Ngày xuân đi kiếm mì

01.04.2011

Ngày xuân đi kiếm mì

Giai thoại văn nghệ sĩ

 Vùng cao Quảng Nam, vùng căn cứ cách mạng, từng rẫy mì (còn gọi là sắn) chen lẫn trong rừng, mì là thứ lương thực chủ yếu của đồng bào các dân tộc vùng cao Trường Sơn. Ưu điểm của khoai mì là nằm sâu dưới đất, ít bị ảnh hưởng chất độc hóa học.

Chiến trường B1 những năm ấy thật sự đói và ác liệt. Lương thực tiếp tế ở miền Bắc, Mỹ dội bom phá chặn đường ít vào được. Gạo dưới đồng bằng, địch bít lối, thậm chí gạo đưa lên cứ phải giấu trong mõm bò nên sự gian nan thiếu thốn là lẽ đương nhiên.

Văn công là đơn vị tuy đã được quân khu ưu tiên trợ cấp nhưng lúc ấy vẫn phải gượng để không đói, khẩu phần ăn hàng ngày vẫn có mì cõng gạo, thứ mì khô phơi không có nắng nên thành mì đen. Tuy vậy, mỗi sớm chính trị viên đoàn phải tự xuất kho đong cho đúng với tiêu chuẩn không lạm vào ngày mai.

Để ngày xuân có chút lương thực dư dả hơn, đoàn tổ chức lực lượng xung kích đi kiếm mì. Kiếm mì là đi ngược lên vùng cao hơn nữa, tìm những làng đồng bào nơi ít bị bom phá rẫy, có dư ăn để mình có thể xin đổi chác.

Mũi xung kích ngày xuân đi kiếm mì chúng tôi gồm khoảng mười người cả trai lẫn gái, hầu hết là lực lượng múa bởi trẻ, khỏe nhất đoàn. Vật dụng mang đổi mì là những thứ đồng bào ưa thích như quần, áo, hăng gô...

Đi 2 ngày đường, chúng tôi lên tới một làng, làng vững chắc của căn cứ cách mạng. Trên vách núi có khắc một dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ban ngày vào làng, không gặp được ai bởi tất cả đều đi lên rẫy. Cửa từng nhà đều mở không đóng. Chúng tôi ngó vào, cảm giác ban đầu đã thấy sững, bởi bếp nhà nào cũng có dăm cái hăng gô mới treo còn quần áo bộ đội bằng vải Tô Châu Trung Quốc thì nhà nào cũng quá thừa.

Thế là hy vọng chuyện đổi chác không thành, chẳng lẽ về tay không! Những cái đầu sáng tạo nghệ thuật lập tức được vận hành. Chúng tôi nghĩ cách tổ chức biểu diễn để kiếm mì. Nhưng diễn mà không có trang phục đạo cụ? Chẳng sao! Có con người có tất cả, nghệ thuật biểu diễn chính ở con tim mình.

Gắng đợi ở làng, tới chiều lác đác có người đi rẫy về, chúng tôi hỏi nhà trưởng làng, dân chỉ đến nhà. Gặp trưởng làng chúng tôi trịnh trọng thông báo tổ xung kích đoàn văn công quân khu tới thăm làng có ý định biểu diễn giao lưu hát múa với làng đêm nay. Nghe vậy, trưởng làng vui mừng lắm. Chọn luôn địa điểm tổ chức tại Nhà Rông. Chúng tôi lên kế hoạch đề nghị đồng bào đến dự mỗi người mang một thanh xà nu để góp lửa sáng và vài củ mì giúp lương thực cho bộ đội văn công. Đề nghị ấy được trưởng làng thông qua ngay.

Đêm ấy, dù không có trang phục biểu diễn, nhạc cụ chỉ có chiêng trống của làng cùng hòa âm với tiếng hát, chúng tôi diễn hết mình cháy sáng như lửa xà nu. Có bao nhiêu vốn múa hát trong người đội xung kích chúng tôi đem ra hết.

Hơn nửa đêm, cuộc diễn mới tàn nhưng đồng bào vẫn vô cùng lưu luyến. Củ mì dân đem đến cho xếp chặt mười gùi. Không chỉ có mì, nhiều nhà còn mang cho chúng tôi cả thịt heo rừng sấy khô gác bếp, cả trứng gà tươi và nhiều thứ rau ngon của rừng.

Đội xung kích trên đường trở về đơn vị, hớn hở, vai nặng gùi mì, còn nặng cả tấm lòng dân với bộ đội văn công.

Lê Huân