Đô thị ảo - Vũ Thị Huyền Trang

22.04.2015

Đô thị ảo - Vũ Thị Huyền Trang

Người ngồi với chiếc lồng chim

Tuổi thanh xuân của Phi chỉ là cuộc thiên di từ thành phố này đến thành phố khác. Mười tám tuổi Phi lạc trong dòng người chen chúc ở bến xe, chính thức làm công dân hạng bét thủ đô bằng tờ giấy nhập học và xấp tiền lẻ mẹ dúi trong ba lô. Mười năm sau Phi rời Hà Nội để kiếm tìm thành phố lý tưởng khác. Hết Đà Nẵng đến Nha Trang, Vũng Tàu, Sài Gòn, ở nơi nào Phi cũng thấy nỗi cô đơn dồn đuổi. Trong khi đó những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh đô thị bắt đầu xuất hiện. Phi sợ ánh sáng, đám đông và tiếng ồn nên suốt ngày chui rúc trong những căn phòng chật chội. Giống loài dế bị cầm tù trong hộp diêm ký ức. Giống con chim cu gáy bị nhốt trong lồng từ lúc chưa mọc lông tơ cho đến khi chết vì già yếu. Da Phi nhợt nhạt dần, mái tóc dài gãy rụng, đôi môi trái tim bong từng mảng da, mắt dại đi vì sống lâu trong bóng tối, đầu lúc nào cũng rỉ rả tiếng côn trùng. Ban đầu Phi cứ nghĩ đó là những triệu chứng của một căn bệnh nào đó đã được y học gọi tên. Rằng chỉ cần một đơn thuốc thôi là bệnh sẽ thuyên giảm trả Phi về những ngày xưa tràn đầy năng lượng sống. Nhưng chẳng bác sĩ nào xác định chính xác căn bệnh mà Phi mắc phải. Mỗi người kê một đơn thuốc, thuốc bổ, thuốc mọc tóc, thuốc hoạt huyết, thuốc ngủ... Nhìn những bịch vỏ thuốc lớn nhỏ vứt trong thùng rác, bà cụ chủ nhà lắc đầu bảo “uống thuốc bệnh không khéo thành thuốc độc. Như bà đây này, cả đời dùng thuốc đến lúc về già thấy thuốc thang biến thành quái vật gầm gào trong từng mạch máu”.

Thuốc Phi mua toàn là thuốc ngoại, nó được bán với giá trên trời. Bác sĩ vừa kê đơn vừa chỉ đường đến hiệu thuốc. Phi thừa biết mánh khóe móc nối chia chác cùng hưởng lợi kiểu này nhưng vẫn ngoan ngoãn làm theo. Sống ở đô thị lâu người ta mất dần khả năng phản kháng. Nói đúng hơn nó đã bị giết chết bởi vô vàn những quy luật vừa tù mù vừa sáng tỏ. Chỗ nào người ta cũng lừa nhau, mình không tin chỗ này thì cũng đừng nên tin chỗ khác. Cùng một đơn thuốc thôi, mua chỗ này thấy đắt mua chỗ kia rẻ thì rẻ đấy nhưng chắc gì hàng thật. Người ta phải tặc lưỡi cho rủi ro len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống. Đi chữa bệnh cũng thế thôi, hên xui hết ấy mà. Thêm vài chục, một trăm xếp hàng để được khám giáo sư nhưng hóa ra ông giáo sư ấy mua bằng. Thuốc thang giả con người cũng giả. Chỉ có bệnh tình là thật và biến hóa khôn lường. Như căn bệnh của Phi ngày càng xuất hiện thêm nhiều triệu chứng nghiêm trọng khác. Phi cũng không chắc tất cả những triệu chứng ấy có cùng một căn bệnh hay không. Nhưng rõ ràng đông y, tây y đều bó tay và người ta khuyên Phi nên đi gặp bác sĩ tâm thần.

Những bác sĩ Phi từng tìm đến đều không giúp cô cảm thấy tin tưởng. Người thì trẻ quá, làm sao họ hiểu được những điều Phi đã trải qua. Người thì quá già, họ nhiều kinh nghiệm nhưng lại thiếu năng lượng. Phi không muốn mất tiền chỉ để ngồi trước một cỗ máy được lập trình sẵn những câu hỏi. Gặp họ về Phi thấy bệnh tình càng thêm nặng. Phương pháp của họ phức tạp quá, nó khiến Phi nghĩ đến trận đồ ma quái đang muốn nuốt chửng mình. Phi hoài nghi rằng rất có thể họ sẽ đẩy Phi từ trạng thái tâm thần này sang một trạng thái tâm thần khác. Như là thực đơn đô thị mà con người bắt buộc phải chọn lựa những thứ được bày sẵn trên mâm. Hoặc là bạn hòa vào đám đông hoặc là bạn đơn độc. Nhưng thường thì người ta hòa vào đám đông ban ngày và đơn độc ban đêm. Hãy thử tưởng tượng, sáng nào Phi cũng thức dậy bằng tiếng chuông hẹn giờ kêu lên nhức nhối. Lao ra đường, cắm đầu cắm cổ luồn lách giữa dòng người đen đặc để đến được chỗ làm đúng giờ quẹt thẻ. Nhìn từ tầng thứ mười hai, Phi toát mồ hôi hột khi thấy con người không khác gì đàn cá bị đổ xuống những dòng sông ô nhiễm toàn khói bụi, rác thải rồi cứ thế mải miết bơi. Chúng ta không còn sức lực để mà cô đơn giữa đám đông ấy.

Bỗng nhiên Phi nhớ có một nhà văn nữ từng viết rất hay về lòng phố lòng người. Chị bảo phố thực ra rất bao dung, nhẫn nhịn, hy sinh khi chào đón tất cả mọi người. Phố yêu từng ấy những con người đang mỗi ngày hít thở bầu không khí vốn chật chội, thải ra thêm nhiều rác thải, cắt xén dần không gian… Không thể phủ nhận rằng kẻ làm cho phố mỗi ngày mỗi xấu xí đi chính là chúng ta. Để rồi khi biết than vãn chẳng giải quyết được gì, chúng ta chỉ còn biết nương theo dòng chảy hoặc là chạy trốn. Chúng ta thậm chí không đủ can đảm ngoảnh lại nhìn hậu quả của loài người đang vứt bỏ lại.

Trong khi đó vẫn có biết bao con người mang khát vọng đổi đời đổ xô về thành phố. Ban ngày tỏa ra đường mưu sinh, ban đêm co cụm trong những căn phòng chật hẹp. Ngày nào đi làm Phi cũng chen chúc qua ngã tư chợ người. Mùa đông, họ nhặt củi ngồi đốt những đống lửa nhỏ dưới gốc xà cừ, mắt hau háu nhìn dòng người qua lại. Mùa hè, mồ hôi ướt đầm lưng áo, mắt họ dại đi trong cái nóng như thiêu đốt từ bầu trời dội xuống, từ các động cơ xe cộ đi lại nườm nượp trên đường. Hình ảnh họ chập chờn trong trí óc Phi cho đến khi cô thấy mình sắp lả đi vì khói bụi. Vài cây cổ thụ còn sót lại trong thành phố không nhả đủ oxi cho từng ấy con người. Đến một lúc nào đó con người sẽ chặt những tán cây để lấy chỗ cho mình. Thành phố đông đặc những cái đầu nóng và trái tim lạnh ngắt. Những tòa nhà cao tầng cứ xây cao, cao mãi, che lấp cả bầu trời. Con người sẽ luôn trong tư thế ngửa cổ lên trời để thở. Họ bắt gặp những đám mây màu khói xe và ngửi thấy cơn gió mùi rác thải. Người ta sẽ tranh cướp nhau ở quán ăn nhưng nhẫn nhịn xếp hàng trong bệnh viện. Mực đỏ chuyên dành đóng dấu các thể loại bằng cấp mua nhanh bán gấp. Đàn ông không thích đồng hồ, đàn bà không mê trang sức. Mỗi khi ra đường họ đeo trước cổ mình tấm bằng đỏ choét ghi học vị thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư. Rất nhiều người trong số họ sẽ ngồi vào đúng chiếc ghế mà Phi đang ngồi. Chiếc ghế trong phòng khám tâm thần.

* * *

Khang là bác sĩ mới của Phi. Anh là chủ phòng khám tư nhân nằm tít mãi trong ngõ hẻm. Phi cứ nghĩ đã tìm thấy một phòng khám đủ yên tĩnh để chữa trị nhưng hóa ra lầm tưởng. Rất nhiều kẻ cũng sợ cảnh đông đúc ở bệnh viện và các phòng khám lớn như Phi, họ lầm lũi tìm đến Khang như bầy chuột. Lần thứ ba tái khám Phi bắt gặp người quen. Đó là anh bạn lớp trưởng hồi đại học, hơn Phi hai tuổi, vốn thông minh, khôn khéo và thành đạt nhất lớp. Minh là người đàn ông lý tưởng của thời đại, anh hội tụ đủ tố chất để luôn dẫn đầu đám đông. Ra trường ba năm, Minh thành lập một công ty dạy kỹ năng sống. Minh giống như người hùng trong mắt giới trẻ, luôn tự tin làm chủ mọi tình huống và cơ hội. Vậy tại sao Minh lại đến nơi này? Một chàng trai thừa bản lĩnh để đứng trước cả trăm người truyền cho họ sức mạnh giờ đang ngồi cúi đầu im lặng trong căn phòng kia. Khi bước ra khỏi nơi này Minh sẽ chỉnh lại cà vạt, vuốt lại tóc, ngẩng cao đầu rồi mỉm cười với tất cả mọi người. Như quên mất mình vừa đến phòng khám tâm lý, khổ sở trả lời những câu hỏi của bác sĩ như một đứa trẻ con đầy bất an sợ hãi. Minh sẽ lại đứng trên bục giảng thuyết trình say sưa trước những đôi mắt mở to như đang muốn nuốt từng lời. Kết thúc bài giảng trong tiếng vỗ tay hô vang của nhiều người. Ai mà biết Minh đã cô đơn đến thế nào trước ánh hào quang.

Phi chủ động liên lạc với Minh. Hai người bạn cũ gặp lại nhau trong một buổi chiều thành phố âm u, màu mây nhờ nhợ. Minh kể gần đây anh thường có dự cảm bất an. Chính xác hơn là từ sau mấy lần bị cướp tấn công. Lần đầu tiên là khi Minh đang ngủ trong phòng, những bóng đen bất ngờ ập tới đánh phủ đầu khiến anh không thể trở tay. Điều kỳ lạ là chúng không lấy đi bất cứ đồ vật gì. Chỉ đánh cắp cuộc sống bình yên nơi chúng đến. Gieo rắc sự hoảng loạn, hoang mang. Lần thứ hai bị cướp là sau khi Minh đi tham dự hội nghị tuyên dương những thanh niên tiêu biểu của thành phố. Bằng khen và bó hoa còn treo trên xe. Hai tên cướp lướt nhanh đến, chúng giơ dao chém vào cánh tay đeo chiếc đồng hồ hàng hiệu bằng vàng của anh. Cú nghiêng xe theo phản xạ tự nhiên giúp anh tránh được cướp nhưng ngã sõng soài xuống đường. Những chiếc xe khác lao đến đồng loạt phanh gấp, chồm lên như thú dữ. Anh tưởng như chúng đã nghiền nát mình vỡ vụn giống như chiếc bằng khen bị văng xuống giữa đường. Cú ngã đó khiến đầu anh đau đớn từng cơn, dù đã đi khám khắp nơi, chụp CT ở bệnh viện uy tín nhưng họ chẳng tìm ra sự tổn thương nào. Cơn đau mỗi ngày mỗi dữ dội hơn, nhất là khi ở trong bóng tối và giữa đám đông. Minh thấy xung quanh đầy rẫy hiểm nguy đang rình rập.

- Anh không tin vào bất cứ ai. Nhìn ai cũng chỉ thấy cái phần quỷ dữ trong con người họ. Ngay cả những bạn trẻ hàng ngày tìm đến anh với những khát khao tốt đẹp. Nhưng anh thấy việc mình khơi gợi tiềm năng trong mỗi con người chỉ càng làm cho ngọn lửa tham vọng của họ bùng cháy. Anh sợ đến một lúc ngọn lửa ấy sẽ thiêu đốt chính họ trước khi kịp thiêu đốt một ai đó khác.

- Có phải chúng ta được dạy nhiều về kỹ năng để tồn tại nhưng lại quá ít bài học để yêu thương?

- Anh thì nghĩ, chúng ta chẳng thể thích ứng nổi trước sự thay đổi của đô thị. Không còn cách nào khác con người đành kháng cự và quay lưng tàn phá chính nơi mình đang sống.

Phi bật cười chua xót, từ bao giờ những người trẻ như cô và Minh phải cần đến bác sĩ tâm lý để trấn an sự hoang mang bất tận trong mình. Phi không lý giải được nỗi sợ hãi nảy sinh rồi bám riết trong tâm trí. Như là lúc đang sấy tóc Phi thường mường tượng mình sẽ bị điện giật. Dòng điện lan ra tua tủa như rễ cây siết chặt bàn tay còn ướt. Cũng có thể lúc đang cúi gập đầu sấy tóc, phơi gáy trắng ngần thì Phi sẽ bị người tình giết bằng nhát dao sắc ngọt. Nửa đêm Phi hay giật mình tỉnh giấc và từ từ cảm nhận thấy cả căn phòng đang chuyển động. Cái khối bê tông ấy cũng đang ngộp thở trước sức nặng của cả chục tầng nhà khác đè lên. Nó cựa quậy, giẫy đạp rồi luồn lách, va đập cố ngoi lên không trung. Phi thấy mình cũng đang trôi lửng lơ không trọng lượng. Trong phòng, những con cá giãy ra khỏi chai nước mắm. Hất tung nắp vại, cả đàn cáy bò lổm ngổm, lào rào như muốn kéo cả bầy đàn đến hỏi tội loài người bắt chúng về làm mắm. Trên nóc tủ con rắn trong hũ rượu thè nọc độc lia xung quanh kiếm tìm cơ thể Phi trong bóng tối… Phi luôn nghĩ biết đâu ngày mai người ta sẽ loan tin có cô gái chết trong lúc đang ngồi sấy tóc. Người ta sẽ thi nhau thêu dệt càng lâm li bi đát thì càng hấp dẫn. Nhưng thực ra cô gái chết vì trụy tim, vì không thắng được bóng đen mơ hồ đang từ từ bóp nghẹt mình.

Phi đã định chấm dứt việc đến phòng khám tâm lý, để rời thành phố trở về với quê nhà. Bỗng một hôm Minh gọi, anh nói có một cuộc hẹn nho nhỏ muốn Phi đến góp vui. Điểm hẹn là quán cà phê trên sân thượng của tòa nhà kính cao nhất thành phố. Phi đến nơi đã thấy hai mái đầu đang ngồi ngắm xa xôi. Quán vắng thưa thớt những khuôn mặt ngồi đối thoại cùng nhau. Chỉ có điều nắng ở đây rực rỡ quá. Phi cảm tưởng như mình đang đứng trên chiếc thuyền chòng chành sóng nắng. Nắng làm sáng bừng khuôn mặt từng người như thể họ đang được hồi sinh. Hoặc là Phi đã bước vào một thế giới khác, tươi mới và đầy sức sống. Cô ngỡ ngàng đến mức cứ đứng ngây người để mặc nắng tràn qua từng kẽ tay, chân tóc. Khang cười bảo:

- Ngồi đi em. Hôm nay chúng ta là bạn.

- Hẳn nhiên rồi, chứ ngồi uống cà phê với bệnh nhân thì chán chết.

- Đâu có rảnh để lôi nhau đi uống cà phê tận tầng mười tám. Chẳng qua là anh thấy thỉnh thoảng chúng ta nên mang lòng mình ra phơi nắng giống như những chú chim. Mà dưới kia thì ít nắng quá chẳng thể san sẻ cho tất cả mọi người.

Khang nhấc từ dưới đất đặt lên giữa bàn cà phê một chiếc lồng chim. Chú chim cu gáy ngơ ngác nhìn những cái đầu đang chụm lại ngó nghiêng xung quanh nó. Một tiếng gáy cất lên. Không gian đột nhiên tĩnh lặng. Nắng tinh khôi đọng thành từng giọt rớt xuống trong vắt tiếng chim. Phi cảm tưởng nơi cô đang ngồi như mỗi lúc mỗi cao hơn. Tiếng chim chạm vòm mây và bỏ lại thế giới hỗn độn dưới kia. Khang cười, anh nheo mắt nhìn xuống đường phố và bảo:

- Đứng ở độ cao thế này chúng ta giống những người khổng lồ. Có thể thao túng và sắp đặt cái ổ lộn xộn dưới kia. Để xem chúng ta có thể làm được gì nào.

Khang giơ một ngón tay ra trước mặt hướng về cột đèn giao thông phía dưới, làm động tác nhấn nút. Đèn đỏ bật nút. Có vài khuôn mặt cau có khó chịu. Có vài người trượt đà mà vượt đèn đỏ. Vài người chen chúc nép nhờ dưới một bóng râm. Khang ngó nghiêng, thích thú nhìn trò chơi do mình sắp đặt, ngón tay anh từ từ làm động tác bấm nút. Đèn xanh bật lên. Dòng người hùng hổ lao vào nhau như đánh trận, chen chúc, giành giật, lộn xộn như bầy vịt xiêm với thứ nguyên tắc ruộng đồng.

Minh không nói gì, im lặng trong suốt trò chơi của Khang chỉ vì anh bị hút tầm mắt về phía bóng cây như một dấu chấm than lộn ngược nhỏ xíu phía dưới đường. Cái dấu chấm than yếu ớt ấy mùa đông đứng co ro góc phố, thêm thắt cho bức tranh đô thị một đốm xanh nhỏ nhoi đến tội nghiệp. Có cụ già mượn tán cây bày ra ấm trà nóng, vài thanh kẹo lạc kiếm sống mưu sinh. Có anh thợ cắt tóc treo tấm gương to trên thân cây, nếu trời mưa thì giăng thêm mảnh ni lông làm nơi trú ngụ. Bà cụ bán xôi dậy từ mờ sớm, tranh thủ lúc thưa khách ngồi tựa lưng vào gốc cây chợp mắt. Cây bé nhỏ ôm phận người bé nhỏ. Mùa hè cây chống chọi lại cái gió, cái nắng của sức người, sức phố phả ra từ mờ sáng đến đêm khuya. Từng người đi xen qua nó, tranh nhau nó, rúm ró co lại trong bóng nó như thể manh chăn mỏng của nhà nghèo đông con, kéo bên này thì hở bên kia. Cây mang nỗi buồn của người mẹ nghèo đã không thể ủ ấp che chở cho tất cả những đứa con tội nghiệp. Để rồi chúng phải bỏ đi, lao đi trong hành trình kiếm tìm nơi trú ngụ. Cái dấu chấm than nhỏ nhoi ấy leo lắt như đèn trước bão. Cơn bão của sự phát triển đô thị, cơn bão dân số gia tăng, cơn bão của vòng xoáy tham vọng trong từng ấy cái đầu. Nhưng nó vẫn gắng gượng tồn tại chở che cho vài ba mái đầu trong mấy mươi giây đèn đỏ. Cho người mẹ chở con mồ hôi lấm tấm, cho đứa nhỏ ngồi trong ghế xe phía sau đã ngủ gật tự bao giờ. Cho anh thu mua đồ gia dụng cũ với cái loa tắt ngỏm khi đi vào đường lớn. Cho cô gái quây bịt kín mít từ đầu đến chân vẫn muốn trú nhờ cây cho đỡ nắng, đỡ đen da, đỡ ngột ngạt… Bao nhiêu lý do để mà thương, cây ôm hết vào lòng. Cây bao giờ cũng bao dung đến kiệt cùng.

Phi mỉm cười tinh nghịch, cũng giơ tay vẽ vào khoảng không gian trước mặt một cái cây. Rồi Phi vẽ nhiều hơn, tán cây to hơn. Một đường cây, một phố cây, cả một thành phố tràn ngập cây xanh. Cây dịu dàng khiến lòng người tĩnh lại. Họ như những con ngựa đã được thuần hóa thong thả di chuyển theo đàn. Không còn cảnh chen lấn, xô đẩy nhau nữa bởi vì Phi đang vẽ những miệng cười rất rộng.

Một tiếng chim trong vắt vang lên.

Nắng cũng đến độ chín, sóng sánh như từng giọt mật.
V.T.H.T