Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng - một chặng đường 40 năm - Đặng Đăng Khoa
Nếu lấy mốc năm 1839, năm được xem là năm chính thức ra đời của kỹ thuật nhiếp ảnh với những nhà phát minh tên tuổi như Niepcé, Daguerre (Pháp), Talbot (Anh) thì chỉ 30 năm sau đó, ngày 14/3/1869, cụ Đặng Huy Trứ, một đại quan trong triều đình nhà Nguyễn, sau những chuyến đi sứ đã du nhập kỹ thuật nhiếp ảnh còn rất mới mẻ này từ Hương Cảng vào Việt Nam và mở tại Hà Nội một hiệu ảnh lấy tên là Cảm Hiếu Đường, hiệu ảnh đầu tiên tại nước ta. Bác Hồ đã lấy ngày 15/3 là Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh và cụ Đặng Huy Trứ được vinh danh là ông tổ ngành ảnh Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh và ngày giỗ tổ ngành ảnh, Chi hội Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Đà Nẵng triển lãm ảnh “gặp gỡ tháng Ba” của 14 hội viên chi hội để có dịp “uống nước nhớ nguồn” và “ôn cố tri tân”.
Với cái nhìn chủ quan có phần cảm tính, cho phép tôi tạm chia chặng đường 40 năm hình thành và phát triển của nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng ra 3 giai đoạn:
1/ Giai đoạn từ 1975 đến 1993:
Sau ngày đất nước thống nhất, tại Đà Nẵng đã sớm hình thành một chi hội nhiếp ảnh thuộc Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam với các thành viên: Lê Hải (phóng viên báo ảnh Việt Nam, ủy viên ban chấp hành Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khóa 3, Chi hội trưởng đầu tiên của Chi hội Đà Nẵng, Vũ Thanh Tú (lãnh đạo ngành ảnh quốc doanh tại Đà Nẵng), Ông Văn Sinh (Giám đốc các cửa hàng ảnh quốc doanh), bà Minh Nguyệt (Thông tấn xã Việt Nam), Ngọc Cẩn (phóng viên ảnh Báo Đà Nẵng), Đặng Đăng Khoa (Ủy viên thường trực hội Liên hiệp Thanh niên), Lê Văn Sỹ (chủ doanh nghiệp ảnh), Hồ Xuân Bổn (chủ doanh nghiệp ảnh) và Mỹ Dũng (chủ hiệu ảnh).
Song song đồng thời với Chi hội, Phân hội nhiếp ảnh trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng còn quy tụ được những tay máy có năng lực và nhiều đam mê như: Hoàng Văn Minh, Thế Dung, Vũ Công Điền, Xuân Quang, Trần Thảo, Từ Duy, Ngọc Hợi, Đức Hoàng, Đức Tú....Ngoài ra còn có những câu lạc bộ Nhiếp ảnh trực thuộc nhà văn hóa thông tin, câu lạc bộ nhiếp ảnh trẻ thuộc Liên hiệp Thanh niên Quảng Nam – Đà Nẵng. Lớp dạy nhiếp ảnh đầu tiên tổ chức tại 84 Hùng Vương do một số hội viên chi hội và phân hội được phân công phụ trách. Các lớp học sau đó được nhân rộng tại Hội Liên hiệp Thanh niên (30 Bạch Đằng) và Hội Phụ nữ thành phố làm phong phú thêm những sinh hoạt nhiếp ảnh tại Đà Nẵng.
Trong thời kỳ đầu này, Đà Nẵng cũng tổ chức được những cuộc thi ảnh. Ảnh triển lãm phần lớn là ảnh đen trắng phóng to cỡ 18 x 24 được gọi là ảnh thời sự - nghệ thuật và thường xoay quanh đề tài về: “Việt Nam – Đất nước – Con người”.
Nhiếp ảnh nghệ thuật trong giai đoạn này đã đi đúng hướng. Nhiều tác phẩm ảnh của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Đà Nẵng đã đoạt giải cao. Đơn cử một số tác phẩm như: Đánh cá Vụ Nam của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Toàn (huy chương bạc cuộc thi ảnh toàn quốc), Ôm cả trời mây, Ánh sáng phục hồi, Điểm hồng của Hồ Xuân Bổn, Lưu Quang (tôn vinh nhà biên kịch tài hoa nhưng “vắn số” Lưu Quang Vũ) của Mỹ Dũng....
2/ Giai đoạn từ năm 1994 đến 2005.
Sau nghị quyết đại hội 6, nước ta bước vào thời kỳ đổi mới. Các cuộc thi ảnh tại địa phương, trong khu vực, trong nước ngày càng nhiều hơn. Việc cởi trói văn hóa, văn nghệ của Đảng như chắp đôi cánh rộng cho các nghệ sĩ bay cao và bay xa hơn.
Ngô Văn Thuận, một tay máy trẻ của Đà Nẵng (hiện định cư tại Úc) đã đem về một giải thưởng quốc tế đầu tiên cho Đà Nẵng với tác phẩm Ru Em (giải ACCU).
Trường hợp Thân Nguyên là một điển hình cho thời kỳ này. Với sự kiên trì và lòng say mê nhiếp ảnh, anh đã vượt qua những khó khăn về vật chất để tự khẳng định mình trên đấu trường quốc tế và anh đã thành công. Anh đã đem về cho Đà Nẵng những bằng khen, huy tượng, huy chương vàng, bạc, đồng. Đích thực là một vinh quang cho cá nhân anh và là niềm tự hào cho giới nhiếp ảnh Đà Nẵng.
Tuy nhiên trước vận hội mới, trong giai đoạn này chúng ta chưa đủ năng động và nhạy bén trong hội nhập để có những thành tích cao. Ngoài Thân Nguyên, trong thời kỳ này chúng ta chỉ kết nạp thêm được vào hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam 3 hội viên: Ngọc Hợi, Huỳnh Anh, Ngô Kỳ. Nhiều năm sau ngày đất nước thống nhất, nhiều tỉnh thành trong cả nước chưa có hội viên Trung ương thì bước vào đầu thế kỷ 21, họ đã có số hội viên vượt xa Đà Nẵng. Nên nhớ, vào thời điểm năm 1985 – 1986, số hội viên hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Đà Nẵng đứng hàng thứ 3 thứ 4 trong toàn quốc, chỉ sau Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng.
Sự chững lại của nhiếp ảnh Đà Nẵng trong thời gian khá dài là nỗi băn khoăn lo lắng của nhiều người có tâm huyết với nhiếp ảnh.
3/ Giai đoạn từ năm 2005 đến nay.
Có thể nói đây là khởi đầu của kỷ nguyên kỹ thuật số. Nhiều người chơi ảnh còn thờ ơ, hoài nghi và đánh giá ảnh chụp từ máy ảnh số còn lâu mới đạt được chất lượng của ảnh chụp từ máy phim nhưng trước những cải tiến không ngừng của công nghệ số mới những máy ảnh ngày càng tốt hơn, độ phân giải ngày càng cao hơn cộng thêm các phần mềm xử lý ảnh ngày càng đa dạng và hiệu quả hơn. Ngày nay không còn ai nghi ngờ về tính hữu hiệu và tiện ích của nó. Hầu như không còn ai sử dụng máy phim để sáng tác ảnh. Nhiếp ảnh càng ngày càng được xã hội hóa, phần lớn ai cũng sở hữu một phương tiện để ghi lại những hình ảnh mà mình yêu thích; từ những bức ảnh Selfie (tự sướng), những bức ảnh chụp thiên nhiên hữu tình đến những ảnh đời thường ghi lại bằng những chiếc điện thoại, máy tính bảng, máy du lịch hay bằng những máy ảnh với giàn ống kính khủng giá không dưới 100 triệu đồng.
Nhiếp ảnh Đà Nẵng ngày càng đa dạng và khởi sắc với những cuộc triển lãm của những nghệ sĩ nhiếp ảnh lớn tuổi như Ông Văn Sinh, Ngọc Hợi, Trần Phước Chính…đã để lại những ấn tượng tốt cho những người yêu thích nhiếp ảnh. Những cuộc triển lãm giao lưu giữa Câu lạc bộ Sông Hàn với các câu lạc bộ tỉnh bạn; cuộc triển lãm đầu tay của Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Đà Nẵng. Những sự kiện trên đã chứng minh cho điều đó.
Cuộc thi ảnh “Đà Nẵng toàn cảnh” phát động trong một thời gian ngắn nhưng đã nhận được trên 2000 tác phẩm dự thi: 11 tác phẩm đoạt giải và gần 80 ảnh chọn treo lại rơi vào tay những tay máy ảnh trưởng thành từ kỷ nguyên số như: Võ Triều Hải, Huỳnh Nam Đông, Vũ Hoàng, Trịnh Thu Nguyệt, Nguyễn Đăng Đệ...
Học tập một số tỉnh bạn, Đà Nẵng đã phát động cuộc thi “Đà Nẵng đẹp và chưa đẹp” đã gây được nhiều tiếng vang. Ngoài những tác phẩm tôn vinh cái đẹp của Đà Nẵng, còn có những tác phẩm phê phán nhẹ nhàng những cái chưa đẹp cần được khắc phục để xây dựng Đà Nẵng ngày càng văn minh tươi đẹp hơn mãi xứng đáng là một thành phố đáng sống trong lòng các du khách trong nước và quốc tế.
Một loạt các nghệ sĩ nhiếp ảnh hội nhiếp ảnh thành phố, đã đóng góp nhiều cho sự phát triển phong trào nhiếp ảnh của Đà Nẵng, được kết nạp vào Hội Nhiếp ảnh Việt Nam trong giai đoạn này như: Công Hưng, Huy Đằng, Minh Đức, Nguyễn Quang, Phùng Đức Dũng, Sâm Ngọc... Một số nghệ sĩ nhiếp ảnh khác đã “bước 1 chân” vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam như: Minh Thạnh, Ngô An Khánh, Đặng Văn Nở, Quách Lực, Nguyễn Văn Thành, Vũ Hoàng và chi hội sẽ đón họ như những thành viên mới trong nay mai. Đi ngược thời gian một chút; Mỹ Lê, một sinh viên Việt Nam học tập tại Canada đã thổi một làn gió mới vào sinh hoạt nhiếp ảnh với triển lãm sắp đặt của mình tại 84 Hùng Vương – Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Mỹ Dũng, một người đồng điệu với Mỹ Lê cũng có một cuộc triển lãm chung tại thư viện Đại Học Đà Nẵng. Sau đó Mỹ Dũng cũng có những triển lãm sắp đặt mới về đề tài giao thông…
Một tự hào của nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng trong giai đoạn hiện tại là liên tiếp 3, 4 năm liền, các nghệ sĩ nhiếp ảnh của Đà Nẵng chúng ta đã đoạt được những giải cao ở cuộc thi khu vực, trong nước và quốc tế: Công Hưng (Huy chương Vàng khu vực 2012 với tác phẩm Bơi lội), Thân Nguyên (Huy chương Vàng Fiap với tác phẩm Nương tựa), Đặng Văn Nở (Huy chương Vàng Fiap với tác phẩm Em bé Cơ Tu 2013, Huy chương Vàng khu vực với tác phẩm Quyết tâm bám biển 2014), Phùng Đức Dũng (Huy chương Vàng Việt Nam với tác phẩm Xuất phát 2014), Thân Nguyên lại tiếp tục nhận Huy chương Vàng tại Ai Cập với tác phẩm đã từng được giải, tác phẩm Nương Tựa.
Trình bày một chặng đường dài 40 năm hình thành và phát triển của nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng trong một bài viết ngắn chắc chắn sẽ để lại nhiều thiếu sót và hạn chế do lượng thông tin còn ít, tư liệu khó tìm. Để có cái nhìn sáng tỏ và khách quan hơn về chặng đường hình thành và phát triển đa dạng này của bộ môn nhiếp ảnh nghệ thuật, rất cần những ý kiến đóng góp cũng như phản biện của những nhà nghiên cứu chuyên sâu và những người trong cuộc để bài viết này hoàn thiện hơn.
Đ.Đ.K