Cảm nghĩ về “Phố cổ êm đềm”của tác giả Nguyễn Phước Tương
Châu Yến Loan
Ở vào tuổi ngoài 80 nhà văn Nguyễn văn Xuân còn đem hết tâm lực cuối cùng của một đời văn để cống hiến cho bạn đọc một tiểu thuyết KỲ NỮ HỌ TỐNG sắc sảo, tuyệt vời, làm sống lại giai đoạn lịch sử ở xứ Đàng Trong vào thế kỷ 17; thì cũng ở tuổi ngoài 80 này nhà khoa học, nhà nghiên cứu Lịch sử, nhà văn Nguyễn Phước Tương cũng cho ra đời cuốn PHỐ CỔ ÊM ĐỀM viết về lịch sử và vẻ đẹp độc đáo của đô thị cổ Hội An.
Phố cổ êm đềm là một truyện dài của Nguyễn Phước Tương do nhà xuất bản Văn Học ấn hành vào tháng 7 năm 2010, sách dày 544 trang, khổ 14,3 cm x 20,3 cm, được in ấn đẹp, trang nhã, bìa do họa sĩ Nguyễn Thị Tâm trình bày với bức tranh vẽ một tiểu cảnh ở Hội An của bà.
Ở Kỳ nữ họ Tống, nhà văn Nguyễn văn Xuân kể về cuộc đời sóng gió, đầy ấn tượng rùng rợn của Tống thị trong mối tương quan với nhiều biến cố lớn lao của thời đại để qua đó tái hiện bức tranh hiện thực của xã hội đương thời với đầy đủ các nét bi hùng, những khuôn mặt xuất chúng của một thời, hầu đem lại cho người đọc những hiểu biết lí thú về một giai đoạn phát triển rực rỡ nhưng cũng đầy phong ba bão táp của xứ Đàng Trong.
Còn tác giả Nguyễn Phước Tương trong Phố cổ êm đềm thì viết về những người con của phố Hội tham gia kháng chiến, sau hòa bình trở về làm dịch vụ du lịch với mục đích giới thiệu với độc giả về sự hình thành, phát triển, sự suy thoái của đô thị - thương cảng Hội An trong lịch sử và những giá trị có một không hai của Di sản Thế giới này.
Hai tác giả lão thành với hai tính cách và văn phong khác nhau nhưng cùng gặp nhau ở một mục đích. Điều đáng kính phục ở họ là tinh thần làm việc không mệt mõi, sức phấn đấu kiên cường vì đất Quảng thân yêu mà những người trẻ cũng khó bề sánh kịp.
Những người con của quê hương Hội An xuất hiện trong Phố cổ êm đềm không nhiều, họ đến từ những thành phần khác nhau trong xã hội : thầy Phan Long, tốt nghiệp cử nhân Khoa học xã hội là giáo viên Sử học của một trường Phổ thông trung học ở thị xã Hội An. Diệp Anh Tuấn, một người Minh hương, Lê Hoàng, Kiều Trang, cháu gọi thầy Phan Long bằng cậu, họ đều là học sinh cũ của thầy Phan Long. Cô Tư Thơm, thủ trưởng của Kiều Trang là cán bộ lãnh đạo của Hội phụ nữ tỉnh Quảng Nam, Diễm Trang, người em sinh đôi của Kiều Trang v.v…
Mỗi nhân vật một tính cách : Thầy Phan Long, một nhà giáo vốn nổi tiếng uyên thâm về lịch sử địa phương với một trí nhớ tuyệt vời, lúc nào cũng muốn đem hết nhiệt tình và kiến thức sâu rộng của mình chuyển giao cho thế hệ trẻ để nâng cao lòng tự hào của họ về mảnh đất họ đã sinh ra, lớn lên và đang xả thân bảo vệ. Tuấn là người đồng hương thân thiết của Hoàng, anh xông xáo trong mọi công tác, hết lòng vì đồng đội. Anh có cái giọng hề lại hay trêu chọc bạn bè nên mang biệt danh là “Tuấn tếu”, trong những cuộc vui, anh thường đứng ra làm đầu trò và khi những lời nói dí dỏm của anh cất lên là mọi người phải ôm bụng mà cười. Hoàng mực thước, tế nhị, khiêm nhường, hiếu học, biết tự chủ, thích giúp đỡ người khác và biết tự khẳng định mình trong bất cứ việc gì. Kiều Trang dịu dàng, thùy mị. Cô Tư Thơm hiền hòa, thương yêu, lo lắng cho đồng đội như người thân.
Họ, những người con của phố Hội rất chân chất, thật thà mang đậm bản sắc của quê hương Quảng Nam.
Tình yêu lứa đôi trong tác phẩm là tình yêu chung thủy của đôi thanh niên nam nữ trong chiến tranh.
Hoàng và Kiều Trang yêu nhau bằng tình yêu tha thiết và cùng hướng tới một tương lai tươi sáng. Hoàng dự tính sau ngày hòa bình sẽ đi học Kiến trúc sư để góp phần vào việc nghiên cứu các giá trị cũng như phục chế các di tích lịch sử của đô thị cổ Hội An. Còn Kiều Trang thì học khoa Sử ở một trường Đại học vì đó là môn mà hai chị em cô yêu thích từ những ngày còn tấm bé và học dương cầm. Họ sẽ kết hôn theo lời hứa của hai bên cha mẹ đã giao ước với nhau.
Nhưng chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của Kiều Trang, làm tan vỡ mối tình đẹp đẽ, thơ mộng để lại cho Hoàng nỗi đau đớn khôn nguôi.
Tình yêu của Hoàng và Kiều Trang là tình yêu trong sáng, rất đẹp và phù hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, nổi bật nhất là tấm lòng chung thủy của Hoàng. Dù cho Kiều Trang hy sinh đã sáu năm rồi mà Hoàng vẫn không sao quên được khuôn mặt đôn hậu, thùy mị với vầng trán rộng, đôi mày thanh tú, sống mũi thẳng cao, làn môi duyên dáng đang nhìn anh với ánh mắt dịu hiền. Anh cảm thấy cay đắng nghẹn ngào rồi mơ thấy mình thoát ly cuộc sống hiện tại, bay bổng đến một thế giới huyền ảo đầy hoa thơm và rộn tiếng chim để sống với người yêu trong cuộc gặp gỡ hạnh phúc: “…Họ ngồi bên nhau, tay trong tay trên thảm cỏ xanh rờn, dưới gốc lim già râm bóng” (Tr 142)
Viết về tình yêu lứa đôi tác phẩm không có những dòng miêu tả cảm xúc mãmh liệt, cháy bỏng cuốn hút người đọc như trong Kỳ nữ họ Tống khi Hải Bằng - người yêu Tống thị một cách mù quáng, điên cuồng - nhìn trộm thân thể Tống thị qua lỗ hổng của tấm phên lụa. Sắc đẹp não nùng của bà làm anh cảm thấy “rợn hết da thịt, lòng bàn chân và toàn bộ chân tóc, người mất hết cảm giác, trống ngực đánh dồn dập, đầu gối rụng rời”
mà chỉ có những cử chỉ âu yếm, dịu dàng, rất dễ thương : “Hoàng rút chùm hoa phong lan tím cài ở phía sau lưng tặng người yêu. Kiều Trang cảm động đón lấy “hoa hậu rừng xanh” mà cô vốn ưa thích, đưa lên môi hôn vừa nhìn anh âu yếm mà không nói một lời. Trong đôi mắt huyền ấy bừng lên một tình cảm nồng cháy không bao giờ lịm tắt. Hoàng chỉ biết ôm người yêu vào lòng, đặt những cái hôn đằm thắm lên đôi mắt dịu hiền của người con gái” (Phố cổ êm đềm, Tr 43)
Cuộc tình kết thúc có hậu bằng “tình chị duyên em” theo kiểu Thúy Vân Thúy Kiều. Hoàng đã tìm thấy lại tình yêu qua hình ảnh Diễm Trang, người em sinh đôi cùng trứng với Kiều Trang, có nhiều nét về ngoại hình cũng như tính cách rất giống chị và cũng yêu Hoàng tha thiết như chị.
Nhưng mục đích tác giả viết Phố cổ êm đềm không phải để nói về tình yêu đôi lứa mà chính là viết về Hội An. Thông qua mối tình đẹp, thơ mộng và lãng mạn để nói về lich sử của Hội An đồng thời giới thiệu với người đọc những vẻ đẹp về đất nước, con người và những giá trị độc đáo của di sản Thế giới này.
Tác giả đã chọn cách thể hiện khéo léo, đa dạng khi thì bằng những giao lưu thân mật của nhóm đồng hương, khi thì trang trọng trong cuộc Hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An, khi thì các hướng dẫn viên thuyết minh cho khách du lịch và tác giả hóa thân thành các nhân vật để trình bày một cách đầy đủ, tường tận về lịch sử của Hội An từ khi vùng đất này còn là một thương cảng nhỏ của người Chăm mà người Đại Việt gọi là Bến Kẻ Chiêm, ở đó người Chiêm Thành đã dựng lên một dãy phố nhỏ và ngắn với những chiếc nhà gỗ lợp rạ cho đến khi được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt và phát triển thành một thương cảng quốc tế thịnh vượng thời các chúa Nguyễn rồi đi dần vào suy thoái dưới vương triều Nguyễn:“ đô thị cổ Hội An đã có bề dày lịch sử trên bốn trăm năm, đã ra đời vào cuối thế kỷ 16, phát triển rực rỡ vào thế kỷ 17-18, suy thoái dần vào đầu thế kỷ 19 để rồi trong buổi hoàng hôn của mình để lại hàng trăm di tích văn hóa-lịch sử vô giá của một thời vàng son” (Tr 10).
Nói về thời kỳ phát triển thịnh vượng của thương cảng Hội An, tác giả đã đề cao chính sách cởi mở của các chúa Nguyễn trong quan hệ bang giao buôn bán với các nước ngoài nhằm phát triển tiềm năng kinh tế nội địa của Đàng Trong và vai trò kinh tế ngoại thương to lớn của cảng thị này. “ Cảng thị Hội An trong những thế kỷ 17 – 18 là một trung tâm thương mại vào loại thịnh vượng nhất không những của Đại Việt chúng ta mà còn của Đông Nam châu Á nữa”( Phố cổ êm đềm, tr 77) Hàng hóa ở đây rất nhiều dù một trăm chiếc tàu chở cùng một lúc cũng không hết được”..
Những hàng hóa quý giá đó phần lớn do các làng nghề nổi tiếng của Quảng Nam sản xuất như nghề gốm sứ Thanh Hà, Nghề mộc Kim Bồng, nghề yến Thanh Châu, nghề đãi vàng ở Trà Nô, Trà Tế và địa danh Bồng Miêu đã gắn liền với nguồn vàng phong phú của Quảng Nam, nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, là, gấm, vóc, đoạn, lãnh ở phủ Điện Bàn với những nương dâu xanh mướt ven bờ sông Thu Bồn đã ghi dấu thiên tình sử thơ mộng giữa chàng công tử con nhà chúa Nguyễn Phúc Lan và cô thôn nữ hái dâu Đoàn thị Ngọc ở gành Điện Châu. Mối tình đó đã may mắn được chấp nhận, bà Đoàn thị Ngọc trở thành phu nhân của chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan và sinh ra cho nhà Chúa người anh hùng Nguyễn Phúc Tần, người đã đánh bại quân Hà Lan, đội quân vô địch trên mặt biển Đông, năm 1644 khi còn làm Trấn thủ Quảng Nam. Về sau Nguyễn Phúc Tần lên ngôi chúa tức Chúa Hiền tiếp nối sự nghiệp xây dựng và mở mang đất nước một cách vẻ vang.
Nói về Hội An tác giả nói rất tỉ mĩ về lịch sử của phố Nhật, phố Khách và những công trình kiến trúc độc đáo của người Nhật và người Minh Hương như Chùa Cầu “ban đầu được gọi là Cầu Nhật Bản còn có tên chữ là Lai viễn kiều, Chùa Cầu gồm hai kiến trúc kết hợp lại với nhau. Cầu được xây dựng trước vào đầu thế kỷ 17…do vốn đầu tư thiết kế của người Nhật, còn chùa được xây dựng sau…vốn đầu tư của người Minh Hương, thiết kế thi công của người Việt. Chùa Cầu được xem như biểu trưng của Đô thị cổ Hội An” ( tr 405),Chùa Ông, Chùa Quan Âm ( tức Chiên Đàn Lâm ), Chùa Bà Mụ (nay chỉ còn lại tam quan), Hội quán Triều Châu (còn gọi là Chùa Ông Bổn), Hội quán Hải Nam (còn gọi là Chùa Quỳnh Phủ), Hội quán Phước Kiến ( có tên là Chùa Kim Sơn), Hội quán Quảng Đông (có tên là Chùa Quảng Triệu), Đình Văn thánh, Miếu Âm hồn, những ngôi nhà ống cổ kính rêu phong mang dấu ấn kiến trúc của người Nhật. “Đó là một kiến trúc truyền thống của Nhật Bản và sự có mặt của lối kiến trúc cổ này ở Hội An đã minh chứng rằng đã có một sự giao thoa giữa hai nền kiến trúc Nhật Bản và Việt Nam tại cảng Hội An trong những thế kỷ trước đây” (Tr 473)
Hội An còn có lễ hội đua ghe truyền thống hoành tráng và hấp dẫn, có bãi biển Cửa Đại thật đẹp phô mình dưới ánh nắng rực rỡ, nước biển trong xanh, bãi cát trắng, sạch và rừng phi lao rợp bóng ở đó du khách có thể ngồi ngắm biển vừa tận hưởng vị ngọt thanh và ngan ngát hương thơm của nước dừa Hội An mà không tìm thấy ở quả dừa của những nơi khác.
Để quảng bá về du lịch tác giả không chỉ giới thiệu về phố cổ Hội An mà còn giới thiệu với khách trong nước cũng như bạn bè quốc tế một địa điểm du lịch sinh thái rất đẹp và rất thú vị nằm cạnh Hội An đó là Cù lao Chàm với đặc sản vô cùng quý giá là yến sào. Cù lao Chàm gồm có 5 hòn đảo họp lại tạo thành xã Tân Hiệp thuộc thị xã Hội An, một làng chài nằm giữa đại dương. Tại đây du khách có thể thưởng thức nhiều thú vui khác nhau: những bãi tắm sạch sẽ tuyệt đẹp như Bãi Chồng, Bãi Ông, Bãi Bìm, những hải sản tuyệt ngon như mực nang, tôm hùm, vây cá, bào ngư, cá hồng, cá mú, vú nàng, vú sao, những vật lưu niệm hấp dẫn như ngọc trai, xà cừ, san hô. Ở đó du khách còn được thấy chiếc giếng cổ của người Chăm và tham quan các hang yến, nghe giảng giải về nghề yến.
Nói về lịch sử và những giá trị của Đô thị cổ Hội An, tác giả đã dựa vào những tài liệu lịch sử, những chứng cứ đáng tin cậy và triệt để tôn trọng tinh thần khách quan, khoa học của người nghiên cứu Lịch sử là “không được nói đến điều gì mà không đúng với sự thật và không có một điều gì thật mà không được nói lên”(Marcus Tellius Cicero) chứ không hời hợt, chủ quan nên đã có những ý kiến rất đúng đắn làm sáng tỏ các vấn đề lịch sử quan trọng như: nguyên nhân gây ra sự suy thoái của cảng thị Hội An, chính sách “Bế quan tỏa cảng” của vua Gia Long và các vương triều kế tiếp cùng hậu quả thảm hại của chính sách này và đặc biệt là tác giả nêu lên vấn đề hiện nay chưa được quan tâm đúng mức đó là nhiệm vụ bảo tồn và làm sống lại các di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú của Hội An như văn bia, thơ cổ, các sắc phong, thần phả, gia phả, truyền thuyết, ca dao, dân ca, các làng nghề truyền thống v..v…
Phố cổ êm đềm có thể xem là một cuốn sách nghiên cứu rất đầy đủ và công phu về Hội An. Nhờ cách thể hiện khéo léo, linh hoạt, cách minh họa bằng thơ ca dân gian, tác giả đã dẫn dắt người đọc đi suốt một chặng đường lịch sử hơn 400 năm của phố cổ này và giới thiệu với du khách những giá trị độc đáo về mọi mặt của nó mà không làm cho độc giả cảm thấy nặng nề, khô khan, trái lại còn gợi cho họ lòng háo hức muốn tìm hiểu, khám phá về Di sản Thế giới có một không hai này.