Từ Huy - Hồn quê xứ Quảng
Chân dung nhạc sĩ Từ Huy
Nhạc sĩ Từ Huy, tên khai sinh là Tạ Từ Huy, sinh ngày 15 tháng 10 năm 1948, mất ngày 10 tháng 9 năm 2006. Quê quán ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Từ Huy từng học Đại học Văn khoa Sài Gòn, Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Sớm có thơ đăng trên các tạp chí Đối diện, Văn, Thiện Mỹ, Điện tín,... Sau năm 1975, Từ Huy chủ yếu đi vào sáng tác ca khúc. Ông là lớp nhạc sĩ đầu tiên trưởng thành sau 1975 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngay từ những tác phẩm đầu tiên mang chất nhạc trẻ như Những lời em hát, Mùa xuân tình yêu... đã được giới thanh niên cùng thời đón nhận nồng nhiệt. Những năm sau đó, ca khúc Từ Huy xuất hiện nhiều trên các sàn diễn như Chiều thứ bảy, Lời yêu thương, Một thoáng quê hương, Mong đợi ngậm ngùi, Ngày em đến, Quê hương tuổi thơ tôi, ... đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng yêu nhạc.
Là một trong bảy nhạc sĩ thuộc nhóm Những người bạn, Từ Huy vừa sáng tác vừa tổ chức Câu lạc bộ Nhạc sĩ nhằm giới thiệu các tác phẩm mới của các nhạc sĩ trẻ và giới thiệu các ca sĩ trẻ. Từ Huy đã xuất bản nhiều tuyển tập thơ, ca khúc và album tác giả. Ông từng là hoạ sĩ báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh và là thư ký tòa soạn tạp chí Thế giới Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Cũng như bao nhà thơ, nhạc sĩ khác của Quảng Nam, quê hương xứ Quảng luôn là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Từ Huy tạo nên các bài thơ, bản nhạc hay. Quê hương ta xứ Quảng anh hùng là một minh chứng. Bài thơ có 628 từ, đăng trên tạp chí Đối Diện, số 38, tháng 8 năm 1972, sau đưa vào nhiều tuyển tập, nhất là Tuyển tập Tiếng hát những người đi tới, NXB Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 1993.
Có thể thấy rằng, hình ảnh quê hương đi vào thơ nhạc Từ Huy nhẹ nhàng, tự nhiên. Từ Huy đã dành nhiều vần thơ yêu thương cho quê hương. Từ những địa danh quen thuộc như: Thu Bồn, Vĩnh Điện, Tam Kỳ, Quế Sơn, Duy Xuyên, Hội An, Cửa Đại, Tiên Phước, Đại Lộc, Hòa Vang đến những vùng đất chưa quen thuộc với bao người: Hương An, Tiên Đõa, Vĩnh Trinh, La Tháp, Bàng An, Nghi Hạ, Chiên Đàn, Đá Dừng, Hòn Kẽm… Có khi trong một câu thơ có cả miền ngược, miền xuôi, có núi rừng xanh thẳm và biển cả trùng khơi, có phố thị đông vui và các miền quê yên ả:
- Từ Tý Sé, Dùi Chiêng, về Duy Xuyên, Hội An, Cửa Đại …
Tôi đã về qua mấy suối mấy sông
Nay Cẩm Lệ, mai Vĩnh Trinh, La Tháp
Ngày nào đây thanh bình vang tiếng hát
Lụa Mã Châu tôi may áo cho nàng...
- Tôi ghé Bàng An thăm nhà người bạn
Ngọn tháp Hời ngày tháng vẫn trơ gan
Đường về Tam Kỳ tôi ghé Hương An
Bãi cát trắng đượm tình khoai
Tiên Đỏa Nải chuối mật mong người về
Nghi Hạ Ôi Quế Sơn hùng vĩ núi chập chùng
Đặc biệt, quê hương với Từ Huy là những tuổi tên gắn liền với lịch sử và truyền thống đấu tranh anh dũng đất Quảng:
- Nào Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…
Ơi quê hương xứ Quảng đất
anh hùng Muôn người dân cùng một
ý thức chung Kháng chiến trường kỳ đuổi quân
cướp nước Gian khổ không hề nguy nan
không lùi bước Vách sắt thành đồng của Tổ quốc
thân yêu
Từ Huy yêu những hàng cây xanh mướt, những bờ bãi nương dâu bên dòng Thu Bồn, yêu màu xanh tươi của đồng lúa, yêu sông núi chập chùng, yêu nhưng “Người dân quê với nếp sống hiền lành”.
Sản vật của quê hương đi vào thơ Từ Huy cũng dung dị, thấm đượm nghĩa tình: “Ơi quê hương thơm Chiên Đàn ngọt lịm”/ “Bãi cát trắng đượm tình khoai Tiên Đỏa/ Nải chuối mật mong người về Nghi Hạ”. Và, đây là hình ảnh những người con quê hương:
Đồng bào tôi vẫn kiên trì sống mãi
Dù ngày giặc bắn phá ầm vang
Còn ngọn rau tấc đất
Còn luống cải bông vàng
Còn sắn phơi khô
Còn khoai xắt lát
Là còn những con người khinh bạc
Sống ngang tàng và quyết chết
vinh quang
Từ Huy yêu mến và gắn bó với mảnh đất sinh ra và nuôi dưỡng mình nên người. Sau này, nhạc phẩm Quê hương tuổi thơ tôi của Từ Huy được nhiều người yêu thích bởi giọng điệu tha thiết, trữ tình về cảnh và người của đất Quảng. Con sông Thu êm đềm chảy giữa đôi bờ, lũy tre xanh soi bóng xuống đường làng, ngõ xóm, chiếc diều bay giữa cánh đồng tháng hạ. Lại nhớ tiếng tu hú gọi. Sao không là tiếng chim nào khác! Mùa tu hú gọi là mùa nhớ nhung, mùa cánh đồng gọi về bao dấu vết ký ức. Mùa đánh thức nỗi niềm quê nhà, gợi bao thương nhớ:
Tôi yêu quê tôi, xanh xanh lũy tre.
Quê hương tuổi thơ đi qua đời tôi.
Đường làng quanh co, sông Thu
êm đềm.
Thả diều đá bóng nắng cháy
giữa đồng.
Biển trời mênh mông tôi bơi
ngày ấy. Tiếng tu hú gọi thấy nhớ biết bao.
Tôi xa quê hương, bao năm tháng
qua.
Nhưng trong trái tim không
bao giờ xa.
Lời mẹ ru con hiu hiu trưa hè.
Mùa lụt nước lũ bắt cá giũa đường.
Kỷ niệm yêu thương cho tôi ngày ấy,
Biết đâu tìm lại, biết đâu mà tìm.
Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi?
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ.
Cho tôi tìm lại, cho tôi một ngày.
Ngày ấy đâu rồi?
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ.
Nhưng câu chuyện cổ, mẹ kể
năm nào.
Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi?
Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi?
(Quê hương tuổi thơ tôi)
Với Từ Huy, tình yêu quê hương, đất nước là thứ tình cảm tự nhiên và thường trực trong trái tim của người nghệ sĩ đa cảm này. Tình cảm đó, qua thời gian, trở thành sợi chỉ đỏ, trở thành nguồn mạch chính, xuyên suốt trong những sáng tác của Từ Huy, thơ ca cũng như âm nhạc, như các câu thơ:
Chiều nay như biết bao chiều
Ráng hồng sau núi chim kêu
vang đồi
Tôi nhìn trong cõi xa xôi
Tình yêu đất nước bời bời ruột gan.
(Quê hương ta xứ Quảng anh hùng)
Tiếc rằng, Từ Huy mất sớm, lúc 58 tuổi, tài năng đến độ chín, khát khao cống hiến cả thơ ca và âm nhạc.
H.V.H