Chuyện xung quanh những câu nói của anh Nguyễn Bá Thanh - Dân Hùng

22.04.2015

Chuyện xung quanh những câu nói của anh Nguyễn Bá Thanh - Dân Hùng

Tôi có may mắn được tham dự không ít những cuộc họp, hội nghị, buổi nói chuyện do Anh Nguyễn Bá Thanh, từ khi là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đến khi là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chủ trì. Sự dí dỏm, dân dã, đầy tính thực tế và cả quyết liệt trong cách truyền đạt của Anh, chắc đã có nhiều người nói. Ở đây tôi chỉ có đôi điều về những câu nói, câu chuyện của Anh mà bản thân trực tiếp nghe được, vì nó liên quan đến ý tưởng, chủ đề để mình viết bài đăng báo hoặc đơn giản là nó để lại những ấn tượng đối với bản thân về một lĩnh vực, quan điểm sống nào đó mà mình cho là tâm đắc…

Trước hết, về chủ đề để đăng báo, có 3 bài viết tôi rất tâm đắc, viết rất nhanh và có cảm hứng là do xuất phát từ những lần nghe Anh nói chuyện. Hai bài viết này gửi báo đều được đăng và có nhiều ý kiến nhận xét tích cực, làm tôi cảm thấy thật phấn khởi. Bài đầu là bài “Văn hóa xấu hổ”, nó xuất phát từ câu chuyện anh kể trong một Hội nghị mà mình không nhớ rõ là năm nào, đại ý là “Ngày nay cần phải có khái niệm “Văn hóa xấu hổ” vì có những cán bộ, nói thì nhiều, nói hay mà làm thì ngược lại hoặc nói mà không làm, những người này cần phải biết thế nào là “Văn hóa xấu hổ”… Bài thứ 2 là bài “Dây kinh nghiệm - Sợi dây dài nhất”. Chuyện vui này Anh nói trong một kỳ họp HĐND thành phố, làm cho các đại biểu cười ồ. Nôm na: “Có một sợi dây dài nhất là “dây kinh nghiệm” vì cứ rút mãi mà nó không hết. Khi có khuyết điểm, thiếu sót, tiêu cực, nếu bị phát giác, phê bình kiểm điểm thì trước hết là người ta…rút kinh nghiệm. Cái “sợi dây” này cứ rút mãi năm này qua năm khác mà nó vẫn còn. Nên nó được xem là cái “dây” dài nhất…Bài thứ 3 là bài "Bình yên thành phố" xuất phát từ phát biểu của Anh tại Kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố về chuyện "đất nước có hòa bình nhưng chưa thái bình, vì làm sao gọi là "thái bình" được khi người ta ra đường cứ nơm nớp sợ tai nạn giao thông do đám đua xe, cứ lo bị cướp giật, bị "đinh tặc", bị đâm chém chỉ vì những lý do hết sức đơn giản..."

Về các đề tài khác, nói về việc cẩu thả trong diễn đạt câu chữ trong văn bản, báo cáo, Anh lấy ví dụ về một đoạn văn, do dùng sai dấu mà làm nội dung “sai một li đi một dặm”. Đoạn câu mô tả bộ đội tấn công đồn giặc, đáng lẽ viết là “bộ đội ta tấn công vào đồn, giặc chết như rạ…” nhưng vì cẩu thả trong sử dụng dấu câu mà viết là “bộ đội ta tấn công vào đồn giặc, chết như rạ…” Từ chỗ thắng lợi đến thất bại chỉ  cần một dấu phẩy đặt khác vị trí trong câu viết.

Về công tác cán bộ, về nghệ thuật dùng người cũng có nhiều câu chuyện để nói. Riêng câu chuyện họa sĩ vẽ ông vua chột mắt, tôi nghe đến 3 lần nhưng vẫn cảm thấy không nhàm. Chuyện là ngày xưa, có một ông vua bị chột một mắt và thọt một chân. Một hôm, vua cho truyền lệnh sẽ ban thưởng hậu hĩnh cho ai vẽ được bức tranh về mình mà làm thể nào để vừa đẹp vừa chân thật. Họa sĩ đầu tiên xin ứng thí. Bức tranh  mô tả vị vua này, mắt và chân đều đầy đủ, lành lặn, không có biểu hiện gì của người khiếm khuyết về hình thể cả. Sau khi xem tranh, vua truyền lệnh chém đầu chàng họa sĩ kia tức khắc. Người thứ 2, xin ứng thí, bức tranh mô tả vị vua kia rất chân thực, vì là thấy rõ con mắt chột và cái chân thọt, nhưng cũng không khả quan gì hơn khi người vẽ bị xử trảm sau khi vua xem xong. Lúc đó, ai cũng run sợ không dám tham gia thi vẽ tranh nữa vì nghĩ rằng, sẽ cầm chắc cái chết. Vậy mà cuối cùng cũng có một tay họa sĩ “xin chết”. Bức tranh họa sĩ này mô tả vị vua đang phi ngựa, trông oai phong lẫm liệt, một cánh tay giương cung lên bắn, cái tay được chàng họa sĩ vẽ một cách khéo léo để che đi cái mắt chột, còn cái chân thọt cũng không thấy được vì khi cưỡi ngựa, chỉ thấy bên chân lành còn chân thọt nằm ở phía bên kia thân ngựa. Sau khi xem ông vua rất tâm đắc và ban thưởng hậu hĩnh cho chàng họa sĩ. Thế là, đã không bị xử trảm lại còn được thưởng lớn chỉ vì biết vẽ khéo.  

Phân tích chuyện Tây Du ký, Anh nói: “Cái tay Trư Bát Giới xấu xí, ham hố, tham ăn, mưu cũng không cao, vậy mà tỉ tê thế nào lại làm Đường Tam Tạng lại nghe theo. Thế nhưng, khi có nguy nan thì đều phải nhờ tới tài trí của Tôn Ngộ Không…”

Liên quan đến chuyện những cán bộ vòi vĩnh “đòi ăn”, có đút lót, “bì bọt” mới chịu làm, Anh ví những người đó giống như con cá heo trong rạp xiếc, người huấn luyện phải bỏ vào miệng nó thức ăn nó mới chịu diễn trò, nếu không có cái gì vào mồm nó cứ lơ ngơ, không biết làm gì. Và kết luận, đừng đòi được “ăn” rồi mới chịu làm, lấy những người có tư tưởng đó làm lãnh đạo thật nguy hiểm.

Một chuyện khác, Anh kể bên Nhật, người ta tuyển “nhân tài” từ lứa tuổi còn nhỏ. Trong một tình huống, những đứa trẻ được xếp hàng trước một dãy băng chuyền gồm những cốc nước chạy trước mặt, đến vị trí của đứa trẻ nào đứa trẻ đó được yêu cầu uống thử cốc nước chạy ngang trước mặt mình. Lần lượt, 8 chú bé được uống thử 8 ly nước, tất cả đều cho nhận xét như nhau là nước có vị ngọt (nói thật). Đến đứa trẻ thứ 9, “ban tổ chức” khéo léo tráo vào đó một ly nước pha muối, đứa trẻ, khi cầm ly nước này lên uống, đáng lẽ phải nói thật là nước mặn thì lại lưỡng lự một chút rồi nói… ng…ọ..t , chỉ vì thấy 8 đứa kia đều đã nói là ngọt rồi. Kết quả là đưa trẻ thứ 9 này bị loại do không trung thực và không "kiên định lập trường". Không biết chuyện này đúng sai thế nào nhưng cũng là một bài học cho việc dùng người.

Nói về Chương trình “Táo quân về trời” trên Gala cười cuối năm Tân Mão 2011, Anh nói: “hóa ra, toàn những Táo nào làm dở thì mới được lên Thiên đình báo cáo “thành tích” cho Ngọc Hoàng, chẳng thấy Táo nào có thành tích thật sự xuất hiện cả. Chưa hết, lên đến Thiên đình rồi mà còn quà cáp cho Ngọc Hoàng, lại còn bỗ bã kêu bằng “anh Hoàng” chẳng nghiêm túc chút nào... Kết thúc buổi gặp gỡ tất cả về lại hạ giới trong vui vẻ…”.

Kể những câu chuyện về Anh thì còn nhiều, chỉ lấy vài dẫn chứng mà người viết cho là tâm đắc nhất, xin kể ra đây để suy ngẫm về một vị lãnh đạo đã tạo nên một Đà Nẵng như hôm nay và cũng là để chiêm nghiệm về nhân tình thế thái về bài học cho cuộc sống đang cần những bước đột phá để đi lên.

D.H