Chim ngụ cư cửa rừng Cây Mít - Nguyễn Thanh
1. Đó là Tám Còm. Không đến đỗi còm nhom, lỏng tha lỏng thỏng; Tám Còm nhỏ con, thấp đậm, tay chân mũm mĩm nhưng không rõ hà cớ gì dân bản địa cửa rừng Cây Mít gọi thành danh Tám Còm.
Tám Còm tên thật là gì? Chẳng ai biết. Người khao anh ở khúc eo miền Trung trôi vào theo gió cát; người đoán chắc gốc gác Bến Tre, lại là người Cồn Bần chung chỗ ông đạo Dừa sinh sống, hành đạo.
Dân bộ đội giải ngũ, Tám Còm đi đường Lung Cây Mít, ngủ nhờ qua đêm tại Nhà kho lương thực cửa rừng Cây Mít trước khi về thẳng Cồn Bần. Loay hoay Cồn Bần mất cả năm, dạo qua Ba Tri, Bình Đại, vật đổi sao dời, tuyệt nhiên không gặp được người thân, thình lình bị cơn lũ lụt lớn 97, Tám Còm theo đường cũ dông tuốt xuống Cà Mau lập nghiệp.
Dừng chân nơi cửa rừng Cây Mít như một định mệnh, người ngoài hành tinh, đầu hôm sớm mai lòi ra tính tằn tiện, một hột vịt luộc xẻ đôi giằm nước mắm ớt để dành mai ăn. Người cửa rừng Cây Mít, có thể nguyên Thủ kho lương thực có thơ rằng: “Cà Mau ăn cá bỏ đầu. Bến Tre thấy vậy xỏ xâu mang về”. Trái lại, mặt được của Tám Còm mau mắn hòa đồng, nhã nhặn, không nói: Bắt con cá “gô” bỏ vô cái “gổ” như một số người bản địa; Tám phát âm chuẩn mực ngữ nghĩa, đặc biệt chữ “tr” khiến Tám Còm trở nên quan trọng mỗi lần hội họp dàn hòa chuyện xích mích, tranh cãi mất đoàn kết giữa người hàng xóm với nhau. Thêm nữa, Tám Còm còn biết tổ chức ăn ở, bếp núc, cầu vệ sinh, tuyệt. Bởi vậy, cộng Tám Còm là bộ đội về làng, làm ăn chí chết, cán bộ địa phương dễ cắt đặt nền Nhà kho lương thực cho Tám Còm dựng nhà.
Khó đấy. Người sinh, đất không sinh. Vùng Lung Cây Mít đất đai đưa hết vào cánh đồng mẫu lớn trước mặt, sau nhà, chỉ còn nền Nhà kho lương thực nay đã có chủ, chia chác cho Tám Còm, gia đình Ba Mận ở đâu? Chị Ba Mận nguyên là Thủ kho lương thực suốt thời kỳ kháng chiến đánh Mỹ, sống chết với nền Nhà kho, đã đành. Đằng này, có thêm Tám Còm? Chị im ỉm, khó hiểu. Anh Ba Mận ăn nói dẻo quẹo cầm đơn thưa Tám Còm lên tới huyện. Huyện ngâm đơn chờ ý kiến xã quyết. Xã nghiêng hẳn tình hậu phương giang tay đón người trở về từ trận mạc; khéo nằm co, ấm; cuối cùng, Tám được chia đất cất nhà, lại là phần đất cặp kề Lung Cây Mít chung nền Nhà kho với gia đình Ba Mận...
Ban đầu, Tám Còm, Ba Mận như trâu đen, trâu trắng. Ở hiền gặp lành. Sau này Tám Còm được lòng Ba Mận nhờ cái đận Tám ra tay cứu vớt con Ngọt con gái Ba Mận bị té hố bom. Con nhỏ lên mười ở vùng sông nước mà không biết lội. Quơ hái mớ bông so đũa sau nhà, té nhào xuống nước, chìm nghỉm. May mà Tám Còm sáng sáng chờ kéo đập mướn ra tay cứu con Ngọt sống nhăn. Tàn trận, Ba Mận hối tiếc, ân hận về việc tranh giành nền nhà kho... Và riêng đứa con gái Ba Mận, con Ngọt, xem Tám Còm như thần tượng cứu sống mình...
Vàm Lung Cây Mít vốn là một cửa rừng phía Nam U Minh Hạ, kinh Kiểm Lâm, Khánh Bình, nổi tiếng vì nhiều lẽ: Lung sâu, ngoằn ngoèo, qua mười cây số đường rừng được chắp nối bởi lung Ngọc Hoàng từ Hàng Gòn, Khánh Lâm, đổ qua. Người đi Lung Cây Mít, Ngọc Hoàng đều có chung cảm nhận đan xen dọc đường xa thăm thẳm là loài cây nắp nước xanh rập rờn, trái xanh như cái tách lật ngửa hứng nước mưa, tách đầy, nắp tách tự nhiên khép lại... Đặc biệt vàm Lung Cây Mít có chòm cây mít cổ thụ do con người làm rơi vãi vài hột bắt đất mọc lên, tàn lá xòe rộng mát rợi suốt ngày. Dãy Nhà kho lộ ra vài mái lá khiến chiếc L19 chụp được hình. Theo đó, máy bay B57 ban đêm tới ném bom. Năm quả bom khoét nền Nhà kho ra từng hố sâu hoắm, làm nơi ẩn náu cho nhiều loài cá đồng. Hiện diện một Nhà kho lương thực mà người Thủ kho lại là một thiếu nữ. Hồi còn con gái không ai biết tên cô, tới ngày gá nghĩa với Ba Mận có hai đời vợ, chưa con, kể cả khi nhắc nhủ thời con gái, người ta ghép cô vào tên chồng: Cô Ba Mận - Chị Ba Mận.
Cô Ba Mận dáng cao ráo, đẫy đà. Là người giữ kho ở tại chỗ quen gần hết với khách qua cửa rừng Cây Mít: Tốp bộ đội, dân công hỏa tuyến, giao liên, Thanh niên xung phong từ Đá Bạc, Chín Hòn đổ lên, từ Cạnh Đền, Trí Phải đi xuống, ngủ, nghỉ, nấu nướng đều dừng tại đây. Một ngày năm lần bảy lượt Thủ kho chạy bận thay vì ngồi không đếm xuồng ghe qua lại...
Một hôm có anh bộ đội từ hướng rừng tới Nhà kho hỏi ngủ nhờ. Ngủ nhờ Nhà kho qua đêm là chuyện bình thường, nhưng anh bộ đội này khang khác: rụt rè, nem nép... Chủ nhà vẫn nằm trùm mền, chỉ giở mùng ló mặt ra căn dặn khách: “Anh gì đó ơi, chiếu lớ giặt khô phơi ngay trên đầu giường, gối giếc có sẵn. Nước uống phía sau hè... Em mệt”. Dường như anh bộ đội có ghé qua đây một vài lần nên thông thạo chỗ củi lửa lục đục nhóm bếp, pha trà. Khách ngồi tư lự hồi lâu. Chủ vẫn nằm trong mùng ló mặt ra nói chuyện cầm chừng, tiếp khách. Nửa đêm, khách chưa ngủ. Chủ thức theo khách. Lúc nửa mê nửa tỉnh, chủ phát hiện ra ông khách nằm gọn hơ bên cạnh mình, ôm chặt cô vào ngực anh nóng hổi. Cô vùng ra mấy lần nhưng người tê dại, cứng đơ, áo sống sút sổ, chiếc quần tụt mất, khuôn ngực đầy đặn, mây mẩy của cô bị ông khách chúi mũi chúi mắt vào khiến cô nằm im thinh... Sáng ra, khách từ giã đi sớm trước khi trời đâm mây ngang, bỏ lại Nhà kho một chiếc bình ton đựng nước uống. Quên không ghi địa chỉ người khách lạ lùng kia khiến độc lập đôi ba năm cô thường đứng ngóng trông về hướng rừng chờ người khách trở lại để giao trả đứa con gái, con Ngọt, cho anh.
2. Mười lăm năm sau, cửa rừng Cây Mít đổi thay quá cỡ: Cánh đồng mẫu lớn phình ra sau, trước mặt nhà. Rừng lùi sâu vào một khoảng khá xa. Một cống ngăn mặn mọc lên hoành tráng. Trạm biến thế điện kề bên mấy cây tràm lẻ hứng gió đồng. Người ta khai hoang, ban bờ vùng, bờ thửa... Nhà nhà rào rắp ra tới đường trải nhựa về huyện... Tám Còm bán chiếc nhẫn đeo tay, mua hai thanh sắt dài về làm đường ray, gắn bánh xe sắt dưới lườn dàn kéo, dùng máy BS9 làm lực đẩy thay sức người kéo xuồng ghe qua đập. Khi đó, người nhập cư càng đông. Nhà ken chật nền Nhà kho lương thực. Dân nhập cư Bến Tre lên tới số 10 người. Tám Còm có thêm bạn, thêm khách.
Vắng bạn, vắng khách, con Ngọt chạy lù lù ngõ sau, khi bê tô thức ăn đặt tại cửa: “Món ba khía Rạch Gốc má con gởi, bác Tám ăn lấy thảo, nghe”; khi một tô rắn hầm bồn bồn: “Phần này của ba con. Chưa ăn, đợi chiều ba về, nhậu”.
Nam tu, nữ nhũ, mười sáu tuổi, con nhỏ giống mẹ y chang: Chân dài, vú nẩy, mông căng... chạy qua chạy lại nhà Tám Còm như chơi trò cút bắt, lát sau biến dạng, chốc chốc lại sang. Ngược lại, mỗi lần qua nhà Tám Còm, có mặt con Ngọt, có mặt Tám Còm ngồi tư lự bên chiếc máy BS9 đang nổ giòn, chị Ba Mận quét dọn từ trong hóc hẻm ra tới đường cái, tuy cái nền nhà sạch bon, day qua lôi mùng mền chiếu gối ra giặt giũ phơi phóng rồi lẳng lặng ra về...
Tới lượt Ba Mận trờ tới. “Dừng được rồi. Tối rồi. Nhậu!”. Ba Mận nói, tay tới. Như ông thần rừng, Ba Mận to sầm đáp nhẹ xuống chiếc chỏng tre: “Uống!” Vừa nói, Ba Mận đổ ụp nguyên ly. Tám Còm tợp một nửa, nhăn mặt. Được Ba Mận chấp một nửa mỗi lần ngồi uống rượu, uống riết thành quen, qua ba bốn vòng rượu, người Tám Còm quay mòng mòng. Ba Mận túc tắc ngồi kể chuyện đời xưa. Chiều chiều không rượu, Tám Còm ngồi buồn buồn. Tay chân Ba Mận ngứa ngáy, thành nhậu. Mồi bén thiếu cha gì dưới mấy hố bom. Cá lóc mọc râu, cá trê nọng, cá bổi phệt thái thịt nhúng giấm, chưa kể đầu heo, đầu nai do chị Ba Mận đi rong ruổi trên đồng mẫu lớn chia thịt bằng lúa mùa mang về. Có hôm cao hứng, Ba Mận ép Tám Còm rong kinh, rong mương đi nhậu tới nhà vợ thằng Đậu trong xóm Cựa Gà. Đường non cây số, Ba Mận buộc Tám Còm long mương tới nơi. Tuyệt nhiên không một ai chạy bờ, lại không được trồi người lên mép lúa. Môi miệng Ba Mận, Tám Còm đóng rong, đóng rêu, run rẩy do lạnh. Lúc về giả say, Ba Mận nán lại qua đêm nhà đàn bà góa nổi tiếng vừa trẻ trung, vừa đẹp.
Ba Mận vui tính, xởi lởi. Đâu có đàn bà góa, có mặt Ba Mận. Cơn bão Linh Đa (số 5) quét qua, vàm Cây Mít, Kinh Hội thiếu gì đàn bà góa. Ai cho ôm một cái, Ba Mận xúc cho ba lít gạo. Riêng vợ thằng Đậu chồng là dân vạn chài, chết trẻ, đít bự, vú bự, mỗi lần ôm đong cho vợ thằng Đậu năm lít gạo, bốc cho thêm lít mốt, lít hai, chưa vừa. Khạp gạo trong nhà không cánh, vẫn bay khiến chị Ba Mận biết dạo này chồng mình khỏe khoắn, “vui vẻ”, coi như không có chuyện gì xảy ra...
3. Nhà Ba Mận sinh sự lục đục. Chuyện nhỏ. Chị Ba Mận hỏi gạn con gái mình: “Má thấy lúc này bác Tám mày thay đổi?”. Con Ngọt trề môi nói không, không với má, chứng minh: “Ổng làm ra tiền, nửa xài nửa để dành, mà ổng hứa sẽ sắm sanh chiếc áo dài trắng cho con”. Con Ngọt thêm mắm, dậm muối: “Chắc ổng nói dóc chơi thôi má, làm gì ổng dám bỏ tiền mua đồ tặng con. Hà tiện thấy mụ nội. Mà hễ nhắc tới con, ổng hít hà, ước gì ổng có đứa con gái ôn thi Đại học. Ổng khuyên con nên đi học rồi về xin việc làm”. Chị hỏi: “Ổng còn nói gì nữa, với con?”. Ngọt kể thẳng ruột ngựa: “Ổng hỏi con chung quanh cái bình ton đong rượu lâu nay trong nhà kiếm ở đâu ra? Hồi đó ở đây giặc mở chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh” có lính Mỹ đi cùng? Con chịu thua. Ổng còn nói lính Mỹ nhát hít hè, khiêng chiến thương tới hố bom, lại dừng, khi đi hấp ta hấp tấp bỏ quên cái bình ton có áo vải ka ki mới nguyên. Bị xài xể quá, bình ton mất áo, trầy xước thành cái bình ton cũ xì. Nói xong, ổng ngồi buồn hiu. Con đoán ổng nhớ Cồn Bần của ổng. Nghe ổng tả trước mặt nhà có chòm bần rung rinh trong gió, xoáy nước dưới bến sông liu riu chảy qua...”.
Câu chuyện giữa hai mẹ con chị Ba Mận khép lại khi anh Ba Mận về tới nhà. Đêm hôm ấy, Ba Mận say mèm nằm ngủ thẳng chân thẳng cẳng. Chị Ba thao thức không chợp mắt được, mộng mị thấy chị nằm tê cứng trong đêm cô tịch, trời chưa sáng hẳn, người khách từ giã ra đi... Đêm hôm sau vẫn thế, thấy Tám Còm lạ khù đứng trước Cồn Bần nghĩ ngợi đâu đâu...
4. Ba Mận đi giáp một vòng tua từ Cây Mốp qua Kinh Hội, Cựa Gà, về tới nhà, đổ bệnh. Đang ăn chơi sân sẩn, Ba Mận ngã ra kêu đau. Đích thân Tám Còm ngồi xe buýt đưa Ba Mận tới Bệnh viện huyện. Uống qua loa loạt thuốc chế độ bảo hiểm, Ba Mận khỏe ra, mươi mười hôm sau, nhập tiệc. Uống lai rai ít thôi giống như Tám Còm ngồi sòng vừa uống vừa cười hì hì, ai tới đâu, Tám Còm tới đó. Ba Mận học cách uống rượu, cư xử giống y Tám Còm. Vui như ngày hội, có mặt đông đủ đàn bà góa vàm Lung Cây Mít, Kinh Hội, Cựa Gà, dại gì Ba Mận không “vui vẻ” cho hết phần đời ngắn ngủi? Khạp gạo nhà do con Ngọt, chị Ba Mận xúc đổ đầy vung, vơi dần...
Bẵng đi một tháng, Ba Mận trở bệnh: Khó thở, tức ngực, khi nằm, càng tăng, cộng cảm giác buồn nôn, nuốt nghẹn. Lập tức, không đi thì thôi, nếu đi phải tới Bệnh viện Quốc tế sáng lòa. Đường sá, chợ búa chị Ba với con Ngọt mù tịt. Tám Còm bỏ kéo đập nhiều ngày theo xe giường nằm Lệ Hoa xuất bến từ huyện đưa Ba Mận tới thẳng Bệnh viện Quốc tế, Sài Gòn. Bệnh tình Ba Mận xì ra: Thấy bất thường ở vòng vòm hoành; thoát vị hoành qua khe thực quản phức tạp, phải phẫu thuật thôi.
Ba tháng điều trị tại Bệnh viện Quốc tế, người anh khỏe ra, hồng hào, tươi tỉnh. Dịp Ba Mận thoát bệnh hiểm nghèo, khách khứa nườm nượp tới thăm. Ba cây dừa tơ bị xoay vặn củ hủ, mất biến bầy vịt của con Ngọt gầy nuôi ba tháng trời, kể luôn con gà trống thiến của Ba Mận nuôi dòm chơi. Xôm tụ nhất vẫn là cánh đàn bà góa ở Kinh Hội, Cựa Gà. Mừng hơn chị Ba Mận chính là vợ thằng Đậu vì kể từ nay gạo thóc được khơi thông bèn bẻ đọt lá dừa kẹp háng làm ngựa cưỡi, nhảy tưng tưng, kéo hết tốp đàn bà Cựa Gà cùng múa lân, nhảy ngựa. Chị Ba Mận thấy vậy cũng nhảy vô nhưng đóng vai giũ đuôi lạch phạch, đỡ buồn.
Ba Mận nghĩ số người không chết dễ như người ta tưởng. Có mệnh hệ gì Bệnh viện Quốc tế đầy đủ dụng cụ, máy móc bóng hới soi tận gan tận ruột, chết thế nào được mà chết. Hai năm ru rú ở nhà được vợ chăm sóc như trứng mỏng, đặc biệt con Ngọt thương cha, kề bên cha lúc ăn, lúc uống... Ba Mận như ngựa quen đường cũ, học cách uống rượu như Tám Còm, ai tới đâu, mình tới đó, cười hì hì, mãn nguyện.
Rượu ủ trong người hai năm, lá gan Ba Mận héo xèo, chai cứng. Tám Còm đổ đường lên Bệnh viện Quốc tế lần hai. Nhưng lần này Bệnh viện từ chối phẫu thuật, trả Ba Mận về nhà kèm theo phiếu xuất viện bị ung thư gan giai đoạn ba...
5. Đến lúc Ba Mận muốn học cách uống rượu lai rai, ngồi cười hì hì, ai tới đâu, mình tới đó như Tám Còm, vẫn không được. Loay hoay trong nhà, ngoài vườn, uống thuốc Nam, thuốc Bắc, tịnh dưỡng, được chị Ba Mận, con Ngọt cưng chiều, ổn định tâm lý từng ly từng tí nhưng gia đình Ba Mận xảy ra chuyện động trời động đất ngoài sức tưởng tượng: Nhân lúc Ba Mận ít tới lui, Tám Còm ôm hôn con Ngọt ngon lành giữa ban ngày ban mặt. Người cửa rừng Cây Mít vô tới Cựa Gà, Cây Mốp, Kinh Hội một phen đồn ầm lên rằng trâu già ăn cỏ non; được dịp những người đàn bà ngồi lê mách lẻo nói gia đình Ba Mận nuôi ong tay áo; có người trong tốp đàn ông chạng tuổi Ba Mận, Tám Còm phán một câu xanh dờn: “Theo điều... Bộ luật hình sự, Tám Còm đi tù 5 năm, thấy chắc”.
Hay tin, Ba Mận không tin nằm cào vách, lơ láo nhìn lên trần nhà. Chị Ba Mận cũng không tin nhưng chuyện xảy ra không qua mắt khóm: Tốp đàn bà Cựa Gà, trong đó có vợ thằng Đậu qua đập thấy rõ ràng. Tang chứng, vật chứng chỗ Tám Còm ôm con Ngọt lăn lóc cây mỏ lết, kềm răng cưa, dao, búa, sợi dây kéo xuồng bị vợ thằng Đậu ghi trong óc sẵn sàng cung cấp cho Công an huyện, chưa kể hết tên tốp đàn bà Cựa Gà qua ngang đập làm chứng, tuy con Ngọt chưa khai. Lập tức, chiều hôm ấy, Công an huyện lên tới cửa rừng Cây Mít đọc Tờ lệnh bắt Tám Còm giải về huyện, tạm giam.
Mặt đập không người kéo mướn lúc lạnh ngơ, lạnh ngắc, lúc ghe xuồng đọng ứ bên trong, bên ngoài. Bạn nhậu Tám Còm có người xướng lên: “Giải quyết thế nào, hạ hồi phân giải. Trước mắt, cho người đăng ký nhào vô kéo đập sớm đi. Còn lâu đó nghe”. Ba Mận giận dữ hét toáng lên trong nhà: “Bà dẹp ngang công chuyện đi, để tôi làm. Chạy vô nhà vợ thằng Đậu hỏi kỹ lại coi, sao có chuyện bạn nhậu Tám Còm sàm sỡ? Tại sao? Tại sao?”.
Duy có con Ngọt im ỉm, đứng khóc ròng. Điều đó làm cho Ba Mận bán tính, bán nghi. Gia đình Ba Mận trong cơn nguy kịch, căng thẳng...
Bệnh tình Ba Mận ngày thêm trầm trọng. Con Ngọt thương cha ai biểu gì, làm nấy: nhổ hết mớ lá lưỡi nhân, mặt ngựa, trèo lên mái ngói nhà Sư Tú mục ruỗng bẻ lá tàu bay, kiếm cho kỳ được thứ lá dành trên chót Núi Sam, núi Sập mang về cho ba uống. Lấy độc trị độc, nào mật gấu, mật rắn hổ mang, sừng tê giác... có đủ. Cuối cùng, dùng tới dây thuốc cá. Cầm chày đâm dây thuốc cá bã ra, thứ con gái Sư Tú bị ép duyên uống tự tử, tay chân con Ngọt run lẩy bẩy nhưng việc làm, phải làm. Đứng dòm Ba Mận uống ực tô dây thuốc cá, con Ngọt, kể cả chị Ba Mận nôn thốc nôn tháo, khóc thét lên. Tỉnh dậy, Ba Mận nằm lơ mơ thấy Tám Còm ăn mặc lôi thôi lếch thếch cầm cây muỗng gõ gõ vào bình ton leng keng, lóc cóc, mời rượu. Theo sau, vợ thằng Đậu bẻ chót lá dừa kẹp háng làm ngựa cưỡi, nhảy tưng tưng...
Và sau đó, Ba Mận đau thắt từng cơn nghe thiếu điều sập nhà. Những cơn đau thắt gan thắt ruột khiến Ba Mận rên siết, tả tơi... Tiếng rên bay vô xóm Cựa Gà giục vợ thằng Đậu mặc áo khoét cổ trái tim, diêm dúa cùng tốp bạn nhậu toàn đàn bà góa bụa từ trong ngọn đổ ra ghé nhà Ba Mận. Còn chị Ba Mận, trước khi chồng trút hơi thở cuối cùng, sắp soạn quần áo chỉnh tề chuẩn bị ngồi xe buýt đi huyện tham dự phiên Tòa xét xử con chim ngụ cư cửa rừng Cây Mít. Chính chị là tang chứng, vật chứng cho phiên Tòa dành riêng cho Tám Còm sắp diễn ra nay mai. Tại chị mới sinh ra nông nỗi. Chị sẽ khai hết ra anh bộ đội gì đó ngủ trọ Nhà kho lương thực qua đêm bỏ quên cái bình ton đựng nước uống năm nào, không ai còn nhớ...
N.T