Chỗ ấy một ngôi nhà - Nguyễn Văn Học

22.04.2015

Chỗ ấy một ngôi nhà - Nguyễn Văn Học

1.

Mọi người nhìn tôi duyên dáng đấy chứ. Những đường cong tuyệt chuẩn được tạo bởi một bàn tay vàng (xin nói nhỏ, người đàn ông chế tạo ra tôi phải là người rất si tình, yêu vẻ đẹp hình thể, nên mới kỳ công tạo dựng tôi hấp dẫn từng chi tiết). Vậy là, khi tôi được mặc áo vào, thì đôi ngực nhọn hoắt nhưng nhức lúc nào cũng muốn chọc vào mắt bất kể ai nhìn vào. Cặp mông căng mọng nữ tính phô phang hết cỡ vẻ kỳ diệu của mốt mới kết hợp với hình thể giúp tôi càng hấp dẫn hơn. Nói chung, phụ nữ nào có số đo như tôi, ăn mặc như tôi thì đẹp khỏi phải mất thời gian tút tát trát thêm phấn... Cứ mỗi đợt hàng nội hàng ngoại ùa về là tôi được ưu tiên khoác lên mình bộ mới nhất, đắt tiền nhất. Và dù là cổ điển, hậu cổ điển hay hiện đại, thì tôi luôn tự hào được bà chủ ưu ái, và tự phát huy hết tác dụng. Trong ngôi nhà mặt phố rộng rãi với cả tá biển quảng cáo nhằng nhịt khả ố, được quản lý bằng cái đầu nhanh nhạy hoạt bát của bà chủ, nói chung là rất phát đạt. Lũ ma-nơ-canh chúng tôi cũng từ đó mà nở mày nở mặt ưỡn ẹo đắt giá. Cứ như mấy cửa hàng trong ngõ, bọn ma-nơ-canh đứng hứng bụi và buồn như ngỗng ỉa quanh năm chẳng có khách nào sờ mó đến. Tất nhiên, ở đây bà chủ không chỉ cưng chiều tôi. Trong tay bà còn bốn đứa nõn nà khác làm mồi nhử khách. Nhưng nói thật là tôi không thích. Bốn con ma-nơ-canh kia rất xỏ lá ba que. Chúng sẵn sàng nói xấu sau lưng, kể cả với khách hàng. Có lần còn tâu với bà chủ tôi thế này, tôi thế nọ. Con Sexy một hôm đứng ngứa mắt chình ình ngay lối đi, bị cậu chủ say xỉn từ quán nhậu về va phải, ngã bổ chửng. Đáng đời.

Một ngày thành phố nhễ nhại nắng. Mồ hôi tứa ra giữa tiết tháng Giêng. Một đôi nam nữ bước vào. Cô gái ưỡn ẹo đòi thử hết quần nọ áo kia rồi ỏng ẹo chê. Thi thoảng lại nhìn bọn ma-nơ-canh chúng tôi bằng con mắt vừa thèm thuồng vừa khinh bỉ. Hẳn là cô ta sợ bạn trai mình chăm chắm liếc ma-nơ-canh hở hang rồi ao ước lung tung. Mãi sau cô gái cũng chọn được một chiếc áo cổ khoét rộng và chiếc quần bò trễ cạp. Nghe họ nói chuyện, tôi biết là cô gái đã bắt bạn trai đưa đi gần mười cửa hàng. Cô đòi mua thêm đồ underwear. Bà chủ dẫn cô vào bên trong. Phải rồi. Còn một đứa đứng bên trong nữa. Nó chuyên đứng và chỉ mặc thử đồ underwear phô phang cho khách nhìn. Ưng thì khách lấy. Từ ngày thành phố có quy định cấm ma-nơ-canh trưng bày, quảng cáo đồ lót nơi công cộng và mặt tiền nơi sản xuất kinh doanh, con Đồ Lót phải chuyển vào buồng trong. Cấm thì cấm, nhưng vẫn có rất nhiều cửa hàng “vượt lệnh”. Ở cửa hàng đối diện có một tay chơi đã mở cửa hàng thời trang. Gã này vênh váo bất cần để cho bọn ma-nơ-canh bên đó diện toàn đồ lót cao cấp nhập ngoại ỏn ẻn đứng ngay tiền sảnh ngôi nhà. Bọn họ tung ra những chiêu “độc” nhằm hút khách trong thời buổi kinh tế suy thoái hàng hóa ế ẩm và con người cứ khôn ra từng giờ. Mấy hôm trước, bọn chúng bị an ninh văn hóa sờ gáy nhưng chỉ mất nửa ngày mọi chuyện đã đâu vào đấy.

2.

Tôi muốn nói về nền móng hạnh phúc đang bị lung lay của gia đình bà chủ trước đã. Một gia đình mà thực sự, mỗi khi để tâm đến, tôi đều muốn mình mãi mãi... đừng là người. Bà chủ cặp bồ với một ông nhà thơ. Tổ sư, thời của thơ ca lên ngôi. Người ta đua nhau đi làm thơ mà lại phũ phàng không cần biết xã hội sắp khủng hoảng giấy để in. Bà chủ kết cháy đĩa gã nhà thơ có cặp mắt him híp bên dưới cặp đít chai dày khộp. Có hôm trời nhâm nhi mưa, nhà vắng vẻ và cửa hàng vắng khách. Gã nhà thơ mang tập thơ tình chẵn trăm bài đến ký tặng bà chủ. Bà e lệ như gái xuân thì nói “thanh kiu”. Gã nhà thơ đè bà chủ vào sát người tôi chùn chụt hôn. Tay tôi lao chao người tôi run run, suýt làm cả mấy đứa ngã. Phải đến khi chiếc đồng hồ lanh lảnh ngân báo giờ, gã nhà thơ mới giật mình rút tay khỏi ngực bà chủ và “sờ-tốp” hôn. Miệng gã thèm thuồng nuốt nước bọt rồi thở hắt, mùi hôi bốc vào mặt tôi. Bà chủ có hai niềm đam mê lớn trong đời: Kinh doanh và đọc thơ. Vốn là hai phạm trù trái ngược nhau. Như ánh sáng và bóng tối. Như hai đường thẳng song song không bao giờ gặp. Thế mà lòng dạ bà chủ vẫn dung hòa được cả hai, như một cô gái khó tính rất ghét nóng bức nhưng vẫn yêu được mùa hè. Sở thích của bà, dù có cố tô son thì người ta vẫn nhận ra: với bà thơ chỉ là vật trang trí. Đôi phần, bà chủ muốn dùng độ lãng mạn của thơ để sơn lên niềm đam mê ngoại tình. Trong ngăn tủ của bà có ít nhất năm tập thơ tình và trên bàn trang điểm xếp một chồng thơ được các thi sĩ tặng. Thường bà chủ rất nghiêm khắc với chồng và quyết liệt trong kinh doanh nhưng lại ngã quỵ dưới ba tấc lưỡi của một kẻ làm thơ phần nhiều ngộ nhận. Một hai lần gì đó họ giải quyết trong toi-lét, còn phần nhiều hẹn nhau đi nhà nghỉ. Bà chủ nhận ra chồng mình có biết lão ta bị cắm sừng. Nhưng mặc. Lão cũng có niềm vui riêng của lão.

Bà chủ cam đoan chồng cũng có bồ và buông thả sống. Tuy nhiên, bà vẫn rất có trách nhiệm với hai đứa con. Cậu chủ không đến nỗi ngoan cho lắm, nhưng nếu được giáo dục tử tế thì đã chẳng hư hỏng nặng. Giờ tất cả đều biết, bọn ma-nơ-canh chứng kiến đó, cậu chủ đã thân tàn ma dại, vừa là đệ tử của Lưu Linh, vừa là nô lệ của ma túy.

Cô chủ năm nay mới mười sáu, nữ sinh cấp ba, tên Thúy Thúy. Hiện Thúy Thúy đang cầm đầu một nhóm ảo tưởng, không mục đích bắt chước phong cách ăn mặc của những nhân vật trong truyện tranh, những bộ phim kinh dị. Cô chủ sắm nhiều bộ quần áo trông kinh dị, hết sức tốn kém mà rốt cục người chẳng ra người, ngợm chả phải ngợm. Cứ như thể cô chủ đang quảng cáo không công cho một thế lực đen tối nào đó. Nói chung cái đầu của cô đã bị gia đình này làm cho tối tăm rồi. Có khi, cô cứ đứng làm mẫu như bọn ma-nơ-canh như chúng tôi, cuộc đời này lại thêm một chút bình yên. Bà chủ nhiều đêm không khỏi tức tưởi lén lút rơi nước mắt vừa đếm tiền, cộng sổ. Cô đang học làm ma-nơ-canh còn gì. Có lần cô dẫn đám bạn cả trai lẫn gái đến cửa hàng. Tất cả diễu trên những chiếc xe đạp cởi truồng, bánh to bè và được trang trí màu mè diêm dúa sặc sỡ. Họ ngúng nguẩy trước mặt chúng tôi và khách. Mấy con ma-nơ-canh kia, đứa nào cũng dè bỉu và khạc nhổ. Kinh!

3.

Đứng ở chỗ này nhìn ra đường (tất nhiên chẳng dại diện đồ lót), tôi nhìn thấy lão chủ chở một con bé váy ngắn cũn cỡn đi ngang qua. Lão ta còn liếc qua cửa hàng nửa như thách thức nửa dò xét. Bà chủ lúc này đang có khách. Gã nhà thơ bụng phệ nhiều trứng cá đã ra về. Tập thơ còn để trên bàn nước. Đúng như ý nghĩ của bà chủ: Lão chủ đang có niềm vui riêng. Lão vốn là một trí thức thất thế, từng hận đời về mở cửa hàng sửa chữa điện dân dụng, đôi ba lần điên đầu định đi kinh doanh mắm tôm. Sau đó không lâu bà chủ làm ăn phất lên, dẹp luôn cửa hàng vì tính sĩ diện của mình. Lão chủ từ đó có tiền và hậm hực với đời nên trút hết thảy vào những cuộc chơi. Lão luôn tỏ ra sành điệu nhưng không giấu được tính ăn tạp của một con đực rất nghiện con cái. Tiền bạc bà chu cấp cho chồng nhưng đôi khi mặt nặng mày nhẹ vì chồng lấy quá nhiều. Đàn ông dư dật thường khó yêu nổi vợ. Lão chủ có tính rất xấu xa là rất hay véo vú bọn ma-nơ-canh. Có lần tôi cau mày định chửi nhưng lại thôi. Sợ bị ghét. Mấy đứa kia, nhiều khi làm tôi lộn ruột. Bọn chúng đĩ thõa để cho lão chủ cưỡng bức một cách thoải mái, rồi tự thỏa mãn cùng lão. Loại đàn bà con gái như thế, nếu làm người thì tốn giai phải biết! Đứng ở một nơi vốn văn minh lịch sự mà luôn uốn éo mồi chài, nhất là mỗi khi lão chủ say xỉn trở về, cứ thấy mông mẩy vú to là sờ nắn. Mấy con đĩ kia lại phụ họa những nụ cười gớm chết. Hành động hết sức bản năng và gần như, với một người có học lại dở cái trò đó ra thì tính người phần nào đã giảm?!

Lão lại nhiều lần cưỡng bức con Đồ Lót ở trong buồng. Nhưng con đó cũng hợp tác, gần như công khai trò hề. Tôi quan sát nên tôi thấy. Còn bốn con kia đứng cạnh tôi tỏ vẻ thèm thuồng. Bao nhiêu lần lão làm tình với con Đồ Lót là bấy nhiêu lần lòng tôi như lửa đốt. Tôi cám cảnh cho thế giới ma-nơ-canh. Cám cảnh cho những con người với nỗi thèm thuồng kỳ dị. Dường như càng no đủ họ càng rửng mỡ. Và cũng ngần ấy lần con Đồ Lót van xin tôi đừng tố cáo chuyện của nó với bà chủ. Bà chủ mà nổi giận, nó sẽ bị chặt ra làm mười ngay. Nhưng sẽ có lúc tôi không thể nào để yên. Bà chủ một lần mù mờ về mối quan hệ bất chính này, nhưng nghĩ rằng chồng mình chỉ háo sắc, há hốc miệng nhìn vú nhìn ngực con Đồ Lót thôi, chứ ai lại...

May mắn thay cho gia đình này (và không phải chỉ riêng gia đình này), lão chủ chưa bao giờ bắt gặp gã nhà thơ hôn bà chủ. Điều đó cũng thoải mái như bà chủ chẳng thèm quan tâm đến ông chủ bừa bãi quan hệ bên ngoài thế nào. Sự si mê của đàn ông còn tàn phai nhanh hơn nhan sắc đàn bà. Vì thế, dù đã có cãi vã, nhưng chưa đến nỗi tan hoang kiểu như: anh cút đi, cô chết đi. Họ chấp nhận chịu đựng cuộc sống như thế. Phía trên tầng ba của ngôi nhà, còn một cụ già là cha đẻ của lão chủ. Ông cụ đã bất lực và phần nhiều không còn trọng lượng trong lời nói. Cụ ngồi gọn trong thế giới của mình là một căn phòng rộng chưa đầy hai mươi mét vuông, như bị thời gian và sự nghiệt ngã của đổi thay xếp gọn ghẽ vào đó. Cụ có nhìn thấy nề nếp gia phong đã bị phá vỡ, nhưng chỉ hổn hển vuốt ngực nén nước mắt nhìn ra phố một cách tuyệt vọng cho qua ngày đoạn tháng. Cũng may, bà chủ là đứa con dâu có hiếu. Không thì cụ đã tịch lâu rồi.

4.

Cậu chủ đã húi trọc cái đầu, nhìn gớm chết. Đêm qua, cậu lại về muộn và nằm ệch dưới chân bọn ma-nơ-canh chúng tôi mà chích với hút. Giờ ăn cơm, cậu nuốt vội một bát với hai cái đùi gà, rồi ngáp ngắn ngáp dài chuyển cơn.

- Mẹ, cho con vài đồng - vừa xoa ngực, cậu vừa chìa tay.

- Mày lại đi đàn đúm với chích hút chứ gì? Không đi đâu hết, ở nhà.

Bà chủ sẵng giọng, vờ nghiêm khắc. Bên cạnh tôi, con Sexy phụ họa tán thêm: “Đúng đấy, không đi đâu hết”. Nhưng cậu chủ không tin bà không mủi lòng. Thường cậu “khóc lóc” một tí, trơ tráo một tí là bà ném tiền ngay. Đúng thế. Bà chủ bất nhẫn vội rút ví, cố để thằng con khỏi lèo nhèo từ chập tối đến giờ. Vừa lúc lão chủ đi ra, lão gắt lên:

- Chúng mày đáng chết. Rặt một lũ đáng chết. Chẳng đứa nào đoái hoài gì đến tao cả.

Ông chân nam đá chân chiêu, lè nhè tiến vào.

Cô chủ đã có tiền, cầm chìa khóa chuẩn bị ra lấy xe, đi đêm. Thấy miệng bố phả ra đầy mùi tạp pí lù, cô khinh khỉnh đi không nói. Lão chủ chặn con lại.

- Bố làm gì thế, suốt ngày khề khà rượu say thôi.

- Mày cũng đáng chết! Sao mày không quan tâm đến bố?

Bà chủ nhìn lão chủ bằng cặp mắt mỉa mai và một cái miệng phụ họa cũng mỉa mai nốt.

- Ông thử nhìn lại mình xem. Ông có đáng để con cái tôn trọng không? Ông đã quan tâm đến chúng đâu mà đòi chúng quan tâm đến ông.

Lão chủ giơ tay, hằm hằm chỉ vào mặt bà chủ:

- Chính bà, chính bà nuông chiều làm cho hai đứa nó hư thân.

- Tôi hay là ông hả - bà chủ bật lại - mình tôi đẻ ra chúng nó chắc? Biết thân biết phận thì im đi.

- Ấy, con đĩ già, mày bảo ai im?

Lão chủ loạng choạng ném vù quả chuối trên đĩa vào bà chủ. Bà tránh được. Tiện tay lão vớ luôn chiếc bình hoa gỗ đuổi đập bà chủ. Bà chủ chạy vòng ra sảnh ngoài, vì cửa kính khép, bà chủ lẩn quanh đám ma-nơ-canh. Ông chủ ào đến giơ chiếc bình để đập. Mọi thứ trong căn nhà run rẩy. Quanh thân chúng tôi, sự loảng xoảng đổ vỡ đang sắp diễn ra. Mấy con đang mặc đồ ren run cầm cập. Và kìa, chúng nó không đứng vững nữa. Lão chủ đã túm được bà chủ và đập tới tấp. Bà chủ níu vào bọn ma-nơ-canh để tránh đòn. Cuối cùng là cả bà và ma-nơ-canh ăn đòn. Bọn mặc đồ ren đã đổ đến ụp, mồm miệng hôn sàn nhà. Cậu chủ và cô chủ chạy đến giữ lão chủ. Bà chủ lao vụt ra ngoài, biến mất.

5.

Từ hôm ăn mấy cú đập của lão chủ, bà chủ hậm hực lắm. Lại có mấy bà bự phấn sấy tóc vàng như râu ngô, với giọng mỉa mai kích động vào lòng tự ái của bà. Họ bảo bà không nên để yên cho một gã chồng như thế. Bà chủ càng điên tiết, nghĩ cách tìm dịp đập lại.

 

Lão chủ cũng được người ta bơm vá thêm vào, rằng phải trừng trị con-đàn-bà-vợ mất dạy. Lão hùm hoằm tính dịp phải dạy bảo cho hả. Lão lại được tung tin rằng, gã nhà thơ một tuần mấy lần mò đến hẹn hò chim chuột bà chủ. Trai năm thê bảy thiếp, gái... Lão chủ cho rằng bà chủ không có quyền ngoại tình. Cả lão chủ và bà chủ đều không biết rằng, âm mưu kích động hai người đều do gã chủ của cửa hàng thời trang phía bên kia đường tạo nên. Gã muốn đổ thêm dầu vào lửa. Muốn một tay tiêu diệt đối thủ đang hùng mạnh để chiếm thế độc kinh doanh trên con phố.

Tôi có rất nhiều điều ước. Và trong nhiều giấc mơ, tôi thấy mình thú vị trong vai trò chế giễu thế giới người. Con người chung quanh tôi rặt những kẻ hèn nhát, như con rùa rụt cổ. Lão chủ, bà chủ của tôi đờ đẫn trong mê muội. Lúc nào họ cũng có vẻ như thiếu đói, trong đó có thiếu ngủ. Và họ ngủ liên miên, nếu bị dựng dậy, họ lại ngáp dài và tiếp tục lăn ra ngủ. Họ mê muội vì phải phục dịch đám ma-nơ-canh. Mỗi con ma-nơ-canh, kể cả những đứa xấu xa nhất cũng có một quyền uy nhất định. Những khi đó, tôi thà không có mặt ở trên đời nữa, chứ đừng quay vòng lại, để con người làm chủ chúng tôi, để tôi lại thấy những điều tồi tệ đã xảy ra, như đang thấy ở nhà chủ.

Thôi chết, mải mê nghĩ. Tôi bị mấy con đứng bên cười khẩy.

6.

Rồi cái ngày kinh khủng trong tưởng tượng của tôi cũng đến. Đó là một ngày khét lẹt ghen tuông và tơi tả giận dữ. Trời lớt phớt mưa. Vắng khách. Sau khi bà chủ thắp hương, rắc gạo trộn muối trắng thì gã nhà thơ mò đến. Gã khoe có chùm thơ ba bài tứ tuyệt vừa đăng trên một tờ tạp chí ngành. Bà chủ ngấu nghiến đọc thơ và say sưa nhìn thi sĩ. Có sự hiện diện của gã nhà thơ, bà chủ vơi bực bội trong người lòng phần nào rạo rực. Hai người say đắm hôn nhau trước mắt ma-nơ-canh. Bà chủ mặc xác ngoại cảnh, như thể thách thức, như thể muốn phá bĩnh mọi thứ, nên say sưa một cách khó chấp nhận. Họ quên trời đất, quên chỗ này là chỗ nào.

Như có ai đó mách nước, lão chủ lừng lững chạy về với sát khí đằng đằng. Lão đẩy cửa kính tiến vào. Trò lố bịch diễn ra in hằn trong con mắt sục sôi, tóe lửa. Lão chủ vung một cú đấm vào mặt gã nhà thơ, khi gã vừa kịp dứt một nụ hôn dài đầy lạc thú. Cặp kính trên mặt gã vỡ nát tơi bời rơi.

- Đồ chó, dám làm cái trò này ở nhà tao sao? Lũ gian phu dâm phụ kia!

Bà chủ lúc đó thoáng chút hốt hoảng, lúng túng và sợ hãi, chỉ mười giây sau, như thể có một phép lạ, bà lấy lại được bình tĩnh và dõng dạc:

- Bỏ tay xuống đi. Ông không đáng để thốt ra những lời đó đâu. Ông vừa ở chỗ nào, tôi có gián điệp theo dõi cả.

Gã nhà thơ lồm cồm bò dậy, vươn vai đứng thẳng, mặt mũi bê bết máu. Thừa cơ lão chủ không để ý, gã vung tay, đấm trả lão chủ một đòn. Lão chủ dúi dụi. Bị trả miếng bất ngờ, lão chủ điên tiết, xông vào thi sĩ tưởng chỉ biết mỗi làm thơ và ngoại tình. Hai người xông vào nhau, đấm đá túi bụi, kêu gào ầm ĩ. Bà chủ bối rối đứng ngoài không biết phải gỡ hai người đàn ông ra như thế nào. Đúng lúc đó, cậu chủ từ đâu về, xách theo một can nhựa nặng. Cậu xông vào “trận chiến” như một người hùng dũng cảm. Cậu định làm gì? Một cảnh tượng hồi hộp đáng chờ đợi nhất. Mắt cậu trắng dã đầy căm phẫn. Tôi nhận ra có điều gì đó thay đổi ở cậu. Mà đúng là thay đổi thật. Đúng rồi, tay cậu cuồn cuộn gân guốc và khuôn mặt vằn lên, như nỗi đau lâu ngày tích tụ. Bao nhiêu ân oán giang hồ, bao nhiêu căm phẫn bị người đời rỉa rói, bao tan nát vì cha mẹ mỗi người mỗi phách. Cậu dồn tất cả trong một phút quyết định nghiệt ngã đầy bản lĩnh. Cậu lao tới chỗ hai người đàn ông vẫn dính chặt lấy nhau.

- Các người chỉ biết có mỗi việc làm này thôi sao? Tôi hận các người. Tôi hận các người. Vì các người mà tôi ra nông nỗi này.

Cuộc ẩu đả dừng lại. Lão chủ từ từ buông đối thủ ra, cả hai nhìn cậu chủ đang bừng bừng căm phẫn và khác lạ. Cậu chủ tung tiếp:

- Tôi bị bạn bè khinh bỉ, là thằng nghiện, là thằng hư hỏng, là thằng... thằng... chó chết. Tất cả là... là vì... Tôi sẽ đốt, đốt hết. Tôi không muốn là một thằng nghiện nữa. Tôi muốn làm người tử tế.

Không để ai kịp nói gì, cậu chủ không nói nữa và bắt đầu hành động. Tôi thấy cậu đúng là một anh hùng.

Cậu chủ dốc ngược cái can nhựa vào đầu. Xăng. Đó là xăng. Xăng ộc lên đầu cậu và lênh lánh xuống sàn. Cậu vung cho xăng bay vào những mắc quần áo, vào đệm. Cậu châm lửa. Và bùng bùng... Ngọn lửa trong nháy mắt đã lan ra một phần tư gian nhà. Hai người đàn ông chẳng kịp làm gì, thấy vậy liền bỏ chạy. Bà chủ cũng bỏ chạy, chỉ cậu chủ là bắt đầu quằn quại, như một cây đuốc khủng lồ. Cậu cuồng quay trong đau đớn nhưng vẫn cố hét: “Ta sẽ là người tử tế. Những gì chứng kiến ở đời này... chỉ toàn thấy khổ đau!”

Lúc gã nhà thơ, lão chủ, bà chủ chạy xô ra cửa. Họ va phải bọn tôi, mấy con ma-nơ-canh đang hốt hoảng, làm cho tất cả cùng ngã. Cửa kính bị xô quá mạnh, vỡ tung. Chỉ có tôi, trong đám ma-nơ-canh là may mắn nhờ cú ngã của gã thi sĩ nên đã được đẩy ra ngoài. Mấy đứa kia chịu chung số phận với cậu chủ.

Những người hàng xóm thiện chiến đã trèo qua lan can, đạp cửa và lên tầng đưa được ông cụ xuống. Xe cứu hỏa ập vào. Khi vòi phun nước dập tắt đám cháy, cũng là lúc cậu chủ và nhiều thứ khác đã biến thành than.

7.

Tôi được gã chủ cửa hàng đối diện mang về nhà, đặt ở một góc. Tôi được gần ma-nơ-canh bụng bầu. Cô ấy tỏ vẻ khinh khỉnh không muốn bắt chuyện. Tôi buồn.

Nhìn về nhà mình, căn nhà vừa bị thiêu rụi, vẫn đang bốc hơi. Không khí tang tác bao trùm. Lão chủ biến mất. Bà chủ ngồi ở vỉa hè, gọi điện đến hết chỗ này, chỗ kia rồi mệt mỏi ngáp dài. Chẳng biết bà có gọi đến nhờ vả những gã thi sĩ vẫn tặng thơ bà không. Mà sao không thấy ai. Cô chủ loăng quăng ở đó, khóc một tí rồi cũng biến đi với bạn trai. Chỉ cậu chủ, một oan hồn là đã may mắn thoát khỏi đau khổ. Lúc này, ước gì bà chủ được như một con ma-nơ-canh, để chỉ phải đóng vai một đứa đứng làm mẫu. Tôi tự cười, thầm cảm ơn trời vì mình đã không là... người.
N.V.H