Con người Đà Nẵng: Ký ức, hiện tại và tương lai

11.05.2025
Bùi Văn Tiếng

Con người Đà Nẵng: Ký ức, hiện tại và tương lai

Thành phố Đà Nẵng có được vị thế như ngày hôm nay có sự đóng góp lớn lao của người dân trong suốt chiều dài lịch sử.

Con người là yếu tố quan trọng - thậm chí là yếu tố quyết định - trong phát triển. Sau 95 năm kể từ ngày thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam - trong đó có Đảng bộ thị xã Tourane - ở Cây Thông Một, bãi cát Trường Lệ, xã Cẩm Hà Faifo (nay là khối phố Tân Thanh, phường Tân An, thành phố Hội An) - vào tối ngày 28 tháng 3 năm 1930; sau 50 năm kể từ ngày giải phóng Đà-Nẵng-đất-liền 29 tháng 3 năm 1975, góp phần đáng kể vào công cuộc giải phóng quần đảo Trường Sa trên Biển Đông vào sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975 và giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 - được đánh dấu bằng khoảnh khắc lịch sử khi lá cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng tung bay trên nóc dinh Độc Lập và khi người Đà Nẵng xa quê Bùi Văn Tùng tự tay soạn thảo rồi đích thân đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn: “Tôi, Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203, đại diện lực lượng quân giải phóng miền Nam, đơn vị chiếm dinh Độc Lập long trọng tuyên bố: Thành phố Sài Gòn đã được hoàn toàn giải phóng. Chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn”[1]; và nay đang đứng trước đòi hỏi của kỷ nguyên số - cũng là trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên mới/kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sẽ bắt đầu từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Đà Nẵng luôn đề cao yếu tố con người theo hướng vừa trân trọng kế thừa và phát huy các tố chất ngời sáng đáng tự hào của con người Đà Nẵng trong quá khứ, vừa tập trung nhận diện và kịp thời điều chỉnh các bất cập hạn chế của bản thân con người Đà Nẵng đang có nguy cơ thành lực cản trong phát triển hiện nay, vừa chủ động tiếp biến các tinh hoa của thế giới đương đại theo tinh thần khoan dung văn hóa, sẵn sàng chấp nhận cái khác mình để con người Đà Nẵng có thể hòa nhập mà không hòa tan trong xu thế toàn cầu hóa ở tương lai.

  1. Con người Đà Nẵng trong ký ức

1.1. Con người Đà Nẵng trong ký ức trước hết là con người yêu chuộng hòa bình nhưng sẵn sàng tiên phong/đi đầu để bảo vệ quê hương đất nước. Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây trên Báo Công Thương, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương quê Quảng Nam sinh năm Tân Dậu 1921 - vị tướng cao tuổi nhất Quân đội nhân dân Việt Nam còn tại thế - đã nhấn mạnh: “Thế hệ chúng tôi đã đi qua nhiều cuộc chiến tranh nên rất hiểu chiến tranh. Chúng tôi luôn khao khát những ngày được bình yên. Lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng tôi hiểu rằng dân tộc ta luôn khao khát hòa bình nhưng sẵn sàng gan góc đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc. Dân ta bị buộc phải cầm súng chứ không muốn có chiến tranh” [2]. Khát vọng hòa bình của con người Đà Nẵng trong ký ức được gửi gắm trong các tên đất tên làng (rất nhiều địa danh ở Đà Nẵng mang các từ tố bình, an/yên, hòa, thái - thái bộ thủy như trong quốc thái dân an/ …), và cũng chính do khát vọng hòa bình nên con người Đà Nẵng trong ký ức luôn sẵn sàng tiên phong/đi đầu, sẵn sàng hy sinh trong chiến tranh vệ quốc với tinh thần “là người tôi sẽ chết cho quê hương” (ca khúc Tự nguyện của Trương Quốc Khánh).

Người Đà Nẵng từng thay mặt cả nước và cùng cả nước đi tiên phong trong cuộc đương đầu với Liên quân Pháp - Tây Ban Nha dưới chân thành Điện Hải 1858 - 1860, (và cũng chính ở Đà Nẵng, sau khi cuộc chiến tranh vị quốc này kết thúc, triều đình Huế đã hình thành hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đầu tiên: Nghĩa trủng Hòa Vang vào năm Bính Dần 1866 niên hiệu Tự Đức thứ 19 và Nghĩa trủng Phước Ninh vào năm Bính Tý 1876 niên hiệu Tự Đức thứ 29); người Đà Nẵng cũng từng thay mặt cả nước và cùng cả nước đi tiên phong trong cuộc đương đầu với quân viễn chinh Mỹ trên vành đai diệt Mỹ Hòa Vang 1965 - 1973, nhà thơ Tố Hữu từng ca ngợi người Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ: Ta tiến công/ Với sức mạnh thánh thần/Của những Phan Hành Sơn đánh tung núi Ngũ Hành, diệt Mỹ/ Ôi ta biết cảm ơn ai đã sáng tạo cái tên người: Dũng sĩ/ Vang tự hào giữa thế kỷ hai mươi… (bài Xuân 69).

1.2. Con người Đà Nẵng trong ký ức là con người sống có ký ức. Trên hành trình Quảng-Nam-mở-cõi và cộng cư/hòa huyết với người Champa bản địa, các thế hệ lưu dân Đại Việt luôn “gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân” (thơ Nguyễn Khoa Điềm), nói khác đi là luôn mang theo ký ức về cội nguồn trong hành-trang-Nam-tiến. Vì thế mà ở ngay trong lòng thành phố bên sông Hàn mới có xã Hải Châu - một tên làng ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa; mà những người Đà Nẵng xa quê bị đưa vào Sài Gòn ngay sau cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải năm Mậu Ngọ 1858 mới dựng đình Nam Chơn tại phường Tân Định; mà năm Đinh Hợi 1827 người Đà Nẵng xa quê Nguyễn Văn Thoại mới lập đội quân An Hải để trấn giữ Hà Tiên… Và vì thế mà trên địa bàn Đà Nẵng ngày nay vẫn còn nhiều nơi lưu dấu Chăm xưa, như phế tích tháp Xuân Dương ở làng Xuân Dương quận Liên Chiểu mà sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn gọi là “cổ tháp Trà Vương di tích”, như phế tích tháp Phong Lệ ở làng Phong Bắc quận Cẩm Lệ, hay như tháp Quá Giáng ở làng Quá Giáng huyện Hòa Vang, hay như rất nhiều “dấu Chăm xưa ở Ngũ Hành Sơn”…[3]

Sống có ký ức nên nhiều người Đà Nẵng gốc Huế trải qua mấy đời mà đến nay vẫn giữ được giọng Huế, mà những người quê gốc Đà Nẵng sinh ra trên đất Bắc mấy chục năm nay sống ở quê nhà vẫn giữ được giọng Bắc, và vì sống có ký ức, muốn giữ lại nguyên vẹn không gian kiến trúc của Bảo tàng Điêu khắc Chăm - báu vật quốc gia độc nhất vô nhị - nên người Đà Nẵng đương đại đã cho thiết kế Cầu Rồng theo một cách rất độc đáo: Gắn kết cây cầu vào với phố phường - chứ không phải ngược lại, nói khác đi cầu Rồng chỉ có thể bắt đầu và kết thúc tại mép nước sông Hàn... Cũng do muốn bảo tồn nguyên vẹn đình làng Nại Nam, các chuyên gia quy hoạch và các nhà quản lý đô thị Đà Nẵng đã phải nhờ đến “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy di dời toàn bộ ngôi đình xưa cổ kính sang địa điểm mới - chứ không phải triệt hạ, phá bỏ tất cả để... trùng tu…[4]

1.3. Con người Đà Nẵng trong ký ức là con người có tư duy hướng biển, còn gọi tư duy vọng-hải-đài. Năm Đinh Dậu 1837, trong một lần vào thăm Ngũ Hành Sơn, vua Minh Mạng đã lập ở đây một đài ngắm biển và cho đặt tên là Vọng Hải Đài - vọng là nhìn xa, khác với khán là nhìn gần. Trong tư duy vọng-hải-đài xa rộng của vua Minh Mạng, Hải Vân Quan thực chất là cũng một Vọng Hải Đài và không phải ngẫu nhiên mà vua Minh Mạng cho đặt tên hòn Hành là đảo Định Hải - ở trên có pháo đài [quần đảo Hoàng Sa vào thập niên 1960 cũng mang tên xã đảo Định Hải], rồi cho đặt tên hòn Chảo là đảo Ngự Hải vừa được Chính phủ giao thành phố Đà Nẵng quản lý [5]- ở đó có đài phong hỏa nhằm khi có biến thì đốt lửa báo tin, để cùng với thành Điện Hải, thành An Hải, pháo đài Phòng Hải… trở thành các cứ điểm quan trọng trong hệ thống phòng thủ Cửa Hàn - cảng biển ngoại giao và ngoại thương duy nhất của đất nước thời nhà Nguyễn.[6]

Do có tư duy hướng biển, người Đà Nẵng thích ăn nước mắm hơn nước tương. Năm 2013, trong chuyến công du Nhật Bản, người viết chuyên đề này được ngồi ăn tối với cựu Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroyuki Yushita từng đến Đà Nẵng trong thời gian làm Đại sứ ở nước ta. Nhìn vào đĩa nước mắm dằm ớt xanh mang từ Đà Nẵng sang đặt giữa bàn tiệc, cựu Đại sứ Hiroyuki Yushita có phần tò mò và tôi đã giải thích về sự khác nhau không chỉ giữa hai loại nước chấm mà còn và chủ yếu là giữa văn hóa nước mắm của người Việt có nguồn gốc bản địa Đông Nam Á và là sản phẩm của quá trình tiếp biến văn hóa Đại Việt-Champa, với văn hóa nước tương có nguồn gốc Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà Đà Nẵng có Làng nghề nước mắm Nam Ô là làng nghề nước mắm đầu tiên của cả nước được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2019 (năm 2021 Làng nghề nước mắm Phú Quốc và năm 2022 Làng nghề nước mắm Phú Yên mới được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia). 

1.4. Con người Đà Nẵng trong ký ức là con người đam mê sáng tạo. Không đam mê sáng tạo, người Đà Nẵng không thể gầy dựng và phát triển làng nghề đá thủ công mỹ nghệ Non Nước, làng nghề cổ truyền/gia truyền của các nghệ nhân không chỉ “thổi hồn vào đá” tại quê nhà - ngay giữa làng nghề và trên các vách động Hoa Nghiêm, Vân Thông… ở Ngũ Hành Sơn - mà còn mang năng lực sáng tạo tài hoa đi làm nghề khắp đất Quảng và cả ở kinh đô Huế, nghệ nhân Nguyễn Bình còn được hoàng gia Campuchia mời sang đất nước Chùa Tháp giúp trùng tu đền Angkor Wat…, nói theo ngôn ngữ đương đại là đã quảng bá được thương hiệu thợ đá Quán Khái, chẳng hạn từng được mời tác nghiệp ở Đại Lộc (văn bia chùa Phổ Khánh ở xã Đại Hòa dựng vào năm Mậu Ngọ 1678 niên hiệu Vĩnh Trị thứ 3 đời vua Lê Huy Tông ghi rõ người thợ đá khắc bài văn trên bia quê ở xã Quán Khái), hay một số nghệ nhân tay nghề nổi trội được triều đình phong hàm cửu phẩm...

Không đam mê sáng tạo, người Đà Nẵng cũng không thể có ý tưởng “mở rộng dân chủ ở cơ sở” - theo cách nói của chúng ta ngày nay - thông qua lễ hội mục đồng làng Phong Lệ có một không hai trên đất nước này... Không đam mê sáng tạo, người Đà Nẵng cũng không thể đưa thuốc lá Cẩm Lệ thành thương hiệu một thời vang bóng không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở Huế với tiệm bán thuốc lá Cẩm Lệ của bà Cửu Ới ngay trước chợ Đông Ba... Không đam mê sáng tạo, nhà văn nữ Huỳnh Thị Bảo Hòa của Đà Nẵng càng không thể trở thành người phụ nữ sáng tác cuốn tiểu thuyết bằng chữ Quốc ngữ được ấn hành sớm nhất nước ta (tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn của Huỳnh Thị Bảo Hòa xuất bản thành sách năm 1927, trước cuốn tiểu thuyết Kim tú cầu của nhà văn nữ Đạm Phương ngoài Huế - tuy đăng báo sớm hơn, từ giữa năm 1923, nhưng đến năm 1928 mới được xuất bản thành sách)…

1.5. Con người Đà Nẵng trong ký ức cũng là con người Quảng-Nam-hay-cãi. Cãi nhau không phải là đặc sản của người Quảng Nam - bao gồm cả người Đà Nẵng. Cả thiên hạ đều cãi chứ không riêng chi chúng ta, có điều theo đánh giá của chính thiên hạ - một đánh giá mang màu sắc dân gian - thì người Quảng Nam/Đà Nẵng thích cãi hơn, thích lý sự hơn, thích đến nỗi hay cãi đã thành một tính trội - hiểu theo nghĩa không chịu ràng buộc bởi áp lực của sức ì trong tư duy. Nhờ tính hay cãi, ham tranh luận, không dễ dãi chấp nhận sự bao cấp về tư tưởng hay những tín điều sẵn có hoặc những tư duy quen thuộc song đã lỗi thời, mà phần lớn người Quảng Nam/Đà Nẵng thường chịu khó đào sâu suy nghĩ đồng thời biết ăn nói mạch lạc để bộc lộ và bảo vệ chính kiến của mình, đôi khi vô tình trở thành ngòi nổ cho các phản biện mang ý nghĩa xã hội sâu sắc...[7]

  1. Con người Đà Nẵng trong hiện tại

2.1. Con người Đà Nẵng trong ký ức thực chất cũng là phiên bản của con người Đà Nẵng trong hiện tại. Muốn trân trọng kế thừa và phát huy các tố chất ngời sáng đáng tự hào của con người Đà Nẵng trong quá khứ, con người Đà Nẵng trong hiện tại đã phải tự mình hình dung, phác thảo diện mạo của con người Đà Nẵng trong ký ức, và quan trọng hơn là làm thế nào để con người Đà Nẵng trong ký ức có thể đồng hành với con người Đà Nẵng trong hiện tại.

Chẳng hạn khi đã tự hào rằng con người Đà Nẵng trong ký ức trước hết là con người yêu chuộng hòa bình nhưng sẵn sàng tiên phong/ đi đầu để bảo vệ quê hương đất nước, sẵn sàng hy sinh trong chiến tranh vệ quốc với tinh thần “là người tôi sẽ chết cho quê hương”, con người Đà Nẵng trong hiện tại đã thể hiện lòng yêu nước bằng cách mang hết tài năng và nhiệt huyết góp phần vào công cuộc xây dựng thành phố quê hương, không chỉ và cũng không phải với tinh thần “là người tôi sẽ chết cho quê hương” như cha ông thuở trước mà chủ yếu với tinh thần: là-người-tôi-sẽ-sống-cho-quê-hương. Đương nhiên cũng có một số người Đà Nẵng trong hiện tại tiếp tục “chết cho quê hương”, chẳng hạn 9 liệt sĩ quê Đà Nẵng đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc ở Trường Sa vào tháng 3 năm 1988.[8]

Hay chẳng hạn khi đã hình dung con người Đà Nẵng trong ký ức là con người đam mê sáng tạo, con người Đà Nẵng trong hiện tại không thể không đam mê sáng tạo. Còn nhớ hơn mười năm trước đây, đào chuông Bà Nà đồng loạt hạ sơn và hóa thân vào những bông đào chuông đại đóa to gấp ngàn lần bông đào chuông thật, khoe sắc khoe dáng không phải trên cây trên cành mà là trên các giải băng trang trí giữa phố phường Đà Nẵng để đón Tết Giáp Ngọ 2014. Không biết ai là người đầu tiên có ý tưởng đưa đào chuông Bà Nà xuống núi theo cách này, qua đó đã nâng đào chuông từ một kỳ hoa độc đáo trên đỉnh núi Chúa thành một biểu tượng mới của thành phố bên sông Hàn: Đà-Nẵng-thành-phố-hoa-đào-chuông; nhưng rõ ràng ý tưởng đưa đào chuông xuống núi đã chứng tỏ khát vọng không ngừng vươn đến cái mới, cái khác trước của con người Đà Nẵng trong hiện tại; đã chứng tỏ con người Đà Nẵng trong hiện tại có khả năng kế thừa và phát huy được tố chất đam mê sáng tạo của cha ông xưa.

Có thể nói, cũng như con người Đà Nẵng trong ký ức, con người Đà Nẵng trong hiện tại luôn săn tìm ý tưởng sáng tạo và quan trọng hơn là luôn chung tay nâng tầm những ý tưởng ấy. Giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi - để biến cây cầu dã chiến có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni của quân viễn chinh Mỹ được bắc qua sông Hàn sau khi lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng những năm 60 của thế kỷ trước và từng được đặt tên là cầu Nguyễn Hoàng thành một bảo tàng chiến tranh sống động lưu giữ ký ức của người Đà Nẵng về một thời quê hương bị ngoại bang chiếm đóng - là ý tưởng ban đầu. Con người Đà Nẵng trong hiện tại còn đi xa hơn cái ý tưởng ban đầu ấy khi đưa ra ý tưởng đầu tư để cải tạo bảo tàng ngoài trời này thành cây cầu đi bộ đầu tiên của thành phố, trong đó hạng mục cơ bản nhất là nâng nhịp tĩnh không thông thuyền từ 4,5 mét lên 7 mét nhằm đón đầu khả năng tàu thuyền qua lại khi đã khơi thông sông Cổ Cò vào phố cổ Hội An. Điều đáng nói là người Đà Nẵng vẫn chưa chịu dừng lại, vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn, bởi giải pháp nâng nhịp tĩnh không thông thuyền không chỉ rất tốn kém mà còn có thể làm thay đổi hình dạng vốn có của cây-cầu-bảo-tàng, từ đó có người nêu ý tưởng sẽ thiết kế theo hướng hạ thấp độ cao những chiếc tàu du lịch cho phù hợp với độ tĩnh không thông thuyền hiện tại của cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi, thay vì phải nâng nhịp tĩnh không thông thuyền của chính cây cầu này để vận hành theo kiểu cất lên hạ xuống. Cuối cùng, giải pháp nâng nhịp tĩnh không thông thuyền đã được lựa chọn và sớm trở thành hiện thực nhãn tiền: vào ngày 17 tháng 9 năm 2020, rất nhiều người dân Đà Nẵng bất ngờ khi lần đầu tiên chứng kiến cầu Nguyễn Văn Trỗi được nâng một nhịp để tàu bè có thể vào sâu trong sông Hàn tránh trú bão...

Con người Đà Nẵng trong hiện tại đã cùng chung tay góp sức để gầy dựng một Đà-Nẵng-lối-sống-thị-dân. Việc gầy dựng lối sống thị dân không hề đơn giản. Không phải ngẫu nhiên mà người Đà Nẵng cùng có một cảm nhận chung rằng trong chương trình Thành phố Ba có: Có nhà ở, Có việc làm, Có nếp sống văn hóa văn minh đô thị thì khó nhất vẫn là làm sao đạt cho được cái Có thứ ba. Có được kết cấu hạ tầng hiện đại ngang tầm một đô thị loại 1, một thành phố trực thuộc Trung ương không dễ nhưng vẫn có thể có sớm, có đủ nếu tranh thủ được các nguồn lực đầu tư tài chính - nói nôm na là nếu có tiền. Còn đối với việc gầy dựng lối sống thị dân, tình hình không giống như vậy. Trong lĩnh vực này có những chuyện không cần tiền hoặc không cần nhiều tiền cũng có thể có - đối xử với nhau cho tử tế thì cần gì tiền, ngược lại có những chuyện bao nhiêu tiền cũng không thể sở hữu nổi - bao nhiêu tiền thu hút cho được một tài năng nghệ thuật đang sung sức sáng tạo hoặc một bàn tay vàng trong phẫu thuật cứu người, rồi bao nhiêu tiền mới có thể phục dựng một di sản văn hóa đã một đi không trở lại trong quá trình đô thị hóa?

Chưa kể, để có thể gầy dựng một Đà-Nẵng-lối-sống-thị-dân, con người Đà Nẵng trong hiện tại đã phải xử lý thật hài hòa mối quan hệ giữa quê và tỉnh. Hẳn người Đà Nẵng nào cũng nhớ hai dòng lục bát quen thuộc của nhà thơ Nguyễn Bính: Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều (bài Chân quê). Dễ nhận thấy ở đây nhà thơ Nguyễn Bính hàm ý đối lập giữa thành thị với nông thôn, cho rằng cái phồn hoa đô hội kia đang làm phương hại tới cái mộc mạc chân quê trong người thôn nữ. Thật ra với con người Đà Nẵng trong hiện tại, cả hai yếu tố phồn hoa đô hội và mộc mạc chân quê vẫn có thể bổ sung cho nhau chứ không hẳn đã loại trừ nhau, bởi giữa lối sống thị dân - phồn hoa đô hội với lối sống nông dân - mộc mạc chân quê có mối quan hệ rất đặc thù - tất nhiên giữ cho được mối quan hệ đặc thù này là vô cùng khó, bởi nếu không bảo lưu được những yếu tố tích cực vốn là mặt mạnh trong lối sống nông dân của con người Đà Nẵng trong ký ức thì rất dễ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, mà không vượt lên được sức ì cố hữu của lối sống nông dân lâu đời ấy thì coi như tự mình… nông thôn hóa thành thị.[9]

Trong quá trình hình thành nếp sống thị dân, con người Đà Nẵng trong hiện tại bên cạnh việc sống sâu theo những cung cách mới, những nhịp điệu mới - tất nhiên là vậy - đã phải cố gìn giữ nhiều gốc rễ chân quê đẹp đẽ đáng yêu, như là ý thức cố kết cộng đồng - họ hàng dòng tộc chín đời chưa rời nhau ra, hay tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau; đồng thời nếp sống thị dân phải không ngừng vượt lên sức ì cố hữu của nếp sống nông dân để nhanh chóng thích nghi với nhịp sống công nghiệp. Có thể nói, không ít tập quán sinh hoạt chỉ phù hợp với nông thôn, đúng hơn là chỉ phù hợp với một nông thôn nghìn đời xưa cũ, đang từng ngày từng giờ tác động tiêu cực đến nỗ lực xây dựng nếp sống văn minh đô thị hôm nay. Thói quen ứng xử với chất thải trong và ngoài cơ thể một cách tùy tiện may ra còn có thể chấp nhận được trên mênh mông đồng đất quê nhà chứ làm sao tương thích với không gian chật chội của phố phường đông đúc. Rồi bao nhiêu tâm lý cố hữu như “gà ghét nhau tiếng gáy”, hay “một miếng giữa làng…”, hay “trâu buộc ghét trâu ăn”, hay “quan cần dân trễ”, hay “phép vua thua lệ làng”… đã trở thành lực cản đối với xã hội hiện đại, đối với văn minh đô thị, đòi hỏi con người Đà Nẵng trong hiện tại phải ra sức khắc phục. Cái phản ứng kiểu “quan cần dân trễ” - hoặc nói vỗ mặt hơn: “quan có cần nhưng dân chưa vội - quan có vội quan lội quan sang” - từng được đánh giá như một thái độ chống áp bức của người dân đối với quan lại ngày xưa chính là đầu mối của tình trạng xem thường kỷ luật về giờ giấc rất xa lạ với nhịp sống công nghiệp.

Đương nhiên tác động tiêu cực đến nỗ lực xây dựng nếp sống văn minh đô thị hôm nay còn xuất phát từ bản thân đời sống đô thị, đòi hỏi con người Đà Nẵng trong hiện tại phải nỗ lực vượt lên: con người đô thị nói chung sống chen chúc nhưng xa cách. Nhiều ngôi nhà đô thị kín cổng cao tường khiến con người sống ở đó vừa có cảm giác yên tâm không bị ai quấy nhiễu lại vừa như đang tự giam mình trong nỗi cô đơn; đặc biệt khi văn hóa nghe - nhìn rồi công nghệ thông tin phát triển với tốc độ nhanh, con người Đà Nẵng trong hiện tại càng có điều kiện chìm đắm một cách tự giác hay không tự giác trong thế giới ảo, từ đó dễ có khả năng sao nhãng các quan hệ giao tiếp thực của đời sống cộng đồng.

Con người Đà Nẵng trong hiện tại vẫn tiếp tục hay cãi, vẫn xem câu hỏi quan trọng hơn câu trả lời, nhưng cũng đã phải ra sức hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bản thân mình Quảng-Nam-hay-cãi với người khác thì được nhưng hễ ai mà Quảng-Nam-hay-cãi với mình lại lập tức nóng gáy khó chịu, ngay cả khi mình thấy rõ người ta đang có lý còn bản thân mình càng lúc càng đuối lý. Trong trường hợp này, thẳng thắn nhìn nhận thì cũng chưa có nhiều người Đà Nẵng “hay cãi” không tự đánh mất khả năng cãi lại chính bản thân mình để dũng cảm chấp nhận mình sai và kịp thời rút lui ý kiến, thay vì hàm hồ cãi lấy được cố tình kéo dài cuộc tranh cãi nhằm tranh thắng tranh hơn - đương nhiên thái độ ứng xử văn hóa/văn minh này hoàn toàn khác với thói ba phải thiếu lập trường, thiếu bản lĩnh và thiếu tự tin. Cần thấy khả năng cãi lại chính bản thân mình như vậy là một năng lực hay cãi tuyệt vời mà không phải con người Đà Nẵng trong hiện tại nào cũng dễ dàng đạt được

2.2. Con người Đà Nẵng trong hiện tại không chỉ biết trân trọng kế thừa và phát huy các tố chất ngời sáng đáng tự hào của con người Đà Nẵng trong quá khứ, mà còn biết tập trung nhận diện và kịp thời điều chỉnh các bất cập hạn chế của bản thân con người Đà Nẵng - vừa là sản-phẩm-thừa-kế-không-mong-đợi của con người Đà Nẵng trong ký ức, vừa là sản-phẩm-lệch-chuẩn-mới-phát-sinh của bản thân con người Đà Nẵng trong hiện tại - đang có nguy cơ thành lực cản trong phát triển hiện nay.

Bên cạnh một số yếu tố văn hóa thể hiện tính cách đặc trưng của con người Đà Nẵng trong làm ăn kinh tế gây ảnh hưởng không ít đến năng lực phát triển sản xuất và kinh doanh của thành phố như tư duy văn hóa mì ăn liền, tư tưởng muốn ăn chắc, thích ổn định, không dám phiêu lưu, ngại mạo hiểm, sợ rủi ro, không đủ nghị lực làm lại từ đầu, xa lạ với cảm giác trắng tay sau khi có rất nhiều..., còn có không ít khó khăn về mặt tâm lý tác động khá sâu sắc đến khả năng thích ứng đối với sự chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm của một bộ phận không nhỏ người lao động, chẳng hạn như sức ám ảnh của tâm lý trọng thầy khinh thợ tâm lý hậu công bạc tư.

Tâm lý trọng thầy khinh thợ là bài toán cực kỳ nan giải đối với việc giải quyết công ăn việc làm cho lao động trẻ ở Đà Nẵng hiện nay. Tất nhiên tâm lý trọng thầy khinh thợ, coi trọng bằng cấp và hư danh, thích lao động nhẹ nhàng khó có thể được khắc phục nếu như nhận thức chung ở con người Đà Nẵng trong hiện tại vẫn còn nặng về khoa cử, xem bằng cấp như là sự thành đạt, trong khi không ít người có bằng cấp mà không được hoặc chịu làm đúng nghề đã học, thậm chí không tìm được việc làm. Cũng cần nói thêm là mặc dầu có tâm lý trọng thầy khinh thợ nhưng không ít người vẫn chưa thật sự coi trọng những người quản lý giỏi, chưa thật sự xem quản lý là một nghề, chưa nhận thức đầy đủ về quan niệm “một người lo hơn kho người làm” của ông cha xưa.

Tâm lý hậu công bạc tư là người lao động chỉ thích vào làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước bởi cho rằng như thế mới ổn định, “chắc chân” cho đến cuối đời - thời gian gần đây đã chuyển biến theo hướng tích cực. Tuy vậy, nhìn chung tâm lý hậu công bạc tư vẫn đang còn ám ảnh khá nặng nề và khá dài lâu ở con người Đà Nẵng trong hiện tại, tác động tiêu cực không chỉ đối với vấn đề giải quyết việc làm, phát triển nghề nghiệp và định hướng sinh kế cho người dân mà còn đối với sự phát triển của bản thân nền kinh tế thành phố - yếu tố quyết định nhất để giải quyết việc làm, phát triển nghề nghiệp và định hướng sinh kế một cách cơ bản. 

Một tâm lý mang tính tiêu cực và đang có sự ảnh hưởng lớn nữa ở con người Đà Nẵng trong hiện tại là tâm lý không sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các công việc mới. Tâm lý này có thể có nguồn gốc từ một trong những tính cách đặc trưng nêu trên là tư tưởng thích ổn định, không dám phiêu lưu, ngại mạo hiểm, cho nên mặc dầu trong xu thế chung của nền kinh tế thị trường hiện nay, tâm lý đứng núi này trông núi nọ không những không bị lên án như trước mà thậm chí còn được xem là biểu hiện của sự năng động, con người Đà Nẵng trong hiện tại vẫn không mặn mà với vấn đề thay đổi công việc đang làm, càng không muốn thay đổi nơi làm việc, từ đó dẫn đến tâm lý không sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các công việc mới.[10]

Ở trên, tác giả chuyên đề này có đề cập đến một số hạn chế cố hữu của con người Đà Nẵng trong hiện tại như tư duy văn hóa mì ăn liền, tư tưởng muốn ăn chắc, thích ổn định, không dám phiêu lưu, ngại mạo hiểm, sợ rủi ro, thiếu nghị lực để khởi sự lại từ đầu, xa lạ với cảm-giác-trắng-tay-sau-khi-có-rất-nhiều, nhưng đấy chỉ mới tiếp cận vấn đề từ phía chủ thể thứ nhất của phát triển kinh tế là các doanh nhân, chỉ mới đòi hỏi các doanh nhân Đà Nẵng phải có văn hóa doanh nghiệp. Có điều để kinh tế có thể phát triển bền vững thì ngần ấy thôi vẫn chưa đủ, nói khác đi để kinh tế phát triển bền vững, cần đòi hỏi chủ thể thứ hai là người tiêu dùng Đà Nẵng cũng phải có văn hóa khách hàng - trong đó phương diện nổi trội nhất là quan niệm về tiêu dùng. Có người khái quát rằng hồi kinh tế đất nước còn quá khó khăn, cùng sắm một chiếc xe máy chẳng hạn, người Hà Nội quan niệm đấy là biểu hiện của sự lên đời, người Sài Gòn nghĩ đấy đơn thuần chỉ là phương tiện đi lại, còn người Đà Nẵng thì xem đấy là của để dành, là hình thức tích lũy tài sản - quan niệm về tiêu dùng này đến nay dường như vẫn chưa thay đổi mấy.

Khái quát như vậy có khi chưa thật đúng, nhưng rõ ràng xét về giác độ văn hóa khách hàng, qua đó có thể thấy người tiêu dùng Đà Nẵng hơi kỹ tính, thường đắn đo cân nhắc, ít ngẫu hứng trong mua sắm. Đặc điểm này xem ra có vẻ tương thích với mức sống và mặt bằng thu nhập chung hiện nay của người Đà Nẵng nhưng cũng dễ dẫn đến mãi lực thấp và khó tăng đột biến, làm ảnh hưởng tới năng lực phát triển sản xuất và kinh doanh của thành phố. Một phương diện nổi trội nữa của văn hóa khách hàng là thái độ ứng xử đối với người bán hàng. Nếu người bán hàng có văn hóa luôn quan niệm khách hàng là thượng đế - hiểu theo nghĩa phải được chiều chuộng tối đa, phải được tự do chọn lựa sản phẩm và dịch vụ phù hợp với thị hiếu và với… hầu bao, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt - thì người tiêu dùng có văn hóa cần phải biết tôn trọng người bán hàng, không thể cậy có tiền mà tự cho mình cái quyền năng của thượng đế muốn làm gì cũng được.

  1. Con người Đà Nẵng trong tương lai

3.1. Con người Đà Nẵng trong tương lai thực chất cũng là phiên bản của con người Đà Nẵng trong hiện tại. Muốn hòa nhập mà không hòa tan trong xu thế toàn cầu hóa ở tương lai, trước mắt là phấn đấu để khát vọng đưa Đà Nẵng trở thành một nơi đáng đến và một nơi đáng sống sớm được hiện thực hóa nhãn tiền, con người Đà Nẵng trong hiện tại không thể không chủ động tiếp biến các tinh hoa của thế giới đương đại theo tinh thần khoan dung văn hóa, sẵn sàng chấp nhận thậm chí tôn trọng cái khác mình, không kỳ thị với những khác biệt về văn hóa - nói cách khác là làm thế nào để có được những thế hệ người Đà Nẵng có văn hóa, bởi có văn hóa mới có thể khoan dung về văn hóa.

Trong viễn cảnh một thành phố đáng đến, các thế hệ người Đà Nẵng trong tương lai sẽ giữ vai chủ nhà đón khách thập phương và trong trường hợp này, sức hấp dẫn quan trọng nhất của Đà Nẵng đối với khách thập phương chính là lòng hiếu khách, một biểu hiện ứng xử văn hóa không thể thiếu của chủ nhà. Lòng hiếu khách của một nơi đáng đến không chỉ được thể hiện qua thương hiệu nụ cười mà còn được thể hiện qua lòng khoan dung về văn hóa của người bản địa. Đối với một điểm đến được nhiều người nghe tên biết tiếng như Đà Nẵng hiện nay, khách thập phương ngày càng đa dạng, từ nhiều nguồn khác nhau, nhất là với khách nước ngoài…Từ đó dẫn đến sự đa dạng về văn hóa của khách thập phương, đòi hỏi các thế hệ người Đà Nẵng trong tương lai có văn hóa phải biết khoan dung về văn hóa. Đây cũng chính là một động lực quan trọng để khách thập phương đến và hơn thế nữa, đến lại Đà Nẵng không chỉ một lần, qua đó góp phần làm cho Đà Nẵng trong tương lai không xa sẽ thực sự là nơi đáng đến.

3.2. Lòng hiếu khách của một nơi đáng đến như Đà Nẵng đang phấn đấu không chỉ được thể hiện qua lòng khoan dung về văn hóa của người Đà Nẵng bản địa mà còn được thể hiện qua thương hiệu nụ cười. Lòng hiếu khách của chủ nhà nói chung thường được thể hiện qua nụ cười niềm nở, nhưng lòng hiếu khách của chủ nhà ở một nơi đáng đến như Đà Nẵng đang phấn đấu phải được thể hiện không chỉ qua nụ cười niềm nở mà còn qua thương hiệu nụ cười - nụ cười đã trở thành thương hiệu. Thương hiệu nụ cười của một nơi đáng đến như Đà Nẵng đang phấn đấu muốn đủ sức mời gọi và cầm chân khách thập phương thì phải là những nụ cười tỏa nắng, chân thành dành cho người mới đến hay người mới vừa gặp lại. Khách thập phương cảm nhận thương hiệu nụ cười trước hết từ những người Đà Nẵng trực tiếp làm du lịch như hướng dẫn viên du lịch, nhân viên hải quan ở sân bay, bến cảng, lái xe đón khách về khách sạn hoặc đưa khách đi tham quan, thuyết minh viên ở các bảo tàng, như nhân viên lễ tân ở các nhà hàng. khách sạn...

Nhưng những nụ cười ấy dẫu niềm nở đến mấy thì với khách thập phương đó cũng mới chỉ là một phần thương hiệu nụ cười của một nơi đáng đến. Thương hiệu nụ cười chỉ thực sự là thương hiệu nụ cười trong lòng du khách không chỉ là những nụ cười tỏa nắng, chân thành của con người Đà Nẵng trong tương lai, hay chỉ là của người Đà Nẵng ở “mặt tiền du lịch” - tức là của những người trực tiếp làm du lịch - dành cho khách, mà còn và quan trọng hơn là của người Đà Nẵng dành cho nhau ở mọi nơi, mọi lúc. Trong mắt khách thập phương, một điểm đến chỉ trở thành nơi đáng đến khi ở đó thương hiệu nụ cười được thể hiện không chỉ qua những nụ cười dành cho khách mà còn qua những nụ cười dành cho nhau, bởi trong con mắt của khách phương xa, nụ cười vừa có văn hóa vừa có tính chuyên nghiệp của hướng dẫn viên du lịch nói riêng và của những người làm việc ở “mặt tiền du lịch” nói chung chỉ chứng tỏ ở nơi đây đang và sẽ có nhiều nụ cười dành cho họ, còn nụ cười có văn hóa tương tự mà người bản địa Đà Nẵng dành cho nhau mới đủ sức khẳng định ở nơi đây đã có thương hiệu nụ cười.[11]

Kết luận

Mặc dầu bài viết này có nhan đề Con người Đà Nẵng: Ký ức, hiện tại và tương lai và cấu trúc chuyên đề có ba phần hẳn hoi ngoài Dẫn nhập và Kết luận - Con người Đà Nẵng trong ký ức, Con người Đà Nẵng trong hiện tại và Con người Đà Nẵng trong tương lai - nhưng khi đi sâu nghiên cứu từng phần vẫn khó lòng tách bạch rạch ròi giữa ba thì, bởi suy đến cùng quá khứ hay tương lai cũng chính là hiện tại, đúng như một nhà triết học từng nói rằng hiện tại của những cái đã qua là trí nhớ, hiện tại của những điều sắp tới là sự đợi chờ; trí nhớ và sự đợi chờ cả hai đều là những sự kiện thuộc về hiện tại.

B.V.T.

Chú thích

[1]. Xem thêm Bùi Văn Tiếng, "Đà Nẵng ngày hăm chín tháng ba-39 năm nhìn lại", in trong Đào chuông xuống núi, (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2014), 40-46.

[2]. Dẫn theo Quang Lộc, "Nửa giờ với vị tướng cao tuổi nhất Quân đội nhân dân Việt Nam", Báo Công Thương điện tử ngày 22/12/2024.

 [3]. Xem thêm Bùi Văn Tiếng, “Dấu Chăm xưa ở Ngũ Hành Sơn”, Báo Đà Nẵng điện tử ngày 16/10/2022.

[4]. Xem thêm Bùi Văn Tiếng, "Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo…", Trang tin điện tử tổng hợp Văn nghệ Đà Nẵng ngày 30/7/2016).

 [5]. Theo Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2024 của Chính phủ về việc xác định địa giới đơn vị hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng do lịch sử để lại, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

 [6]. Xem thêm Bùi Văn Tiếng, "Biển và Đà Nẵng", Báo Đà Nẵng điện tử ngày 05/02/2019.

[7]. Xem thêm Bùi Văn Tiếng, "Lại bàn về tính hay cãi của người Quảng Nam", in trong Đào chuông xuống núi, (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2014), 314-318.

 [8] Nguyễn Hữu Lộc sinh năm 1968, Binh nhì, Chiến sĩ E83 HQ604 - Tổ 22 phường Hòa Cường; Trương Quốc Hùng sinh năm 1967, Binh nhì, Chiến sĩ E83 HQ604 - Tổ 55 phường Hòa Cường; Nguyễn Phú Đoàn sinh năm 1968, Binh nhất, Chiến sĩ E83 HQ604 - Tổ 47 phường Hòa Cường; Phạm Văn Lợi sinh năm 1968, Binh nhất, Chiến sĩ E83 HQ604 - Tổ 53 phường Hòa Cường; Phạm Văn Sỹ sinh năm 1968, Binh nhì, Chiến sĩ E83 HQ604 - Tổ 7 phường Hòa Cường; Trần Tài sinh năm 1969, Binh nhất, Chiến sĩ E83 HQ604 - Tổ 12 phường Hòa Cường; Lê Văn Xanh sinh năm 1967, Binh nhất, Chiến sĩ E83 HQ604 - Tổ 38 phường Hòa Cường; Lê Thể sinh năm 1967, Binh nhì, Chiến sĩ E83 HQ604 - Tổ 29 phường An Trung Tây; và Trần Mạnh Việt sinh năm 1968, Binh nhì, Chiến sĩ E83 HQ604 - Tổ 36 phường Bình Hiên.

 [9]. Xem thêm Bùi Văn Tiếng, "Tản mạn về Đà Nẵng 10 năm đô thị loại 1", in trong Đào chuông xuống núi, (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2014), 51-54.

 [10]. Xem thêm Bùi Văn Tiếng, "Đặc điểm tâm lý với định hướng sinh kế của người dân Đà Nẵng", Tạp chí Cộng Sản điện tử ngày 04/01/2008.

 [11] Xem thêm Bùi Văn Tiếng, "Thương hiệu nụ cười", in trong Đào chuông xuống núi, (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2014), 60-63.