Cũng chỉ là bài hát
Minh họa Hồ Đình Nam Kha.
Gần 50 năm trước, nàng và chàng học cùng khóa 1 Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn. Nàng học lớp Sử - Địa. Chàng học lớp Văn. Một lần sinh hoạt chung, họ tình cờ làm quen và cùng hát. Tiếng hát của nàng trong trẻo như chính độ tuổi thanh xuân, còn giọng hát của chàng thì thô mộc, giản dị. Dẫu như thế nào đi nữa, tiếng hát họ, tiếng hát tuổi thanh xuân, tiếng hát thời còn xanh tóc đưa họ vào những cung bậc của cõi lòng xao xuyến, bâng khuâng.
Rồi thời cuộc, và cứ đổ thừa cho số phận, họ không đến được với nhau.
* * *
Tôi dậy sớm như mọi lần. Dậy sớm để hít thở khí trời thanh sạch. Dậy sớm để đón nhận nguồn sống theo ánh bình minh. Dậy sớm để hòa mình vào đất trời Đà Nẵng. Tôi nghe tiếng lòng của thành phố buổi sớm mai. Tiếng lòng của thành phố này yên bình như lòng tôi cũng yên bình khi chớm tuổi bảy mươi. Lòng tôi bình yên của người đã chấp nhận mọi sự như là lẽ thường tình của kiếp người.
Mọi việc sáng sớm đã xong. Tôi thưởng thức hương vị cà phê. Tôi nhớ lại khi cùng bạn bè cùng lớp sư phạm ngày nào ngồi bên ly cà phê ở quán Hẹn, Phố Xưa... hàn huyên lại thời ở Quy Nhơn.
Tôi nhớ lại lần kỷ niệm 40 năm ngày rời trường, khóa học chúng tôi đã chọn Đà Nẵng là nơi tổ chức hội ngộ. Chúng tôi đã thống nhất chọn thời điểm vào ngày chung kết pháo hoa quốc tế. Trước đó, chúng tôi đã có chuyến đi thăm Suối Hoa. Tôi làm sao quên được những bài hát một thời chúng tôi đã hát khi mới vào trường sư phạm. Cũng như những lần sinh hoạt tập thể ngày nào, chúng tôi vừa hát vừa vỗ tay. Rồi đến tiết mục đơn ca góp vui. Chàng ấy vẫn hát bài “Hò Ba lý”. Tôi như thấy trước mắt anh chàng ngày nào thuở mười tám, đôi mươi. Tôi không thể quên buổi sinh hoạt tập thể của khóa học trong những ngày đầu nhập học ở Sư phạm Quy Nhơn. Khi tôi hát xong, thì chàng ta đã nhìn tôi không chớp mắt. Thế rồi, tôi thấy chàng đã đáp lại bằng bài hát dân ca xứ Quảng Nam. Sau buổi sinh hoạt, tôi đã hỏi chàng:
“Sao anh chọn bài hát ngắn vậy?”. Chàng cười cười đáp:
“Chứ anh chẳng biết, chẳng thuộc bài hát nào cho hợp với thời điểm này”.
Nghe chàng nói vậy, tôi cũng cười.
Nhớ lại ngày mới ra trường, tôi về dạy tại Vĩnh Điện. Chàng có ghé thăm tôi. Khi tiễn chàng, tôi thấy ánh mắt của chàng như muốn nói điều gì. Tôi chỉ cảm nhận thứ tình cảm xao xuyến thời thanh xuân dịu dàng chợt đến. Tôi chờ đợi từ lòng chàng cái khoảnh khắc rung động đầu đời.
Rồi tôi nhớ khoảng 15 năm trước, tôi gặp lại chàng. Chỉ là tình cờ. Buổi sáng hôm ấy, tôi ngồi thư giãn trên đường Bạch Đằng sau cơn bạo bệnh. Chợt tôi nghe tiếng gọi sau lưng: “Tâm Minh”. Quay lại nhìn, không thể tin được, trước mắt tôi là chàng trai có đôi mắt sáng ngày nào đang nhìn tôi. Người gầy gầy, đang dựng chiếc xe hon đa đăm bên lề. Tôi nhìn lại mình, cũng gầy sau trận đau. Tôi gượng cười: “Anh Thanh”.
Chúng tôi ngồi bên nhau. Chẳng nói chi cả. Một lát sau, chàng hỏi:
“Dạo này, em thế nào?” Tôi nhỏ nhẹ:
“Dạ, em vừa qua trận ốm nặng.
Giờ, thì ngồi đây chờ khuây khỏa”.
Tôi nói thêm, là tôi đang đợi đứa em làm ở khách sạn Sông Hàn. Chàng nhìn mắt tôi, nói: “Em bình phục là vui rồi. Anh chỉ biết chúc em luôn bình an”.
Tôi cảm ơn và hỏi: “Chừ, anh đi đâu?”.
Chàng chỉ cười gượng:
“Anh đi chở bã sắn ở đường Đống Đa về cho heo ăn”.
Qua chuyện trò, tôi cảm nhận chàng cũng khó khăn trong cuộc sống với đồng lương giáo chức, như tôi. Tôi muốn tâm sự với chàng về nơi giảng dạy của mình, về những bạn bè cùng khóa ngày nào. Nào là muốn nói chuyện con Bích, bạn cùng học lớp phổ thông, cùng học khóa sư phạm, giờ làm hiệu trưởng lại coi tôi chẳng từng là bạn. Tôi cũng không biết có phải tôi làm điều gì làm bạn ấy phật ý. Tôi cũng muốn nhắc lại thời chúng tôi ăn cơm tập thể, cùng trong đội văn nghệ của trường. Tôi muốn nói nhiều, nhưng rồi cũng như chàng, ngồi yên lặng để cảm nhận chút giây phút được gặp gỡ tình cờ.
Ngồi bên nhau, nhìn sông Hàn buổi sáng, chúng tôi cũng chẳng biết nói thêm điều gì. Như mọi cuộc chuyện trò rồi cũng có lúc kết thúc, chàng tế nhị chào tạm biệt. Còn lại mình tôi. Nhìn bóng dáng chàng khuất, tôi trở lại chính mình. Tôi thầm nghĩ, nếu mình lấy chàng, người cùng khóa học ngày nào, mình có được như bây giờ không? Hay là còn nằm trong bệnh viện, hay là mạnh khỏe cùng chàng lo cái ăn cái mặc từng ngày. Qua trận ốm vừa rồi, tôi thấy cuộc đời mình còn may mắn. Được chồng con chăm sóc tận tình. Tôi nhớ lời của chồng: “Em ráng ăn uống cho mạnh lại. Chứ em không thương cha con anh sao?”. Tôi nắm chặt tay chồng, cười: “Anh đừng lo. Em sẽ ăn mà”. Tôi tự nhủ: Ôi, cuộc đời sao nhiều thứ làm cho ta phân vân, lo âu, những thứ ta tưởng là mộng đẹp. Những thứ ta tưởng ấy có giúp gì cho ta?
* * *
Lúc rảnh, tôi thường lên Facebook xem những chia sẻ của bạn bè. Lúc thì điệu nhạc, lúc thì đoạn video, lúc thì những lời đùa vui dí dỏm của các bạn, lúc thì thiệp chúc mừng sinh nhật, lúc thì ảnh hoa... Có hôm, trên trang Facebook của cô bạn đồng môn, đồng khóa, có đăng những hình ảnh gặp mặt của một số bạn nữ. Tôi bắt gặp vài ba hình có dáng dấp của Tâm Minh. Nhìn những hình ấy, tôi chợt lại chợt nhớ những kỷ niệm về nàng.
Tôi nhớ lại những ngày đầu khi học cùng khóa với nàng. Lúc ấy, tôi là chàng trai học đại học dở chừng, còn nàng là cô gái từ miền Bắc vừa theo ba mẹ hồi hương khi nước nhà thống nhất. Chúng tôi được học chính trị chung trong những ngày đầu, cùng thảo luận, sinh hoạt với nhau. Tôi làm sao quên được giọng hát của nàng. Giọng hát sao đến giờ vẫn ám ảnh tôi. … Người về, em dặn (í i ì i) có (a) mấy tái (í i) hồi/ Yêu (í a) em là em mong anh xin chớ/ Mà này cũng có (a), đứng ngồi, đứng ngồi với ai/ Người ơi! Người ở đừng về/ Người ơi! Người ở đừng về… Giọng hát của người con gái quê Điện Bàn, mang chất giọng Hà Nội sao ngọt ngào thế! Tôi thấy nàng hay hay, nên cố tâm mạnh dạn hát, gọi là đáp lễ nàng. Tôi phân vân không biết hát bài gì cho hợp. Bởi sau 1975, dễ gì những bài hát về tình yêu của dòng nhạc miền Nam được hát, bởi tôi cũng như một số người cũng không dám hát những bài hát nhạc vàng. Thôi thì cứ hát đại bài dân ca để gọi là có. Ngẫm trong đầu nhớ nhiều bài, nhưng cái giọng Quảng Nam tôi, hát sao đây. Thôi thì cũng liều cất tiếng hát. Vừa hát, tôi vừa làm điệu. Đến câu Chẻ tre mà đang sịa/ cho nàng phơi khoai khoan hố khoan, khoan hố hò khoan là tôi đứng trước nàng làm điệu bộ. Đến giờ, tôi nghĩ sao ngày ấy mình gan rứa.
Tôi không thể nào quên, lúc ở tập thể, ngày Chủ nhật, các lớp được phân công nấu cơm. Hôm đó, lớp nàng làm công việc nấu và chia cơm cho các lớp. Tối hôm đó, tôi đang ngồi ôn lại bài, ở trong phòng tập thể nam, có tiếng gõ cửa, tôi nhìn ra, là nàng. Không nói không rằng, nàng vội đến bên bàn học, dúi cho tôi một bọc gói giấy, rồi đi vội. Tôi mở gói, thì ra là miếng cơm cháy. Ba đứa bạn trong phòng, thấy vậy, chọc tôi. Thì ra, nàng đã để dành cho tôi một miếng cơm cháy. Miếng cơm cháy ngày nào mãi là miếng ngon đối với tôi.
Tôi còn nhớ cái hồi tôi đạp xe từ Đà Nẵng vào Vĩnh Điện, nơi nàng dạy, thăm nàng. Tôi tự hỏi, hồi đó sao tôi dại khờ quá. Thăm nàng mà khi nàng hỏi, tôi lại ấp a ấp úng, nói chẳng ra đầu ra đũa. Rồi, nàng tiễn tôi một đoạn. Tôi thấy ánh mắt của nàng như muốn nói điều gì, đến giờ, ánh mắt ấy vẫn còn trong lòng khờ khạo của tôi.
Có lần, không phải một lần mà ba lần, tôi nhất quyết đến nhà nàng, như đó là minh chứng cho lòng thành của tôi đối với nàng. Tôi nhờ người cô bà con, cùng học lớp nàng, dẫn tôi tìm nhà nàng để thực hiện lòng mong ước của mình. Tôi và người cô đi tìm nhà nàng. Giữa trưa hè, tôi và cô tôi tìm hoài nhà nàng mà chẳng tìm ra. Nói chẳng ai tin là trong ba ngày liên tục mà tôi chẳng tìm ra nhà nàng. Lần cuối, cô tôi nói khéo: “Tau có lần đến nhà nó rồi, nhớ nhà nó ở đâu đây, nhưng răng, giờ chẳng tìm ra. Thôi, tau bỏ cuộc”. Nghe những lời ấy, tôi chỉ buồn buồn.
Rồi thời gian trôi đi, tôi nghe tin nàng có chồng. Và tôi thầm nghĩ, mình không có duyên phận với nàng, thì chịu vậy.
Một hôm, tôi đang dạy, có người vào báo tin có một cô giáo Tâm Minh mới chuyển về trường, cần gặp tôi. Đứng trên tầng ba, ngoài hành lang lớp đang dạy, tôi nhìn xuống phía sân trường thấy bóng dáng của ai đó mặc áo dài hoa, tôi không thể nhầm được, đó là nàng. Nhưng, đó chỉ là mơ!
Cuối cùng, tôi nhận ra một điều: Có duyên có phận mới đến được với nhau. Và tôi có vợ như một lẽ thường tình.
* * *
10 năm sau.
Chàng và nàng là khán giả cho cuộc thi văn nghệ của học sinh trung học phổ thông ở nhà hát thành phố. Nàng đi xem cháu gái nàng diễn. Chàng đi xem cháu trai của chàng hát.
Thế mà, khi đứa cháu gái của nàng vừa múa vừa hát, chàng nghe và nhẩm hát theo: … Người về, em dặn (í i ì i) có (a) mấy tái (í i) hồi/ Yêu (í a) em là em mong anh xin chớ/ Mà này cũng có (a), đứng ngồi, đứng ngồi với ai/ Người ơi! Người ở đừng về/ Người ơi! Người ở đừng về… (Xuân Tứ, Người ở đừng về).
Rồi đứa cháu trai của chàng hát, nàng nghe và nhẩm hát theo: ... Chẻ tre mà đan sịa/ cho nàng phơi khoai, khoan hố khoan, khoan hố hò khoan… (dân ca Quảng Nam).
Với họ, phải chăng đó cũng chỉ là bài hát thuở bạc đầu?
P.T.H