Những người viết văn trẻ sống và viết ở chiến trường Khu 5
Các nhà văn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu.
Cuối tháng 8 năm 1970, Ban Tuyên huấn và Ban Thống nhất Trung ương phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam mở lớp đào tạo viết văn phục vụ chiến trường. Lớp có 73 học viên - trong đó có ba học viên của nước Lào. Hầu hết các học viên là sinh viên khóa XI, XII khoa Ngữ văn và khoa Lịch sử của Đại học Tổng hợp Quốc gia - vừa tốt nghiệp, còn lại là giáo viên dạy văn cấp III - là con em cán bộ miền Nam tập kết, một vài cây viết trẻ là bộ đội, là công chức đang công tác tại các cơ quan báo chí, văn hoá Trung ương. Ngoài một số ít anh chị lớn tuổi, đã có vợ chồng, hầu hết các học viên đều trong độ tuổi từ 21 đến 30, chưa vợ, chưa chồng, thậm chí chưa có người yêu. Lớp học do nhà văn Nguyên Hồng trực tiếp phụ trách, có sự giúp sức trong việc quản lý học viên của các nhà văn, nhà thơ: Phan Tứ, Kim Lân, Đoàn Giỏi, Thu Bồn, Võ Quảng - đang ở trại sáng tác. Đây là lớp đào tạo lực lượng viết văn phục vụ chiến trường miền Nam đầu tiên, duy nhất của Hội Nhà văn Việt Nam kể từ ngày cách mạng miền Nam Đồng Khởi.
Sau 6 tháng học chính trị, đi thực tế, học viết tại trường Bồi dưỡng Viết văn Quảng Bá (nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội); trước khi lên trường 105B tại Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) để huấn luyện bắn súng, lăn lê, bò toài, tập căng tăng, mắc võng, nấu ăn, đi đường, ngủ - nghỉ, vệ sinh v.v..., ngoài ba học viên nước Lào (sau này có 2 người là Thứ trưởng Bộ Văn hóa Lào, nhà văn Chănthi Đuông Xavanh là Chủ tịch Hội Nhà văn Lào), 70 học viên còn lại được Ban Thống nhất Trung ương phân đi các chiến trường: Trị - Thiên: 3 người, Khu 5: 24 người, Khu 6 (Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng): 5 người, Đông Nam Bộ và Trung ương Cục: 37 người.
Chiều ngày 15 tháng Tư năm 1971, các học viên (ở khu A) - đi chiến trường Nam bộ và Khu 6 rời trường 105B.
Chiều 16 tháng Tư, các học viên (ở khu B) - đi chiến trường Trị - Thiên và Khu 5 cũng rời trường.
Đoàn về Khu 5 - vì yêu cầu công tác và sức khỏe nên có 5 học viên tách đoàn đi đợt 1, để đi theo tuyến riêng và đi sau (anh Nguyễn Văn Giai về Văn phòng Khu uỷ - sau 1975 - là Phó Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Giám đốc NXB Đà Nẵng; anh Nguyễn Trí Huân đi theo tuyến quân đội - là Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tổng Biên tập báo Văn nghệ, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; anh Ngô Quy Nhơn - sau 1975 là Phó Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Tổng Biên tập báo Quảng Nam - Đà Nẵng, báo Đà Nẵng; anh Lê Đình Nghi - là Tổng Biên tập báo Thanh Hóa; anh Nguyễn Thế Khoa - là Tổng Biên tập tạp chí Văn Hiến - đương chức).
Cùng rời trường 105B vào chiều ngày 16 tháng 4 để về Khu 5, Trị - Thiên, còn có các đoàn y - bác sĩ ngành Dân y, kỹ sư - điện báo viên ngành Bưu điện, các kỹ sư ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp (trong đó có anh Võ Văn Tiên - sau năm 1975 là Giám đốc Sở Nông Nghiệp - Phát triển nông thôn, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam).
Chiều 27 tháng 5 năm 1971, 19 học viên lớp viết văn trẻ vào chiến trường Khu 5 về tới Văn phòng Ban Tuyên huấn Khu ủy - bấy giờ đứng chân tại vùng giáp ranh giữa xã Leng (Trà Leng, Nam Trà My) và xã Phước Thành (nay là xã Phước Thành, xã Phước Lộc của huyện Phước Sơn đều ở miền Tây Quảng Nam).
Ngay trong bữa cơm chiều mà lãnh đạo Ban Tuyên huấn Khu ủy tiếp các “nhà văn trẻ” từ miền Bắc vào, các “nhà văn trẻ” đã bắt đầu cảm nhận được những thiếu thốn, những khó khăn, gian khổ khắc nghiệt của chiến trường Khu 5. Bữa cơm hôm ấy chỉ có cơm “gạo bọc thép” (loại gạo từ lúa rẫy hong giàn bếp) độn với sắn lát đen, nồng hôi mùi khói; còn thức ăn thì chỉ có măng nứa tươi luộc chấm với nước mắm cái đùng đục, tanh lợm, nhạt thếch. Rất may cho bữa cơm “đón khách” hôm ấy là có thêm mấy tô canh mì “ông Phật” nấu với cá hộp (loại cá mòi) nên bữa cơm bớt phần khó nuốt. Chỉ thương hai nữ nhà văn trẻ: Vũ Thị Hồng và Bùi Thị Chiến vừa và miếng cơm vào miệng đã vội buông bát đũa rồi lẳng lặng về lán nghỉ.
Hơn ba tháng ở tại Văn phòng Ban Tuyên huấn Khu ủy, vừa học chính trị, tìm hiểu kỹ hơn về tình hình cách mạng Khu 5, vừa làm nhà, vừa đi gùi cõng sắn, bắp, gạo (trong khu căn cứ từ miền Tây Quảng Ngãi ra miền Tây Quảng Đà), các “nhà văn trẻ” còn được các nhà báo kỳ cựu vào trước như Võ Thế Ái (Huy Minh), Đặng Phò (Đặng Minh Phương), Vũ Đảo, Hoàng Trà, Huỳnh Ngọc Lý... chỉ dạy cho cách sống, cách đi, cách viết, thậm chí cả cách chọn đất phát rẫy, cách săn thú, câu cá v.v... để tồn tại ở chiến trường Khu 5 - đặc biệt là chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà - vùng đất mà Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đặt căn cứ địa; vùng đất mà giặc Mỹ và ngụy quyền, ngụy quân Sài Gòn lập Khu liên hợp quân sự và đặt sở chỉ huy Quân đoàn I và Vùng I chiến thuật của chúng - đây là hai địa bàn ác liệt nhất của Khu 5, của miền Nam thời bấy giờ.
Cũng thời gian này, các “nhà văn trẻ” còn nhận tin dữ: Nhà văn Trần Tiến (Chu Cẩm Phong) mới hy sinh tại Duy Xuyên, (1/5/1971) nhà thơ Nguyễn Mỹ bị địch giết tại Nước Ta (ngày 16/ 5/1971) nằm ngay trong khu căn cứ trong đợt Mỹ - ngụy đổ quân đánh phá càn quét vào căn cứ của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu đang đóng quân ở vùng xã Leng, xã Lép (nay là xã Trà Leng, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5 năm 1971).
Cuối tháng 8/1971, 19 học viên của lớp viết văn trẻ về Khu 5 đợt đầu được lãnh đạo Ban phân công về các tiểu ban: Trần Trung Kiên, Phạm Văn Song về báo Cờ Giải phóng; Trần Hữu Huy về tạp chí Tiền Phong - tiểu ban Huấn học; Nguyễn Khắc Phục, Trần Vũ Mai (Vũ Xuân Mai), Hoàng Minh Nhân (Hoàng Sơn), Từ Quốc Hoài (Nguyễn Văn Giáo), Hà Phan Thiết (Đoàn Tử Diễn), Đỗ Văn Đông [sáu người trên đã qua đời], Nay Nô, Hoàng Hởi, Bùi Thị Chiến, Phan Nghĩa An (Trần Văn Thành), Ngô Thế Oanh, Nguyễn Đức Hạt, Nguyễn Bá Thâm về tiểu ban Văn nghệ (cơ quan của Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ - sau tháng 5 năm 1973 được đổi thành Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ). Còn Vũ Thị Hồng (Nguyễn Thị Bắc Hà), Nguyễn Hồng (hy sinh tại Điện Bàn vào tháng 12 năm 1973), Nguyễn Bảo được nhà văn Nguyên Ngọc (lúc đó là Trưởng Ban Văn học Quân khu 5 - Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ) xin về Ban Văn học Quân khu (đã có Nguyễn Trí Huân là lính cùng học lớp viết văn trẻ vào trước đó theo tuyến quân đội).
Sau ngày Quốc khánh 2/9/1971, 13 học viên viết văn trẻ được phân về tiểu ban Văn nghệ rời Văn phòng Ban Tuyên huấn Khu ủy để về nơi tiểu ban đứng chân. Gần hai ngày đường băng rừng, lội suối - từ xã Leng - các “nhà văn trẻ” mới về tới xã Ngheo (nay là xã Trà Ka của huyện Bắc Trà My). Trụ sở tiểu ban Văn nghệ nằm sát ngay Nước Ngheo - một dòng suối “bậc trung”, không rộng, không sâu và nước rất trong. Trụ sở nằm trong một hẻm núi, có con suối nhỏ, là những căn lán nhỏ lợp lá dong, lá mây, bốn bề trống hoác, không giường - sạp vì tất cả đều ngủ võng. Về hạ lưu Nước Ngheo đi bộ chừng nửa giờ là một nóc đồng bào người Cơ dong tên là nóc ông Để. Về thượng lưu, đi bộ chừng 10 phút là Đoàn Tuồng (cũng thuộc Ban Tuyên huấn Khu uỷ). Sau lưng cơ quan chừng 10 phút leo dốc là rẫy lúa rộng khoảng 4 - 5 sào; ngược Nước Ngheo - phía bên kia suối - là một rẫy lúa lớn chừng gần hécta. Cả hai rẫy lúa đang chín rộ. Theo các anh: Quốc, Thảo, Quế, cả hai rẫy lúa này đều do anh Tiến (Trần Tiến - Chu Cẩm Phong) chỉ huy phát đốt, dọn rẫy, trỉa lúa, rải hạt rau, hạt dưa.
Gần hai tháng trời, vừa đi suốt lúa rẫy, vừa đi kiếm rau rừng, kiếm củi... vừa nghe nhà thơ Vương Linh (tức Hải Lê - tên thực là Lê Công Đạo), nhà thơ Bùi Minh Quốc (Dương Hương Ly), nhà văn Cao Duy Thảo, nhà thơ Thanh Quế - là các “cựu binh” - giáo huấn cho cách sống, cách đi thực tế lấy tư liệu, cách viết ở chiến trường Khu 5 (cũng như lời chỉ vẽ của các nhà báo kỳ cựu lúc ở Văn phòng Ban Tuyên huấn Khu ủy - chỉ khác là đi sâu vào thủ thuật lấy tài liệu, loại hình văn chương cần sáng tác kịp thời để phục vụ các yêu cầu cách mạng).
Đến cuối tháng 10 năm 1971, các “nhà văn trẻ” được lãnh đạo Ban Tuyên huấn, lãnh đạo tiểu ban Văn nghệ cử đi thực tế và viết tại các tỉnh trong khu vực. Trần Vũ Mai theo Thanh Quế đi Phú Yên; Đoàn Tử Diễn, Nguyễn Văn Giáo, Bùi Thị Chiến theo Cao Duy Thảo đi Bình Định; Nguyễn Đức Hạt, Hoàng Sơn đi Quảng Ngãi; Ngô Thế Oanh đi Quảng Nam; Nguyễn Khắc Phục, Nay Nô, Hoàng Hởi đi Đắk Lắk, Gia Lai. Còn Trần Văn Thành, Đỗ Văn Đông, Nguyễn Bá Thâm - người ở lại “trông nhà”, người đi trại sản xuất của Ban ở Nước Xa (Trà Mai), dốc Đoác (Trà Giác), sông Trường (Trà Giang) để phát rẫy trồng sắn, trồng bắp, đánh bắt cá, săn heo, nai... gửi về Văn phòng Ban để nuôi quân.
Đầu năm 1972, từ Phú Yên về, Trần Vũ Mai có truyện ngắn Bậc biển và bắt đầu viết trường ca Ở làng Phước Hậu; từ Bình Định về Đoàn Tử Diễn viết được rất nhiều thơ, nhưng có bài thơ được nhiều người thích là Tên em, khuôn mặt em; Bùi Thị Chiến có truyện ngắn Người vùng sâu; Nguyễn Đức Hạt từ Quảng Ngãi về cũng có một chùm thơ, và bài được anh em thích là Ngọn đèn của mẹ; từ Gia Lai, Đắk Lắk về Nguyễn Khắc Phục có một chùm thơ nhưng khá nhất vẫn là bài Cà đắng và trường ca Xamắc Cơcham (Ăn cốm giữa sân); Hoàng Hởi có bài thơ Taman; Nay Nô có truyện ngắn Đêm ở Ro. “Trụ bám” ở cơ quan hay ở trại sản xuất, Trần Văn Thành, Nguyễn Bá Thâm cũng mày mò, ráng sức làm được những bài thơ mà anh em ban Văn của Hội đánh giá là “viết được” - trong đó có bài Thư gửi mẹ (còn có tựa đề Khát vọng) của Nguyễn Bá Thâm.
Bốn học viên vừa về Ban Văn học Quân khu là xuất trận ngay. Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Hồng về Sư đoàn Ba (Sư đoàn Sao Vàng) đang quần nhau với Sư đoàn 22 ngụy quân tại Bình Định. Nguyễn Trí Huân sau đó đã có tiểu thuyết Chim én bay. Nguyễn Hồng có bút ký Đêm cao điểm (được tặng thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1974 và in trong Văn miền Trung thế kỷ XX - NXB Đà Nẵng). Vũ Thị Hồng đi với Sư đoàn 2, tham gia chiến dịch giải phóng Hiệp Đức, Quế Sơn và có bút ký Dưới chân núi Chư Gan. Nguyễn Bảo đi Mặt trận 44 Quảng Đà, về với Đại đội 2 Công binh - đèo Hải Vân, về với tiểu đoàn Đặc công Nước 471 - tiểu đoàn chuyên đánh phá tàu thuyền Mỹ - ngụy tại cảng Tiên Sa, vịnh Đà Nẵng, cầu Nam Ô, cầu Thủy Tú và đã có được truyện ký Biển đêm và truyện ngắn Bạn đường.
Từ cuối năm 1971 đến đầu năm 1975, cứ mỗi năm từ 6 đến 8 tháng, các nhà văn trẻ tại Khu 5 lại được đưa về các địa phương từ Quảng Đà đến Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, đến sống và viết tại các vùng tranh chấp địch - ta, vùng sâu (xen kẽ giữa ta và địch). Các nhà văn trẻ còn trở thành cán bộ binh vận, vận động quần chúng, làm ca dao hò vè, diễn ca, tham gia tích cực vào công tác binh địch vận, công tác tuyên truyền tại những địa phương mà các nhà văn trẻ đang “đi thực tế”, lấy tư liệu sáng tác.
Trong số 22 “nhà văn trẻ” (có 02 người không trực tiếp viết văn, viết báo trong số 24 học viên về Khu 5) về chiến trường Khu 5 sống và viết, có nhiều anh chị đã bị trúng bom pháo địch, có người bị thương rất nặng, có người đã cầm súng đánh nhau quyết liệt với địch khi chúng càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng và hy sinh anh dũng như Nguyễn Hồng (trong số 42 học viên đi Khu 6 và Nam bộ, có hai người hy sinh vì sốt rét ác tính là Nguyễn Văn Long và Nguyễn Văn Kim). Nhiều người - sau 1975 - bị nhiễm chất độc dioxin.
Sau ngày đất nước thống nhất, những người được đào tạo để vào chiến trường miền Nam viết văn, viết báo, rất nhiều người đã trở thành những nhà lãnh đạo chủ chốt của các cấp ủy Đảng, như các anh: Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội; anh Nguyễn Đức Hạt - Ủy viên TW Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; anh Phan Xuân Biên - Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo thành phố Hồ Chí Minh. Có nhiều học viên trở thành nhà khoa học, Tổng Biên tập báo Đảng, báo ngành của địa phương, của Trung ương như: Anh Trần Đức Cường là Chủ tịch Hội Lịch sử Việt Nam; anh Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo từng giữ chức Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội; anh Lê Quang Trang từng giữ chức Tổng Biên tập báo Đại Đoàn kết; anh Ngô Xuân Uýnh, Ngô Quy Nhơn, Trần Trung Kiên, Cao Xuân Phách, Dương Trọng Dật, Lê Đình Nghi nhiều năm liền tham gia cấp ủy, Tổng Biên tập báo Đảng bộ: Quảng Trị, Quảng Nam - Đà Nẵng, Đà Nẵng, Bình Định, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa. Anh Lê Doãn Xuân từng giữ chức Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thuận Hải (Ninh Thuận, Bình Thuận) rồi làm Trưởng đại diện Bộ Văn hóa Thông tin các tỉnh phía Nam (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh); anh Đoàn Tử Diễn - Tổng Biên tập Báo Ảnh - Thông tấn xã Việt Nam, nhà thơ Ngô Thế Oanh - Phó Tổng Biên tập tạp chí Thơ - Hội Nhà Văn Việt Nam, Trần Văn Thành - Phó Tổng Biên tập báo Phụ Nữ Việt Nam, chị Hà Phương (Đỗ Thị Thanh) - Tổng Biên tập Người làm Báo, Tổng Biên tập báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Thế Khoa làm Tổng Biên tập tạp chí Văn Hiến.
Có 17 học viên trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam gồm: Triệu Bôn (Lê Văn Sửu), Vũ Xuân Khoa (Vũ Ân Thi), Đỗ Nam Cao [3 người đã qua đời], Dương Trọng Dật, Đỗ Thị Thanh (Hà Phương), Trần Thị Thắng, Lê Quang Trang, Lê Điệp (ở Trung ương Cục, Nam Bộ) và ở chiến trường Khu 5 có 9 người, gồm: Trần Vũ Mai, Nguyễn Khắc Phục, Từ Quốc Hoài [3 người đã qua đời], Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Vũ Thị Hồng, Ngô Thế Oanh, Nay Nô, Nguyễn Bá Thâm.
Trong 17 học viên là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có hai người từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là Nguyễn Trí Huân và Lê Quang Trang. Có 3 người đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học là Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo. Có ba người được phong hàm đại tá quân đội là Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Vũ Thị Hồng (từng là Trưởng Ban Công tác Nữ quân đội). Có 3 người được phong hàm Phó Giáo sư-Tiến sĩ là Trần Khắc Cường, Phan Xuân Biên, Hà Công Tài.
Có thể khẳng định:Với chiến trường Khu 5, những người được đào tạo tại lớp viết trẻ phục vụ chiến trường, có 13 anh chị được đưa về cơ quan Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ 4 người về Ban Văn học Quân khu hoặc các anh làm báo Cờ Giải phóng của Khu, của Quảng Nam, Quảng Đà
tất cả đều trở thành những nhà báo, nhà văn có năng lực, phẩm chất tốt, đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp báo chí, văn hóa, văn học, nghệ thuật cách mạng của vùng đất của mình đang sống.
N.B.T