Xây dựng hình ảnh Voọc chà vá chân nâu Sơn Trà thành một biểu tượng mới về thành phố Đà Nẵng - Đặng Hữu Hùng
Đà Nẵng là một thành phố được thiên nhiên ưu đãi nhiều lợi thế để phát triển du lịch và xây dựng đời sống thân thiện với môi trường. Đà Nẵng có biển xinh đẹp và quyến rũ, có các dòng sông thơ mộng và thân thiện, có núi đồi bao quanh thành phố. Đặc biệt, với dãy núi Sơn Trà tạo ra một tiềm năng du lịch lớn, đồng thời nơi đây còn là một “bảo tàng” về động thực vật quý giá.
Bán đảo Sơn Trà cấu thành từ Kỷ Cambi khoảng 2.000 triệu năm thuộc địa tầng Macma, nằm ở 1080 12' 45'' đến 1080 20' 48'' kinh độ đông và 160 05' 50"đến 160 09' 06" vĩ độ bắc. Đây là một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh độc lập được bao quanh bởi biển Đông và khu đô thị, có nguồn sinh thái động vật, thực vật phong phú đa dạng. Đồng thời cũng là vị trí chiến lược quốc phòng quan trọng.
Sơn Trà đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố ra thế giới như: "Thực vật chí đại cương" của Lacomte (1914-1941), Bộ sách của 2 tác giả A.Avbre'ville và J.F.Leroy trong bộ "Thực vật Lào, Campuchia & Việt Nam", Robinson H.G và C.B Klos nói về loài đồi Tupaia glis loài lợn đen ở Sơn Trà (1951), Van Peenen P.F.D,Ryan P.F & Light R.H về"Preliminry Identification Manual for Mammals of south VN-(1969).
Ngày 24/1/1977 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 41/TTg thành lập Bảo tồn Sơn Trà với 4.372 ha để bảo vệ nguồn sinh thái động vật, thực vật và môi trường xanh cho thành phố Đà Nẵng. Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có rất nhiều loài quý hiếm, trong đó tiêu biểu là loài linh trưởng VOỌC CHÀ VÁ CHÂN NÂU (tên khoa học Pygathrix nemacus) được ghi vào sách đỏ (bảng E), cần nghiêm ngặt bảo vệ trước nguy cơ tuyệt chủng.
Nguồn tin từ Green Việt, hiện nay có khoảng 200 đến 300 cá thể đang sống theo đàn, nhóm khoảng 10 đến 15 con ở phía bờ bắc bán đảo Sơn Trà, trên đôi chân có mang màu đốm nâu, nguồn dinh dưỡng chính là quả có vị chát và chồi lá non. Voọc Chà Vá được vinh danh là nữ hoàng của các loài linh trưởng, với bản năng sống bầy đàn nên sinh hoạt của chúng cũng khá nề nếp. Con trưởng đàn có quyền lực nhất, chăm lo đời sống và bảo vệ toàn đàn, quyền phối giống, con voọc cái có nhiệm vụ sinh sản và chăm sóc đàn con. Trước nguy cơ tuyệt chủng, loài Voọc Chà Vá Chân Nâu đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều nhà khoa học nghiên cứu về môi trường sinh thái. Bảo vệ Voọc Chà Vá Chân Nâu trách nhiệm thuộc về nhà nước và nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Sự giao thoa giữa thiên nhiên và môi trường sống của con người luôn được gắn kết với nguồn sinh thái động và thực vật, từ đó việc xây dựng bền vững tính thân thiện với thiên nhiên cũng là một hành động có văn hóa trong thế giới văn minh thời hiện đại. Bảo vệ một động vật trước nguy cơ tuyệt chủng cũng là một cách hành xử trong thế giới văn minh.
Trước đây có chuyện Gấu Trúc được đưa vào sách đỏ thì người Trung Hoa đã đưa hình tượng này làm biểu tượng cho xứ sở của họ, loài Kanguru được làm biểu tượng của đất nước Australia, nước Pháp cũng đã vinh danh một giống gà trống "Gouloir"để làm biểu tượng văn hóa cho nền văn minh...
Vậy chúng ta hãy dùng hình ảnh VOỌC CHÀ VÁ CHÂN NÂU là THÚ BIỂU TƯỢNG của thành phố Đà Nẵng để quảng bá văn hóa, du lịch đến với cộng đồng nhằm giới thiệu thêm nét đẹp của Đà Nẵng – thành phố thân thiện với môi trường.
Nền văn minh của nhân loại ở thế kỷ 21 đã có nhiều chính sách bảo vệ nguồn sinh thái thiên nhiên. Công ước của Liên Hiệp Quốc về bảo vệ môi trường sinh thái đã được nhà nước Việt Nam ký cam kết và trở thành pháp lệnh nhằm chia sẻ lợi ích việc bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Chúng ta hãy lấy hình tượng VOỌC CHÀ VÁ CHÂN NÂU làm thú biểu tượng cho thành phố Đà Nẵng. Chúng ta chuyển cái nhìn mới đến mọi người về môi trường sinh thái Đà Nẵng qua hình ảnh Voọc Chà vá chân nâu, sẽ tạo thêm hình ảnh thân thiện của con người Đà Nẵng ra cùng thế giới. Qua đó, nét đẹp về Đà Nẵng sẽ được nâng lên ở một tầm cao mới trong cái nhìn thiện cảm, văn minh, hiện đại của nhân loại.
Đ.H.H