LỐI RA NÀO CHO CỬ NHÂN NGỮ VĂN?
TS. PHẠM NGỌC HIỀN
Trước đây, ngành Ngữ văn đã từng có một thời khá thịnh hành. Nó có mặt ở tất cả các trường ĐHTH, ĐHSP và hầu hết các trường CĐSP địa phương. Người ta đã quen nếp nghĩ: học Văn để đi dạy hoặc nghiên cứu. Tuy nhiên, ngày nay xin đi dạy không phải dễ, còn hướng nghiên cứu thì không ai muốn đi. Đa số học sinh chọn các ngành kinh tế kỹ thuật, dễ kiếm việc làm lại có thu nhập cao. Còn học ngành Ngữ văn cũng như các ngành xã hội nói chung khó xin việc làm, thu nhập thấp nên nhiều thí sinh ngại đăng ký học ngành Văn.
Hiện nay, khoa Ngữ văn của nhiều trường ĐH, CĐ phía Nam đang đứng trước thách thức lớn. Đa số các trường ĐH và CĐ địa phương đều có ngành Ngữ văn nhưng không tuyển sinh được. Các trường ĐH công lập lớn cũng than phiền chất lượng đầu vào của sinh viên Ngữ văn ngày càng kém. Còn khoa Ngữ văn các trường dân lập đứng trước sự lựa chọn: một là nhập các ngành xã hội lại thành một khoa gọi là khoa Xã hội. Hai là điều chỉnh lại chương trình đào tạo, giảm bớt kiến thức hàn lâm để nhường chỗ cho các bộ môn mang tính thực dụng hơn. Chẳng hạn như khoa Ngữ văn trường ĐH Văn Hiến vốn đào tạo theo mô hình ĐH Tổng hợp cũ nhưng nay lại định hướng cho sinh viên năm cuối đi theo các phân ngành: báo chí, truyền thông, sư phạm và văn phòng. Sinh viên ra trường sẽ có nhiều cơ hội chọn nghề, đây cũng là hướng mở.
Mục tiêu cơ bản của trường ĐH KHXH & NV là đào tạo các nhà nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đa số sinh viên xác định đây không phải là hướng đi chính của mình trong tương lai nên từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường đã chuẩn bị hành trang thực tiễn hơn. Đó là việc học thêm các chứng chỉ như: sư phạm, báo chí, tin học, văn phòng, kế toán, luật, ngoại ngữ… Cử nhân khoa học Ngữ văn có khá nhiều hướng xin việc làm: nghiên cứu, giảng dạy, viết báo, biên tập, truyền thông, văn phòng, quản lý hành chính, du lịch, kinh doanh… Nói chung, cơ quan hoặc công ty nào có văn phòng và bộ phận tuyên truyền quảng cáo đều có tuyển dụng cử nhân Ngữ văn.
Trường ĐHSP có chức năng đào tạo giáo viên, nhưng con đường dạy Văn cũng cũng có lắm nẻo. Nếu trước kia, sinh viên tốt nghiệp ĐH đi dạy cấp III, tốt nghiệp CĐ dạy cấp II thì ngày nay không còn sự phân biệt đẳng cấp như vậy nữa. Tốt nghiệp CĐ, học tiếp lấy bằng ĐH để dạy cấp III, trong khi người tốt nghiệp ĐH nếu không xin dạy cấp III được thì dạy cấp II hoặc cấp I. Nếu không dạy trường công thì dạy trường tư hoặc các trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa. Nhiều sinh viên ra trường không có nhiệm sở nên làm gia sư, nhờ dạy giỏi, thu nhập cao mà suốt đời gắn bó với nghiệp “giáo viên tự do”. Thời nào người ta cũng cần thầy giáo, chỉ có điều là hình thức dạy mỗi thời có thể khác nhau, chỉ cần thích ứng nhu cầu thời đại là có việc làm.
Nhiều người quan niệm, kiến thức học được ở trường Đại học như nền tảng để người ta ra đời làm nhiều việc khác nhau. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi có nhiều sinh viên trường Viết văn Nguyễn Du ra trường lại rất thành công trên con đường kinh doanh. Ngày nay, phần lớn sinh viên ra trường đều làm trái nghề để đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. Bởi vậy, học Văn không phải để suốt đời ngâm nga thơ phú như mấy cụ hàn Nho thời xưa mà là để góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các bạn cử nhân Ngữ văn trẻ nên ý thức điều này để sẵn sàng nhập cuộc.
Cảnh Xuân
Một bài thơ “thuận nghịch độc” thần tình
Bài thơ Cảnh Xuân được truyền tụng khá lâu nhưng chưa biết tên tác giả và năm sáng tác. Bài thơ làm theo thể Đường luật, bảy chữ tám câu, luật trắc vần bằng (tổng cộng 56 chữ). Bài thơ đọc ngược hay đọc xuôi đều có nghĩa và đúng niêm luật thơ Đường, còn gọi là “thuận nghịch độc”. Bên cạnh cách đọc “thuận nghịch độc” như trên, nếu lượt bỏ các từ đâu hoặc cuối mỗi câu sẽ tạo thành 6 bài khác nữa. Như vậy, từ một bài thơ gốc, bài thơ Cảnh Xuân “biến hoá” thành 8 bài Cảnh Xuân, mỗi bài mỗi vẻ. Non Nước giới thiệu bài thơ này đến với bạn đọc.
1.
Bài thơ gốc:
Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.
2.
Đọc ngược bài gốc từ dưới lên, ta được bài thơ thứ 2:
Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.
3.
Bỏ 2 chữ đầu mỗi câu trong bài gốc (ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):
Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười.
4.
Bỏ 2 chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược từ dưới lên (ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):
Mắt ai bóng thướt tha
Đàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta.
5.
Bỏ ba chữ cuối mỗi câu trong bài gốc (tám câu / bốn chữ):
Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai.
6.
Bỏ ba chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược từ dưới lên (tám câu / bốn chữ):
Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân.
7.
Bỏ bốn chữ đầu mỗi câu trong bài gốc (tám câu / ba chữ):
Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Đàn trầm bổng
Mắt mỉm cười.
8.
Bỏ bốn chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược từ dưới lên (tám câu / ba chữ):
Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta.
Vũ Thanh Nhàn st và gt