NSƯT Hoàng Hải: Nghề diễn viên hấp dẫn nhất là được sống nhiều cuộc đời

11.05.2025
Phạm Thiều Hạnh

NSƯT Hoàng Hải: Nghề diễn viên hấp dẫn nhất là được sống nhiều cuộc đời

Chân dung NSƯT Hoàng Hải

Với khán giả yêu thích phim truyền hình Việt Nam, NSƯT Hoàng Hải là gương mặt quen thuộc, in dấu ấn đậm nét, bền bỉ qua nhiều vai diễn đa dạng, góc cạnh và rất “đời” được thể hiện sống động trên phim ảnh. Riêng với khán giả Đà Nẵng, có thể nói Hoàng Hải là cái tên hiếm hoi trong làng nghệ sĩ ở thành phố biển “trụ vững” và tỏa sáng với nghề diễn viên, cho dù có lúc tưởng như anh đã bỏ cuộc giữa chừng. Gần 30 năm gắn bó với điện ảnh và phim truyền hình, ít ai trong số khán giả yêu quý anh biết được, nghệ sĩ quê gốc Đà Nẵng này đã vượt qua bao chông gai để có thể “chung thủy” với mối duyên mà cuộc đời trao cho từ lúc anh bắt đầu nhận ra đam mê của chính mình. Trong dịp trò chuyện thân tình sau buổi sinh hoạt của Hội Điện ảnh Đà Nẵng, NSƯT Hoàng Hải đã có những bộc bạch “gan ruột” về cái nghề mình đã chọn và gọi đó là “duyên nghiệp”.

Đường đời và duyên nghiệp

Tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, Hoàng Hải được về làm việc tại Nhà hát kịch Hà Nội. Những ngày đầu làm diễn viên, Hoàng Hải được xếp làm kép phụ cho NSND Hoàng Dũng mỗi khi thầy Hoàng Dũng có việc đi vắng. Đầu những năm 1990, với đồng lương ít ỏi, cuộc sống còn nhiều khó khăn, dẫu rất yêu nghề, Hoàng Hải đành để mình dạt trôi theo những thúc bách của đời sống. Rời Nhà hát kịch Hà Nội, cùng gia đình chuyển về Đà Nẵng, Hoàng Hải gia nhập Đoàn kịch Quảng Nam-Đà Nẵng, nhưng chưa đầy năm, Đoàn đã bị giải thể và sáp nhập vào Đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng. Không còn đất “dụng võ”, Hoàng Hải đã có những ngày vô định. Vì cuộc sống mưu sinh, anh chuyển sang nghề lái xe tải đường dài, xe chở khách du lịch… Ý chí muốn vươn lên thay đổi cuộc đời khiến Hoàng Hải có lúc phải vay mượn vàng làm vốn đi buôn lợn, rồi đến buôn đậu phộng, đậu xanh... Bôn ba từ Nam ra Bắc, anh nếm đủ mọi rủi ro, thất bại, đắng cay khi đối mặt với những thử thách nghiệt ngã của đời sống khiến con đường ước mơ được sống với nghề diễn xuất, ngoảnh lại ngày càng xa.

Song, điều mà Hoàng Hải không bao giờ nghĩ tới lại bất ngờ đến với anh như một phép mầu của cuộc đời, bù đắp những tháng năm hụt hẫng đam mê. Những cay, chua, mặn, đắng từng nếm trải từ tháng ngày vật lộn mưu sinh, lại là những trải nghiệm giá trị cho anh thêm sự thấu đáo, sâu sắc khi hóa thân vào những vai diễn sau này. Nhớ về những tháng ngày đầu được trở lại với nghề diễn viên, trong ánh mắt, giọng nói Hoàng Hải không giấu được vẻ xúc động: “Cuộc sống mưu sinh khiến Hải nghĩ sẽ không bao giờ trở lại làm nghề được nữa. Bẵng đi vài năm, một ngày đẹp trời đạo diễn Quốc Trọng từ Hà Nội vào Đà Nẵng dò hỏi, tìm đến tận nhà Hải mời vào vai diễn trong phim Huyền thoại mẹ. Nghe anh ấy thuyết phục, lạt lòng thế nào lại nhận, phải nhờ bạn chạy giùm chuyến xe chở hàng hôm đó. Trở lại nghề từ phim ấy, Hải được mời ra Hà Nội đóng tiếp phim về bộ đội biên phòng. Một ngày vỡ bối cảnh không quay được, Hải ghé Hãng phim Truyền hình Việt Nam (VFC), may mắn lọt vào mắt đạo diễn Khải Hưng. Sau khi diễn thử, thấy Hải biết đánh võ, biết bơi, chơi tenis, lại biết lái xe, đạo diễn chọn ngay vào phim Cảnh sát hình sự. Đấy là series phim hình sự đầu tiên của Việt Nam dài 40 tập do VFC sản xuất năm 1998. Sau chuỗi phim hình sự , Hải tham gia tiếp bộ phim dài tập “Đường đời”. Sau đó cứ thế, năm ít thì 1 phim,năm nhiều thì 2-3 phim, tính ngót nghét đến nay cũng gần 100 phim...”

Gần 30 năm theo nghiệp diễn với con số xấp xỉ 100 bộ phim điện ảnh và truyền hình, đủ thấy chặng đường dài mà NSƯT Hoàng Hải miệt mài đi qua từ thời trai trẻ đến tuổi trung niên hiện tại. Đằng sau những thành công trong sự nghiệp, sự ghi nhận qua các giải thưởng, danh hiệu cùng sự hâm mộ của khán giả, mấy ai hiểu được những nghệ sĩ như Hoàng Hải đã phải vượt qua bao gập ghềnh, thử thách, kể cả rủi ro, nguy hiểm để được sống trọn với nghề. Điều gì đã cuốn hút, tạo động lực cho người diễn viên tiếp tục chọn đi trên con đường lấp lánh hào quang mà cũng lắm chông gai này?“Hoàng Hải không cho đó là nghề mà là nghiệp, tức là đã có duyên nghiệp thì không né đi đâu được. Thật sự, khi được làm phim đúng là Hoàng Hải như được sống. Tại sao diễn viên vượt qua được tất cả, ngoài yêu nghề, còn có một điều là họ được sống nhiều cuộc đời. Và theo Hoàng Hải, cái đó là cái hấp dẫn, lôi cuốn nhất. Ngay cả những vai phản diện cũng có sức hút mạnh mẽ của nó. Đôi khi trong cuộc sống nhìn sự việc như thế mà không phải thế. Tất cả những sự che đậy giả dối được người diễn viên bóc tách, lột trần ra cho khán giả nhìn thấy những xấu xa ẩn đằng sau. Hoặc với những sự hy sinh, lòng tốt của những nhân vật chính diện thì diễn viên, đạo diễn và ekip làm phim cũng sẽ đào sâu vào thế giới nội tâm, làm bật lên tính cách, vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật. Đôi khi, để có thể vượt qua nỗi đau để sống tốt, họ cũng phải trả giá rất nhiều. Đấy chính là tính hấp dẫn của nghề diễn viên.”

Những vai diễn đa dạng, lôi cuốn

Với vai trung úy Trần Minh cương trực, tận tụy trong series phim Cảnh sát hình sự (1997-2000), Hoàng Hải đã để lại dấu ấn đầu tiên, đậm nét cho khán giả truyền hình. Đây cũng là bệ phóng giúp anh quyết tâm trở lại với nghề diễn viên, theo cách anh nói vui “tổ nghiệp đã thương, thì mình có thoát ra, tổ nghiệp cũng lôi vào”. Song song với chuỗi phim hình sự, cái tên Hoàng Hải dần được các đạo diễn chọn vào vai diễn trong các phim Hai người trở lại trung đoàn, Vết trượt, Đuốc sáng rừng đêm, Rác phố, Đồ vật lãng du, Làng ven hồ… Năm 2004, Hoàng Hải tiếp tục gặt hái thành công với vai thầy thuốc Hải trong bộ phim dài tập Đường đời qua việc khắc họa sống động hình ảnh một cựu bộ đội với số phận phiêu bạt, phải lăn lộn nhiều nghề để kiếm sống trong bối cảnh xã hội thời kỳ hội nhập kinh tế thị trường, trước khi trở thành một thầy lang uy tín, có cuộc sống yên ổn. Với vai diễn ấn tượng này, năm 2005, Hoàng Hải được trao giải Diễn viên truyền hình được yêu thích nhất do Tạp chí Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Đây là cột mốc đánh dấu sự thành công trong sự nghiệp diễn xuất của diễn viên Hoàng Hải. Từ năm 2005-2010, đều đặn mỗi năm, anh được mời tham gia đóng nhiều phim từ đề tài chiến tranh, xây dựng nông thôn mới, văn hóa xã hội, tâm lý gia đình đến phim về đề tài lịch sử như: Dòng sông phẳng lặng (2005), Miền quê thức tỉnh (2006), Cỏ lông chông (2007), Gió làng Kình (2008), Ngõ lỗ thủng (2009), Vệt nắng cuối trời (2010), Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long (2010)… Không chỉ được khán giả yêu thích qua tuyến vai chính diện, bằng tài năng của một diễn viên thực thụ, từng trải qua nhiều va đập với thực tế xã hội trần trụi, càng về sau, Hoàng Hải được các đạo diễn “chọn mặt gửi vàng” qua hàng loạt vai phản diện. Có lúc, anh hóa thân thành “ông trùm máu mặt” của thế giới ngầm như phim Mê Cung với nhân vật Đồng Vĩnh có tạo hình đầu trọc ấn tượng, vì tư thù, lợi ích riêng mà ra tay tàn độc với đàn em, thậm chí cả người thân; vai Tuấn “Mỏ” trong phim Hồ sơ cá sấu, ông trùm bí ẩn, quyền lực, dưới vỏ bọc doanh nhân thành đạt, tử tế là bản chất của một kẻ máu lạnh, mưu mô, không từ thủ đoạn để đạt được mục đích… Hay “đa nhân cách” trong vai bác sĩ Nghị, một người khó phân định tốt - xấu, đến người thân cũng không biết có bao nhiêu lớp mặt nạ trên gương mặt người chồng, người cha của mình trong phim Mặt nạ gương. Có lúc, Hoàng Hải lại gây ấn tượng “đáng ghét” với các vai diễn “nửa chính nửa tà” như vai Cơ, một chủ tịch hợp tác xã nhiệt huyết, chân chất nhưng dần bị lòng tham quyền lực cùng những mưu tính thiệt hơn làm tha hóa trong phim Gia phả của đất (2016);vai ông Hoài, bề ngoài đạo mạo nhưng sau lưng vợ con lại lén lút ngoại tình, gây ra nhiều sóng gió cho gia đình trong phim Chạy trốn thanh xuân (2018) v.v…

Song song với mảng phim truyền hình, ở lĩnh vực điện ảnh, Hoàng Hải “bén duyên’ với nhiều bộ phim: Hà Nội, Hà Nội (2006), Vũ điệu tử thần (2007), Những người viết huyền thoại (2013), Thầu Chín ở Xiêm (2015), Trạng Quỳnh (2019), Lính chiến (2019). Đặc biệt, sự góp mặt của anh góp phần mang lại giải thưởng lớn cho bộ phim hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc Hà Nội, Hà Nội sản xuất năm 2006. Nhờ “thâm niên” lái xe trọng tải lớn, anh được đạo diễn Bùi Tuấn Dũng và Lý Vỹ chọn vào vai Trọng, anh chàng lái xe tốt bụng cùng hai nhân vật khác giúp nữ chính từ Trung Quốc sang Việt Nam tìm được người thân, hoàn thành sứ mệnh tình cảm với  bà  ngoại.  Chia  sẻ  kỷ  niệm  đáng nhớ nhất trong bộ phim này, anh không khỏi thú vị khi nhắc đến phân cảnh: “Hoàng Hải lái chiếc xe container chở cả đoàn đổ đèo, lao vun vút vào đường ray tàu hỏa khiến cả ekip làm phim “nghẹt thở”. Bộ phim đoạt giải Cánh Diều Vàng lần thứ IV - 2006 và diễn viên Hoàng Hải, với những nỗ lực đáng ghi nhận được vinh danh với giải “Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất”. Tháng 11/2007, bộ phim lại lần nữa được xướng tên trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15, nhận giải Bông Sen Vàng cho phim truyện nhựa. Với bộ phim Những người viết huyền thoại (2013), lấy bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thời kỳ những năm 1960, Hoàng Hải thủ vai tướng Lê Dinh, được lấy cảm hứng từ nhân vật lịch sử có thật là Thượng tướng Đinh Đức Thiện. Bộ phim đã thành công rực rỡ tại LHP Việt Nam lần thứ 18 với giải Bông Sen Vàng cho phim truyện nhựa xuất sắc cùng hàng loạt giải thưởng danh giá khác.

Với những đóng góp nỗ lực, bền bỉ cho điện ảnh và truyền hình nước nhà, cùng sự đánh giá cao từ giới chuyên môn, sự yêu mến của khán giả, năm 2012, Hoàng Hải được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Từ đây, với nét son rực rỡ, NSƯT Hoàng Hải như được chắp thêm đôi cánh bay cao hơn trên vòm trời nghệ thuật. Với lối diễn chân thật mà sắc nét, có chiều sâu, biến hóa đa dạng trong diễn xuất, tạo hình giàu biểu cảm trong nụ cười, ánh mắt, NSƯT Hoàng Hải đã hóa thân thành “nhiều cuộc đời”, mỗi cuộc đời chứa đựng tấn bi kịch với những xung đột tâm lý, sự đấu tranh giằng giật giữa thiện và ác; giữa công lý, lẽ phải và mưu đồ bất chính; giữa lòng tốt, sự tử tế và lòng tham hay tính háo danh, ích kỷ của con người… Nhìn vào bảng liệt kê các bộ phim truyền hình và phim nhựa mà NSƯT Hoàng Hải tham gia với mốc thời gian hầu như ít để trống năm nào, đủ thấy sức làm việc bền bỉ và năng lượng dồi dào của nam nghệ sĩ. Riêng từ năm ngoái đến năm nay, anh đã đóng đến 7 phim: Độc đạo, Đi giữa trời rực rỡ, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Cuộc chiến không giới tuyến, Xin chào Hà Nội, Đại gia chân đất gần đây nhất là phim Mật lệnh hoa sữa của Đài Truyền hình Hà Nội với đề tài hình sự trong vai ông Sửu, trùm ma túy… Dường như với NSƯT Hoàng Hải, càng có tuổi lại càng “say” nghề, như anh bộc bạch: “Mình cứ như con tằm nhả tơ vậy. Thời trẻ toàn đóng vai chính diện, cứng hơn chút toàn đóng vai phản diện, lâu lâu lại về vai chính diện. Theo Hải, dạng vai nào có cái hay của nó, vấn đề là mình và đạo diễn khai thác thế nào cho thú vị”. Nhiều khán giả yêu thích phim truyền hình Việt hẳn chẳng thể quên hai vai diễn ấn tượng của Hoàng Hải trong hai bộ phim dài tập phát sóng cùng thời điểm trên sóng giờ vàng của VTV năm 2024, hằng đêm thu hút hàng triệu lượt người xem. Đó là vai ông Chiểu trong phim Đi giữa trời rực rỡ và vai ông trùm Lê Toàn trong phim Độc đạo. Hai nhân vật “bố” với hai tạo hình, tính cách hoàn toàn trái ngược nhau. Một “bố Chải” đơn thân giàu nhất bản, yêu chiều con hết mực, hơi hợm của nhưng có nét hài hước, thú vị, còn ông bố Lê Toàn đầu bạc trắng với tính cách thâm trầm, khôn khéo, nhạy bén trong mọi tình huống, về già muốn “rửa tay gác kiếm”, sống vì gia đình nhưng vẫn không tránh khỏi hệ lụy từ quá khứ. Song nếu nói về vai diễn “gây sốt” màn ảnh nhỏ gần đây nhất của Hoàng Hải phải kể đến vai Lưu “nát”, một ông bố “gà trống nuôi con” làm nghề bốc vác ở chợ đầu mối Long Biên trong bộ phim dài tập “Cuộc đời vẫn đẹp sao”. Một vai diễn cuốn hút, rất gần gũi đời thường với tính cách xù xì, gai góc, bề ngoài ăn nói bỗ bã, thích cà khịa người khác nhưng bên trong là một tấm lòng hào hiệp, độ lượng, đặc biệt là người cha hết mực thương con, vì con có thể đánh đổi cả tính mạng. NSƯT Hoàng Hải chia sẻ “Tôi rất may mắn khi được nhận một vai diễn đặc biệt thú vị thế này. Khi đọc kịch bản, tôi đã “mê”luôn nhân vật này”. Để lột tả được trọn vẹn hình ảnh, tính cách, giọng nói, cách đi đứng cùng những diễn biến nội tâm phức tạp đan xen, dằn xé của người đàn ông có nhiều tâm sự, bị dồn đến bước khốn cùng vẫn không tuyệt vọng, gục ngã…, có vẻ như Hoàng Hải đã vận dụng tất cả những trải nghiệm của mình trong suốt quãng đời làm nghề, cả những cọ xát “bầm dập” từ những năm tháng lăn lộn chạy xe đường dài, “buôn lợn lợn chết, buôn đậu xanh mưa bão hóa thành giá đỗ...”, chưa kể phải giảm 6 ký và nhiều lần rách cơ khi vào vai cửu vạn. Nhân vật Lưu “nát” hiện lên chân thực, tự nhiên đến độ người viết bài này cảm tưởng như Hoàng Hải đã từng trải qua nghề cửu vạn, từng vật vạ trong xóm trọ nghèo nàn, hôi hám, từng cay đắng, bức bối khi bị những kẻ có tiền coi rẻ, miệt thị…. Nếu không phải là NSƯT Hoàng Hải, có thể có chăng một nhân vật Lưu “nát” với lỗi diễn “xuất thần”, chạm đến trái tim người xem đến vậy! Thoát vai Lưu “nát”, Hoàng Hải hóa thân thành người chiến sĩ biên phòng trong phim Cuộc chiến không giới tuyến (2023) với vai đồn phó Quang và nhận được nhiều lời khen của khán giả khi thể hiện đậm nét hình tượng người lính cụ Hồ với những phẩm chất cao đẹp. Với vai diễn ý nghĩa này, NSƯT Hoàng Hải đã được đại tướng Phan Văn Giang của Bộ Quốc phòng trao tặng Bằng khen, ghi dấu ấn mới trong sự nghiệp diễn xuất của mình. Nghe anh chia sẻ về từng vai diễn, càng thấu cảm những trăn trở của người diễn viên với khát vọng làm nghề bằng cái tâm trong sáng “Với Hoàng Hải, bất kể vai nào, dù ngắn dài, dù dễ hay khó, Hải luôn có cảm giác đây là cảnh diễn cuối cùng nên mình phải làm hết sức có thể. Vì có đôi lúc quay từ sáng đến tối, mình mệt mỏi, tặc lưỡi nghĩ thôi thế được rồi. Khi làm xong phim xem lại, nghĩ giá như mình làm như thế kia có phải hay hơn không. Cho nên rất nhiều phim, Hoàng Hải đã làm là phải chỉn chu nhất có thể. Và chính những đoạn ngắn tốt nhất có thể đó sau khi ghép lại sẽ ra thành một đoạn phim dài được nhất có thể, còn hay hay dở là tùy khán giả cảm nhận. Riêng mình đã làm hết sức để sau mình không tiếc nữa”.

“Qua mỗi phim, thấy mình lớn lên”

Ai đó từng viết rằng: “Cuốn phim cuộc đời được tạo nên từ muôn ngàn những lát cắt trong cuộc sống.. Nếu như bạn nguyện ý dùng sự tinh tế, tỉ mỉ của mình đi cảm nhận hết thảy những điều vụn vặt tầm thường được gói ghém trong khói lửa nhân gian, bạn sẽ gặt hái được thật nhiều những xúc cảm mới mẻ và ấm áp vô cùng…”. Tình cờ đọc những dòng chiêm nghiệm trên, liên tưởng những điều được nghe từ NSƯT Hoàng Hải, chợt phát hiện ra sự kết nối thú vị, tâm đắc khi anh chia sẻ về quãng thời gian làm phim “Đường đời”: “Trong 13 tháng làm phim, Hoàng Hải học được quá nhiều thứ về cuộc sống, về nhân sinh. Nhận vai võ sư thầy thuốc, việc đầu tiên mình phải lọ mọ đi chơi với mấy ông thầy thuốc học cách gói thuốc, sắc thuốc, bắt mạch, phong thái ngồi nghe nhịp mạch, học nhớ tên thuốc. Vì nhân vật Hải trong phim là nguyên mẫu có thật, anh Nguyễn Hữu Khai, tổng giám đốc công ty dược Bảo Long, khi làm phim anh vẫn còn sống nên rất nhiều thứ phải hỏi anh và được anh chia sẻ rất nhiều. Đơn cử như việc dùng miếng võ như thế nào để khống chế được bệnh nhân khi lên cơn nghiện, mà không làm bệnh nhân trọng thương. Đấy chỉ là một chi tiết rất nhỏ, còn rất nhiều thứ về tâm lý con người, cuộc sống, cách xử sự trong từng tình huống khi có quá nhiều ẩn ức phải nhẫn nhịn như thế nào…”. Hay khi vào vai bác sĩ Nghị trong phim Mặt nạ gương, “Hoàng Hải phải đi tìm hiểu về nghề bác sĩ thẩm mỹ, dáng dấp, cách ăn nói ra sao, đi đứng như thế nào. Lúc đó không còn là Hoàng Hải nữa mà là sống cuộc đời ông bác sĩ thẩm mỹ đấy.

Hoặc là một chiến sĩ cảnh sát hay tổng giám đốc, trùm ma túy…để được sống nhiều cuộc đời như vậy, Hoàng Hải phải học hỏi từng ngày, nắm bắt sâu sắc nhất có thể mới thể hiện ra những đoạn phim khó. Với những vai phản diện, phải đi sâu tìm hiểu tâm lý của tội phạm rồi nhập tâm, vào hẳn nhân vật , mới bật ra được những đoạn lột tả sự diễn biến tâm lý phức tạp, sự giằng xé nội tâm của nhân vật. Nhân vật Lưu “nát” cũng thế, mấy tháng trời quay ở chợ Long Biên, để đúng là một Lưu “nát”, mình được sống, được cảm, được nghĩ, được nói, đi đứng, hình dáng, ăn ở… tất cả mọi thứ trong khu trọ ấy. Tuy rất vất vả, phải quay phim trong môi trường khá ô nhiễm, thậm chí ăn, ngủ cạnh bãi rác nhưng cả ekip luôn lên dây cót tinh thần, tập làm quen và thích nghi dần. Qua mỗi phim, mình thấy lớn lên về nhân cách, góc nhìn về xã hội cũng khác đi, đa chiều hơn.”

Từ chiêm nghiệm của một diễn viên “ gạo cội” như NSƯT Hoàng Hải, người nghe như được khám phá thêm những giá trị sống thật phong phú ẩn sau những bóng bẩy hào quang, ở đó mỗi trường quay bỗng hóa thành trường đời và mỗi diễn viên như người học trò chăm chỉ mài giũa bên trang sách cuộc đời. Song để được tồn tại lâu bền với nghiệp diễn, ngoài những khó khăn, vất vả không kể xiết và rủi ro về sức khỏe, tai nạn trong nghề, thì những thử thách về vật chất, danh lợi, cả sự cám dỗ sa ngã trong tình cảm đòi hỏi người diễn viên phải có một bản lĩnh thật vững vàng, kiên định. NSƯT Hoàng Hải đã có gần 30 năm làm nghề với một bản lĩnh như thế.

Tham gia gần 100 bộ phim, bao nhiêu vai diễn là bấy nhiêu lần NSƯT Hoàng Hải nhập vai rồi lại thoát vai. Theo anh, “nhập vai đã khó nhưng thoát vai còn khó hơn” . Chưa kể đến việc hóa thân, nhập tâm vào nhân vật có đời sống nội tâm quá phức tạp trong thời gian dài đến nỗi, sau khi thoát vai vẫn còn bị vai diễn ám ảnh, cửa ải mà nhiều diễn viên khó vượt qua là khi vào những vai có tình cảm yêu đương. “Diễn viên phải yêu thương, rung động thật, thể hiện đầy cảm xúc như đòi hỏi của đạo diễn và ý đồ của kịch bản thì đạo diễn mới “ok”. Thế nhưng nếu anh cứ giữ nguyên như thế thì hỏng, phim giả tình thật ngay. Có rất nhiều diễn viên không thoát được vai sau một phim bởi bạn diễn diễn xuất thông minh, đáng yêu quá, đẹp dần lên trong mắt mình nên sau đó tình cảm bị chia xẻ dẫn đến gia đình lục đục. Con người mà! Bản lĩnh của diễn viên là ở chỗ đó. Hoàng Hải chưa bao giờ rơi vào như vậy có lẽ là do bản lĩnh và do Hoàng Hải rất yêu công việc này. Mình bằng mọi giá phải thoát vai để còn tiếp tục cho vai diễn khác”.

Có điều ít ai biết được đằng sau sự thành công trong sự nghiệp của NSƯT Hoàng Hải, là bóng dáng thầm lặng của người vợ giàu đức hy sinh và sự đồng cảm hiếm thấy. Vốn là một giáo viên, để giúp chồng an tâm với nghiệp diễn, chị đã tự nguyện lùi về phía sau, ở nhà chăm sóc, nuôi dạy con cái. Trong những lần mang bầu, sinh con, hai lần chị đã phải “đi biển mồ côi một mình”. Một kỷ niệm không quên được lúc Hoàng Hải đang làm phim Biển lặng quay tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi “Lúc đấy đã định ngày cưới rồi, quay mãi không về được. Đến sát ngày cưới, mới xin phép đạo diễn cho về cưới vợ, mà chỉ được về cùng lắm 2 ngày. Về vội vàng tổ chức đám cưới, bạn bè lâu ngày đến đông nên vui quá, uống say bét nhè, sáng hôm sau lại vác ba lô đi, để vợ ở nhà một mình. Vợ thấy vậy khóc nấc lên, mình phải dỗ, năn nỉ mãi, vợ cứ khóc hoài… Mình đành giả vờ đóng vai mặt ngầu “Bây giờ tùy cô. Một là ráng chờ tôi dăm bữa nửa tháng nữa tôi về, hai là cô có thể về nhà cô nhưng đừng bao giờ xuống đây nữa.(cười). Ơn giời, vợ nghĩ đi nghĩ lại, giờ mà không cho chồng đi cũng không được vì cả trăm người trong đoàn đang chờ mình vào để quay. Nhờ vợ cũng thấu hiểu, thông cảm cho đi. Thế là cảm ơn vợ rối rít, xách ba lô lên xe đi vào Quảng Ngãi quay tiếp.” Và còn biết bao ngày tháng vò võ một mình suốt những năm chồng đi làm phim xa nhà, cho thấy hiếm có người vợ nào vượt qua được, nếu không có tình yêu thương, bao dung, cảm thông thật sự, biết tôn trọng niềm đam mê của chồng. Chẳng những thế, người vợ mà nam nghệ sĩ lưu tên trong điện thoại là “Mẹ Việt Nam anh hùng” không chỉ là hậu phương vững chắc mà còn là nguồn động viên, tiếp sức cho anh những lúc gặp phải thử thách cam go nhất. Để thấy, bản lĩnh,nhân cách trong gần 30 năm theo nghiệp diễn của NSƯT Hoàng Hải, còn bắt nguồn từ chỗ anh luôn biết trân trọng tổ ấm gia đình.“Mình phải sống thế nào, có niềm tin lớn đối với vợ ra sao thì người phụ nữ mới chấp nhận. 30 năm nay, Hoàng Hải chưa để xảy ra điều tiếng gì, chứ đừng nói xì căng đan vì Hoàng Hải rất tôn trọng nghề nghiệp và trân trọng hạnh phúc gia đình.”

Khi được hỏi về vai diễn tâm đắc nhất, anh có câu trả lời thật thú vị “Trong cả trăm phim Hoàng Hải tham gia cả phim nhựa, phim truyền hình, vai mà Hoàng Hải tâm đắc nhất là vai sắp làm. Cái vai mà mình làm xong, tức là đã định hình, được khen chê thì không còn gì để tâm đắc nữa. Cái tâm đắc là cái phía trước. Cho nên có khán giả hỏi, tâm đắc nhất phim nào, thật ra với Hoàng Hải, phim nào cũng tâm đắc hết. Khi mình đã nhận vai thì mình sống chết với vai đó. Cho dù vai thứ hay vai chính, dài hay ngắn không quan trọng bằng vai đó hay hay dở, mang đến cho khán giả điều gì thú vị và khán giả có thích không, đấy mới là điều quan trọng”. Là nghệ sĩ tận tâm với từng vai diễn, bước qua tuổi trung niên, NSƯT Hoàng Hải vẫn luôn giữ được ngọn lửa “yêu nghề và mong muốn thử sức những vai diễn mới, khác hẳn vai đã làm. Anh hóm hỉnh“Chắc nghề này không có nghỉ hưu. Có lẽ đến khi nào thấy yếu, mệt mỏi không đi được nữa thì mới dừng, nhưng chắc là vẫn nhớ. Nghề này rất là lạ, càng lớn tuổi thì độ tích lũy càng chín muồi”.

Từ những trải nghiệm của chính mình, NSƯT Hoàng Hải là người đã tạo nguồn cảm hứng cho rất nhiều diễn viên trẻ trong quá trình làm phim “Các diễn viên trẻ có sự thanh xuân, tự nhiên, nhanh nhạy, luôn trong tinh thần bung hết mình nhưng cần có sự hỗ trợ từ những diễn viên kỳ cựu có kinh nghiệm. Nhiều người phải qua vài ba phim, nhận những lời gópý phê bình, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi mới rút được kinh nghiệm và rõ ràng đã diễn xuất hiệu quả hơn”. Với những cống hiến không ngừng nghỉ của mình, tháng 4/2025 NSƯT Hoàng Hải được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật  Việt  Nam  trao  tặng  Kỷ  niệm chương “Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam” dành cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật nước nhà. Tin tưởng với nguồn động lực lớn lao này, trên hành trình đi tiếp cùng những vai diễn mà anh luôn khao khát kiếm tìm, NSƯT Hoàng Hải sẽ tạo ra nhiều bứt phá ngoạn mục để có cơ hội đạt được những danh hiệu cao quý hơn.

Hiện tại, NSƯT Hoàng Hải đã có sự nghiệp vững vàng và một gia đình hạnh phúc có thể nói là viên mãn. Song là một nghệ sĩ, anh vẫn còn nhiều nỗi đau đáu về nghề, với ước mơ về một trường quay thật sự để người làm phim được chủ động về thời gian,bối cảnh, tạo thuận lợi cho những diễn viên như anh có sức khỏe để cống hiến được nhiều hơn. Là người con của quê hương Đà Nẵng, luôn quan tâm đến triển vọng phát triển của nền điện ảnh nước nhà nói chung, Đà Nẵng nói riêng, đặc biệt từ khi thành phố được chọn là điểm đến của sự kiện Liên hoan phim Châu Á, NSƯT Hoàng Hải càng có niềm tin khi gửi gắm ước mơ về một trường quay tại Đà Nẵng “Đà Nẵng với cảnh quan sông núi,biển cả tuyệt đẹp, có tiềm năng là một trường quay lớn. Nhưng để Đà Nẵng thật sự là trường quay, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao độ của lãnh đạo thành phố. Cần có sự quan tâm, yêu mến với nền điện ảnh, có chính sách mời gọi nhân tài về mảng họa sĩ bối cảnh, quay phim, đạo diễn, diễn viên.. thì mới có thể biến Đà Nẵng thành một trường quay lớn. Tất nhiên, không phải ngày một ngày hai, có thể trong nhiệm kỳ này không xong nhưng phải truyền lửa được cho các lớp kế tiếp”. Hy vọng, những trăn trở tâm huyết của những nghệ sĩ chân chính như NSƯT Hoàng Hải sẽ được lắng nghe trân trọng và hiện thực hóa trong tương lai gần để góp phần nâng nền điện ảnh nước nhà lên tầng cao mới, xứng tầm với một đô thị văn minh, phát triển, đầy tiềm năng như thành phố Đà Nẵng.

P.T.H