Những mùa hoa cải vàng

01.04.2011

Những mùa hoa cải vàng

Nhớ mùa hoa cải trổ bông

Mẹ ra hiên khóc chị đi lấy chồng.

Còn nhớ tháng ba năm nào khi vườn cải trước nhà mình đã đồng loạt trổ hoa vàng cả góc trời. Mẹ thì tiếc một mùa rau quá vụ, bố bảo sẽ nhổ đi trồng loại rau khác, còn chị thì khen “ Hoa cải vàng đẹp thế”, má hồng hồng, buộc tóc bím hai bên, đêm trăng nào cũng có một người đến xin phép bố mẹ đón đi chơi.

Nhà tôi đông chị em, lại vì nghèo quá nên chị phải nhường mấy đứa em phần được đi học còn chị ở nhà chăn trâu, cắt cỏ hết mùa xuân này đến mùa xuân khác. Có khi cả năm chẳng được mua bộ quần áo mới nào, thế nhưng chúng tôi lại là người hay tị nạnh với chị nhiều nhất. Nhớ lúc bé có lúc học dốt bị đánh đòn tôi còn bù lu bù loa lên rằng: “ Chị Thanh sướng thế, chả phải đi học gì cả. Bố mẹ ghét con cứ bắt con phải đi học thay chị là thế nào”. Chỉ thấy chị buồn, chị khóc mà lúc ấy tuổi thơ vô tâm chẳng hiểu vì sao cả.

Rồi tôi cũng học lên cấp ba, mấy anh chị trên tôi đều đã cuối cấp, tiền học phí tăng lên, mẹ mắc bệnh nặng, bố phải đi làm xa, mọi công việc trong nhà đều dồn lên đôi vai bé nhỏ của chị. Nhiều lúc thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn tôi nản chí định bỏ học thì chính chị lại là người động viên tôi nhiều nhất:

-Út cố mà học hành để sau này mở mày mở mặt, chị là con gái lấy chồng thì xong, còn các em phải tính sự nghiệp lâu dài. Chị làm nụng vất vả nuôi các em chỉ mong sau này khi chị đi lấy chồng rồi các em thay chị chăm nom bố mẹ thật tốt.

Tôi nhớ đấy là lần đầu tiên một thằng con trai mười sáu, mười bẩy tuổi là tôi ngồi khóc vụng sau trái bếp. Mới đó mà đã bảy năm trời với bao nhiêu buồn vui của cuộc đời đã trôi qua.

Rồi mùa hoa cải năm tôi học lớp mười hai chị tôi sang sông lấy chồng. Để bãi hoa cải trước nhà cứ vàng nỗi nhớ mong, mẹ tôi chiều nào cũng ngồi bên hiên khóc, thương chị tôi làm lụng suốt thời con gái mà đến khi lấy chồng vẫn không có tiền mua áo mới. Nhà tôi nghèo của hồi môn cho chị có chăng chỉ là hồi ức về những mùa hoa cải cả nhà ra đồng chọn những bông hoa to nhất để giống vụ sau. Rồi chiều về chị thổi lửa nấu cơm, tôi và mấy anh chị khác cùng bố xuống mương tát tép. Mẹ đi thăm lúa dưới đồng xem có bị sâu bệnh gì không. Đến khi cả nhà ngồi vây quanh mâm cơm mẹ lại kể những câu chuyện gia đình vốn chẳng bao giờ hết.

Chị đi lấy chồng bên kia con sông Hồng bồi lở, mẹ đứng bên này ngóng trông đỏ dòng phù sa nỗi nhớ. Mỗi lần biết tin tôi đi học xa về nhà là chị đều sang sông thăm xem thằng út của chị chăm bẵm khi xưa có béo thêm chút nào không hay vẫn gày nhom và đen nhẻm. Chị xem tôi đi học tận dưới thủ đô có thông minh sáng dạ hay vẫn như ngày nào học dốt bị bố đánh vào bàn tay gầy yếu. Tôi đã lớn lắm rồi ấy chứ, mấy năm đi làm rồi mới thi vào Đại học, giờ đã có người yêu rồi thế mà đối với chị dường như tôi lúc nào cũng là thằng út bé nhỏ ngày nào chẳng biết tự lo cho bản thân mình chỉ suốt ngày bám gấu áo chị tị nạnh mà thôi.

Tháng ba này lọt thỏm giữa thành phố đông đúc thấy mình càng thêm nhỏ bé khi nghĩ về mùa hoa cải nở vàng khoảng trời trước nhà những ngày có chị. Biết thể nào mùa hoa cải này chị lại sang sông về thăm nhà, lại ra đồng chọn những bông cải vàng to nhất để làm giống vụ sau như một thói quen. Lòng chợt thắt lại khi nghĩ về ngày đi lấy chồng chị không có tiền mua áo mới. Cầu cho mùa này sông đừng nổi sóng để chị tôi qua đò thăm bãi cải năm xưa…

 

LTS: Ba nhà thơ Khương Hữu Dụng, Trinh Đường, Thu Bồn là những người con của đất mẹ Quảng Nam-Đà Nẵng yêu dấu. Bạn đọc trong cả nước đã quen thuộc với những tác phẩm thơ hay của các ông như Từ đêm 19, 728, Bài ca chim Chơrao.

Nhân kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975-29/3/2011) tạp chí Non Nước xin giới thiệu những bài thơ hay khác của Khương Hữu Dụng, Trinh Đường, Thu Bồn viết thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước với khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta mà lâu nay ta ít có dịp nhắc tới.

N.N