Nhật ký giải phóng Côn Đảo - Đoàn Tử Diễn

22.04.2015

Nhật ký giải phóng Côn Đảo - Đoàn Tử Diễn

Tạp chí Non Nước vừa nhận được bài “Nhật ký giải phóng Côn Đảo” của anh Đoàn Tử Diễn. Kèm theo bài viết là những tấm ảnh ghi lại chân thực ngày Côn Đảo giải phóng, tháng 5/1975. Được tác giả cho biết, số tư liệu gần 100 bức ảnh về Côn Đảo đã bị thất lạc trong nhiều năm nay mới phục hồi lại được.

Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi xin được giới thiệu bài viết và một số hình ảnh trong tư liệu quý của tác giả.

2.5.1975

RA ĐẢO

Trưa 2.5 tôi và Huân (Nguyễn Trí Huân) nhận được tin Sư đoàn 3 sẽ có một đơn vị trinh sát ra Côn Đảo. Có lẽ là E12 Quảng Nam. Có người nói, đơn vị đó đi tối qua rồi, nhưng cũng nhiều anh em cho là chưa đi. Hai đứa chúng tôi mang ba lô đi tìm Ban chỉ huy trung đoàn 12. Đó là khu sân bay Vũng Tàu. Thật may, vừa kịp cuộc họp quan trọng, triển khai phương án tác chiến, giải phóng Côn Đảo: Dùng tàu chiến (4 chiếc), trang bị tên lửa, đại liên, có nhiệm vụ bao vây Đảo. Sau đó máy bay sẽ uy hiếp, hạ lệnh đầu hàng. Nếu bất tuân, sẽ ném bom. Sau khi máy bay oanh kích, khống chế, bộ binh sẽ lên Đảo, quyết chiến trận cuối cùng. Đây sẽ là trận hiệp đồng binh chủng đầu tiên trong suốt cả cuộc chiến. Tôi bỗng phấn chấn như trong người nổi cơn cuồng phong. 4 giờ chiều chúng tôi xuống tàu.

Đêm xuống rất nhanh. Phía sau, Vũng Tàu rực lên từng chùm sáng. Ngước nhìn bầu trời, màu xanh chuyển dần sang xám tối. Một vài chùm sao hắt ánh sáng yếu ớt xuống biển, sóng sánh. Mặt nước như đặc quánh lại, sẫm đen. Người ta nói, đi tàu dễ say sóng, nhưng tàu êm. Có lẽ biển lặng, mùa này chưa có sóng to gió lớn chăng. Đôi khi có cảm giác như tàu đứng yên, tiếng máy rù rù, buồn buồn như ru ngủ. Bây giờ chúng tôi mới có dịp gần gũi, ngồi ăn cơm tối với người chỉ huy đơn vị trinh sát. Tên anh là Anh Kiên, quê ở Hải Hậu, Nam Định. Là con một, không phải đi bộ đội, nhưng anh quyết lên huyện đăng ký. Bố mẹ không can ngăn. Vào chiến trường B năm 1967. Thoạt đầu làm liên lạc tiểu đoàn. Đến năm 1972 làm tiểu đội trưởng trinh sát, qua nhiều chiến dịch nảy lửa ở Quảng Nam, Bình Định, Tây Nguyên. Trước chiến dịch Hồ Chí Minh mấy tháng, anh nhận chức tiểu đoàn phó. Nhưng Anh Kiên nói, chức là D phó, nhưng quân hàm chỉ chuẩn úy thôi. Anh cười.  Trông anh thật hiền, vui tính. Anh là mẫu người nông dân mặc áo lính. Chất nông dân, chất lính trộn đều trong một người lính, lính chiến thực sự.

Đêm đến, biển dường như cũng ngủ. Sóng nhẹ. Tàu dập dềnh. Nhìn đồng hồ, gần 2 giờ sáng. Tôi bỗng thấy bồn chồn, một cảm giác khác thường, giống như mình vừa khám phá một miền đất lạ, nhiều rủi ro, rình rập. Nhưng vẫn không che khuất cảm giác háo hức. Đơn vị trinh sát được lệnh xuống xuồng con, tìm vào đảo. Chừng nửa giờ sau từ trong Đảo phát ra tín hiệu, là 5 quả pháo sáng. Đường chân trời rõ dần. Chúng tôi đón đại diện của Đảo trên tàu. Anh Lê Câu, anh Lãnh, anh Nam, thay mặt lãnh đạo Đảo, gặp gỡ, chào mừng quân Giải phóng. Các anh cho biết, Đảo đã tự giải phóng vào ngày 1 tháng 5. Nhưng tàn quân vẫn ẩn náu khá nhiều quanh đảo. Các trại tổ chức tự vệ, sẵn sàng chiến đấu. Đêm đến tuần tra cảnh giới. Đang cho tìm bắt Chín Khương, chúa Đảo ác ôn. Anh em nóng lòng chờ lệnh từ đất liền.

7 giờ sáng chúng tôi đặt chân lên Đảo. Trước cầu đá là một hàng phượng xanh, hoa đỏ rực. Xa về phía tay phải là hàng phi lao.

Anh em tù nhân mặc quần áo bà ba đen. Cài dải đỏ trước ngực. (Chào mừng Đảo Giải Phóng). Cảm động, ngỡ ngàng, nhìn bộ đội, rơm rớm nước mắt. Có người khóc to thành tiếng, không sao cầm được, khiến tôi cũng giàn giụa nước mắt theo.

- Các đồng chí đã cứu sống chúng tôi.

Anh em tù khiêm nhường lạ thường. Ai cũng ơn cách mạng. Dường như họ không hề nghĩ, chính họ là những người hy sinh nhiều nhất cho cách mạng.

3.5.1975

LÀM LỄ CHIẾN THẮNG

Buổi sáng làm lễ tại Trung tâm Đảo, trước Dinh Đặc khu. Các đoàn từ chính nhiều ngả đổ về, có cờ, có băng rôn. Tất cả đều mặc quần đen, áo đen. 5 giờ chiều ngày 3.5 (1975) tôi vào trại giam. Một đồng chí người Huế dẫn tôi đi. Không ngờ tù Côn Đảo nhiều đến thế. Tôi kể qua chiến sự mấy tháng gần nhất, bắt đầu cuộc tập kích bất ngờ vào Buôn Ma Thuột ngày 10.3.  Sau đó, các đơn vị chủ lực phía Bắc thẳng tiến vào Huế, Đà Nẵng…Nhiều địa phương Khu 5 tôi đã từng sống, dịp này được kể lại cho anh chị em tù nghe. Ở đây tập hợp đủ các địa phương trong cả nước. Miền Bắc có Thái Bình, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa… đủ cả. Phía Nam có Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Nam Bộ… Khi tôi kể về miền Bắc, những người Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội…xích lại gần hơn. Còn khi nhắc đến Bình Định, tôi kể về Tam Quan, Bồng Sơn…tôi kể về Kỳ Thịnh, Bình Dương, Tam Phú của Quế Sơn, Tam Kỳ, Tiên Phước Quảng Nam….

- “Thằng cha Dõng, nó đeo kiếng, hý hoáy chi chi hoài trên giấy. Cha nội đó còn sống thiệt sao.” Ấy là khi tôi kể về những người ở Tam Quan.

Gặp anh em Bình Thuận, khá nhiều người tỉnh này không tập kết, tham gia hai cuộc kháng chiến. Nhắc đến Lâm Kèn, Sắc Kim, Đoàn Tử Bảy, Năm Ngà, Nguyễn Điềm, Đoàn Văn An, Hồng Phấn…, lại có thêm nhiều tiếng ồ. Đó là những người tôi biết được qua ông cụ, bố tôi và những người bạn chiến đấu thuở 9 năm. Nhiều người ngạc nhiên, đôi chút hồ nghi. Không hiểu một anh bộ đội như tôi, lại có thể biết tường tận nhiều địa phương từ Bắc vào Nam đến thế, lại biết rõ rất nhiều người từ dưới cơ sở xã thôn.

Ở Côn Đảo, theo tôi biết, có 8 trại giam. Khi chúng tôi đến trại 2, trại 3 giam quân phạm (số này khoảng 1.500 người). Còn những trại khác là tù chính trị. Trại 8, giam giữ tù khổ sai. Trại 6 là nữ tù. Trại 1 và 7 là tù cấm cố, biệt phòng. Nước da anh chị em xanh xao, suy kiệt sức lực, phù thủng. Có lẽ trong người họ đang ủ nhiều bệnh tật.

Sau một ngày mệt nhoài quần khắp đảo, trở về chỉ huy sở, tôi ngủ thiếp đi. Đôi khi nghe một vài tiếng AR15 đâu đó ngoài bãi biển. Có lẽ anh em an ninh đang làm nhiệm vụ. Đêm đầu tiên trên đảo, biển đưa gió vào ru cho những người lính mệt mề, ngủ vùi sau nhiều ngày chiến dịch không nghỉ.

4.5.1975

THĂM NGHĨA TRANG HÀNG DƯƠNG

Những ngày đầu ở đảo hết sức lộn xộn. Giám thị, cảnh sát ăn mặc như tù nhân. Cũng mang phù hiệu đỏ trên ngực, cũng mang súng canh phòng. Sang ngày thứ hai, chính thức thành lập chính quyền Quân quản, mọi chuyện thay đổi hẳn. Lệnh quân quản được thực hiện. Giám thị, bảo an lần lượt trình diện. Chiều đó chúng tôi vào Hàng Dương. Nhiều nấm mộ không còn hình thù. Ngay sau khi ra khỏi trại giam, anh chị em nhanh chóng sửa sang lại nhiều ngôi mộ. Họ làm một băng rôn nền đỏ, “Tổ quốc ghi công”. Chúng tôi làm lễ mặc niệm, chia nhau đi thăm từng ngôi mộ. Chỉ tiếc là không có hương. Nhiều người chắp tay, kính cẩn. Và cũng có người gạt nước mắt. Hình như họ nghĩ đến ngày mai, ngày kia sẽ rời đảo. Đây là lời vĩnh biệt cuối cùng với những người đồng chí mãi mãi ở lại trên hòn đảo ngục tù này. Chúng tôi dừng lâu dưới mộ chị Võ Thị Sáu. Một tấm bia bằng đá, nứt một đường chéo. Các chị nói, đây không biết là tấm bia thứ bao nhiêu anh em chúng tôi làm. Mỗi lần bị đập bỏ, chúng tôi nhanh chóng làm bia mới. Bọn an ninh điều tra, bắt bớ đánh đập. Nhưng không một ai cung khai. Nhiều thằng giám thị, an ninh ác ôn truyền miệng nhiều chuyện lạ, “Liệt nữ Võ Thị Sáu” thiêng lắm, làm tới là bị “Bà” vật, nên chúng cũng chùn tay.

 Sau khi đi thăm Hàng Dương về, tôi đến trại 6. Khoảng 11 giờ trưa, các chị dọn cơm. Trong bữa cơm có anh em hải quân và bộ binh Sư 3. Mâm nào có 2 anh bộ đội trở lên, các chị lôi ra bằng được, “chia” đều cho mâm khác. Những phòng không có bộ đội, họ sang xin. Bên ngoài kéo đi, trong thì cố giữ. Tình thương yêu trìu mến của các chiến sĩ Côn Đảo với bộ đội, thật cảm động. Tôi nghĩ, khó có tình cảm nào lạ lùng, yêu thương đến thế giữa những người trước đó mươi phút chưa hề biết nhau. Tôi đã tận hưởng một tình yêu có được giữa những người cách mạng. Ngồi cạnh một chị tên là Ngân, người Sài Gòn, một cô trẻ hơn, người Hoài Châu. Các chị để ý, khi nào tôi vơi thức ăn, lại tiếp thêm. Mà thức ăn có nhiều nhặn gì đâu. Mãi sau, biết “âm mưu” các chị, tôi cảnh giác, ngồi xa mâm. Mỗi lần đánh lừa được tôi là các chị cười thích thú. Từ ngày ra đảo tới giờ, lần đầu tôi mới được nếm mấy miếng thịt bò. Đây là chủ trương của Ban Quân quản, bồi dưỡng để anh chị em có sức, mai mốt về lại đất liền.

Tôi ở lại chuyện trò với các chị cho tới chiều. Nghe các chị kể nhiều câu chuyện cảm động, nhưng không sao ghi lại được. Các chị lót cho tôi một tấm vải nhàu, dỗ dành tôi gắng ngủ cho đỡ mệt. Nhưng làm sao ngủ được. Mấy chị ở phòng bên kéo đến. Họ muốn được nghe kể về Bác Hồ, những ngày cuối trước khi Bác qua đời. Những khi tôi tạm ngừng kể, uống nước, ngó sang bên chị Ngân, chị Nguyệt. Các chị cúi mặt, lặng lẽ lau nước mắt. Nhìn nhiều chị hoe hoe mắt, nói không rõ lời…thương Bác quá… tôi bỗng nghẹn giọng, hồi lâu mới kể tiếp được.

5.5.1975

CHUYẾN TÀU ĐẦU TIÊN RỜI ĐẢO

Khoảng 600 tù chính trị về chuyến đầu tiên. Đó là những tù trong diện biệt giam, tử tù, ốm đau, bệnh nặng. Tôi tìm gặp anh Lê Quang Vịnh và anh Lê Hồng Tư. Nhưng chỉ gặp được anh Vịnh. Anh cao, gầy, da mai mái, nói giọng Huế. Tôi đưa anh vào Ban Chỉ huy, gặp chính ủy Tài. Anh kể.

- Khi tôi còn nằm trong hầm đá, nghe có tiếng bước chân người hối hả. Anh bạn tôi gọi, “Vịnh ơi, giải phóng rồi”. Thoạt đầu tôi không hiểu gì cả. Một lúc sau có tiếng đập mạnh vào ổ khóa, tiếng người nói xôn xao. Cửa bật tung, ánh sáng tràn vào lóa mắt, chưa kịp nhận ra nhau, anh đã ôm chầm lấy tôi, nói đứt hơi, “Sài Gòn… giải phóng rồi. Đảo mình cũng giải phóng…” Tôi ngơ ngác nhìn bạn bè của tôi, chỉ kịp nói. “thiệt”, rồi ngất xỉu. Những ngày tiếp theo, tôi sống như trong chiêm bao. Nhiều khi phải bấm vào da thịt để biết mình đang sống thực, hay mơ…

Khi ra đến chỗ đông người, sát Cầu Đá tôi gặp anh Lê Hồng Tư. Nhưng giờ xuống tàu đã đến. Tôi chỉ kịp chụp với anh một bức ảnh kỷ niệm. Đã gần đến mép nước, hai anh ngoái lại nhìn tôi và Huân, đưa tay vẫy, hẹn gặp ở Sài Gòn… Đó là buổi chiều ngày 5.5.1975

 

9.5. 1975

GIÃ TỪ

Sau khi làm một vòng quanh Đảo, từ sân bay Cỏ Ống tới khu Rada, bến Đầm, tôi và Huân quyết định rời Đảo, kịp về Sài Gòn, dự lễ Chiến thắng. Tôi trở lại Cầu Đá, ăn qua quýt mấy miếng cơm, vội ra bến. Chuyến tàu thứ 2 dành cho nữ tù rời Đảo vào ngày 9-5. Trong số ra tiễn, còn có 3 cô giáo, con các giám thị. Nhìn 3 cô bịn rịn chia tay các chị, tôi chợt hối tiếc, thấy như mình có lỗi. Cô Tâm hồn nhiên, tươi tắn. Cô Nga dáng cao, da trắng, cười nhiều hơn nói. Còn cô thứ ba, thú thật tôi chưa biết tên. Mấy ngày đầu tôi cố xa cách các cô giáo, vì nghĩ họ là con giám thị. Các cô mời vào nhà chơi, nhưng tôi cố né. Sau mới hay, gia đình các cô có cảm tình với cách mạng, tin cậy của tù chính trị. Họ thường cung cấp tin tức, nhất là trong chiến dịch tấn công vừa qua. Ngày Sài Gòn giải phóng, các cô là người báo tin khá sớm, cùng cơ sở của Đảo, mở nhà lao ở trại. Nhưng khi khôi phục được tình cảm của mình, cũng là lúc tôi chuẩn bị rời Đảo. Chợt nghe các cô gọi.

-  À, anh Hà. Anh Hà cũng về chuyến này sao?

- Anh Hà có ra Đảo nữa không?

- Anh Hà đừng quên lũ chúng em nghen…

Trời chiều, bắt đầu ngả dần màu xám. Lắc rắc vài hạt mưa. Rồi cơn mưa nặng dần lên. Tôi và Huân xuống tàu cuối cùng. Nhìn lại Đảo, một màn mưa mở. Trên Cầu Đá, dường như vẫn còn nhiều người đứng nhìn theo con tàu. Những chiếc ô màu đỏ, màu xanh chìm dần trong cơn mưa nặng hạt. Đứng trên bong tàu nghe gió quất. Tàu nghiêng ngã. Đứng cạnh tôi là một chị người Nam Bộ, trầm lặng. Chị ngỏ lời mời tôi một lần ghé Long An, quê chị. Khi còn trên đảo, biết tôi sống khá nhiều ở Quảng Nam – Đà Nẵng trong những năm chiến tranh, anh Lê Câu cũng có lời mời. Không biết sau này tôi có may mắn gặp lại các anh các chị không.

Đ.T.D