HAI BÀI THƠ CỦA CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU VÀ Ý TƯỞNG TẠO THÊM ĐIỂM ĐẾN CHO DU KHÁCH Ở ĐÀ NẴNG

01.04.2011

HAI BÀI THƠ CỦA CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU VÀ Ý TƯỞNG TẠO THÊM ĐIỂM ĐẾN CHO DU KHÁCH Ở ĐÀ NẴNG

Trần Đức Anh Sơn*

1. Hành trạng của chúa Nguyễn Phúc Chu

Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Thái (1650 - 1691) và vương phi Tống Thị Lĩnh. Ông được đình thần tôn lên kế vị chúa Nguyễn Phúc Thái vào năm 1691, trở thành vị chúa Nguyễn thứ sáu trị vì Đàng Trong. Đến năm 1693, Nguyễn Phúc Chu được quần thần tấn tôn làm Thái phó Quốc công và dâng tôn hiệu là Quốc chúa. Từ đó về sau, trong các sắc dụ về nội trị và ngoại giao, ông đều xưng là Quốc chúa. Lên ngôi lúc mới 17 tuổi, ở ngôi 34 năm, Nguyễn Phúc Chu là một trong những vị chúa Nguyễn tạo dựng nhiều công nghiệp ở Đàng Trong.

Về nội trị, ông chú trọng xây dựng binh lực hùng mạnh; mở mang và ổn định bờ cõi; phát triển giáo dục và tổ chức thi cử quy mô, căn bản.

Năm 1692, sau khi vua Chiêm Thành là Bà Tranh sai quân tấn công và sát hại cư dân ở phủ Diên Ninh, Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh đi đánh dẹp, bắt được vua Chiêm Thành là Bà Tranh và bề tôi là Kế Bà Tử cùng nhiều quyến thuộc của vua Champa đem về Phú Xuân. Sau đó, ông cho đổi đất Chiêm Thành thành trấn Thuận Thành, đến năm 1693 lại đổi thành phủ Bình Thuận.

Năm 1698, để ổn định phần đất mà dân Việt đã khai khẩn ở Chân Lạp, ông sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố thành hai huyện: lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa), lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Gia Định), rồi chiêu mộ dân nghèo ở vùng Ngũ Quảng vào khai phá đất đai, lập nên các thôn ấp trù phú ở miền Nam. Đối với những di dân Trung Hoa đến sinh cơ lập nghiệp ở đất Trấn Biên và Phiên Trấn (sau này là vùng Biên Hòa - Gia Định), ông cho phép họ thành lập các xã thôn như người Việt: người Hoa ở Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà; còn những người ở đất Phiên Trấn thì lập làm xã Minh Hương và cho họ đăng ký hộ tịch thành “công dân” của Đàng Trong. Năm 1708, Mạc Cửu, một người Quảng Đông không thuần phục nhà Thanh, bỏ Trung Hoa chạy sang Chân Lạp khai hoang, lập nên 7 xã ở đất Hà Tiên. Sau đó Mạc Cửu dâng thư lên chúa Nguyễn Phúc Chu, xin đem vùng đất này quy thuận nước ta. Chúa Nguyễn Phúc ChuQuốc nhận lời và giao cho Mạc Cửu giữ chức Tổng Binh, trấn giữ Hà Tiên. Kể từ đó, lãnh thổ Đàng Trong mở rộng đến đất Hà Tiên.

Ở mặt Bắc, dù đang lúc đình chiến với quân Trịnh, ông vẫn sai các đại thần: Nguyễn Phúc Diệu, Tống Phúc Tài, Nguyễn Khoa Chiêm chăm lo sửa sang thành lũy ở Quảng Bình, kéo dài từ núi Đâu Mâu đến cửa biển Nhật Lệ; cử quân đến trấn giữ những nơi trọng yếu để đề phòng quân Trịnh bất ngờ tấn công. Ông cũng dẹp yên các thế lực chống đối do Hoa thương A Ban và Nặc Thu (người Chân Lạp) cầm đầu. Ông cũng là vị lãnh đạo đầu tiên của đất nước nhận thấy vai trò quan trọng đặc biệt của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong vấn đề an ninh quốc phòng và kinh tế. Do vậy, vào năm 1711, ông sai cai đội Thuyên Đức Hầu đem lính ra đo đạc địa đồ quần đảo Trường Sa để xác lập chủ quyền quốc gia và tổ chức khai thác hải sản.

Về đối ngoại, năm 1701, Nguyễn Phúc Chu sai Hoàng Thần và Hưng Triệt đem quốc thư và cống phẩm sang Trung Hoa cầu nhà Thanh phong cho ông làm vua một quốc gia riêng biệt, tách khỏi thực thể chính trị do vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Vua nhà Thanh bấy giờ là Khang Hi (1662 - 1723) cũng có ý tán đồng đề nghị của Nguyễn Phúc Chu nhưng do triều thần can ngăn: “Nước Quảng Nam(1) hùng trị một phương, Chiêm Thành, Chân Lạp đều bị thôn tính, sau tất sẽ lớn. tuy nhiên nước An Nam còn có nhà Lê ở đó, chưa có thể phong riêng được”. Vì thế, ý định tách Đàng Trong thành một nước độc lập của chúa Nguyễn Phúc Chu không thành, do nhà Thanh lo sợ sự lớn mạnh của Đàng Trong sẽ là hậu họa cho Đại Thanh ở phương Nam.

Nguyễn Phúc Chu là một người sùng mộ đạo Phật và có nhiều đóng góp cho việc hưng nghiệp Phật giáo ở Đàng Trong. Năm 1694, chúa cho người sang Quảng Đông mời hòa thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) sang Thuận Hóa thuyết pháp về đạo Phật và lập trai đàn ở chùa Thiên Mụ để cầu siêu và tịnh độ cho binh dân xứ Thuận Hóa. Ông quy y với Hòa thượng Thạch Liêm, phát tâm thọ giới Bồ tát tại gia vào năm 1695 và được Hòa thượng Thạch Liêm ban cho pháp danh Hưng Long, đặt hiệu là Thiên Túng đạo nhân. Ông bỏ tiền của tu bổ, mở mang cảnh trí chùa Thiên Mụ: xây đắp tự viện, đúc chuông, lập khánh, dựng bia trước chùa.

Nguyễn Phúc Chu còn là một tác gia lớn của văn học Đàng Trong. Ông sáng tác nhiều thơ văn, hiện vẫn còn lưu truyền. Do pháp danh của ông là Thiên Túng đạo nhân, nên khi sáng tác thi văn, ông thường ghi ba chữ Hán Đạo nhân thư ở cuối các tác phẩm.

Đánh giá công trạng của chúa Nguyễn Phúc Chu, sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng trị sự họ Nguyễn Phúc biên soạn, tổng kết: “Trong 34 năm trị vì, ngài thực hiện được nhiều công việc quan trọng: Việc nội trị, giáo dục và thi cử được phát triển có qui mô; Binh lực hùng mạnh, được các lân bang nể sợ; Mở mang bờ cõi đến tận biên giới Chân Lạp, lập thêm các phủ Bình Thuận và Gia Định. Chiêu mộ những người nghèo khổ đưa đi khai khẩn những vùng đất mới, lập thành làng, xã làm miền Nam ngày càng phồn thịnh; Dân chúng được sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra ngài là người thông suốt kinh sử, giỏi thi văn. Bút tích của ngài còn lưu lại nhiều nơi ở đất Thần kinh”.

2. Hai bài thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu ca ngợi cảnh sắc Đà Nẵng trên đồ sứ ký kiểu

Chúa Nguyễn Phúc Chu là người say mê ký kiểu đồ sứ ở Trung Hoa để đưa về dùng trong vương phủ. Những món đồ sứ ký kiểu của chúa Nguyễn Phúc Chu thường đề các thi phẩm do chúa trước tác, kèm theo hình vẽ minh họa nội dung các thi phẩm ấy. Đáng chú ý là những chiếc tô sứ hiệu đề Thanh ngoạn, đường kính 18cm - 22cm, trên đó có ghi những bài thơ của chúa viết về những danh lam thắng tích của vùng Thuận - Quảng như: Thuận Hóa vãn thị (vịnh cảnh chợ chiều ở xứ Thuận Hóa), Thiên Mụ hiểu chung (vịnh cảnh chùa Thiên Mụ vào buổi sáng), Hà Trung yên vũ (vịnh cảnh chùa Hà Trung bên đầm Cầu Hai), Ải lĩnh xuân vân (vịnh cảnh mưa xuân trên núi Hải Vân), Tam Thai thính triều (vịnh cảnh núi Non Nước và chùa Tam Thai) Bên cạnh mỗi bài thơ là một bức tranh sơn thủy, vẽ cảnh sắc của địa danh mà bài thơ miêu tả.

Trong những thi phẩm ca ngợi các danh thắng vùng Thuận - Quảng của chúa Nguyễn Phúc Chu được viết trên đồ sứ ký kiểu, có hai thi phẩm viết về hai địa danh gắn với Đà Nẵng. Đó là hai bài Ải lĩnh xuân vân viết về núi Hải Vân, ngọn núi là ranh giới giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay; và bài Tam Thai thính triều vịnh cảnh núi Tam Thai (núi Non Nước), một danh thắng nổi tiếng của Đà Nẵng.

- Bài Ải lĩnh xuân vân được viết trên những chiếc tô sứ ký kiểu, vẽ cảnh núi Hải Vân. Ải lĩnh là tên cũ của dải núi ở tây nam kinh đô Huế. Xưa kia, trên đỉnh núi có xây một cửa ải nên gọi là Ải lĩnh, nhưng dân gian thường gọi là Ngải lĩnh, vì trên núi có mọc nhiều cây ngải. Tương truyền, đến mùa cây ngải nở hoa, gió thổi cánh hoa bay xuống biển, cá ăn được sẽ hóa thành rồng. Năm 1826, vua Minh Mạng cho trùng tu cửa ải, xây làm hai cửa. Cửa trước có tấm biển đá khắc dòng chữ Hán Hải Vân quan. Từ đó, quen gọi là núi (hay đèo) Hải Vân. Cửa sau cũng có tấm biển đá, khắc dòng chữ Hán Thiên hạ đệ nhất hùng quan.

Bài thơ phiên âm(2) như sau:

Ải lĩnh xuân vân

Việt Nam xung yếu thử sơn điên

Tuyệt lĩnh hoàn như Thục đạo thiên(3)

Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh

Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên

Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết

Thấp tiễn y thường khởi thị tuyền

Duy nguyện hải phong xuy tác vũ

Chính nghi thiên lý nhuận tang điền

Đạo nhân thư

Dịch thơ:

Mây xuân trên Ải lĩnh

Xung yếu về Nam có núi này

Khác chi đất Thục điệp non xây

Bóng giăng, chỉ thấy ba tầng lớn

Người ở, nào hay mấy đỉnh mây

Mi tóc lạnh, dù không tuyết rụng

Áo xiêm ngâm, dẫu chẳng nguồn vây

Chỉ mong gió bể đem mưa tới

Muôn dặm dâu xanh bát ngát bày

Đạo nhân viết

Bốn câu đầu của bài thơ này cũng được khắc in trong sách Ðại Nam nhất thống chí, bản in đời Duy Tân (1907 - 1916), nhưng trong các câu phá thừa có khác mấy chữ(4) so với bài thơ viết trên những chiếc tô sứ ký kiểu. Sách Đại Nam nhất thống chí xác nhận tác giả 4 câu thơ trên là Hiển Tông Hoàng Đế, tức là chúa Nguyễn Phúc Chu.

Hiện nay, các nhà sưu tập cổ vật đã sưu tầm được 4 chiếc tô sứ có viết toàn văn bài thơ Ải lĩnh xuân vân, kèm hình vẽ minh họa. Trong đó, ông Trần Đình Sơn (Thành phố Hồ Chí Minh) sở hữu 1 chiếc, ông Nguyễn Hữu Hoàng (Thành phố Huế) sở hữu 2 chiếc và ông Jochen May (CHLB Đức) sở hữu 1 chiếc. Ngoài 4 chiếc tô sứ do chúa Nguyễn Phúc Chu ký kiểu còn có hai chiếc tô sứ ký kiểu khác, một chiếc mang hiệu đề Bính Tuất niên chế, ký kiểu vào năm 1826 đời vua Minh Mạng, thuộc sưu tập của học giả Vương Hồng Sển trước đây và một chiếc mang hiệu đề Chính Đức niên chế, ký kiểu vào giữa thế kỷ XIX, thuộc sưu tập của ông Trần Đình Sơn, cũng viết bài thơ Ải lĩnh xuân vân, nhưng chỉ viết 4 câu đầu của bài thơ và không có hình vẽ minh họa.

- Bài Tam Thai thính triều cũng viết trên những chiếc tô sứ hiệu đề Thanh ngoạn, ký kiểu đời Nguyễn Phúc Chu. Đây là bài thơ vịnh núi Tam Thai, còn có tên là Thủy Sơn, một trong năm hòn núi thuộc Ngũ Hành Sơn ở trấn Quảng Nam xưa (nay thuộc thành phố Đà Nẵng), dân gian thường gọi là núi Non Nước. Sách Đại Nam nht thng chí khi viết về núi này, có đề cập một ngôi chùa ở trên núi, gọi là Tam Thai Tự, cảnh sắc rất tráng lệ. Chùa này hiện vẫn tồn tại ở lưng chừng núi và đã được trùng hưng, trở thành một thắng địa của Ngũ Hành Sơn, thu hút đông đảo Phật tử và du khách thập phương đến hành hương, ngoạn cảnh.

Bài thơ phiên âm như sau:

Tam Thai thính triều

Kỳ tú Tam Thai tủng bích phong

Trung hư ngoại hữu bạch vân phong

Tự lai Việt hải văn xuân lãng

Như tại Phiên Dương(5) thính thạch chung

Bất đoạn phong thanh bôn bạch mã

Hoàn nghi vũ sắc khởi thương long

Dục tầm thanh mộng hà tăng khán

Hưởng triệt nham tiền kỷ thụ tùng

Đạo nhân thư

Dịch thơ:

Nghe sóng Tam Thai

Tam Thai kỳ ảo dựng non xanh

Động vắng ngàn mây trắng phủ quanh

Biển Việt dừng nghe lời sóng vỗ

Thành Phiên dõi ngóng ý chuông ngân

Liên hồi tiếng gió như vó trắng(6)

Từng trận màu mưa tựa vây xanh(7)

Ước tìm giấc mộng lành chưa thấy

Tùng biếc sườn trên mấy khóm xinh

Đạo nhân viết

Hiện nay, có 4 nhà sưu tập cổ vật đang sở hữu những chiếc tô sứ hiệu đề Thanh ngoạn, do chúa Nguyễn Phúc Chu ký kiểu, có đề bài thơ Tam Thai thính triều cùng hình vẽ minh họa. Đó là các ông: Trần Đình Sơn (Thành phố Hồ Chí Minh); Nguyễn Hữu Hoàng (Thành phố Huế); Châu Phước Kim (Thành phố Huế) và Jochen May (CHLB Đức). Ngoài ra, còn có những chiếc tô sứ khác, hiệu đề Nhàn tâm lạc sự hay chữ Nhật, cũng viết bài Tam Thai thính triều, nhưng là đồ sứ ký kiểu của triều Minh Mạng (1820 - 1841).

Như vậy, cả hai bài thơ Ải lĩnh xuân vânTam Thai thính triều của chúa Nguyễn Phúc Chu đều được triều đình Minh Mạng cho viết lại trên những món đồ sứ ký kiểu của vương triều Nguyễn. Điều này cho thấy ngoài việc hâm mộ giá trị văn chương của các thi phẩm này, vua Minh Mạng cũng tán dương các danh thắng Hải Vân và Tam Thai nên mới noi dấu tổ tiên cho tái hiện các danh thắng này trên đồ sứ ký kiểu để thưởng ngoạn.

Sau gần 300 năm qua tồn tại, những món đồ sứ ký kiểu đề thơ của chúa Nguyễn Phúc ca tụng các danh lam thắng cảnh vùng Thuận - Quảng đã trở thành cổ vật quý giá. Nhiều nhà sưu tập sẵn sàng bỏ ra từ 8.000 đến 10.000USD để sở hữu một chiếc tô sứ ký kiểu có đề thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu. Nhiều du khách, trên hành trình tham quan các di tích lịch sử văn hóa nằm trên “con đường di sản” miền Trung đều mong muốn dừng chân trên đỉnh Hải Vân mờ ảo trong mây, hoặc ghé núi Tam Thai vãn cảnh và nghe sóng triều ru vỗ; để chiêm ngẫm những tứ thơ trác tuyệt của vị chúa tài hoa. Điều này đã gợi mở cho chúng tôi ý tưởng tạo thêm những điểm đến cho du khách ở Đà Nẵng, dựa trên những thi phẩm của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu.

3. Ý tưởng tạo thêm điểm đến cho du khách ở Đà Nẵng từ hai bài thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu

3.1. Điểm đến trong du lịch văn hóa

Du lịch văn hóa là một trong những loại hình du lịch ưa thích của du khách. Đây cũng là loại hình du lịch rất phát triển ở những quốc gia, những vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Ngoài nhu cầu thưởng lãm cảnh quan, mua sắm, nghỉ dưỡng… thì nhu cầu khám phá, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của những miền đất mới luôn được du khách đặc biệt quan tâm. Vì nhu cầu này nên du khách thường tìm đến những di tích lịch sử, những cảnh quan văn hóa, thậm chí, cả những nơi được “tạo ra” từ các huyền thoại để tham quan, thưởng ngoạn và “thâu nhận tri thức” về những nơi ấy.

Trong những chuyến du lịch như thế, du khách thường tìm đến những địa danh nổi tiếng đã trở thành biểu tượng của một quốc gia, một địa phương… hay những nơi đang lưu giữ nhiều sử tích, huyền thoại gắn liền với một danh nhân hay một thời kỳ lịch sử nào đó. Đó có thể là những công trình kiến trúc đồ sộ, những quần thể di tích phong phú đa dạng như: tháp Eiffel ở Paris (Pháp), cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc), quần thể đền tháp Angkor Wat và Angkor Thom (Campuchia)… Có khi, đó chỉ là một pho tượng bé nhỏ tọa lạc trong một không gian khiêm tốn, nhưng lại chứa đựng những huyền thoại làm mê hoặc du khách như: tượng Nàng tiên cá ở Copenhagen (Đan Mạch), tượng “Chú bé đứng đái” Manneken Pis ở Brussels (Bỉ), tượng nàng Tây Thi giặt lụa ở Trữ La (Triết Giang, Trung Quốc)… Cũng có khi, đó chỉ là một nơi được chọn làm bối cảnh cho một bộ phim nổi tiếng như: Thạch Lâm ở Vân Nam (Trung Quốc), nơi được chọn làm bối cảnh cho nhiều trường đoạn trong bộ phim truyền hình Tây Du Ký, hay đảo Jeju (Hàn Quốc), nơi được chọn làm phim trường cho nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc…

Nắm bắt thị hiếu và nhu cầu này của du khách, ở nhiều nơi trên thế giới, ngoài việc trùng tu, tôn tạo và đưa vào khai thác các di tích danh thắng có sẵn để phục vụ du khách tham quan, người ta còn tạo thêm các điểm tham quan mới bằng cách xây dựng các công viên, tượng đài gắn liền với những danh nhân hay những sự kiện lịch sử nổi tiếng của địa phương. Chẳng hạn: công viên Khổng Tử ở Khúc Phụ (Sơn Đông, Trung Quốc); đài tưởng niệm Waterloo ở tỉnh Walloon Brabant (Bỉ), nơi quân đội của Liên minh thứ bảy (Anh, Phổ, Áo…) đã đánh bại đạo quân hùng mạnh của Napoléon Bonaparte vào ngày 18/6/1815… là những ví dụ sinh động cho khuynh hướng này. Du khách dường như ít quan tâm đến việc những điểm đến này có phải là di tích lịch sử lâu đời hay chỉ là một nơi mới được xây dựng để phục vụ du lịch. Điều họ quan tâm là đây là nơi cung cấp cho họ những tri thức mới về lịch sử, văn hóa, con người của vùng đất họ đang tìm hiểu, khám phá; là nơi họ có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cảnh quan và thụ hưởng những dịch vụ du lịch tiện nghi và tương xứng với chi phí mà họ tiêu tốn trong những chuyến du lịch.

3.2. Tạo điểm đến cho du khách từ hai bài thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu

3.2.1. Điểm đến trên đỉnh Hải Vân

Trên hành trình từ Huế vào Đà Nẵng (hoặc ngược lại), rất nhiều du khách muốn đi theo con đường đèo ngoằn ngoèo và nguy hiểm để lên đỉnh Hải Vân ngắm cảnh, thay vì đi qua đường hầm Hải Vân vừa thuận tiện, vừa an toàn.

Tuy nhiên, khá nhiều du khách cho rằng dù đỉnh đèo Hải Vân là một nơi lý tưởng để dừng chân thưởng ngoạn cảnh núi non, trời biển bao la và hùng vĩ, song cảnh quan cảnh quan nơi đây quá lộn xộn và nhếch nhác: di tích Hải Vân Quan bị bỏ mặc trong hoang phế; một cái lô-cốt với vọng gác đổ sụp; một tượng đài xấu xí cũ kỹ và một khối nhà bê-tông cũ nát… Tất cả tạo ra một cảnh tượng phản cảm trong con mắt du khách. Mặc khác, du khách phải rất khó khăn mới có thể tiếp cận di tích Hải Vân Quan để chụp hình lưu niệm vì không có lối đi dẫn đến nơi này.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết khu vực đỉnh đèo Hải Vân, với di tích Hải Vân Quan, nằm ngay trên ranh giới giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Vì thế, trong nhiều năm qua, đã xảy ra tranh chấp giữa hai địa phương về vấn đề quản lý di tích Hải Vân Quan và khu vực đỉnh đèo. Do vậy mà khu vực này đã bị “bỏ rơi”, mặc dù đây là vị trí đắc địa cho du lịch, rất được du khách quan tâm.

Từ thực trạng trên, chúng tôi thấy rằng chính quyền thành phố Đà Nẵng nên phối hợp với chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cùng xây dựng nơi này trở thành một điểm đến hấp dẫn, an toàn và thuận lợi cho du khách. Ngoài việc trùng tu, tôn tạo di tích Hải Vân Quan, cần dỡ bỏ cái lô-cốt đổ nát và những công trình kiến trúc cũ kỹ, nhếch nhác đang tồn tại nơi đây. Sau đó, tiến hành san lấp khu vực đỉnh đèo, tạo mặt bằng để xây dựng một công viên văn hóa ở xung quanh di tích Hải Vân Quan, tạo thành một điểm tham quan cho du khách.

Ngoài Hải Vân Quan là tâm điểm của công viên văn hóa này, chúng tôi kiến nghị xây dựng một tượng đài, mô phỏng hình chiếc tô sứ ký kiểu có viết bài thơ Ải lĩnh xuân vân của chúa Nguyễn Phúc Chu. Chiếc tô “phục chế” này có đường kính khoảng 2,5 - 3m, trên đó, khắc bài thơ Ải lĩnh xuân vân và hình ảnh minh họa cảnh quan này, với những chi tiết giống hệt bài thơ và hình ảnh trên chiếc tô sứ hiệu đề Thanh ngoạn mà chúa Nguyễn Phúc Chu ký kiểu ở Trung Hoa vào thế kỷ XVIII.

Chúng tôi tin rằng cùng với di tích Hải Vân Quan có từ triều Minh Mạng, sự hiện diện của chiếc tô “phục chế” này như là một biểu tượng vinh danh chúa Nguyễn Phúc Chu, vị chúa Nguyễn có công rất lớn với vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng xưa kia và với cả xứ Đàng Trong, thì đỉnh Hải Vân sẽ trở thành một điểm đến rất hấp dẫn du khách trên “con đường di sản” miền Trung.

3.2.1. Điểm đến trong công viên văn hóa lịch Ngũ Hành Sơn

Ngày 1/6/2009, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ký quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn. Đồ án do Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và thực nghiệm kiến trúc xây dựng (thuộc Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh) thiết lập. Theo đó, một diện tích khoảng 139ha sẽ được quy hoạch và tôn tạo thành một danh thắng văn hóa lịch sử với việc tổ chức lại làng nghề chạm khắc đá Non Nước, xây dựng bảo tàng nghề chạm khắc đá, quy hoạch và xây dựng các tuyến giao thông thủy bộ mới nối liền các điểm tham quan, xây dựng các công viên - tượng đài, các tổ hợp dịch vụ du lịch… nhằm biến nơi này thành một điểm du lịch mang tính tâm linh trên “con đường di sản” miền Trung.

Để góp phần hiện thực hóa đồ án nói trên và tạo thêm điểm đến cho du khách trong Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, chúng tôi đề xuất với những người thực hiện đồ án ý tưởng tạo một tượng đài hình chiếc tô giống hệt chiếc tô sứ ký kiểu có bài thơ Tam Thai thính triều của chúa Nguyễn Phúc Chu, đặt trong Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn mà chính quyền thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt.

Tương tự tượng đài trên đỉnh Hải Vân, chiếc tô “phục chế” này cũng có khoảng 2,5 - 3m, trên đó, khắc bài thơ Tam Thai thính triều cùng hình vẽ minh họa về thắng tích này, với những chi tiết giống hệt bài thơ và hình vẽ trên chiếc tô sứ hiệu đề Thanh ngoạn mà chúa Nguyễn Phúc Chu từng ký kiểu trước đây.

Chúng tôi cũng tin rằng sự xuất hiện của tượng đài mô phỏng chiếc tô Tam Thai thính triều trong Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn sẽ là một điểm nhấn góp phần giới thiệu với du khách giá trị lịch sử, văn hóa của danh thắng nổi tiếng nà. Đồng thời, đây cũng là một cách thức tri ân và tôn vinh vị chúa Nguyễn đã có nhiều công lao và duyên nợ với vùng đất này. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, địa điểm đặt tượng đài hình chiếc tô này sẽ trở thành một điểm tham quan hấp dẫn du khách như tượng đài Ải Lĩnh xuân vân trên đỉnh Hải Vân.

2.3.3. Phương án thực hiện

Để hiện thực hóa ý tưởng nói trên, chúng tôi đề xuất phương án thực hiện như sau:

- Về chất liệu và hình thức thể hiện: Tâm điểm của hai “công viên - tượng đài” này là hai chiếc tô kích thước lớn, mô phỏng hai chiếc tô sứ đề hai bài thơ Ải lĩnh xuân vânTam Thai thính triều. Mỗi chiếc tô “phục chế” có đường kính khoảng 2,5 - 3m. Với kích thước này, không thể phục chế hai chiếc tô này bằng chất liệu gốm sứ, vì không có lò nung nào có thể nung được những chiếc tô có kích thước lớn như thế.

Vì thế, chúng tôi cho rằng chất liệu thích hợp nhất để phục chế hai chiếc tô này là đá cẩm thạch trắng, một đặc sản của làng nghề chạm khắc đá Non Nước. Nếu không thể tìm kiếm, vận chuyển và lắp ráp một khối đá có đường kính khoảng 2,5 - 3m, thì có thể lắp ghép từ 2 đến 4 phiến đá để tạo thành một chiếc tô. Ngoài ra, thay vì viết chữ và vẽ các họa tiết bằng men màu như trên những chiếc tô sứ ký kiểu, thì chữ viết và họa tiết trên hai chiếc tô “phục chế” được thể hiện bằng các nét khắc chìm trên đá, rồi dùng sơn màu sơn lên các nét khắc để làm nổi bật chữ viết và họa tiết trang trí trên thân tô. Hình dáng, tỉ lệ và màu sắc của chữ viết và họa tiết trang trí trên hai chiếc tô “phục chế” phải trung thành với hình dáng, tỉ lệ và màu sắc của chữ viết và họa tiết trên hai chiếc tô sứ ký kiểu thời chúa Nguyễn Phúc Chu, chỉ khác biệt về kích thước.

- Về việc tổ chức thực hiện: Nếu ý tưởng này nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là của lãnh đạo thành phố và của ngành du lịch Đà Nẵng, chúng tôi sẵn sàng phát triển ý tưởng này thành một đề án khả thi, với đầy đủ luận cứ thuyết minh, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ… để cung cấp cho những ai quan tâm đến ý tưởng này, và để kêu gọi các nhà đầu tư nhằm biến đề án thành hiện thực.

Về nguồn kinh phí để thực hiện đề án này, chúng tôi cho rằng chính quyền thành phố Đà Nẵng nên tạo điều kiện để huy động nguồn vốn “xã hội hóa”. Sau khi công trình hoàn tất chính quyền cho phép các nhà đầu tư được đặt biển quảng cáo hay khai thác các dịch vụ phục vụ du lịch tại hai “công viên - tượng đài” để thu hồi kinh phí xây dựng đã bỏ ra.

Chúng tôi cũng cho rằng nên thực hiện đề án này theo hai bước. Trước tiên là xây dựng “công viên - tượng đài” Ải lĩnh xuân vân trên đỉnh Hải Vân trước, vì nơi này đã có sẵn mặt bằng để tạo lập công viên và du khách đã có thói quen tìm đến nơi này để tham quan, ngắm cảnh và chụp ảnh lưu niệm. Tiếp đến mới xem xét, lựa chọn vị trí phù hợp trong Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn để xây dựng “công viên - tượng đài” Tam Thai thính triều.

Ngoài ra, do số lượng cổ vật sứ ký kiểu có đề thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay và giá của những cổ vật này cực kỳ đắt. Trong khi nhu cầu sưu tầm và thưởng ngoạn những kỷ vật của chúa Nguyễn Phúc Chu là rất lớn. Vì thế, chúng tôi cho rằng có thể tạo các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch tại hai “công viên - tượng đài” này bằng cách làm các bản sao hai chiếc tô sứ ký kiểu có đề hai bài thơ Ải lĩnh xuân vân Tam Thai thính triều (và cả những chiếc tô có đề các bài thơ khác của chúa Nguyễn Phúc Chu như: Thiên Mụ hiểu chung, Thuận Hóa vãn thị, Hà Trung yên vũ), với tỉ lệ 1 - 1, bằng các chất liệu gốm sứ hay đá cẩm thạch. Cũng có thể tạo ra nhiều sản phẩm lưu niệm với các chất liệu, hình dáng và kích thước khác nhau, trên đó có khắc (viết, in, thêu, khảm…) các bài thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu, với đầy đủ nguyên văn chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa, để bán du khách.

Trên đây là những ý tưởng của chúng tôi về việc tạo thêm điểm đến cho du khách ở Đà Nẵng, xuất phát từ việc nghiên cứu hai thi phẩm của chúa Nguyễn Phúc Chu ở trên những món đồ sứ ký kiểu gần 300 năm tuổi. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, chỉ giáo của các bậc thức giả và của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, cũng như sự hưởng ứng của các nhà đầu tư để ý tưởng trên có thể biến thành hiện thực.

T.Đ.A.S.

Chú thích

(1) Bấy giờ các lân bang của nước ta như Đại Thanh, Nhật Bản, Lưu Cầu (này là đảo Okinawa, thuộc Nhật Bản), đều gọi vùng đất Đàng Trong là Quảng Nam quốc (nước Quảng Nam).

(2) Đây là những bài thơ “thất ngôn bát cú” (8 câu, 7 chữ), nhưng khi viết trên đồ sứ ký kiểu, mỗi bài thơ được viết thành 10 dòng, gồm 1 dòng là nhan đề bài thơ, 8 dòng nội dung và 1 dòng lạc khoản ở cuối bài thơ ghi ba chữ Hán Đạo nhân thư và được viết theo hàng dọc, từ phải qua trái. Tuy nhiên, để tiện cho việc in ấn, ở đây, chúng tôi trình bày các câu thơ theo hàng ngang, từ trái qua phải và chỉ in phần phiên âm và dịch thơ vì hạn chế font chữ. Nguyên văn chữ Hán xin quý độc giả xem trên ảnh chụp những chiếc tô sứ này.

(3) Thục đạo thiên nghĩa là “đường ngoằn ngoèo ở đất Thục”. Đất Thục xưa ở phía tây Trung Hoa, nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Muốn vào đất Thục phải vượt qua ba cửa ải rất hiểm trở. Chúa Nguyễn Phúc Chu hình thế của Ải Lĩnh trên con đường đi về phương Nam của nước Việt ngoằn ngoèo hiểm trở như con đường đi vào đất Thục của Trung Hoa xưa.

(4) Trong sách Đại Nam nhất thống chí, bản in đời Duy Tân (1907 - 1916) bốn câu đầu của bài thơ được viết như sau (phiên âm): “Việt Nam hiểm ải thử sơn điên. Hình thế hỗn như Thục đạo thiên. Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh. Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên”. Bản dịch sách Đại Nam nhất thống chí do Nhà xuất bản Thuận Hóa xuất bản năm 1992 (Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính), dịch bốn câu này như sau: “Núi này ải hiểm đất Việt Nam. Hình thế hệt như đường vào Thục. Chỉ thấy mây giăng ba đèo dốc. Biết đâu người ở mấy từng mây”.

(5) Phiên Dương là tên một tỉnh thành ở Quảng Đông (Trung Quốc). Trong thành có một chiếc hồ lớn mà khi thủy triều lên nghe âm vọng như tiếng đàn đá.

(6) Chữ trong bài thơ ghi là bạch mã, nghĩa là con ngựa trắng.

(7) Chữ trong bài thơ ghi là thương long, nghĩa là con rồng xanh. Thươngmàu xanh thường chỉ sắc cỏ, nhưng cái gì có màu xanh thẫm cũng gọi là thương.

Tài liệu tham khảo

- Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nxb Thuận Hóa, 1995.

- Trần Đình Sơn, “Quốc chúa Nguyễn Phước Chu”, Văn hóa Phật giáo, Số 52 (ngày 1/3/2008).

- Trần Đình Sơn, “Mây xuân trên đỉnh Ải Vân”, Huế từ năm 2000 (Nhớ Huế 5), Nxb Trẻ, TPHCM, tr. 73.

- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Phạm Trọng Ðiềm dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế 1992.

Chú thích ảnh

Ảnh 01: Chiếc tô sứ ký kiểu vẽ cảnh núi Hải Vân, minh họa bài thơ Ải Lĩnh xuân vân của chúa Nguyễn Phúc Chu.

Ảnh 02: Bài thơ Ải Lĩnh xuân vân trên chiếc tô sứ do chúa Nguyễn Phúc Chu ký kiểu.

Ảnh 03: Bốn câu đầu của bài thơ Ải Lĩnh xuân vân viết trên chiếc tô sứ ký kiểu đời Minh Mạng.

Ảnh 04: Chiếc tô sứ ký kiểu vẽ cảnh núi Tam Thai, minh họa bài thơ Tam Thai thính triều của chúa Nguyễn Phúc Chu.

Ảnh 05: Bài thơ Tam Thai thính triều trên chiếc tô sứ do chúa Nguyễn Phúc Chu ký kiểu.

Ảnh 06: Lô-cốt đổ sụp và tượng đài cũ kỹ “che chắn” bên trái di tích Hải Vân Quan.

Ảnh 07: Khối nhà cũ nát “che chắn” bên phải di tích Hải Vân Quan.

Ảnh 08: Phải rất khó khăn, vị du khách này mới có thể lên đến đây để chụp ảnh di tích Hải Vân Quan.

Ảnh 09: Có thể xây dựng công viên - tượng đài Tam Thai thính triều ở khu đất phía sau hòn Thủy Sơn này.

Ảnh 10. Công viên - tượng đài Tam Thai thính triều cũng có thể tọa lạc ở ngã ba này, một vị trí đắc địa nằm cạnh đường Trường Sa, quận Ngũ Hành Sơn.



* TS. Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng.