KHI CUỘC SỐNG VƯỢT XA MƠ ƯỚC

01.04.2011

KHI CUỘC SỐNG VƯỢT XA MƠ ƯỚC

Tùy bút
Phan Tứ

Tôi đi qua các phố Đà Nẵng như đi giữa chiêm bao. Rõ ràng mở mắt mà ngờ chiêm bao. Trong gần 30 năm tôi đã mơ ngày giải phóng Đà Nẵng. Ngày ấy đến, lạ thay, sao tôi cứ như nửa mê nửa tỉnh. Chung quanh tôi thấp thoáng những khuôn mặt tươi nở, những miệng cười, những tay vẫy, những xe rồ máy, những thác áo quần trăm màu, những rừng cờ lộng lẫy mới tinh, những đám đông xúm xít chung quanh một anh bộ đội giải phóng đội mũ tai bèo-hình ảnh đẹp nhất của miền Nam chống Mỹ. Tất cả đều thực, trăm phần trăm thực, mà lại bồng bềnh như có gì hư ảo, như một đoạn phim có mây khói bay qua và nhiều đốm sao nhấp nháy…

Mấy ngày qua, cùng với Đà Nẵng tự do, tôi lao vào cơn xoáy lốc của trăm việc không tên và có tên, từng lúc chẳng hiểu sao cứ muốn cười muốn hát, lại đôi khi một giọt nước mắt mừng tủi bỗng trào lên khóc khi ai đó nhắc tới một kỷ niệm xưa. Có thật không nhỉ, có thật lớp người chúng tôi đã xa Đà Nẵng hơn 28 năm ròng rã, hay chỉ mới tạm biệt Đà Nẵng năm ngoái, tháng trước, ngày hôm qua thôi? Lẽ nào sau lưng chúng ta lại đằng đẵng tới hơn một phần tư thế kỷ chia xa đau đớn đến thế, hơn một phần tư thế kỷ đấu tranh quyết liệt đến thế mới trở lại sum họp trong lòng Đà Nẵng?

Đầu năm 1947, đoàn Tuyên truyền xung phong chúng tôi rời Đà Nẵng trong tiếng đạn to nhỏ của giặc Pháp, giữa những đám cháy ngùn ngụt. Đồng bào đã khuân bàn ghế giường tủ ra chất đống trên mặt đường chặn xe tăng Pháp, anh em tự vệ chặt những hàng cây ven phố đổ đè lên trên thành những chiến lũy xanh um. Các anh Vệ Quốc quân mặc quân phục xi-ta xám, áo trấn thủ không tay, đội mũ đu-ra, nép sau bờ tường lảy từng phát mút-cơ-tông, viên nổ viên câm. Bỗng hồi còi chào cờ thường lệ buổi sáng thong thả cất lên, to dần, vang động trên bầu trời Đà Nẵng, tha thiết và trang nghiêm như một lời thề. Chúng tôi dừng lại, đứng im trong khi đạn đại liên Pháp chém vào mái nhà, ngói vỡ rơi xuống đầu. Từ đó tiếng còi chào cờ im hẳn…

Mùa xuân 1975. Đứa trẻ theo các anh chị ra đi năm ấy lại trở về với nhiều sợi bạc trong tóc và nhiều vết thương trên mình. Cùng với anh Nguyễn Chí Trung và mấy bạn khác, tôi bôn ba từ Sa Huỳnh đâm bổ về Đà Nẵng cho kịp ngày giải phóng, băng qua vùng đồng bằng Trung Trung bộ rừng rực màu cờ đỏ xanh vàng. Bằng 5 chiếc xe hơi liên tiếp, bằng thuyền máy, bằng đò chèo tay, bằng Hông-đa ôm, bằng đôi chân cuốc bộ, chúng tôi rượt theo các anh hùng Quân giải phóng đã đánh mạnh thắng nhanh như sấm chớp, rầm rộ tiến vào thành phố lớn thứ nhì của miền Nam đang rùng rùng nổi dậy.

Xe tăng ta vào. Bộ đội vào. Đại bác vào. Các chiến sĩ tự vệ Đà Nẵng ra khỏi thành đón Quân giải phóng từ trước, nay dẫn từng cánh quân tuôn vào các phố. Ngày Tết 29/3 của Đà Nẵng mở đầu mùa xuân đẹp chưa từng thấy trên phố cảng. Đêm đen qua rồi. Cơn ác mộng tan rồi. Sau ngót ba mươi năm đắng cay tủi nhục, Mỹ-Thiệu còn dành cho đồng bào Đà Nẵng những ngày đêm cuối cùng đầy khủng khiếp, khi mấy vạn tàn quân ngụy từ khắp nơi trong vùng Một chiến thuật sống sót chạy về… Nhưng Quân giải phóng đã đến kịp. Quân ta tiến vào tới đâu, đồng bào vui mừng tới đó, thành phố sống dậy và nổi dậy tới đó. Bà con hé cửa nhìn ra, thoáng thấy bóng mũ tai bèo là xô tung hai cánh cửa, ùa cả ra đường mà reo, mà vẫy, mà cười rơi nước mắt, và sau đó cùng với bộ đội ta đi gọi hàng lính địch, lùng bắt bọn còn chống cự. Ánh nắng dường như tỏa theo các mũi tiến quân, chỉ sau vài giờ đã chiếu sáng rực toàn thành Đà Nẵng, đưa hơn một triệu bà con ta bước vào mùa xuân vĩnh viễn.

Đà Nẵng mở ngay Hội mùa xuân. Anh em công nhân giữ nguyên dòng điện và dòng nước thành phố, không cho giặc phá. Thanh niên học sinh cài vội băng đỏ vào tay, lãnh súng, đi tảo trừ tàn quân địch lập tức. Lắm cậu lánh nạn quân dịch còn nguyên bộ râu xồm và mái tóc híp-py, từ trên trần nhà buông thang dây leo xuống, phóng xe đi nhận công tác ngay. Giáo chức, ký giả, văn nghệ sĩ kéo nhau đến gặp cán bộ cách mạng, hỏi xem mình có thể góp sức cách nào trong vận hội mới. Những đội nữ sinh áo trắng ôm hoa đến chào mừng bộ đội, hát và ngâm thơ không dứt, chỉ trừ một đôi phút nghẹn ngào. Ở sân vận động Chi Lăng, hơn một vạn bà con đến xem phim cách mạng, xem xong cứ ngẩn ngơ đứng mãi không muốn về. Đà Nẵng reo cười, Đà Nẵng bắt tay vào xây dựng, nhưng các họng súng Đà Nẵng vẫn luôn chĩa ra biển, ngước lên trời, và vô vàn cặp mắt tinh tường của bà con ta đang dõi theo bọn ác ôn còn núp chưa chịu ra hàng.

Tôi được nghe không biết bao nhiêu câu chuyện quái lạ chung quanh sự tan vỡ chớp nhoáng của quân đội ngụy, của bộ máy thống trị tưởng chừng không dễ gì lay chuyển. Mỹ-Thiệu cố xúc lũ tàn quân và bọn tay sai đi khỏi Đà Nẵng mà không kịp. Quân ta tiến nhanh như bão táp, khiến lũ tàu chiến cuống quít chạy dạt ra khơi, đến máy bay phản lực và trực thăng còn bị bắt sống tại chỗ huống chi bọn đi bộ! Ở bến cảng và sân bay, bọn chỉ huy ác ôn xả súng bắn binh lính của chúng chết hàng loạt, đạp xéo chết tươi đàn bà trẻ em để giành chỗ trên tàu biển hoặc máy bay, rốt cuộc cũng chẳng chạy trốn được là bao.

Đó, sự thật về việc “di tản thường dân” mà đế quốc Mỹ kêu rên thảm thiết, mong những người dân Mỹ cả tin sẽ chịu để chúng moi thêm tiền thuế mà trút sang cho thằng Thiệu. Bọn ác ôn chai lỳ nhất sau khi thua trận bỗng dưng biến thành thường dân vô tội, ngây thơ như trẻ em bọc tã, cần được cứu ra khỏi vùng chiến sự ác liệt, ai không cứu họ là thiếu nhân đạo quá chừng! Quả thật, đế quốc Mỹ đã vượt xa mọi thứ đế quốc xưa nay về mức độ đểu giả song song với tàn ác, chúng giết người không gớm tay và nói láo không hề ngượng miệng!

Tôi muốn gọi năm 1975 kỳ diệu là năm đoàn tụ, năm hồi sinh. Từng vạn từng triệu đồng bào máu mủ ruột rà của ta lần lượt được sum họp trong lòng dân tộc. Những gia đình có con em theo cách mạng lần lượt tròn mâm cơm mừng buổi họp mặt đông vui. Cả một lứa tuổi trẻ đau thương bị ép buộc cầm súng Mỹ được dịp vất súng trở về làm lại cuộc đời. Cuộc đại đoàn viên năm 1945 đối với miền Nam ta thật là quá ngắn, cuộc đại đoàn viên đang diễn ra trước mắt chúng ta đây sẽ là bất tận và ngàn lần đẹp hơn.

Hôm nay, đợt chạy đua việt dã vẫn đang ngon trớn. Bộ đội ta đánh thắng với một độ gia tốc không tưởng tượng nổi. Các tỉnh và thành phố ào ào nổi dậy theo cấp số nhân, cuộc sau rầm rộ hơn cuộc trước. Mỗi chúng tôi hôm nay có mặt tại Đà Nẵng vẫn sẵn sàng tiến xa nữa về những nơi đang còn giặc.

Sau mấy ngày bận việc rối mù giữa một Đà Nẵng say sưa, dường như tôi đã lọt được vào chỗ rốn của cơn bão. Đêm nay tôi buộc mình ngồi yên dưới đèn nê-ông để viết hối hả mấy dòng này, nhưng từng lúc lại phải buông bút để đón tin giờ chót: Ta hoàn toàn giải phóng Qui Nhơn, ta đánh vào Nha Trang, đài phát thanh Đà Nẵng sáu giờ chiều nay phát đi buổi đầu tiên trên sóng 600 ki-lô-xích…

Biết bao nhiêu lần rồi nhỉ, chúng ta từng nhắc tới ngày Hội lớn của những người bị áp bức? Thì đây, ngày Hội giải phóng của Đà Nẵng đang diễn ra sờ sờ trước mắt. Lạ lùng thay cuộc đổi đời 1975! Nó đi những bước bảy dặm, nó bay lên như tên lửa vũ trụ, nó vượt quá xa những mơ ước táo bạo nhất của riêng tôi, và tôi cứ mải miết đuổi theo cuộc sống Việt Nam rất đỗi giản dị mà lại rất gần với thần thoại cổ xưa!

Đà Nẵng, đêm 1/4/1975