương tiếc của con cháu, bạn bè và đạo hữu. Có lẽ ở Phan Thiết xưa nay chưa có một đám tang nào lớn hơn thế, dòng người tiễn đưa cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng kéo dài đến bốn năm cây số. Ngày cụ mất, Đài Phát thanh Sài Gòn đã đưa tin và thông báo cho các chùa làm lễ cầu siêu cho cụ.

Cho đến nay, Chùa Phật Tỉnh hội Phan Thiết vẫn thờ cụ với di ảnh của cụ. Chùa Xuân Thọ do Hoà Thượng Thích Ấn Nghiêm trụ trì, cũng thờ cụ với những lời tôn vinh: "Phổ tự thờ chư vị hữu công, hữu đức sáng lập Phật học tỉnh Bình Thuận, đứng đầu là cụ Đoàn Tá, Chánh Hội trưởng Hội Phật học Bình Thuận 1935 tại Phan Thiết".


II. Sáng tác thi ca:

Nhà thơ Phú Khê Đoàn Tá (1884 - 1958) sớm ham mê thi ca, sùng bái các thi bá Trung Hoa thời cổ đại như Lý Bạch, Đỗ Phủ, ngưỡng mộ các kiệt tác của các đại thi hào nước nhà như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm.. các thi phẩm nổi tiếng của Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Bà Huyện Thanh Quan...

Trong lời nói đầu của Phú Khê Thi tập viết ngày rằm tháng 2 năm Kỷ Sửu, 1949, cụ Đoàn Tá đã viết những cảm nghĩ sâu sắc của cụ về thơ: "Thi là gì? Mà làm thi để làm gì? Thi là nghệ thuật của nền văn chương; văn chương là tinh hoa của trời đất, phát triển ở những tay tài ba lỗi lạc. Mà làm thi là để phát biểu tư tưởng của nhà thi sĩ vậy".

Và cụ khiêm tốn tự nhận rằng: "Phú Khê bản nhơn chẳng chút nào dám tự hào biết làm chi, nhưng tính thích ngâm nga, tình hay cảm xúc, kiến cảnh sinh tình, gặp đâu ngâm đó... Khi nào ngâm được một vài câu thích thú thì trong mình cảm thấy tự nhiên khinh khoái vô cùng".

Phú Khê Đoàn Tá đã tham gia thành lập Hội thơ Lạc Thành Thi xã ở Phan Thiết và có mối quan hệ gắn bó với Hội thơ Hương Bình Thi xã ở Huế và thường hoạ với các nhà thơ của núi Ngự sông Hương.

Có lẽ Phú Khê Đoàn Tá đã mở đầu cuộc đời làm thơ của mình vào mùa xuân năm Nhâm Tuất với bài thơ Đường khai bút mừng đám cưới con gái đầu lòng Đoàn Thị Lệ Chi tại Huế vào ngày 18.2.1922 và kết thúc cuộc đời làm thơ vào mùa thu năm Nhâm Thìn với bài thơ Đường mừng Văn Thánh Phan Thiết được xây dựng lại sau hoả hoạn viết vào ngày 24.9.1952.

Trong suốt ba mươi năm làm thơ, từ 1922 đến 1952, Phú Khê Đoàn Tá đã sáng tác trên 850 bài thơ với gần 5.000 câu, chủ yếu theo thể thất ngôn bát cứ (thơ Đường), ngoại trừ một số ít bài theo thể tứ tuyệt (bốn câu) hay ca trù (hát nói) với câu từ 4 - 10 chữ. Nhưng thật đáng tiếc trong kháng chiến chống Pháp, khi gia đình cụ đi tản cư, ngôi nhà của cụ ở Phan Thiết bị bom napan địch, những bài thơ của cụ bị mất một phần lớn. Điều này làm cụ đau lòng không kể xiết, cố gắng thu nhặt gom góp trong đám đổ nát được 260 bài trong số gần 500 bài đã sáng tác trong thời gian trước đó.

Trong thời gian sơ tán tại Bàu Sẻ, Phú Lâm, miền tây Phan Thiết nỗi đam mê làm thơ trong cụ lại thôi thúc cụ tiếp tục sáng tác. Từ mùa xuân Kỷ Sửu 1949 cho đến mùa thu Nhâm Thìn 1952, cụ lại làm thêm trên 350 bài thơ mới nữa.

Tập thơ "Phú Khê Thi Tập" của Phú Khê Đoàn Tá ở dạng đánh máy trên giấy thô, chia thành hai quyển với trên 600 bài thơ: Quyển I gồm 304 bài sáng tác từ ngày 18.2.1922 đến ngày 19.2.1949 trong 27 năm và Quyển II gồm 307 bài sáng tác từ ngày 19.9.1949 đến ngày 19.9.1952 trong ba năm, cho thấy trong những năm về cuối, cụ sáng tác càng nhiều.

Nội dung của tập thơ, ngoài những cảm nhận về bản thân, nổi bật những chủ đề lớn về tình yêu đối với gia đình, tình yêu đối với con người, tình yêu đối với đất nước và tình yêu đối với thiên nhiên.

* Về cảm nhận bản thân, nhà thơ luôn luôn khiêm tốn đánh giá về mình:

Nhớ ngày bỏ chóp tóc ngang vai

Văn hay chữ tốt tuy không ấy

(Đi qua trường học Vinh hữu cảm, 1937)

Trời cho sanh xuống cõi trần ai

Sao chẳng cho luôn đặng cái tài

(Tự trào, 1948)

Học mãi thơ Đường ngâm cứ dở

Nếm chơi rượu mật nếm cang ngon

(Tự thuật, 1951)

* Đối với gia đình, cha mẹ vợ con, thơ của Phú Khê Đoàn Tá thắm đượm những tình cảm thắm thiết yêu thương. Thơ cụ luôn luôn toát lên lòng hiếu thảo của người con đối với mẹ già.

Ngàn dặm bâng khuâng lòng nhớ mẹ

Trăm phần tủi hổ phận làm trai

(Đà Lạt nhớ mẹ ở Huế, 1926)

Nghĩa đạo thần hôn xét phận mình

Chưa tròn chữ hiếu với thâm sinh

(Nhớ mẹ, 1932)

Vợ cả của cụ không may mất sớm, bà vợ kế Đặng Thị Diệu tần tảo buôn bán chăm sóc chồng, đàn con đông, không may bị bệnh qua đời trước cụ, làm cho trong thơ cụ không nguôi nỗi tiếc thương

Nén hương chén rượu đôi hàng lệ

Có thấu cho chăng mình hỡi mình?!

(Khóc vợ, 1946)

...Công nghiệp lấy chi mà báo đáp

Chồng tình con hiếu một lòng ghi

(Nhớ cố ái khanh, 1948)

Cụ là một người cha yêu thương con cái, thơ cụ thể hiện tình cảm thắm thiết đối với các con khi có những niềm vui nỗi buồn


...Mâm trầu nạp lễ vui hai họ

Tiếng pháo nghinh hôn chạnh mối tình

(Đám cưới trưởng nữ Đoàn Thị Lệ Chi gả cho Tôn Thất Phán, 1922)

...Cha dặn đôi điều khi xuất giá

Ba tòng bốn đức một lòng son

(Gả Đông Ngâm cho Bửu Hiệp, 1937)

Con trai thứ hai của cụ là Đoàn Khiêm tử trận ở chiến dịch Tây Nguyên ngày đầu chống Pháp làm lòng ông vô cùng xót xa, nhưng mừng vì con đã hy sinh vì nước:

Tin con tuẫn tiết mới nghe đồn

Thảm bấy thân già thắt ruột non

Cứu vãn đền xong ơn tổ quốc

Hiển dương mừng đặng tiếng nho môn

(Nghe tin Đoàn Khiêm tử trận, 1946)

* Đối với đất nước: thơ cụ luôn luôn toát lên lòng yêu nước chống quân xâm lược. Đặc biệt tình yêu nước của cụ thể hiện trong bài thơ mong Bác Hồ thành công trong Hội nghị Fontainebleau 1946

Sau Cụ đi lâu rứa Cụ Hồ

Liệu bề thương thuyết có hay ho

...Ba Kỳ một mối mau thành lập

Vẽ lại to thêm bản địa đồ.

(Trông Cụ Hồ đi Pháp mau về, 1946)

Cụ ca ngợi các chiến sĩ Cụ Hồ chịu đựng gian khổ lập chiến công lừng lẫy:

Cơm ăn với muối chai gan sắt

Áo bận từng manh mát dạ vàng

Con cháu Lạc Hồng ngàn vạn thuở

Tinh thần khét tiếng khắp mười phương

(Thu hoài chiến sĩ, 1946)

Cụ tin tưởng vào các con trai của mình một lòng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc:

Vác súng ra đi quyết một lời

Không hề bận bịu cuộc chia phôi

Cố lên! Chiến sĩ ngoài quan ải

Phải trả cho xong nợ giống nòi

(Đưa con ra trận, 1945)

* Đối với quan hệ giữa người và người: cụ để lại những bài thơ chứa đựng tính giáo dục cao như nghĩa đồng bào, tình bạn bè, tình anh em, nghĩa vợ chồng.v.v...

Hai mươi lăm triệu giống tiên rồng

Nặng nghĩa đồng bào có biết không?

(Nghĩa đồng bào, 1951)

Ăn trái đừng quên kẻ bón cây

Nghĩa làm trò phải nhớ ơn thầy

(Nghĩa thầy trò, 1951)

* Đối với cảnh đẹp thiên nhiên: cụ đã sáng tác nhiều bài thơ ca ngợi cái đẹp của thiên nhiên như cảnh đêm thu, cảnh trời chiều, cảnh đèo Hải Vân.v. v...

Qua Hải Vân quan đứng ngó quanh

Bao nhiêu cảnh là bấy nhiêu tình

Đầu cây mỏ giục chim canh ải

Trước cửa tơ giăng nhện giữ thành...

(Qua đèo Hải Vân hữu cảm, 1931)

Nói tóm lại "Phú Khê Thi Tập" của Phú Khê Đoàn Tá là một áng thơ hay nhưng từ trước tới nay chưa được xuất bản. Một bạn đọc là Nguyễn Cao Phan đã ca ngợi:

Đọc sáu trăm bài thơ Phú Khê

Thành tâm bái phục Cụ trăm bề

Văn phong thi pháp tuy bình dị

Xúc cảm tinh thần rõ phủ phê...

Cúng tôi hy vọng tập thơ sẽ được xuất bản, góp phần vào kho tàng văn thơ của xứ Quảng và cả nước.

N.P.T