Hương sắc phố cổ
1. Hội An, một “bảo tàng sống” với nét đẹp cổ kính bên sông Hoài, yên bình và lãng mạn, mùa nào cũng thu hút du khách. Trong số đó, hơn một nửa là người nước ngoài, họ đến du lịch từ khắp cả bốn biển năm châu.
Chiều chủ nhật, những đường phố trung tâm nhộn nhịp hơn ngày thường. Các hướng dẫn viên cầm cờ, tất bật với các đoàn khách Bắc Nam trong nước, khách Tây, Mỹ, Nhật Hàn,... xe bus lớn đỗ xuống bến quảng trường Sông Hoài. Mọi ngả vào phố đều có rất nhiều nhóm từ các huyện thị gần kề, nhất là dân Đà Nẵng, tuần nào cũng phải vi vu xe máy một vòng.
Bầu trời hôm nay xanh lơ, gió thi thoảng nghịch đùa làm những chiếc lá vàng rơi chao nghiêng qua lại. Trên tầng cao, những đám mây trôi lững lờ, có mấy áng mây biến đổi lúc nhanh lúc chậm tạo ra các hình nét lạ mắt.
Hai chị em chân sáo bước ra đường chính, tâm tình sôi nổi lúc đi chung mấy đoạn phố ngắn. Bỗng cả hai cùng vui vẻ đưa hàng độc của mình làm ra, đang cầm tay, vẫy chào nhóm khách đang nhâm nhi ly chè lề đường.
Dưới gốc phượng tỏa bóng im mát, một gánh chè bệt dân dã như nhiều gánh chè lề đường khác mà mạng xã hội thường nhắc nhớ. Có mấy đôi bạn trẻ tóc vàng, người ăn chén xoa xoa hạt lựu sợi dừa đá bào, kẻ gọi chén chè bắp có nước dừa sệt sệt, cô nàng mang mắt kiếng thì nhâm nhi ly chè hạt sen với ít đá, anh chàng cao cao mặc phong phanh ăn ly chè thập cẩm, xin thêm vài sợi vỏ quýt,... Họ cầm chén đứng ăn cười nói, chỉ trỏ các nồi chè đậu ván, đậu xanh, đậu đỏ, chè môn, chè chuối... Không biết các bạn ấy đã thưởng thức các gánh chè dân dã lâu đời bán một món duy nhất chưa, như chè thưng được nấu bằng loại khoai môn sao sệt sệt bùi bùi, chè mè đen beo béo sánh mịn hương vị thơm ngon đáo để...
Một nữ sinh viên và một học sinh cấp ba cùng cười vui, bụm tay song đấu, Yeah Yeah Yeah rồi tỏa đi hai hướng. Hồng Hạnh sẽ ra dọc bờ sông Hoài rồi di chuyển lên xuống các đường ngang, với ba lô đựng những tấm Postcard - bưu thiếp của thành phố quê hương Hội An tự chế tác. Trang phục theo mùa, khi quần jean, áo thun mũ lưỡi trai trẻ trung nhanh nhẹn, khi đội nón lá duyên dáng chân quê với quần đen áo bà ba trắng hay nâu đà,... Gặp dịp thuận tiện, Hồng Hạnh chào mời: “Good evening! Do you find this postcard quite fun? Only two dollar price!”. (Xin chào buổi chiều. Bạn có thấy tấm bưu thiếp này khá thú vị không? Giá chỉ hai đô la thôi!).
Nụ cười mời khách mua tươi vui của Hồng Hạnh, ở một vị trí check-in bên sông, Hạnh chỉ vào tấm Postcard, đây chính là nơi ông bà đang đứng ngắm nhìn! Dãy Phố cổ nhiều màu sắc đèn lồng ven sông Hoài! Khách du lịch luôn thích thú với phong cách bán hàng dễ thương của Hạnh, họ thường mua chẵn tiền, ví như 100 VNĐ là bốn tấm!
Còn cậu em tên Thành đội mũ nan lá dừa, sẽ đi bộ đến ngã tư phố Lê Lợi và phố Trần Phú. Thành ôm theo một chùm châu chấu, bươm bướm, con cá,... làm bằng lá dừa điệu nghệ.
Ở những điểm dừng, hai chị em họ luôn mời mua bán hàng văn minh, lịch sự. Hạnh và Thành không bao giờ mời mọc quấy rối, làm mất đi sự tập trung nghe nhìn của du khách lúc tham quan, tránh gây ra phiền toái chỗ đang thư giãn trò chuyện riêng tư đang tận hưởng trải nghiệm ăn uống, vui chơi,...
2. Phố Hội còn nổi tiếng với show diễn Ký ức Hội An, tuần trước, nhóm bạn các tỉnh lân cận phía bắc, phía nam cùng lớp ở nội trú, đã được Hồng Hạnh tổ chức đi xem show vào ngày diễn giá thấp. Túi tiền sinh viên nghèo mà! Một ngày vui, buổi sáng cà phê sông Hoài, rồi check-in cầu Bán Nguyệt mới, trưa hải sản Cửa Đại, chiều trải nghiệm lắc thúng tại rừng dừa Bảy Mẫu.
Ấn tượng show diễn Ký ức Hội An hoành tráng công phu mãn nhãn hết lời diễn tả. Tụi bạn còn lao xao trầm trồ khen ngợi đến cả tuần sau. Biểu diễn nghệ thuật thực cảnh bên sông với 500 diễn viên chuyên nghiệp, kết hợp sân khấu, thiết bị ánh sáng, kỹ xảo... Dù đã nghe kể nhưng cả bọn đều quá thú vị bất ngờ qua 5 màn: Sinh mệnh, Đám cưới, Thuyền và biển, Bến bờ, Áo dài. Màn cuối với con đường ánh sáng, hàng trăm cô gái mặc áo dài tha thướt điệu đà, biểu diễn dạo bộ, đạp xe uyển chuyển đều đặn làm tất cả khán giả không thể kìm được cảm xúc trào dâng.
Ngoài xa, hướng lộng gió. Con đường Hai Bà Trưng thênh thang đón du khách từ bãi biển An Bàng vào phố. Lối này đi ngang qua hai nhánh sông bao quanh vùng đất bồi của làng rau Trà Quế nổi tiếng. Đồng xanh tươi trải dài, ngọn lúa gió đưa lúc lắc như mừng reo chào đón.
Hai lối đi nhỏ hai bên đường dành riêng cho xe đạp rất hiếm có ở Việt Nam, vạch sơn liền ngăn cách và vẽ cả hình ảnh xe sơn trên mặt đường tạo cảm giác riêng biệt an toàn thong dong thú vị. Sáng sáng, chiều chiều, cả buổi trưa nắng chói, từng tốp khách tây đầu trần, trang phục gọn nhẹ, nối đuôi nhau hàng một đạp xe thong thả. Thỉnh thoảng, vài du khách vui mừng í ới gọi nhau cùng dừng xe, xuống bờ cỏ chụp phong cảnh đồng quê, mùa lúa xanh non, mùa lúa chín vàng đều đẹp. Họ hít thở không khí trong lành mát mẻ, vẫy tay chào lại mấy đứa trẻ chăn trâu thân thiện đang nhe răng cười, vẫy cao tay,...
Phố cổ hấp dẫn. Phố cổ yên bình. Phố cổ mái ngói rêu phong. Phố cổ tấp nập. Phố cổ thì thầm chào đón. Phố cổ bao ánh mắt mở to với nụ cười vui tươi. Phố cổ lào xào bước chân nhẹ nhàng khám phá.
Những giàn hoa giấy đua nhau khoe sắc. Hội An như khoác lên mình chiếc áo mới rực rỡ, đủ màu tím, hồng, cam, đỏ, trắng sinh động hớp hồn du khách. Còn gì tuyệt vời hơn khi được cùng nhau, nắm tay nhau bên gia đình, người thân, cặp đôi hẹn hò dạo chơi dọc phố. Họ thư thả ngắm nhìn những ngôi nhà cổ kính mấy trăm năm vôi tường sơn màu vàng, cột nhà và cửa sổ màu gỗ nâu đen, rêu cỏ đó đây trên mái ngói xưa, lại thấp thoáng sắc khoe đỏm dáng của hoa giấy rung rinh trong làn gió dịu mát.
Khung cảnh phố cổ Hội An vốn trầm mặc, yên bình bỗng bừng lên nồng nàn dâng tràn sức sống đáng yêu. Nơi này, mọi người tha hồ tự do sống chậm hay sôi nổi chụp hình sống ảo, lắm kiểu cách nhẹ nhàng, đằm thắm lẫn nhiều động tác tay chân điệu đà, vui nhộn, tất cả đều gây mệt cho người... đếm like! Lắm lúc phải vui vẻ xếp hàng, chờ đến lượt nơi view độc triệu like!
Khách tây khách ta, người ở resort, khách sạn, kẻ ở nhà vườn, homestay, thích thú dạo bộ, thong dong nhìn ngắm, tham quan nhà cổ, lang thang ăn vặt,... Người nước ngoài hầu như mê đạp xe hơn. Họ thuê xe rồi phi nhanh đạp lẹ, cũng biết phanh dừng đột ngột, kể cả chơi vài đường lạng lách “sorry”, “sorry” tránh người khá đẹp mắt.
Trên phố đông, nhiều tốp người đang đứng ăn bánh mì. Món ăn đường phố, bánh mì kẹp rất tiện lợi. Nhâm nhi buổi sáng với cà phê ngắm phố, ngắm sông hay dùng buổi trưa, buổi chiều, buổi tối đều tốt cả. Nào nhân kẹp thịt chả, gà rán, trứng chiên, pate, đậu phộng xay, thập cẩm, bò sốt vang,... với rau màu, ớt cay. Ngoài mấy quán bánh mì nổi tiếng lâu năm khiến du khách xếp hàng nườm nượp như: Madam Khanh, bánh mì Phượng, bánh mì Bích, Minh Thu,... thì đường phố nào cũng có xe bánh mì sẵn sàng phục vụ.
Ngoài món mỳ Quảng địa phương với nước nhân thịt heo, gà, tôm, ếch đậm đà béo ngậy ăn kèm bánh tráng nướng, rau ớt thì cơm gà được ví như tinh hoa ẩm thực mới của Hội An. Vẫn từ những nguyên liệu phổ biến như gạo, gà ta, các loại rau thơm, nhưng qua bàn tay chế biến tài tình của người dân nơi đây đã tạo ra món ăn nức tiếng gần xa, không ai không nếm thử khi đến Hội An. Một số quán cơm gà nổi tiếng hút khách nhất như cơm gà Bà Buội, Bà Nga, Anh Xí, An Thuận.
3. Lối vào nhà của Hồng Hạnh và Thành, một ngõ nhỏ giữa hai nhà mặt tiền đường phố. Một bên là bức tường cổ rêu phong và một bên là bức tường vôi vàng, hai sắc màu quen thuộc của Hội An, lưu lại nhiều dấu ấn của thời gian cùng vết tích mực nước những cơn lụt lên xuống hằng năm.
Trong vòm cổng hoa Đăng Tiêu vàng cam khoe sắc là nhà vườn của một gia đình nhỏ, cha mẹ vừa nghỉ hưu.
Ông Hùng, sáng nào cũng tụ hội bạn hưu cà phê chừng hơn một giờ. Sau đó về nhà siêng năng chăm tỉa, bắt sâu, tưới tắm, bón phân cho các cây lá. Để tiết kiệm đất, vườn nhà chỉ trồng vài cây hoa, ngoài cây mai tứ quý xưa gần cổng, có bụi hoa hồng kim chúm chím luôn ra hoa mà vợ yêu thích và bụi hoa sói, ướp thơm cho vị trà buổi sáng nằm hai bên bể cá có hòn giả sơn. Trên bể là giàn thiên lý tỏa hương nhẹ nhàng, giàn trồng xen đậu ngự tốt tươi mập mạp. Khu vườn nghệ thuật vị nhân sinh, nhiều luống cải, xà lách, rau muống, rau húng quế, mấy cây ớt xanh ớt đỏ,... còn nơi góc vườn là dây leo mồng tơi mơn mởn, đu đưa nhiều mướp đắng loại nhỏ trái,...
Bà Dung phúc hậu, từng làm cô giáo tiểu học luôn mang kính lão. Bà đang thư thả bóc vỏ mớ đậu ngự tươi mập vừa hái, chuẩn bị cho nồi chè ăn hàng lỡ giữa chiều.
Hai chị em miệt mài làm sản phẩm riêng tư. Hồng Hạnh làm việc ở trong, trên bàn đầy giấy màu, bút màu, bìa cứng, bìa mỏng,... Hạnh chọn các vị trí đắc địa của thành phố Hội An quê hương để chụp nhiều kiểu ảnh, sang ra giấy ảnh mỏng, rồi dán ép vào khung giấy đơn giản, bọc ngoài bằng nilon, lớp giấy kiếng hay giấy gương mỏng. Sau này Hạnh đã sáng tạo ra mẫu hay lạ làm du khách thích thú mua nhiều làm kỷ niệm cũng như làm quà tặng người thân, bè bạn lúc trở về.
Hồng Hạnh cắt dán tô màu, trang trí hoa văn, mỗi tấm mỗi khác. Hình đủ ba cỡ, lớn bằng tờ A4 rồi phần hai, phần tư, có loại bộ 6 hình dán trên tờ A4,... Chuyện thay đổi mẫu mã là chuyên môn kinh doanh thời đại, một lần nhìn con tem nơi bì thư của người thân gởi đến, Hạnh đã tìm ra đáp án. Đó là làm khung viền răng cưa, nhìn vào ảnh postcard thú vị như nhìn một con tem khổ lớn. Cắt khung viền răng cưa, tưởng dễ mà cắt chẳng thể đều được. May mắn, cha Hạnh đã tìm mua về loại đục bấm lỗ tròn, chỉ cần cắt mép bìa một nửa vòng là y như khi xé rời hai con tem liền nhau ra.
Thành trải chiếu ngoài hiên. Sau khi cắt tàu dừa tươi ra từng cọng lá, tay Thành thoăn thoắt đan đan xếp xếp rồi cắt tạo dáng chim thú hoa cành. Thành khéo léo pha màu của lá dừa non với lá dừa già. Bọn trẻ nhỏ rất khoái mua chơi những sản phẩm này.
Thỉnh thoảng, hai chị em hỏi vọng hay chạy vô, chạy ra hỗ trợ hay rúc rích cười phá, góp những ý mới lạ chợt đến cho nhau.
Qua mỗi trưa thứ bảy, Hồng Hạnh từ Học viện Anh Ngữ Quốc tế thuộc Đại học Đà Nẵng chạy xe máy về nhà. Thành sắp xếp việc học trường cấp ba để hai chị em thực hiện kế hoạch với mật danh E & M. Bí hiểm mà bật mí... giản đơn, E là Experience (trải nghiệm) còn M là Money (tiền bạc). Vừa trải nghiệm luyện tập giao tiếp trau dồi ngoại ngữ vừa kiếm thêm tí đô, thêm tí ơ-rô. Ba mẹ cũng tham gia giúp các công đoạn, cả nhà làm dần dần cả tuần và gom đi ra phố bán vào mỗi chiều chủ nhật.
Chị Hồng Hạnh là thần tượng của Thành. Chị chẳng học trường chuyên lớp chọn mà được giải tỉnh cao rồi vô đội tuyển bồi dưỡng, rinh giải Ba quốc gia môn tiếng Anh. Ngoài thành viên nhiệt tình của đội thiện nguyện, chị Hạnh còn là chủ xị nhóm Hướng Dương chuyên luyện viết bài song ngữ Việt Anh, luyện thuyết trình trước đám đông, rèn kỹ năng đối đáp lý luận trực tiếp,... Thật lé mắt luôn, cảm phục người chị dáng cao cao trắng trẻo xinh xinh, luôn giữ chức quan lớp phó học tập từ trung học.
Hôm chị bàn với cả nhà lúc chọn ngành vô đại học, năm ngành của Học viện, chị thích Khoa học Máy tính, Khoa học Dữ liệu, thích luôn Y Sinh nhưng cuối cùng chọn một trong hai, Du lịch Khách sạn và Quản trị Kinh doanh Quốc tế. Ba mẹ nói tuỳ năng lực và ước mơ của con gái. Ai cũng biết, ngoại ngữ và máy tính là hai công cụ quan trọng nhất.
“Ta dành cho nhà ngươi con trai máy tính nặng nhọc!”. Hồng Hạnh cười bảo em trai rồi quay sang mẹ. “Sao ba mẹ không đẻ thêm một đứa nữa? Cho em nó chọn ngành Y dược luôn thì hay biết mấy!”.
Thành thấy chị gái mình tự học mà dùng các phần mềm máy tính rất lẹ, chị có khả năng lãnh đạo và tài tổ chức nên ủng hộ chị Hồng Hạnh theo học ngành Quản trị để làm sếp thiên hạ chơi.
Khởi nghiệp khó mà thật dễ vì hai chị em hồi nhỏ, như nhiều bọn trẻ ở quê là thích ruộng vườn, tắm sông, chèo ghe và giỏi làm nhiều món vui chơi như trò gấp giấy, bẻ hái cây lá tạo hình,... Lá mít tạo hình trâu chọi hai sừng, lá dứa gai làm nhẫn, chong chóng, lá dừa nước tạo chim sẻ, bươm bướm,... và hai chị em còn bị “lây nhiễm” cha mẹ khéo tay, chăm làm. Ở trường, thầy cô lại động viên học trò tự làm thiệp chúc mừng những ngày lễ trọng, hội trại, ngày Tết, Giáng sinh,... từ các vật liệu có sẵn của làng quê sông nước Thu Bồn. Khi đó tha hồ mà tổng hợp vẽ màu, cắt dán giấy với bao lá, hoa, cỏ. Chị Hạnh cũng đã bày cho nhóm bạn nhiều kiểu cách thành công qua mô hình E & M.
Cả nhà nghỉ tay, quây quần nhâm nhi chén chè đậu ngự, thêm vài viên đá thơm mát bổ dưỡng. Ăn vừa xong thì hai chị em cùng thích thú ré vang “Cao lầu bà Dung!” khi mẹ yêu thông báo: “Hồi sáng, mẹ mua được miếng thịt ba chỉ ngon nên tối nay...”.
Cũng như hoành thánh nhân thịt, nhân tôm, hấp và chiên, mỳ hoành thánh, hoành thánh chua ngọt,... thì món cao lầu trong các hàng quán nổi tiếng như cao lầu Thanh, bà Bé, Trung Bắc,... hay tại các gia đình cũng có vài khác nhau này nọ, biến đổi dần từ thuở thương nhân người Hoa đưa vào. Ẩm thực đặc sản “ngồi trên lầu mà ăn mà nhìn phố” luôn có những sợi mì vàng dẻo làm từ gạo ngâm trong nước tro của một loại cây ở Cù Lao Chàm, thịt xá xíu, da heo chiên giòn, rau sống, ớt bột, một ít nước dùng đậm màu được hầm từ xương heo,...
4. Du khách càng ngạc nhiên thú vị, lấy làm lạ khi đến chùa Cầu. Gọi là chùa nhưng không có sư tăng, bên trong lại không thờ Phật. Khi hướng dẫn viên giới thiệu và giải thích ba đại tự Lai Viễn Kiều, do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên khi ngài tuần du năm 1719, với ý nghĩa là “Cầu đón khách phương xa”.
Chiếc cầu có mái lợp ngói âm dương che kín này, vừa được đại tu lại, thời kỳ giao thương cực thịnh vào thế kỷ 17, đã được các thương nhân xứ Hoa Anh Đào góp tiền xây dựng nên có tên gọi là cầu Nhật Bản. Hai đầu cầu có hai tượng thú bằng gỗ: thần Khỉ và thần Chó, đó là hai vị thần trấn giữ con quái vật Namazu trong truyền thuyết dân gian đặc sắc mà người Nhật mang theo.
Về sau dựng thêm một phần như đình chùa, nhô ra từ lan can giữa cầu. Từ đó, có thêm tên gọi dân dã là chùa Cầu. Qua thời gian hư hại, chùa được trùng tu sửa chữa dần mất đi các yếu tố Nhật Bản, thay bằng kiến trúc mang phong cách Việt, Trung. Gian chính giữa thờ Bắc Đế Trấn Võ, vị thần thống trị phương Bắc, quản lý các loài thủy tộc trong tín ngưỡng Đạo giáo, chăm lo bảo hộ xứ sở, và ban phát niềm vui hạnh phúc cho mọi người.
Chùa Cầu Hội An, hình ảnh được in trên mặt sau tờ tiền polymer 20.000 VNĐ, nối thẳng hai tuyến phố chính Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú, gần như song song với bờ sông Hoài. Phía đường Trần Phú, cách Chùa Cầu mấy trăm mét là Hội quán Phúc Kiến. Đoạn đường này là “trụ sở chính” của Thành. Chàng ta di chuyển liên tục, khi bên lề trái, khi bên lề phải. Ngoài việc chính là giới thiệu phố cổ và bán hàng kiếm tiền, Thành còn chủ động giao tiếp mỗi khi có thể, trò chuyện vài câu với những khách đi riêng lẻ hay cặp đôi. Tính cách cởi mở nên chàng luôn vui vẻ hỗ trợ du khách đến thăm thành phố quê hương mình. Tất nhiên hai chị em phải hiểu biết nhiều về văn hóa lịch sử của quê mình.
Tương truyền, tiền thân của Hội quán Phúc Kiến là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu, bà chúa phù hộ cho thương nhân người Hoa vượt sóng gió đại dương qua đây buôn bán, vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697. Chính điện là nơi thờ Thánh Mẫu lộng lẫy cùng hai thần Thiên Lý Nhãn, Thuận Phong Nhĩ luôn đi theo Bà để cứu nhân độ thế. Đặc biệt có thờ 3 bà Chúa sanh thai và 12 bà mụ.
Cổng tam quan hội quán, du khách đi xa xa đã thấy màu hồng nổi bật. Phía trên mái nhà được điểm tô ấn tượng bằng những con rồng lớn to đẹp uốn lượn, ghép bằng sành sứ tráng men nhiều màu. Đây là nơi hội họp đồng hương của những người Phúc Kiến: Tết Nguyên đán, rồi các ngày Nguyên tiêu, vía Lục Tánh, vía Thiên Hậu,... hoạt động lễ hội thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham gia.
Trước mắt Thành là một gia đình trẻ, người vợ xinh đẹp đi bên anh chồng cao cao đang đặt con trai tóc vàng ngồi trên vai, hai tay vung cao nằm giữ đôi tay con. Thành lên tiếng chào mời:
“Hello! Do you see the grasshoppers swinging and flying?”.
“They are made by hand using coconut in place! Price only one dollar!”
(Xin chào! Anh/chị có thấy con châu chấu đung đưa và bay không?
Chúng được làm bằng tay sử dụng dừa tại nơi đây! Giá chỉ một đô la thôi!)
Một cơn gió vô tình nghịch ngợm đã trợ giúp Thành, mấy con bươm bướm bay bay, các chú châu chấu nhảy tưng tưng,... làm cuốn hút ngay cậu bé. Cậu bé thích thú chọn hai con. Mua bán thành công mau lẹ vui vẻ, Thành còn khuyến mãi thêm cặp nhẫn tình yêu tặng anh chị, ghép tỉ mỉ bằng lá dừa non khá đỏm dáng!
5. Hoàng hôn dần buông xuống, nơi hiên nhà vườn, trăng mười sáu bẽn lẽn ló lên mà trời chưa tối. Ba mẹ của Hạnh, Thành xong việc chuẩn bị cơm nước buổi tối, thư thả ngồi chờ hai con. Ông Hùng nhấp chút rượu nếp bách nhật chôn đất vợ làm. “Chà, lần này bà bỏ vô thêm cái gì mà ngon thơm vậy?”. Bà Dung mỉm cười im lặng âu yếm nhìn chồng. Ông nhấn thêm một câu nho nhỏ: “A. Ông uống bà khen hử?”. Bà nguýt mắt lườm yêu ông một cái. Ông vui kể lại chuyện gẫu sáng nay với bạn bè cà phê. Chủ đề là thành phố vừa được nước ngoài hỗ trợ thêm kinh phí để xây kè biển, đê ngầm từ Cửa Đại đến An Bàng. Dân Hội An vui mừng biết mấy, Cửa Đại từng là một trong 25 bãi biển được công nhận đẹp nhất châu Á, nhưng từ năm 2000 đến nay liên tục bị sóng lớn gây xói lở nghiêm trọng, có vị trí ăn sâu vào đất liền hơn 100m. Giải pháp đóng cọc bê tông, xếp liền bao cát lớn đã thất bại. Giờ xây kè rồi sẽ bơm cát tạo lại bãi biển xưa, trồng lại hàng dừa kỷ niệm.
Nghe chồng nói đến hàng dừa Cửa Đại, bà lại nhớ đến mấy tấm ảnh quý hiếm chụp chung nhóm bạn hồi học lớp 12 của ông bà, rồi lại lan man nhớ qua chuyện “Thầy Lang” tốt bụng, cơ duyên ông râu đến thăm phố cổ trong một dịp vi vu thăm biển Cửa Đại. Thầy Lang là tên một bộ phim Ba Lan nổi tiếng, hồi đó đang chiếu ở rạp 26/3 mà người dân Hội An trìu mến đặt cho ân nhân kiến trúc sư Kazik- Kazimierz Kwiatkowski với những câu nói từ đáy lòng mình: “Tôi bị Hội An mê hoặc”, “Tất cả vì Hội An”.
Ông bà cùng nhắc nhớ về cái thời Hội An nghèo nàn, thiếu đói, phố thị u buồn, vắng vẻ, những ngôi nhà cổ cũ nát tàn tạ,... Ngày tháng đó, nhiều người dân tò mò kháo nhau đến xem một ông Ba Lan cao lớn, bộ râu quai nón, gương mặt phúc hậu đứng làm việc dưới nắng trưa gay gắt. Kazik tranh thủ ngày cuối tuần chạy về từ công trường tu sửa thánh địa Mỹ Sơn, tự nguyện làm không công, luôn say sưa ghi chép và đo vẽ dãy phố cổ để giới thiệu “kho báu di sản” ra thế giới và lên phương án bảo tồn,...
Rót thêm cho chồng đầy ly rượu nữa, bà Dung lo lắng nói: “Tối nay, hội hoa đăng, không biết hai con có về kịp giờ?”.
Chị em Hạnh nhớ việc buổi tối đến phụ giúp vợ chồng bà Tư già ở bến Mơ, nên qua trưa đã mang hàng đi bán sớm hơn. Hai người cao tuổi kiếm thêm bằng cách lấy sỉ hoa giấy xếp đủ màu và đèn sáp về bán. Thành cùng chị giúp chào mời, hướng dẫn và phụ khách đốt nến, thả xuống sông, gọi thuyền chở, giúp khách chụp ảnh, quay phim,...
Chiều nay, Thành chọn địa bàn là phố bán hàng lưu niệm, nào đèn xếp, tò he, nào tranh khắc gỗ, sáp thơm,... và đặc sản của các hiệu bánh đậu xanh gia truyền. Gần như mọi du khách đều ăn thử và mua nhiều bánh đậu xanh về làm quà nhất. Bánh Hội An khuôn tròn, bánh khô vỏ giòn tan và bánh ướt mịn màng, nhân thịt mỡ bùi béo rất hấp dẫn.
Phía Hồng Hạnh, cũng may mắn bán hết hàng nhanh, đã nhắn tin cho Thành biết. Trên đường bước nhanh nhanh về nhà, Hạnh nhớ khung cảnh tưng bừng đêm hoa đăng những tháng trước. Lễ hội có từ cuối thế kỷ trước, được tổ chức vào ngày 14 và 15 âm lịch. Vào những đêm trăng này, phố phường trung tâm sẽ tắt hết điện, đèn đường, Hội An trở nên lung linh, huyền ảo với hàng trăm chiếc đèn lồng đỏ treo cao. Từ các bến hay các thuyền trên sông Hoài, du khách sẽ được tự tay thả những chiếc đèn hoa nhỏ xinh, đầy màu sắc xuống mặt nước, tạo nên khung cảnh rất lãng mạn, từ lâu đã thành nét văn hóa đặc sắc nơi đây. Những chiếc đèn được thả xuống, thắp lên hy vọng tương lai tốt đẹp, lời cầu nguyện may mắn, bình an cho gia đình, người thân yêu.
Thành và Hạnh lần lượt bước vào cổng nhà. Chưa thấy người mà đã nghe tiếng chào ba mẹ rõ to vui vẻ. Bà Dung liền xuống bếp. Ông Trung nói: “Ba mẹ định ăn trước đây. Thôi hai con nhanh tay đi”.
Hồng Hạnh và Thành cùng dạ rồi vào nhà sắp xếp thu dọn lẹ bao bì. Người mẹ nói với theo giọng hồ hởi: “Hạnh nè, nhà dì Hoa Hồng Trắng nhắn con mang một ít bưu thiếp tới, vừa để họ trang trí vừa bán giúp con luôn!”.
Thành đưa bàn tay lên cao, hai ngón tạo thành chữ V, chúc mừng người chị thân yêu của mình. Tiệm bánh bao, bánh vạc này khách luôn đông, bánh có nguồn gốc từ há cảo, do chính người gốc Hoa đến Hội An sinh sống và lập nghiệp sáng tạo ra. Mẹ mới nhắc, Hạnh đã thấy thèm loại bánh nhỏ nhắn làm công phu, màu trắng tinh khôi, như hoa hồng trắng. Nhân bánh bao là chả tôm xào cùng các gia vị như hành, tiêu, muối,..., còn nhân bánh vạc thì thêm thịt heo, nấm mèo, măng tre, hành lá xắt nhỏ,... Ui chà, nhâm nhi với nước chấm chua ngọt.
Hai chị em cùng đi ra giếng, múc gầu nước rửa ráy mặt mày tay chân. Thành vừa đi ra vừa huýt gió điệu nồng nàn phấn khích, còn Hồng Hạnh hát nho nhỏ một khúc nhạc đồng quê của Mỹ.
Bữa cơm tối nhiều rau quả trong ngõ sâu đầm ấm hạnh phúc gia đình với những tiếng cười, tiếng nói rộn ràng. Ngoài vườn, trăng tròn đã bắt đầu tỏa sáng trên những luống cây xanh tươi, hoa trái sum sê.
L.H.P