HOÀNG MINH NHÂN- CÂY BÚT CỦA NHIỀU THỂ LOẠI

01.04.2011

HOÀNG MINH NHÂN- CÂY BÚT CỦA NHIỀU THỂ LOẠI

(Đọc Tuyển tập thơ văn Hoàng Minh Nhân-NXB Đà Nẵng 2010)

Thanh Quế

Hoàng Minh Nhân là một cây bút có tiếng ở Quảng Nam-Đà Nẵng, Khu 5 và cả nước. Anh sáng tác cả thơ, truyện, ký, chân dung văn nghệ và còn dốc nhiều công sức ra biên soạn sách.

Hoàng Minh Nhân quê ở thôn Đông Bàn, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Năm 1954, anh tập kết ra Bắc, học ở các trường Học sinh miền Nam. Năm 1965, anh trở thành kỹ sư Lâm nghiệp. Như nhiều anh chị em miền Nam đang ở trên đất Bắc, anh hăng hái xung phong trở về quê hương chiến đấu. Vốn có năng khiếu về văn chương, năm 1970, anh được tuyển vào học lớp viết văn khóa IV của Hội Nhà văn Việt Nam, khóa đặc biệt đào tạo cho các cây bút trẻ vào chiến trường. Sau chiến tranh, hầu như các anh chị đều trưởng thành, trong đó có Hoàng Minh Nhân.

Mới vào chiến trường, Hoàng Minh Nhân xung phong ngay xuống cơ sở. Anh đi Đức Phổ (Quảng Ngãi) rồi Hòa Vang (Quảng Đà), xuống tận Hòa Hải vùng ven thành phố Đà Nẵng. Ban đầu, anh làm thơ. Người đọc Khu 5 còn nhớ những bài thơ cảm động, giàu chi tiết, hơi thở của chiến trường: Trong lều cỏ, Hầm chữ A, Tiếng ru con…

Sau này, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, cùng với vốn sống trong chiến tranh, Hoàng Minh Nhân có dịp đi khắp đất nước, gặp nhiều loại người, đọc nhiều sách báo trong và ngoài nước, chiêm nghiệm nhiều vấn đề của cuộc sống, thơ anh càng ngày càng phong phú hơn về đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác, về thời cuộc, về gia đình, về tình yêu. Bây giờ, thơ anh vừa giàu chi tiết sống vừa giàu chất lãng mạn, mông lung. Anh gặt hái được nhiều bài thơ hay: Ở đó ngày nở ra, Đàn cò bay, Ngựa Hời, Khúc ca Tây Nguyên, Mưa sững sờ, Lạc, Má tôi, Thu Bồn cõng mẹ, Ru mặt trời cỏ non, Tượng đài chiến tranh, Trước nấm mồ còn sót lại ở Trường Sơn, Hai người đàn bà, Trái cốc, Gái quê, Chùm chìa khóa, Chiều trăng…Không phải nhà thơ nào cũng có được những bài thơ như thế.Nó khẳng định giọng điệu thơ riêng biệt của Hoàng Minh Nhân vừa chân thực vừa lãng mạc vừa cụ thể vừa mông lung…

Bên cạnh thơ Hoàng Minh Nhân bắt đầu cho in truyện ngắn trên Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ từ năm 1973. Truyện “Thành phố trước mặt” có lối viết độc đáo, qua mỗi lần lên cơn của chị cán bộ, ta thấy hiện lên tội ác dã man không còn tính người của kẻ thù và lòng bất khuất kiên trung của người con gái miền Nam. Sau giải phóng, tại Trại sáng tác văn học Quân khu V, Hoàng Minh Nhân đã viết nên những truyện ngắn hay (sau này in trong tập Miền đất ấy cùng với Nguyễn Bảo và Thanh Quế): Chú bé bắt cua, Trưng và Mun, Em gái tôi, Áo cỏ. Vào những năm sau đó, Hoàng Minh Nhân xông xáo đi và viết, anh đã có những truyện, ký xuất sắc: Ta Da, Trước Máu, Người tên đá tên cây và những truyện về các anh hùng Huỳnh Tiến Năm, Trương Văn Hòa, các chiến sĩ cách mạng như Hồ Văn Điều, Priu Prăm, Priu Liếc…

Truyện và ký của Hoàng Minh Nhân giàu chi tiết cảm động, có những chi tiết kỳ lạ ta chưa hề gặp trong văn học Việt Nam hiện đại; được tác giả dựng lên những con người thật sinh động, có hành động và ngôn ngữ phù hợp với giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp và từng dân tộc (người Kinh hay người thiểu số). Văn của anh cũng như thơ anh, giàu chất sống và giàu chất lãng mạn đưa ta đến những miền sâu xa của tiềm thức.

Cho đến nay, sau 40 năm cầm bút, Hoàng Minh Nhân đã cho xuất bản một số tập thơ, văn xuôi. Anh còn viết nhiều chân dung của các nhà văn nghệ: Hồ Thấu, Phạm Hầu, Chu Cẩm Phong, Phan Tứ, Thu Bồn, Phan Huỳnh Điểu,…và những nhà hoạt động cách mạng có tầm cỡ ở Quảng Nam Đà Nẵng và cả nước: Phan Bôi-Hoàng Hữu Nam, Hồ Nghinh, Phạm Đức Nam…Anh còn biên soạn nhiều tập sách có giá trị về văn học, nghệ thuật, chính trị, xã hội, kinh tế, du lịch…

Có thể nói, Hoàng Minh Nhân là cây bút của nhiều thể loại và ở thể loại nào anh cũng có những thành công nhất định. Hoàng Minh Nhân cũng là người tìm ra, phát hiện nhiều cây bút trẻ có tài năng không chỉ ở Quảng Nam-Đà Nẵng. Anh làm được nhiều việc có ích, nhưng hình như nhiều người, trong đó có giới văn nghệ chưa hiểu hết và chưa đánh giá đúng mức về anh.

Việc làm tuyển tập Văn-Thơ cho nhà văn, nhà thơ Hoàng Minh Nhân là việc làm có ý nghĩa là tình nghĩa của Nhà xuất bản Đà Nẵng với ý thức khẳng định những đóng góp quí báu của Hoàng Minh Nhân cho văn học Quảng Nam-Đà Nẵng và cả nước. Mong rằng, tập tuyển này sẽ được sự đón nhận nồng nhiệt của bạn đọc rộng rãi gần xa.

Tháng 10-2010