Dưới chân thành Điện Hải
Thành Điện Hải ngày nay. Ảnh minh họa.
1. Viễn Đông, ngày 20 tháng 8 năm 1858. Cateline yêu dấu!
Khi em nhận được lá thư này, có lẽ anh đã rời Trung Hoa để đến một vương quốc xa lạ ở phương Nam. Khi một vị tướng nhìn lên tấm bản đồ, đó cũng là lúc những người lính của ông ta phải tiếp tục xa nhà. Theo lệnh của Đô đốc, hạm đội của anh sẽ nhổ neo trong vài ngày nữa. Công việc chuẩn bị khá khẩn trương, gần như chẳng lúc nào ngơi nghỉ. Anh phải kiểm tra các khẩu đại bác, đạn dược, dầu mỡ…như có cả núi việc trên đầu.
Nhưng Cateline yêu dấu, không khi nào trái tim anh thôi nhung nhớ về em và các con. Khi cuộc viễn chinh kết thúc, anh sẽ có đủ tiền để xây cho chúng ta một ngôi nhà xinh đẹp, có cửa sổ nhìn ra biển Marseille đầy nắng và sóng.
Thề có Chúa! Anh nhớ em và các con đến vô cùng!
Algernon.
2. Mọi cuộc xâm lược đều phi nghĩa nhưng người ta cần phải có một lý do chính nghĩa để che đậy cho bản chất của nó. Đêm muộn, ngày 31/8/1858, lấy danh nghĩa trả thù cho các giáo sĩ và giáo dân bị triều đình nhà Nguyễn sát hại, liên quân Pháp và Tây Ban Nha, dưới sự chỉ huy của Đô đốc Hải quân Rigault de Genouilly mang theo mười bốn tàu chiến với khoảng hai ngàn quân tập kết trước cửa biển “Tourane” tức Đà Nẵng của Việt Nam.
Các tàu được lệnh thả neo và án binh bất động. Trên tàu chỉ huy Némésis, Đô đốc Genouilly đang chăm chú lắng nghe những báo cáo từ cấp dưới. Đôi mắt sâu hoắm của viên tướng dạn dày trận mạc, đã nổi danh trong chiến tranh Krym và chiến tranh nha phiến lần hai, tỏ ra thận trọng hơn đám thuộc cấp háo thắng và khinh địch.
Các pháo đài, đồn lũy canh giữ của đối phương đều phơi mình trong tầm bắn của pháo hạm. Một cuộc đổ bộ chớp nhoáng lên bán đảo Sơn Trà và bờ sông Hàn là thừa sức với chúng ta vào ngày mai.
Quân đồn trú ở đây chỉ được trang bị những khẩu đại bác lạc hậu, tầm bắn rất hạn chế, hoàn toàn không thể uy hiếp các chiến hạm của chúng ta.
Genouilly đưa mắt về phía người duy nhất không mặc quân phục. Đó là Giám mục Pellerin, người đóng vai trò cố vấn chính trị và quân sự, cũng là người sốt sắng nhất trong việc vận động hoàng đế Napoleon III mang quân đánh Việt Nam. Ông đã từ Pháp đến Hồng Kông để kịp gia nhập vào đoàn quân viễn chinh.
- Thưa Giám mục Pellerin. Cha có nhận định gì không?
Trong chiếc áo choàng màu nâu sẫm, viên giám mục trả lời đầy tự tin:
- Chúa sẽ đứng về chúng ta!
Genouilly tỏ ý không hài lòng với câu trả lời đầy tính ẩn dụ ấy.
- Thưa Cha! Đức tin nên dành cho binh lính. Còn với tư cách là một vị tướng, tôi cần nhiều hơn những lời cầu nguyện.
Giám mục Pellerin vẫn không thay đổi sắc mặt:
- Nhưng ngài đừng quên, hoàng đế Napoleon III đã lên ngôi nhờ sự ủng hộ của Phái Công giáo và hoàng hậu Eugénie de Montijo là một tín đồ rất sùng đạo. Đó là lý do ngài được có mặt ở đây để làm cho sự nghiệp cầm quân của mình có chút lẫy lừng hơn so với cuộc chiến ở Krym và Trung Hoa vừa qua…
Genouilly cắt lời:
- Khi còn ở Krym, tôi tận mắt chứng kiến, một người lính của tôi làm dấu thánh trước khi cầm lưỡi lê xông tới bọn Anh ta mới chạy có vài bước thì một quả đạn pháo bay tới, sau một tiếng nổ lớn, thứ mà tôi nhìn thấy chỉ còn là một đống thịt nát vụn và nhầy nhụa. Thế nên, đêm nay, trước khi đi ngủ, tôi sẽ vẫn cầu nguyện với Chúa, còn bây giờ, tôi muốn biết những thông tin khác mà cho Cha đang có.
Không khí im lặng bao trùm cả căn phòng. Giám mục Pellerin trầm ngâm một lúc và đáp:
- Từ lâu, các giáo sĩ phương Tây đã theo thuyền buôn đến các thương cảng lớn ở xứ này truyền đạo nên ở đây có rất đông người Việt theo Thiên Chúa giáo. Họ bị triều đình nhà Nguyễn bách hại nặng nề nhiều năm qua. Tôi tin, khi quân ta đến với lá cờ chữ thập, họ sẽ đứng lên hưởng ứng cùng chúng ta. Như tôi đã nói Genouilly ạ! Chúa ở phe chúng ta!
- Chúa ở phe chúng ta!
- Bravo! Bravo! (Hay lắm).
Căn phòng ồn ào trở lại. Đám sĩ quan nâng ly và chúc tụng. Tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng cười nói, tiếng chạm ly, tiếng khạc nhổ… hòa lẫn vào nhau tạo nên những tạp âm xô bồ và hỗn loạn. Với những thông tin có được, các chỉ huy liên quân đều tự tin sẽ chiếm được cửa biển Đà Nẵng chỉ trong vòng một buổi sáng, dễ như người ta cắt miếng bơ mềm bằng con dao vừa nung trên lửa.
Nhưng Genouilly không nghĩ như vậy.
Trước khi đặt chân đến Đà Nẵng, ông đã tham chiến trong hàng ngũ liên quân Anh - Pháp đánh nhau với quân đội Nhà Thanh từ năm 1856 đến năm 1860. Với vũ khí hiện đại, liên quân Anh - Pháp mới có thể chiến thắng được gã khổng lồ châu Á đất rộng, người đông. Lúc nhận được lệnh của vua Napoleon III, Genouilly đã nhìn rất lâu trên tấm bản đồ vẽ xứ sở mà mình sẽ phải chinh phục tiếp theo. Đại Nam - một vương quốc không quá rộng lớn, với đường bờ biển chạy dài rất dễ bị tổn thương, lại nằm ngay bên cạnh con rồng Trung Hoa, vậy mà không bị nó nuốt chửng trong suốt cả ngàn năm. Chắc chắn không thể nhờ may mắn. Không có may mắn nào kéo dài đến thế.
Xứ sở này có dễ dàng bị khuất phục như lời giám mục Pellerin quả quyết hay không?
Genouilly bỏ ra ngoài.
Mặt biển hôm nay lặng gió đến kỳ lạ.
Genouilly chợt nhớ đến một đoạn trong cuốn sách của nhà du hành người Anh tên là John Barrow: “Vịnh Han- san (Hàn Sơn), hay thường được ghi dấu trên các tấm hải đồ là Turon (Đà Nẵng), về mặt an toàn và thuận tiện, ít có vịnh nào trên thế giới ở phương Tây sánh được bằng nó, và chắc rằng không có vịnh nào vượt trội hơn nó”. Gã người Anh viết không sai chút nào. Genouilly thầm nghĩ.
Một ánh sáng trên boong tàu hắt tới làm viên đô đốc chú ý. Ông nhận ra bóng người lờ mờ trước mặt. Thiếu úy pháo binh Algernon Fontaine đang hí hoáy viết gì đó lên mảnh giấy đặt trên thùng đạn pháo.
- Anh đang viết thư à?
- Vâng thưa đô đốc! Tôi có chút bất an! Nên…
Genouilly cau mày:
-Bất an?
Algernon gật đầu. Đáp rằng miền đất này quá xa lạ với anh. Dù các sĩ quan cấp trên đều tuyên bố sẽ chinh phục dễ dàng. Nhưng trong thâm tâm, anh vẫn chập chờn một nỗi sợ vô hình. Lúc ẩn lúc hiện. Không biết điều gì sẽ chờ đợi mình ở ngoài kia khi mặt trời mọc lên.
- “Rien ne pèse autant qu’un secret!” (Không có gì nặng nề hơn là một bí mật). Ai cũng lo sợ về điều mà mình không biết rõ.
- Nhưng Chúa ở bên chúng ta! Tôi tin như thế!
Genouilly cười nhạt:
- Ngoài việc tạ ơn Chúa, anh cũng nên tạ ơn người đã tạo ra những khẩu đại bác có rãnh xoắn được lắp trên tàu của chúng ta. Và tôi muốn ngày mai, tất cả chúng phải được khai hỏa thành công, chỉ cần một khẩu bị kẹt đạn, ngày về Marseille với cô vợ xinh đẹp của anh sẽ còn xa thêm nữa đấy. Rõ chưa?
- Rõ thưa đô đốc! - Algernon ưỡn ngực, nghiêm chỉnh đáp.
Gió bắt đầu thổi. Lạnh lẽo và tê tái.
3. Sáng ngày 01/9/1858, bầu trời trong vắt trên cửa biển Đà Nẵng bị xé toạc bởi tiếng đại bác của liên quân Pháp và Tây Ban Nha, mở màn cho cuộc xâm lược của thực dân phương Tây đối với Việt Nam. Các khẩu pháo Paixhans hiện đại nhất của Pháp với nòng súng có rãnh xoắn, được thiết kế để bắn các loại đạn nổ đồng loạt khai hỏa vào các vị trí quân sự ở bán đảo Sơn Trà và cửa sông Hàn, đặc biệt là hai thành An Hải và Điện Hải.
Trên soái hạm Némésis, Algernon thở phào khi các khẩu pháo do mình phụ trách đều hoạt động trơn tru. Quân đồn trú của nhà Nguyễn ra sức kháng cự, nhưng những khẩu súng thần công kiểu cũ với nòng trơn và đạn tròn bằng gang, sắt không phải là đối thủ của các loại hỏa khí tân tiến đến từ phương Tây. Sau nửa giờ pháo kích, các cơ sở phòng ngự của quân Nguyễn đã bị vô hiệu hóa, Genouilly ra lệnh cho các đại đội từ ba tàu chiến, cùng phân đội công binh đổ bộ lên bờ.
- “Vive l’Empereur!” (Hoàng đế vạn tuế).
Trong tiếng quân nhạc và khẩu hiệu vinh danh Napoleon III, Genouilly cùng quân Pháp ào ạt tiến đến các mục tiêu, dưới sự yểm trợ áp đảo của hỏa lực, thành An Hải cùng các pháo đài Phòng Hải, Trấn Dương, các đồn Nhất, Nhì, Ba, Tư trên bán đảo Sơn Trà đều lần lượt lọt vào tay giặc. Trong chiều hôm ấy, quân Pháp đã làm chủ toàn bộ vùng Tiên Sa.
Genouilly nhanh chóng tổ chức lực lượng cho mục tiêu tiếp theo. Đó là ngôi thành ở phía Tây cửa biển Đà Nẵng, người Pháp gọi là “Fort de L’ ouest” tức Thành Điện Hải.
4. Thành Điện Hải trước là đồn Điện Hải, được vua Gia Long cho xây dựng bằng đất vào năm 1813 theo kiến trúc Vauban của Pháp. Năm 1823, vua Minh Mạng cho dời vào bên trong đất liền, xây bằng gạch, trên một gò đất Năm 1835, đồn được đổi tên là Thành Điện Hải. Đến năm 1847, dưới thời vua Thiệu Trị, thành được mở rộng chu vi lên năm trăm sáu mươi mét, cao hơn năm mét. Thành có hai cửa, cửa chính mở về phía Nam, cửa còn lại mở về phía Đông. Trong thành có hành cung, kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị ba mươi ụ súng đại bác cỡ lớn.
Muốn vào được Thành Điện Hải, quân giặc phải vượt qua một hào sâu bằng một chiếc cầu gạch, có vô số chướng ngại vật được bố trí xung quanh như ụ đất, trên cắm nhiều cây tre, vài chỗ được bảo vệ bằng hầm chông hay những tấm chông đan xen nhau. Những chiến hào được đặt ở các hướng khác nhau, bên trong trang bị đại bác, đá và súng lớn, còn có nhiều lính phòng thủ cầm súng gắn lưỡi lê theo kiểu của Pháp.
8 giờ sáng, ngày 02/9/1958, pháo hạm liên quân tiếp tục nhả đạn lên Thành Điện Hải. Kho thuốc súng bị trúng đạn và phát nổ, cháy liền trong một giờ. Các chướng ngại vật nhanh chóng được dọn sạch, quân Pháp tràn lên chiếm thành. Quan quân nhà Nguyễn buộc phải di tản để lập phòng tuyến mới. Genouilly kéo quân đến cửa Đông của Thành Điện Hải. Trước mắt ông là một khung cảnh tan hoang, nồng nặc mùi khói súng. Tòa nhà giữa thành bị bắn thủng mái, những khẩu đại bác vương vãi khắp nơi, cùng la liệt những xác người hai bên lối vào cửa.
Bỗng có tiếng súng nổ khiến Genouilly giật mình. Vẫn còn ổ kháng cự chăng? Những tiếng cười khả ố kéo theo sau đó. Thì ra, đám lính Pháp phát hiện một người lính nhà Nguyễn còn sót lại, đang dựa lưng vào cột cờ ở góc pháo đài. Anh ta bị đạn pháo cắt cụt hai chân, trên người đầy thương tích. Người lính níu chặt sợi dây giữ lá quốc kỳ Đại Nam vẫn còn trên cột, tay còn lại lăm lăm đoản đao, không cho giặc lại gần cướp cờ.
Để hạ nhục đối phương, đám lính Pháp cố ý xả đạn xung quanh nhưng anh ta không hề sợ hãi. Tia lửa đỏ đầy uất hận hằn lên trong mắt như muốn ăn tươi nuốt sống lũ ngoại xâm.
Chướng mắt trước việc làm của bọn lính, Genouilly rút súng. Viên đạn lạnh lùng găm thẳng vào trán người lính nước Nam trong sự ngỡ ngàng của đám lính Pháp. Lá quốc kỳ Đại Nam bị tuột dây, rơi xuống đất. Lá cờ ba sắc của Pháp nhanh chóng được kéo lên trên Thành Điện Hải. Lúc này, một đám đông người Công giáo với dao rựa, gậy gộc, giáo mác đang tụ họp ở ngôi làng gần đó. Nhìn lá cờ của Pháp đã được kéo lên, đám người tỏ ra sốt ruột:
- Trưởng làng, ông phải quyết định nhanh lên!
Thế nhưng, ông trưởng làng vẫn tỏ ra bình thản mặc những lời hối thúc. Nhưng trong sâu thẳm, một nỗi giằng xé đang ngấu nghiến cả tâm can. Quyết định của ông sẽ đưa cả dân làng đến với một trong hai kết cục. Hoặc linh hồn sẽ bị thiêu đốt dưới địa ngục, hoặc tên tuổi sẽ bị phỉ nhổ đến ngàn đời.
Dù lựa chọn thế nào. Cái kết chờ họ cũng đều rất bi thảm.
5. Viễn Đông, ngày 03 tháng 9 năm
Cateline yêu dấu!
Anh vừa trải qua hai ngày chiến sự. Mọi thứ thuận lợi hơn những gì anh tưởng. Bọn anh dễ dàng chiếm được các pháo đài của đối phương bằng ưu thế về đại bác. Đô đốc rất hài lòng về sự chuẩn bị chu đáo của anh.
Hôm trước, anh cũng rời tàu và tiến vào pháo đài ở phía Tây. Bọn anh thu được rất nhiều đại bác của địch bỏ lại. Đô đốc lựa ra hai khẩu bằng đồng đẹp nhất để dâng lên hoàng đế Pháp và nữ hoàng Tây Ban Nha.
Phải công nhận, đám người thấp bé mũi tẹt ở xứ này chiến đấu dũng cảm hơn bọn lính Trung Hoa mà anh đã đương đầu. Anh tận mắt thấy một người lính của họ bị bắn cụt chân vẫn không chịu đầu hàng, trước khi chết vẫn nắm chặt lá cờ. Đô đốc Genouilly đã giải thoát cho hắn bằng một viên đạn. Anh chứng kiến tất cả nhưng chỉ có thể dành sự cảm phục cho đối phương ở trong lòng…
6. Sau khi chiếm được Thành Điện Hải, quân Pháp không ở lại mà rút về căn cứ ở Tiên Sa, đề phòng những cuộc phản công chưa thể nắm rõ lực lượng phải đương đầu. Tin chiến sự dồn dập bay về kinh thành Huế. Kinh lược sứ Nam Kỳ - Nguyễn Tri Phương nhanh chóng được điều ra Đà Nẵng, giữ chức Tổng thống quân vụ, thống lĩnh quân đội chống giặc. Quan quân triều đình đến nơi thấy khói lửa mù trời, thành nát, người chết, ai nấy đều căm giận, xin được phát binh đánh ngay. Nhưng Nguyễn Tri Phương nhận thấy, giặc Tây Dương có vũ khí tinh xảo, hỏa lực rất mạnh, nếu đánh trực diện thì được thua khó lường. Đổi lại, quân số của giặc không nhiều, phải dàn trải trên nhiều mặt trận, tất yếu sẽ gặp khó khăn về hậu cần và liên lạc.
Trước tình thế đó, Nguyễn Tri Phương cho thực hiện chính sách “vườn không, nhà trống” để cô lập và triệt đường tiếp tế của giặc. Ông cho đắp lũy chạy dài từ Thành Điện Hải, quanh Hải Châu vào tới Phúc Ninh, Thanh Giản. Bên ngoài chiến lũy là hào sâu, dưới đáy cắm đầy chông tre được phủ đất và trồng cỏ lên trên, hòng bao vây quân địch từ mé ngoài biển. Từ đây, bước tiến của liên quân Pháp và Tây Ban Nha chính thức bị chặn lại.
Ngoài phòng tuyến của quân nhà Nguyễn, quân giặc phải đương đầu với một kẻ thù còn lợi hại không kém. Đó chính là tình trạng thời tiết tồi tệ với cái nóng nhiệt đới như thiêu đốt, tiếp đến là một mùa mưa triền miên, tầm tã. Nóng và ẩm làm cho các mầm bệnh truyền nhiễm như thổ tả, kiết lỵ, thương hàn dễ dàng phát triển trong hàng ngũ quân viễn chinh không quen khí hậu nhiệt đới.
Algernon nằm bẹp dí trong bệnh viện dã chiến. Chứng kiết lỵ vắt kiệt sức của anh với những cơn đau bụng quằn quại, mất nước và đi ngoài ra máu liên tục. Mùi chất thải nồng nặc cùng tiếng rên rỉ, nôn mửa vang cả doanh trại. Thiếu người có kinh nghiệm bảo dưỡng vũ khí, pháo binh của Pháp gặp nhiều khó khăn khi tác chiến, buộc Genouilly phải trực tiếp đến thăm nom.'
- Đô đốc… liệu chúng ta… có chiến thắng được không?
Algernon thều thào.
- Có chứ! Chúa ở phe chúng ta mà!
Genouilly cố sức trấn an vào lòng mộ đạo của người cấp dưới. Dẫu trong lòng viên chỉ huy, từ lâu đã không có chỗ cho đức tin tồn tại.
- Chúa không ở bên chúng .. Chúa ở bên những người chính nghĩa. Trong mắt Chúa... chúng ta... chỉ là những kẻ xâm lược... Làm ơn... hãy cho tôi về Marseille... với Cateline... của tôi...
Genouilly không muốn nghe tiếp những lời mê sảng ấy. Hình ảnh người lính Pháp làm dấu thánh rồi bị đại bác xé nát trong trận Krym lại hiện về nơi tâm trí của viên đô đốc. Khi cả hai bên đều nguyện cầu với Chúa, chiến thắng sẽ chỉ dành cho kẻ nào mưu lược hơn, chuẩn bị tốt hơn. Và kẻ chiến thắng sẽ được lịch sử ngợi ca là chính nghĩa. Đó là đặc quyền của chiến thắng. Genouilly tặc lưỡi.
7. Viễn Đông, ngày 01 tháng 01 năm 1859
Cateline yêu dấu!
Anh chẳng còn đủ sức để cầm bút viết thư cho em, nên phải nhờ người viết hộ. Những cơn đau đã hành hạ anh suốt mấy tháng qua. Như có ai đó thọc những ngón tay nhọn hoắt vào ruột của anh rồi móc hết mọi thứ ra ngoài. Đồng đội anh cũng đổ bệnh rất nhiều. Hôm trước, anh vừa được tin, Nicolas, cậu bạn thân của anh ở đại đội công binh vừa mất. Người ta đành chôn vội cậu ấy ở đâu đó trên miền đất xa lạ này…
Cateline ơi! Không lúc nào anh ngừng van xin Chúa cho anh được bình an trở về với em và các con.
Nhưng anh sợ. Chúa lắng nghe tất cả, nhưng đôi khi, câu trả lời của Người là không!
Yêu em và các con đến vô cùng!
8. Genouilly quyết định tung ra đợt tấn công cuối cùng lên phòng tuyến của quân Đại Nam ở Đà Nẵng trước khi lựa chọn tiến ra Bắc Kỳ theo lời Giám mục Pellerin hoặc sẽ đánh vào Nam Kỳ, vựa lúa lớn nhất của vương quốc. Các pháo hạm lại tấp cập khai hỏa. Quân Pháp và Tây Ban Nha ào ạt tràn lên. Đám lính đánh thuê người Philippines bị đẩy lên tuyến đầu làm bia đỡ đạn, lần lượt bị quân nhà Nguyễn bắn gục bằng súng hỏa mai. Vài tên ngã xuống hầm chông, la ó như con thú bị chọc tiết. Một tên rơi xuống hầm trú ẩn được ngụy trang liền bị một lưỡi lê chờ sẵn thọc mạnh vào cổ, chết tươi. Lính giặc điên cuồng nhả đạn, người lính mai phục hy sinh với chục vết bắn.
Nguyễn Tri Phương có mặt ngay trên chiến lũy, ra sức chỉ huy quan binh đánh trả quân giặc. Các tướng sĩ hết lời can ngăn, xin chủ tướng lui vào trong kẻo lỡ có mệnh hệ gì liền bị ông gạt phăng.
- Lũy còn thì người còn! Lũy mất thì ta còn tham sống để làm chi?
Dứt lời, lưỡi gươm trong tay ông vụt qua cổ một tên lính Pháp vừa mới trèo lên. Máu tươi nóng rực. Đúng lúc ấy, lính trinh sát chạy về cấp báo. Phía sau mặt lũy, một đoàn giáo dân đang tiến về rất đông, ai cũng cầm vũ khí. Họ đòi gặp bằng được chủ tướng.
Nguyễn Tri Phương buộc phải xuống ra mặt. Quan quân theo sau ai cũng lăm lăm súng ống, gươm giáo đề phòng bất trắc. Ông trưởng làng dẫn đầu dám người vội chắp tay kính cẩn:
- Bẩm quan lớn! Chúng tôi là giáo dân ở các làng quanh Thành Điện Hải. Mấy tháng qua, giặc Tây Dương kéo đến xâm phạm, bắn giết, đốt phá, chúng tôi giận lắm, tụ họp nhau tìm cách đánh đuổi bọn chúng. Ngặt vì sợ triều đình còn nghi kỵ mà cứ lần lữa mãi. Nay giặc lại đến, chúng tôi liều mạng xin được cùng quan binh đánh giặc, đuổi bọn Tây Dương ra khỏi bờ cõi.
Nghe thế, Nguyễn Tri Phương cùng quan quân không khỏi bất ngờ. Dẫu vậy, vẫn còn những ánh mắt thận trọng xen chút hoài nghi. Nhưng sự cương nghị của ông trưởng làng và sự chân thành của đám người đã thuyết phục được Nguyễn Tri Phương. Ông ra lệnh mở kho phát thêm vũ khí cho họ. Dân làng tràn lên vách lũy, người vác mã tấu lao vào chém, người cầm giáo ra sức đâm thọc, người ôm gạch đá ném tới tấp vào lũ giặc đang trèo lên. Vài người trúng đạn, ngã xuống. Những người khác lại liều mạng xông lên thay thế.
Một người nhận ra các giáo dân, ngơ ngác nói:
- Dân đạo! Dân đạo cũng đánh giặc Tây Dương!
Nghe thế, một viên cai cơ gắt lên:
- Đến lúc này còn phân biệt dân lương với dân đạo chi nữa? Đều là người Việt mình cả. Đều phải đoàn kết để đánh giặc! Anh em! Xông lên! Chém chết bọn Tây Dương…
Lời vừa dứt, một quả đạn bay tới hất tung mọi thứ lên trời. Thứ sót lại của viên tướng xấu số chỉ còn là một cánh tay dập nát. Cảnh tượng kinh hoàng ấy không làm nao núng tinh thần quân dân nước Nam. Lòng căm thù bốc lên tột độ, họ lao vào kẻ thù mà chém giết, mà cắn xé. Từng lớp quân giặc bị chia cắt, vây hãm rồi bật ra khỏi trận địa.
Đại bác lại gào thét, xới tung từng vách lũy. Nguyễn Tri Phương nép mình tránh đạn, khói bụi văng mù mịt. Tiếng ai đó thét lên:
- Đại nhân! Tin cấp báo! Dân các xứ Nam, Ngãi cũng đang đổ về cùng quan quân chống giặc.
- Trời giúp ta! Trời giúp Đại Nam ta!
Genouilly không còn đủ bình tĩnh, ra sức thúc dục pháo binh bắn yểm trợ cho các toán bộ binh tiếp tục xông lên. Một tên lính bị thương đòi gặp bằng được Genouilly. Hắn đưa cho ông một vật lấy từ xác một người đã lao tới bóp cổ mình lúc ở trên mặt lũy.
- Giám mục Pellerin! Cha nên xem cái này!
Viên giám mục bước tới, sững sờ khi nhận ra, đó là một cây thánh giá nhỏ có dây đeo ở cổ. Không có người Việt nào theo Thiên Chúa Giáo đứng lên hỗ trợ quân xâm lược như lời Pellerin quả quyết.
“Chúa không ở phe chúng ta!”.
Genouilly thở dài, đưa mắt về đám quân nhạc. Tiếng kèn hiệu vang lên. Dưới sự yểm trợ của pháo binh, quân giặc lần lượt rút lui. Một lúc sau. Tiếng đại bác ngừng hẳn nhưng khói súng vẫn sạm đen một góc trước cửa biển Đà Nẵng.
- Giặc Tây Dương rút lui rồi!
- Chúng ta thắng rồi! Thắng rồi!
- Đại Nam vạn tuế! Vạn tuế!
Tiếng reo hò vang cả trời đất. Nguyễn Tri Phương tựa vào vách lũy mà thở dốc. Khuôn mặt bỏng rát của vị chiến tướng đã xám xịt màu khói súng. Tiếng reo hò vừa dứt, một tiếng rì rầm làm ông quay lại. Giữa những xác người chồng chất, ông trưởng làng bị đạn pháo bắn toác cả bụng, ruột gan trổ ra nhầy nhụa, đang cố đặt tay lên ngực làm dấu thánh.
Đôi môi khô khốc run rẩy theo từng tiếng cầu nguyện yếu ớt.
“Lạy Chúa trên cao! Hôm nay… con đã phạm điều răn…của Chúa. Tay con đã…nhuốm máu nhiều người. Nhưng xin Chúa xót thương. Chúng con là…con cái Chúa, nhưng…cũng là con dân của nước Việt. Chúng con…chỉ cố gắng…làm tròn bổn phận… với đất nước của mình. Xin Chúa xót thương…cho linh hồn…chúng con… không bị lửa ác…của hỏa ngục…thiêu đốt…”
Ông tắt thở. Đôi mắt chẳng kịp khép lại. Trắng dã, âu lo và đau khổ. Cây thánh giá nhỏ được ghép bằng hai que gỗ rơi xuống. Nguyễn Tri Phương lặng lẽ nhặt lên rồi đặt lại vào tay cho ông ta. Trong khoảnh khắc ấy, ông như cảm nhận được, người giáo dân trước mặt đã phải trải qua những giây phút giằng xé nội tâm khổ sở đến mức nào.
Sự giằng xé trước một câu hỏi không dễ trả lời:
“Nghĩa vụ với đức tin hay trách nhiệm với đất nước?”
Nguyễn Tri Phương đưa tay lên trán, chầm chậm vuốt mắt cho người đàn ông. Đôi mắt của ông trưởng làng khép lại, hàng lông mày đen sẫm, co quắp từ từ giãn ra trong thanh thản.
Ngày 02/02/1859, quân xâm lược phải rút gần hết lực lượng rời khỏi Đà Nẵng, chỉ để lại một ít quân đồn trú ở bán đảo Sơn Trà. Trên Thành Điện Hải, lá quốc kỳ của nước Đại Nam lại kiêu hãnh tung bay.
N.A.T