ÁM ẢNH CÒN LẠI
TIÊU ĐÌNH
(Đọc tiểu thuyết “Quyền lực” của Bùi Công Dụng)
Tiểu thuyết “Quyền lực” của Bùi Công Dụng (NXB Văn học, tháng 11 năm 2010) được cấu trúc phân mảng thành 21 phần nhỏ xoay quanh những hoạt động của khu kinh tế Biển Đông với những được mất về con người, công việc, tổ chức, quản lý…. Từ không gian hẹp ấy các trục liên kết tỏa rộng theo trật tự tuyến tính là chính. Qua đó, một số nhà đầu tư, nhân vật lãnh đạo cấp tỉnh, trung ương… xuất hiện, chi phối vừa tích cực, vừa tiêu cực đến sự phát triển của khu kinh tế.
Tác phẩm vừa trình làng đã gây được tiếng vang, dù không rộng nhưng lại không nhỏ. Có người còn đoan chắc rằng đây là “Sấp ngửa bàn tay” (Tiểu thuyết của Nguyễn Tam Mỹ đã từng gây xôn xao năm 2009) thứ hai ở Quảng Nam. Cơn “thư chấn” ấy bắt đầu từ những ý kiến cho rằng nguyên mẫu các nhân vật quan trọng của cuốn tiểu thuyết đều còn sống sờ sờ ra đó. Ra đường hay vào cơ quan vẫn có thể gặp được họ….Đúng là bạn bè trong giới quan chức, văn nghệ, báo chí…có điện thoại hỏi búa xua về tập sách này. Có lẽ còn một lý do nữa: Sách in chỉ 500 bản, không đủ để kính biếu cho nhiều người.
Trong những ngày khá bận rộn cuối năm, tôi tìm đọc nhanh tập sách, vì nghề nghiệp và cũng vì một chút tò mò. Khi đọc, tôi cố bình tâm dọn mình thoát ra khỏi sự ám ảnh, quy chiếu từ một con người thực ngoài đời vào nhân vật tiểu thuyết, hay ngược lại.
Tác giả là người có ưu thế đã từng trải chinh chiến với công việc tại một khu kinh tế lớn trong tỉnh nên am tường khá nhiều vấn đề về phát triển kinh tế vĩ mô, dự án quy hoạch, chính sách đầu tư….Nhờ vậy mà nguồn tư liệu sử dụng trong tập sách khá phong phú, không dễ gì nhà văn nào cũng có được. Nhưng cái yếu đôi khi lại nằm trong chính cái mạnh. Lắm lúc thấy tác giả (vì biết nhiều?) đã say sưa kể, say sưa thuyết trình về sở trường và quan điểm đến độ lạc mất “đường bay” của tiểu thuyết. Nhiều đoạn đọc nghe quen quen như đang dự hội nghị hoặc họp giao ban….
Có tác phẩm khi đọc xong trong đầu chẳng còn lưu đọng được điều gì đáng để suy ngẫm. Có tác phẩm ấn tượng được mặt nầy thì bị “dị ứng” mặt kia. Tất nhiên cũng có tác phẩm cả đời mãi đeo đuổi, ám ảnh mình. Riêng với “Quyền lực”, đọc xong, tôi không bị chi phối nhiều bởi những vấn đề về quyền hành và sức mạnh như tên sách đã nêu. Điều mãi ám ảnh đến thao thức tôi là việc chọn lựa nhân tài như là “nguyên khí quốc gia”, việc bố trí sắp xếp con người cho hợp lý như cổ nhân từng nói: “Dụng nhân như dụng mộc”. Nói chung là thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ, một lĩnh vực không dễ đối với bất cứ nơi nào, thời nào.
Nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết là ai? Khó xác định, nhưng rõ ràng là tác giả tập trung nhiều, dụng công nhiều đối với nhân vật Anh Đức, một Phó ban quản lý khu kinh tế Biển Đông phụ trách về các dự án quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng (Một chiếc ghế béo bở?). Anh Đức tốt nghiệp kỹ sư xây dựng tại miền Bắc trong những năm chiến tranh. Sau năm 1975, anh về làm công tác tư vấn thiết kế xây dựng rồi sau đó là Phó ban quản lý khu kinh tế Biển Đông. Nhờ quan hệ rộng với các doanh nhân, các nhà lãnh đạo cấp tỉnh, trung ương, anh bắt đầu tính đến việc đầu cơ chính trị, dùng đồng tiền để mua quyền lực. Khi quyền lực, đồng nghĩa với thế dựa chính mất đi, anh không tự đứng được bằng chính đôi chân của mình nên đành phải bỏ xứ ra đi khi đang là quyền trưởng ban. Chuyện kết ở đó, đúng hơn là thêm một vĩ thanh có hậu cho khu kinh tế: “Tiến sĩ Thạch Cường là phó Chủ tịch tỉnh phụ trách về kinh tế, được thường vụ cử sang làm trưởng ban quản lý khu kinh tế Biển Đông” (tr. 382)…Và “Việc đầu tiên ông tính: Trương Thanh đâu rồi!” (tr. 385). Trương Thanh là một cán bộ giỏi đã từng bị trù dập. Câu nói của ông trưởng ban mới đồng nghĩa với việc bắt đầu truy tìm người tài cho khu kinh tế. Hướng kết mở của tiểu thuyết được dự báo từ tín hiệu nở hoa ấy.
Tạm gọi đây là “cánh cạo tiền” (Chữ của tác giả) thì bên cạnh chủ soái Anh Đức còn có một số tay chân khác mà đáng nói hơn cả là Thành Chung, một cử nhân văn khoa, nhưng không biết “cái màn quy hoạch cán bộ quay qua quay lại thế nào, giờ Thành Chung đường đường là giám đốc trung tâm quy hoạch và xây dựng cơ bản của khu kinh tế” (Tr.75). Sau Thành Chung còn được cất nhắc lên làm Đổng lý văn phòng thay cho Quang Duy. Đối trọng với phe Anh Đức có nhiều người của “cánh cạo giấy” như Trưởng ban Minh Ngọc, Phó ban Lạc Chu, Đổng lý văn phòng Quang Duy, Vân Đình, Anh Tú, Trương Thanh….Nhiều, nói chung là nhân tài không đến nổi “như lá mùa thu”. Lẽ ra trong sự vận hành mang tính đối kháng khốc liệt giữa tốt-xấu, thiện-ác để tạo sự thăng tiến xã hội thì nhiều được ít mất, tích cực phải thắng tiêu cực. Nhưng nghiệt ngã thay, ở đây ê-kíp của Anh Đức ngày càng mạnh, chi phối dần quyền lực của khu kinh tế, đẩy dần những người tài năng tâm huyết phải ra đi. Nội dung cốt lỏi để những người luôn đau đáu với cuộc sống chân-thiện-mỹ phải suy nghĩ, kiểm chứng, trăn trở chính là ở đó. Chủ đề của tác phẩm cũng từ đó mà ra.
Có thể chấp nhận đã là xã hội thì phải có mâu thuẫn, đối kháng. Và làm chính trị thì cũng cần phải có ê-kíp, cần quảng giao và ít nhiều thủ đoạn. Vấn đề là ê-kíp đó sống và làm việc thế nào, theo chiều hướng có lợi thế nào cho quê hương đất nước? Ai cũng biết, không quy tụ được hiền tài là lãng phí, là có tội. Còn quy tụ theo kiểu bè phái cá nhân, vì lợi nhuận cá nhân thì…hỏng cả đại sự. Có người thắc mắc, nhưng tại sao cái tiêu cực vẫn tồn tại và bành trướng trong một môi trường “đất lành”, “lắm người ít ma” như thế được? Đây là độc thoại nội tâm của bí thư Đảng ủy, Thuận Vũ: “Ông đang bị giằng xé giữa một bên là thực hiện theo yêu cầu của cấp trên phải chỉ đạo sao cho Thành Chung vào dược cấp ủy, một bên là làm theo nguyên tắc đảng về bố trí cán bộ” (Tr.286). Còn đây là ý của ông Trưởng ban Tổ chức nói như đe dọa Quang Huy khi anh không chịu rời cái ghế Đổng lý văn phòng để “bị hất lên” làm Phó ban Văn hóa xã hội của tỉnh: “Nếu đây là ý kiến của thường vụ, anh nghĩ thế nào, có chấp hành không? (Tr.295). Và đây là phát biểu hết sức bộc trực của những người “lính” dưới trướng của Minh Ngọc, Lạc Chu và Quang Duy: “Các anh toàn người tốt cả thì lại đi hết” (Tr.241).
Rõ là có sự chông chênh, uẩn khúc trong công tác tổ chức cán bộ. Một bóng đen quyền lực nào đó vẫn thường xuyên chi phối việc làm hết sức quan trọng: sự lựa chọn đúng người đúng việc. Có khi đó chỉ là một cú điện thoại hỏi thăm, nhắc nhở, gửi gắm - ngó như nhỏ xíu mà cực kỳ quan trọng vì có liên quan đến sự sống còn của một tổ chức. Vấn đề đặt ra từ đó, vậy thì nội lực, cộng lực của một khu kinh tế lớn ở tỉnh Lập Yên mất tiêu đâu cả rồi? Không mất, nó vẫn còn đó, nhưng còn dưới dạng là những lần kiểm điểm nội bộ, những lần đấu tranh trực diện: “Nói anh hay là Anh Đức, Thành Chung đều muốn tống khứ tôi ra khỏi cái ban này lắm rồi!...Tôi không đi đâu anh. Tôi phải ở lại đây để bảo vệ thành quả và những ý tưởng của anh chứ. Tụi nó thì nham hiểm mà anh thì lại quá trong sáng…” (Lời của Quang Duy nói với bí thư tỉnh ủy Kiều Phương, tr.271, 272). Hay là nó tồn tại dưới dạng “văn học dân gian” với 19 điều không được làm- như một thất trảm sớ xin chém đầu nịnh thần của Chu Văn An- nếu muốn xây dưng thành công khu kinh tế. (Tr.261). Ai đó đã làm như vô tình vớ được “ bài tổng kết thực tiễn” quý giá này trong một tờ giấy gói xôi bắp, rồi phổ biến rộng rãi, gây dư luận xôn xao cả tỉnh. Hoặc giả, nội lực chiến đấu ấy biến dạng tiêu cực thành nỗi nghẹn ngào trong tiếng hát buồn đêm tiễn đưa Minh Ngọc và Lạc Chu ra đi: Trời buông gió và mây về ngang lưng đèo….Cuộc đời đó tiếng ca lên như than phiền, bàng hoàng lạc gió mây miền….
Nói chung là cái tích cực không chết, mà thay hình dổi dạng, lây lất sống chưa ra sống. Để những con người chân chính vẫn phải tiếp tục trầy trật trước sự nhởn nhơ của cái xấu. Thế mới biết quyền lực tuy vô hình mà khiếp đảm thật. Nhưng quyền lực sẽ khống chế tài đức cho đến bao giờ? Ai là người chịu trách nhiệm? Tác giả không giải quyết triệt đễ hai vấn đề này, hoặc là không thể lý giải nổi như nó vốn là thuộc tính của cuộc sống. Khép lại cuốn tiểu thuyết ta thấy tác giả đã mượn kết quả bầu cử của một kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh để nói thay mình về uy tín từng người. Quyền lực coi như tạm thời rút lui. (Rút lui chứ không phải bị tận diệt?). Như thế đã quá kéo dài, quá đắt cho một cái giá phải trả. Còn trách nhiệm, tất nhiên là thuộc về nhiều người, kể cả những người tốt đã đấu tranh không đến cùng cho lẽ phải. Nhưng đối với người chịu trách nhiệm chung cao nhất là Bí thư Tỉnh ủy Kiều Phương thì tác giả đã tổng kết như một lời phi lộ ở cuối tập sách: “Bây giờ có thể ông chưa nghĩ ra, nhưng nhiều năm sau, chắc ông sẽ nghĩ ra….Họ (chỉ những cán bộ dưới quyền của ông) biết cả, nhưng buộc lòng phải cư xử một cách nhẹ nhàng và lịch lãm như thế, họ để ông đứng một quãng xa vừa phải để ông tự nhìn nhận lại mình…”(Tr.381). Cũng là một cách giải quyết hay theo văn hóa Á đông?
Văn học bây gìờ đẻ thêm ra nhiều chức năng kỳ lạ lắm, như chức năng giải trí, chức năng ám chỉ, v.v…Tôi cố dọn mình không nghĩ đến nhân vật ám chỉ mà chỉ nghĩ đến cái chung thì xin bạn đọc cũng đừng từ bài viết của tôi mà quy chiếu vào một con người cụ thể. Herriot đã có một định nghĩa về văn hóa thường được nhiều người nhắc: “Văn hóa là cái còn lại sau khi đã mất”. Đọc xong “Quyền lực”, dường như trong tôi không còn lại ấn tượng nào về ngôn từ văn chương hay nghệ thuật biểu hiện…. Mà thật sự tôi bị ám ảnh, bị ray rức mãi bởi vấn đề: chọn-hiền-tài-cho–nguyên-khí quốc-gia. Cái còn lại ấy, không biết có nên tạm gọi là văn hóa “nhân sự” hay không?
T.Đ