Hậu duệ Hoàng Diệu - Chuyện giờ mới kể...

01.04.2011

Hậu duệ Hoàng Diệu - Chuyện giờ mới kể...

* Long Vân

Tấm gương trung liệt của cụ Hoàng Diệu - Tổng đốc Hà Ninh, đã cùng quân, dân Hà Nội quyết tử giữ thành khi giặc Pháp tấn công, cách đây khoảng 128 năm trước (1882) được khắc ghi trong lịch sử nước nhà và người đời truyền tụng, ngợi ca: “Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện. Bình sinh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khởi vô tâm” (Tôn Thất Thuyết). Nhưng, có thể nói rằng, rất ít người biết chuyện hậu duệ cụ Hoàng Diệu - những người học rộng, tài cao, đóng góp công sức rất lớn cho sự phát triển của đất nước, quê hương...

· Địa linh sinh nhân kiệt

Tộc Hoàng (Huỳnh) là một trong số dòng tộc có nhiều người nổi tiếng học cao, hiểu rộng; văn hay, chữ tốt của làng Xuân Đài, một trong số các ngôi làng trù phú trên đất Gò Nổi (nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Có một câu chuyện đầy màu sắc huyền thoại về sự hình thành nên vùng đất Gò Nổi nằm giữa dòng Thu Bồn, con sông khởi nguồn từ đỉnh núi mẹ Ngok Linh trong dãy đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Chuyện đã được người Gò Nổi truyền miệng qua nhiều thế hệ. Rằng, xưa kia có một con cá kình to lớn từ biển Đông lội vào cửa Đại Chiêm rồi ngược dòng sông Thu Bồn lên thượng nguồn. Khi lội tới đây, cá kình kiệt sức nằm lại và hóa nên Gò Nổi (gồm 3 xã: Điện Phong, Điện Trung và Điện Quang). Địa linh sinh nhân kiệt nên đất này có lắm người tài giỏi; nhất là các ngôi làng nằm ở vùng bụng cá kình như: Xuân Đài, Bảo An...

Các cụ già cao niên nhất còn nói với tôi rằng, trong các gia phả tộc họ ở xã Điện Quang, còn ghi rõ: Vào thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1991 – 1725), mảnh đất đầu Gò Nổi này có 4 ngôi làng: Phi Phú, Ân Phú, Xuân Châu và An Phú, phong cảnh hữu tình, giao thông đường thủy về cửa Đại Chiêm thuận lợi; do vậy lúc có ý định dựng kinh đô ở phía Nam, Chúa Nguyễn Phúc Chu “ngắm nghía” đất này và đã cho các thầy địa lý đến tìm hiểu phong thủy. Tuy nhiên, việc lập kinh đô bất thành, vì các thầy địa lý bẩm báo với Chúa Nguyễn rằng, đất ở đây “không chưn” (đất đào lên lấp lại không đầy), không thể xây dựng cung điện, đền đài. Cho nên, sau khi từ bỏ ý định lập kinh đô tại đây, Chúa Nguyễn đã cho gom hai làng Phi Phú và Ân Phú để hình thành làng có tên mới là Bến Đền; đổi tên làng An Phú thành Bảo An; làng Xuân Châu thành Xuân Đài...

Chuyện huyền thoại về vùng đất, chuyện truyền miệng trong dân gian là thế; còn sự thật thì các làng ở vùng đất Gò Nổi, đặc biệt một số ngôi làng như: Xuân Đài, Bảo An... từ bao đời nay đã sản sinh ra rất nhiều anh hùng hào kiệt, nhân sĩ, trí thức. Làng Xuân Đài có hai vị tướng quân “sanh vi tướng, tử vi thần”, được thờ phụng trong đình làng, hằng năm được dân làng cúng giỗ trọng vọng; đó là cụ Đoàn Ngọc Tài, Đô đốc thân tướng của Trần Quang Diệu, đã tuẫn tiết khi bị Nguyễn Ánh vây thành và cụ Hoàng Diệu, Tổng đốc Hà Ninh, quyết tử với Hà thành khi giặc Pháp tấn công. Người làng Xuân Đài vẫn luôn nhắc nhở nhau về tấm gương trung dũng, tiết liệt của các cụ, thậm chí khắc thành đối liễn treo trước bàn thờ trong đình làng: “Uy danh như Đoàn Đô đốc. Tiết liệt như Hoàng Tướng công”...

Còn riêng với họ Hoàng của làng Xuân Đài, chỉ kể từ đời cụ Hoàng Diệu về sau người tài giỏi không hiếm... Theo lời các bậc trưởng lão, họ Hoàng ở làng Xuân Đài có gốc từ Hải Dương, khoảng 400 năm trước Thủy Tổ họ Hoàng vào đây lập nghiệp và đã truyền 14, 15 thế hệ. Cùng với nhiều dòng tộc khác sinh cơ lập nghiệp trên đất Gò Nổi, họ Hoàng làng Xuân Đài “xứng danh” là dòng tộc hiếu học. Chỉ tính gia đình cụ Hoàng Văn Cự (bố cụ Hoàng Diệu), có 7 người con, trong đó một người học giỏi, song bị bệnh mất sớm; còn lại 6 người đều đỗ đạt thành tài: 1 phó bảng, 3 cử nhân và 2 tú tài. Rồi từ đời cụ Hoàng Diệu về sau, con, cháu có rất nhiều người nối gót cha, ông học hành đỗ đạt thành danh, làm rạng rỡ tông môn. Điều ấy, trong Sách Quốc Sử quán triều Nguyễn cũng ghi chép rành rành: “Quảng Nam là vùng đất học, có số lượng người thi đỗ nhiều nhất so với các tỉnh phía Nam đèo Hải Vân. Có trên 20 gia đình liệt vào hàng thế khoa (nhiều người đỗ); tiêu biểu có họ Hoàng làng Xuân Đài, cha con, anh em, bác, chú, cháu đều thi đỗ...”.

· Trung, hiếu vẹn toàn...

Đất Gò Nổi có truyền thống lâu đời về nghề tằm tang, canh cửi. Những ngày Giêng, Hai, đi dọc biền dâu xanh ngát nằm của vùng đất Gò Nổi bên dòng Thu Bồn, tôi chợt nhớ chuyện bà mẹ cụ Hoàng Diệu với chiếc roi dâu gửi cho con để dạy con làm quan, làm người... Chuyện rằng, khi làm quan ở kinh đô Huế, cụ Hoàng Diệu được vua ban cho sâm, nhung, gấm, lụa... bèn gửi về biếu mẹ già ở quê. Bà mẹ nhận được quà chẳng những không vui mà còn gói số quà đó cùng cây roi dâu gửi lại cho cụ Hoàng Diệu. Thì ra, bà mẹ nghĩ những đồ vật quí giá kia là của đút lót, biếu xén cho “quan”; nên gửi trả cho cụ Hoàng Diệu kèm cây roi dâu quê nhà, cốt hàm ý răn dạy con về đạo làm người phải biết trung, hiếu vẹn toàn, làm quan phải thanh liêm, chính trực... Ấy là bà mẹ nghĩ oan cho người con trai, chứ thực tế thì con người của cụ Hoàng Diệu trung, hiếu vẹn toàn. Thậm chí, với cụ thì thờ vua cho trọn đạo cũng là giữ chữ hiếu với cha, mẹ: “Không trung với vua sao gọi hiếu, dám đâu để tủi đến mẹ già”...

Và, dường như những người con họ Hoàng của làng Xuân Đài đều lấy chữ “Hiếu” làm trọng, nên họ xem chữ “Hiếu” hơn cả công danh, sự nghiệp. Ví như em trai cụ Hoàng Diệu là cụ Hoàng Văn Bảng học giỏi thi đỗ tú tài, cử nhân rồi ra làm quan Án sát sứ nhiều tỉnh như: Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Tĩnh... Đến khi cụ Hoàng Diệu tuẫn tiết với Hà thành, cụ Bảng bèn cáo lão về quê phụng dưỡng mẹ già. Đến các đời con, cháu, chắt cụ Hoàng Diệu, cụ Hoàng Văn Bảng cũng vậy. Rất nhiều người vì muốn làm tròn hiếu đạo với cha, mẹ mà sẵn sàng từ bỏ chốn quan trường...

Trên cuộc hành trình tìm kiếm hậu duệ cụ Hoàng Diệu, tôi đã biết được nhiều chuyện thú vị. Đó là chuyện cụ Hoàng Diệu kết làm sui gia với cụ Phạm Phú Thứ, một trong số đại thần triều nhà Nguyễn có quan điểm canh tân đất nước trong những năm cuối thế kỷ 19. Cụ Phạm Phú Thứ cũng là người con Gò Nổi, ở làng Đông Bàn (xã Điện Trung, Điện Bàn, Quảng Nam). Cụ Phạm gã con gái là bà Phạm Thị Xuân Nga làm vợ con trai đầu cụ Hoàng Diệu là ông Hoàng Tuấn. Nối gót cha, ông Hoàng Tuấn thông minh, siêng học, văn chương lỗi lạc, năm 25 thi đỗ tú tài ra làm quan, đến năm Thành Thái 12, ông hồi hương phụng dưỡng mẹ già. Năm Duy Tân thứ 8, ông đã được triều đình thăng thọ Hàn Lâm Viện Thị Độc... Ông Hoàng Tuấn lại làm sui với cụ Lê Đình Đỉnh, ở làng Na Kham, Tổng đốc Hà Nội sau cụ Hoàng Diệu, gã con gái là bà Hoàng Thị Tuất làm vợ Lê Đình Dương, con trai cụ Đỉnh. Mà Lê Đình Dương không ai xa lạ, là bạn học của ông Hoàng Văn Kiểm là con trai đầu ông Hòang Tuấn, cháu đích tôn cụ Hoàng Diệu. Năm 1915, Lê Đình Dương thi đỗ Y sĩ Đông Dương, song ông tham gia Quang Phục Hội theo vua Duy Tân khởi nghĩa chống Pháp nên bị Pháp bắt kết án tù 20 năm khổ sai, đày lên Buôn Mê Thuột và mất tại nhà lao sau 3 năm bị giam. Còn ông Hoàng Văn Kiểm, học cùng lớp với Lê Đình Dương ở Quốc học Huế, học giỏi, thông thạo chữ nho, chữ Pháp, lẫn chữ Quốc ngữ... Nhưng, ông Kiểm đã không theo chuyện học hành tới cùng như Lê Đình Dương, mà khi biết ở quê nhà cha, mẹ già thiếu người chăm sóc, ông đã xếp bút nghiên về quê để làm tròn bổn phận người con hiếu thảo, lo chuyện từ đường...

Nhắc đến ông Kiểm, người dân Gò Nổi và bờ Bắc sông Thu Bồn đều xem ông như một nhà cách tân kinh tế trong vùng. Hỏi ra mới biết, hồi đó vùng này không có thủy lợi nên mùa màng bà con nông dân thất bát. Ông Kiểm bỏ tiền túi ra mua máy bơm nước hiệu Thụy Điển mang về làng, sáng lập Công ty Thủy lợi Hòa Hưng, be bờ, đắp đập tưới nước cho các cánh đồng; giúp đỡ dân nghèo...

Em trai ông Hoàng Tuấn là ông Hoàng Hiệp, cũng là ấm sinh, tinh thông văn học, am tường tướng số, địa lý. Tuy bỏ đường quan lộ, theo nghề nông tang nuôi dưỡng mẹ già, song ông Hiệp cũng là người yêu nước, giao du với nhiều chí sĩ, lãnh trách nhiệm kinh tài cho phong trào Nghĩa hội...

· Rạng danh con, cháu họ Hoàng

Nhiều cụ già ở làng Xuân Đài ngày nay vẫn còn nhắc chuyện ông Hoàng Phò đả hổ. ông Hoàng Phò là con trai thứ của cụ Hoàng Diệu cùng tuổi với Bác sĩ, Cư sĩ Phật giáo Lê Đình Thám (em trai liệt sĩ, Y sĩ Lê Đình Dương), học Quốc học Huế ra Hà Nội thi và tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương (Mesdecin Indochinois) loại ưu năm 1917. Ông Hoàng Phò giết cọp trừ hại cho dân vào những năm ông đang là Giám đốc Y tế tỉnh Quảng Ngãi. Tôi thầm nghĩ, một y sĩ chỉ quen nghề khám bệnh, cho thuốc, vậy mà đã dũng cảm đi giết được cọp dữ cứu dân, đúng là chuyện đáng lưu truyền hậu thế. Nhiều cụ ông, cụ bà của làng Xuân Đài tôi gặp, họ đều khẳng định rằng, hồi đó trong làng có lưu giữ những bài báo cùng với tấm ảnh ông Phò ngồi trên mình cọp sau khi đã bắn hạ nó. Chỉ tiếc rằng, chiến tranh giặc giã cày nát đất này nên những bài báo về ông Phò cũng thất lạc từ lâu...

Nhưng, mọi người vẫn không quên câu chuyện ông Hoàng Phò đả hổ. Thì ra, sau khi tốt nghiệp Y sĩ Đông dương, ông Phò được bố trí làm việc tại nhà thương Huế một thời gian, sau đó được điều vào làm Giám đốc Y tế tỉnh Quảng Ngãi. Vào thời điểm ấy, có một con cọp dữ thường xuống làng Mỹ Khê gần núi Thiên Ấn bắt heo, người... Để trừ họa cho dân, ông Phò hăng hái xung phong cùng một Tây đồn tên là Rémy đi bắn cọp. Trong chuyến đi săn, Tây đồn bị cọp vồ nát bắp chân; ông Phò cũng bị cọp quật ngã làm rơi súng, song ông vẫn bình tĩnh nhặt súng bắn hạ gục nó. Cũng từ đó danh tiếng ông Phò “đả hổ” lan khắp vùng, cộng thêm tay nghề cao, tính tình khẳng khái, liêm chính nên ông được đông đảo nhân dân mến mộ... Điều đáng nói ở đây, tuy học nghề thuốc của người phương Tây, song ông Phò rất ghét bọn thực dân cướp nước, vì thế mà ông không được người Pháp ưu dùng. Làm việc ở Quảng Ngãi không bao lâu, họ chuyển ông Phò lên vùng cao nguyên, nơi có công trường thi công đường sắt răng cưa Tua Chàm – Đà Lạt, ở đây bệnh dịch tả, sốt rét đang hoành hành. Ấy thế, ông Phò vẫn lạc quan, làm việc giúp dân hết mình; đồng thời nghiên cứu thành công cách chữa trị các căn bệnh tả, sốt rét. Nghiên cứu này của ông Phò đã trở thành tài liệu tuyên truyền phòng chống dịch bệnh lúc bấy giờ...

Nếu như cụ Hoàng Diệu thông minh, hiếu học; 19 tuổi thi đỗ cử nhân, 25 tuổi đậu phó bảng ra làm quan thanh liêm, chính trực, vì nước, vì dân... thì lớp con, cháu cụ cũng không phụ lòng người đi trước. Trong gia phả họ Hoàng làng Xuân Đài còn ghi rõ, đời kế cụ Hoàng Diệu, họ Hoàng có 6 người thi đỗ cử nhân, tú tài; trong số đó có ông Hoàng Tuấn là con trai cụ Hoàng Diệu. Khi người Pháp đô hộ nước ta chuyển từ việc học chữ nho, sang chữ Quốc ngữ, chữ Pháp; cũng đã có 25 người họ Hoàng làng Xuân Đài thi đỗ Diplôme, tú tài Pháp, làm kỹ sư, giáo sư, dược sĩ, y sĩ... Đó là đời thứ 8 họ Hoàng, tính từ đời thứ 10 trở đi số lượng người học hành giỏi giang, đỗ đạt thành tài, mỗi đời phải xấp xỉ con số hàng trăm...

Thế hệ thứ 10 của họ Hoàng làng Xuân Đài có ông Hoàng Hân, gọi cụ Hoàng Diệu bằng cố nội, chỉ trong năm 1932 đã học và thi đỗ 3 bằng: Brevet Élesmentaire, Brevet d’Enseignement và bằng Diplôme. Những người con ông Hoàng Kỵ (ông Kỵ là con ông Hoàng Văn Bảng; gọi cụ Hoàng Diệu bằng bác ruột), có 7 người đỗ đạt thì trong đó 5 người sau là giáo sư đại học. Ông Kỵ đã từng làm quan nhà Nguyễn thời vua Duy Tân, Khải Định, được thăng chức Thị Giảng học sĩ. Còn những người con xuất chúng của ông Kỵ hẳn ai cũng biết, đó là các giáo sư đại học: Hoàng Phê (Ngôn ngữ học), Hoàng Qúy (Vật Lý), Hoàng Kiệt (Mỹ Thuật), Hoàng Tụy và Hoàng Chúng (Toán học). Nhắc đến Giáo sư Hoàng Tụy thì không ai không thán phục. Ông đã có trên 100 công trình nghiên cứu về toán học được công bố trên các tạp chí toán học quốc tế; là người sáng lập ra Hội Toán học Việt Nam... cùng với các giáo sư Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm góp phần xây dựng nền toán học nước nhà phát triển như ngày nay. Nhiều nhà toán học lừng danh trên thế giới đều có hứng thú đối với “thuật toán” của Giáo sư Hoàng Tụy, còn gọi là “lát cắt Tụy” và những phương pháp để giải quyết bài toán cựu tiểu lõm. Các phương pháp này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của một chuyên ngành mới là tối ưu toàn cục... Năm 1996, Giáo sư Hoàng Tụy là một trong những nhà khoa học đầu tiên của nước ta được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh…

Ngày xuân, thắp hương thơm viếng mộ cụ Hoàng Diệu trên cánh đồng làng Xuân Đài, băng qua những biền dâu xanh ngát bên cầu Kỳ Lam, tôi được nghe các cụ già “làm tằm ăn cơm đứng” kể về ông Hoàng Nam, cháu nội án sát Hoàng Văn Bảng (em ruột cụ Hoàng Diệu), là người đã canh tân và phát triển ngành dệt tại làng Xuân Đài vào những năm 1936-1937. Thời ấy mà ông Hoàng Nam đã “dám nghĩ, dám làm” tậu cả khung dệt máy ngoại về, dùng nguyên liệu tơ tằm địa phương dệt nên hàng lãnh Nam Vang và dệt Tusso. Sản phẩm dệt của ông Nam làm ra rất tinh xảo chẳng những bán khắp trong Nam, ngoài Bắc, mà còn sang cả thị trường Lào, Cao Miên...

Chợt nghĩ rằng, dù theo nghề nông tang, hoặc đường quan lộ, những người con họ Hoàng của làng Xuân Đài cũng đã góp công rất lớn để hình thành nên một đội ngũ đông đảo danh nhân, chí sĩ của xứ Quảng và vùng đất Gò Nổi “địa linh nhân kiệt”. Và, thế hệ con, cháu của họ Hoàng cũng đã học hành đỗ đạt thành tài, cống hiến cho quê hương, đất nước, không phụ công ơn sinh thành của bậc tiền nhân và tấm gương trung liệt của cụ Hoàng Diệu thuở trước...

L.V