Từ một cuộc thi - Thanh Quế
Cuộc thi truyện ngắn và thơ với đề tài “Người đô thị” do Hội Nhà văn Đà Nẵng tổ chức là một việc làm thiết thực. Lâu nay trong văn học ở Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, đề tài về nông thôn, về chiến tranh hay các đề tài khác được miêu tả nhiều hơn, còn vấn đề đô thị được ít người đề cập tới. Vì thế, cuộc thi này như một cách khởi động để các cây bút có dịp tập trung phản ánh các vấn đề đô thị nói chung và của Đà Nẵng nói riêng. Đề tài về đô thị tưởng là hạn hẹp nhưng thực ra rất rộng lớn, từ vấn đề môi trường, sinh hoạt, công việc, học tập đến vấn đề tâm trạng, tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi, nó là vấn đề của cả nước thu nhỏ lại.
Trên cơ sở hàng trăm truyện và thơ dự thi, qua làm việc cật lực và cẩn trọng của Ban sơ khảo; Ban chung khảo đã nhận được 26 truyện ngắn của 21 tác giả. Các truyện vào chung khảo tập trung phản ánh 3 vấn đề:
Một là, tâm trạng của người sống ở đô thị.
Hai là, đời sống sinh hoạt, làm ăn của người đô thị, nhất là lớp người nghèo.
Ba là, những người thành thị đã từng trải qua cuộc chiến với tình đồng đội, tình yêu và cuộc sống tình cảm của họ hiện nay.
Ban chung khảo đã đọc kỹ, thảo luận với nhau nhiều lần về nội dung, cách viết gây được ấn tượng để chọn ra một số truyện đưa vào giải.
Truyện “Đô thị ảo” của Vũ Thị Huyền Trang viết về những căn bệnh của đô thị như thừa mứa ánh sáng, tiếng ồn, cuộc sống con người như “loài dế trong hộp diêm”, gây cho con người nỗi cô đơn, bực tức, khó chịu, mất ngủ… Cuối cùng, nhân vật chính, một cô gái phải giải thoát mình bằng phép lạ là vẽ ra nhiều cây xanh, nhiều con đường xanh, cả thành phố xanh để cho con người “thuần hóa” không còn mọi cảnh chen lấn, ồn ào và có cuộc sống dễ chịu.
Đây có lẽ là hình ảnh của một đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn.
Truyện được viết theo dòng suy nghĩ. Qua suy nghĩ của nhân vật, cảnh sinh hoạt, làm ăn, tâm trạng của người dân và môi trường của thành phố được hiện lên. Ở cuối truyện, có những chi tiết lạ, huyễn hoặc, để cho cô gái dùng tay như phép màu vẽ ra những hàng cây xanh. Truyện có cách viết mới và lạ.
Một truyện khác, có đề tài và cách viết khác cũng gây được ấn tượng chẳng kém gì truyện trên: Truyện “Đánh thức những giấc mơ” của Lục Mạnh Cường. Truyện kể về một người lính-Linh-từ biên giới bắc trở về Đà Nẵng, nay là một Giám đốc công ty. Ông có cái bệnh là cứ hay mơ triền miên về cuộc chiến đấu và một người đàn bà ông yêu. Cuối cùng giấc mơ trở thành hiện thực khi ông gặp lại đứa con gái của ông và người đàn bà ấy.
Truyện được viết bằng 3 trường đoạn. Mỗi trường đoạn có đầu đề là tên một nhân vật: Linh (Giám đốc), Nguyệt (con gái của ông và người đàn bà xưa), Nương (vợ ông bây giờ). Cả ba trường đoạn liên kết nhau thành một cốt truyện hoàn chỉnh. Trong mỗi trường đoạn nhân vật tự xưng là tôi để kể chuyện về mình. Truyện có lối viết mới so với nhiều truyện hiện nay, dù ở thế giới nó đã quen thuộc. Truyện cảm động và nhân hậu.
Hai truyện trên được Ban chung khảo đánh giá là những truyện có cách viết mới, chở tải được nội dung, gây được ấn tượng cho người đọc.
Cặp đôi truyện “Chỗ ấy một ngôi nhà” của Nguyễn Văn Học và “Tám phút mười chín giây” của Chế Diễm Trâm cũng là những truyện gây được ấn tượng cho người đọc. Truyện “Chỗ ấy một ngôi nhà” viết về sự tha hóa của một gia đình tiểu thương mới phất lên: vợ chồng lo đời sống riêng tư của mình bỏ mặc con cái để cho con gái hư hỏng, ảo tưởng không mục đích, ăn mặc lố lăng, sinh hoạt sa đọa. Một cậu con trai nghiện ma túy. Cuộc sống bế tắc đến nỗi cậu con trai tự tẩm xăng đốt mình và ngôi nhà. Đây cũng là kết cục của một lối sống gấp gáp ở đô thị hiện nay. Truyện được kể qua con mắt nhìn của một manơcanh, cốt truyện và tính cách các nhân vật được đẩy đến cùng để nổ bùng ra hành động quyết liệt của cậu con trai. Truyện như một vở kịch với nhiều chi tiết đầy kịch tính. Khác với truyện trên, truyện “Tám phút mười chín giây” như một truyện giả tưởng, đặt ra một ý tưởng mới: “Nếu mỗi người chỉ có 8 phút 19 giây trước khi biến thành tro bụi thì họ sẽ làm gì?”. Có người sẽ đến với con cái, có người sẽ đến với người yêu, có người sẽ đến với bạn. Từ đó đặt ra vấn đề: Lúc đó, cái chính yếu là con người cần yêu thương nhau để sau đó cùng ra đi vĩnh viễn, không ân hận. Như đã nói ở trên, đây là một truyện viết theo lối giả tưởng, kết cấu như một tứ thơ, gây cho ta những cảm xúc và suy nghĩ về năm tháng đời người.
Hai truyện “Trọ nơi thành phố” của Vũ Anh Thư và “Bác tôi” của Nguyễn Minh Khiêm giàu chất hiện thực đời sống về những con người sống nơi thành phố. Truyện “Trọ nơi thành phố” nói lên cảnh khó khăn vất vả của những người từ miền quê vào thành phố ở trọ để kiếm việc làm. Nhiều chi tiết sinh động về cảnh ở trọ, sự đối xử của chủ nhà trọ được diễn ra dưới những cơn mưa mà cái bể nước hỏng nhỏ giọt đều đều trên đầu như là một sự tra tấn của không gian và con người thành phố đối xử nhau. Truyện “Bác tôi” kể về những người ở thành phố, từng đi chiến đấu, bị địch bắt cầm tù, tra tấn nay vẫn gìn giữ tình cảm đồng đội, tình yêu. Chuyện kết thúc có hậu khi người bác tìm được vợ con, người cháu có được manh mối hài cốt cha mình. Một truyện ngắn cảm động, giản dị, cốt truyện được kể tuần tự theo thời gian nhưng giấu được cái kết thúc bất ngờ để cuối cùng, mọi người ngạc nhiên, ồ lên vui sướng.
Một số truyện ngắn khác cũng gây được thiện cảm cho người đọc. Truyện “Mơ về lại Hoàng Sa” kể chuyện một cụ già từng công tác ở Hoàng Sa, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội. Nay già yếu vẫn mơ về thăm lại Hoàng Sa. Truyện “Rồng phun lửa” kể về đôi vợ chồng trẻ người Đà Nẵng do hoàn cảnh éo le nên bỏ vào Đà Lạt làm ăn. Họ chăm chỉ, nhạy bén tìm cách làm giàu cho mình. Cả hai truyện trên đều được viết giản dị, giàu chi tiết xúc động. Truyện “Trứng rồng” của Uyển Nhi có lối viết hơi khác. Truyện được viết theo dòng ký ức nhớ nhớ quên quên của một cụ già từ nông thôn phải bỏ ra phố ở một căn hộ chung cư với cháu. Bà đã lẫn nhưng luôn muốn tìm ra cái “trứng rồng” với ẩn ý sâu xa là một vật thiêng để gìn giữ đạo đức truyền thống của gia đình, không để áp lực của cuộc sống đô thị với đồng tiền đánh cắp.
Nhìn chung lại, phần truyện ngắn đưa vào chung khảo có chất lượng tốt, tương đối đồng đều, giữa truyện được giải cao hơn một bực với thấp hơn một bực chỉ nhỉnh hơn nhau chút ít. Ban chung khảo phải đọc đi đọc lại, phân tích về nội dung đề tài và cách viết cùng với độ gây ấn tượng của từng truyện để thẩm định giải. Một số truyện chưa đưa vào xếp giải vì sự hạn hẹp do quy định của số giải cũng có chất lượng đáng chú ý như truyện “Người đàn bà và con hẻm nhỏ” của Trác Mộc; truyện “Cánh sóng mùa xuân” của Nguyễn Văn Toàn v..v..
Phần thơ đưa đến Ban chung khảo có 36 bài thơ của 16 tác giả. Đề tài chính của thơ là ca ngợi sự đổi mới của thành phố, nhất là thành phố Đà Nẵng với việc xây dựng hạ tầng cơ sở, chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường sống và sự phát triển những nghề truyền thống. Số ít trong đó nói về tâm trạng của người thành thị.
Ban chung khảo đã đọc kỹ, thảo luận sâu để đưa ra một số bài vào giải. Có lẽ số giải sẽ ít hơn truyện, vì những lý do mà tôi sẽ báo cáo sau.
Tác giả Huỳnh Minh Tâm, một cây bút quen thuộc ở Quảng Nam, người có nhiều tìm tòi về cách diễn đạt lâu nay, dự thi một chùm thơ 4 bài, mà chúng tôi lựa ra 2 bài “Mùa thu bên cầu sông Hàn” và “Mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn” để đưa vào giải. Đây là 2 bài thơ có cấu tứ chặt chẽ, sâu, miêu tả được sự thay đổi của Đà Nẵng qua những cây cầu mới xây cũng như nét đặc sắc của nghề truyền thống ở làng đá Non Nước. Bên cạnh đó, Nguyễn Nhật Huy với chùm thơ 3 bài “Kết nối”, “Ngôi nhà” và “Tẩy trang” được cấu tứ chặt chẽ, có lối diễn đạt cô đọng, miêu tả tâm trạng của con người trước những cảnh sống ở đô thị. Phạm Thị Phương Thảo có chùm thơ 4 bài mà tiêu biểu nhất là “Lời ru đá”, có giọng thơ khỏe khoắn, hân hoan khi viết về Đà Nẵng, một thành phố trẻ đang vươn lên đầy sức sống. Nguyễn Ngọc Hưng giàu chiêm nghiệm, triết lý về đời cây như đời người trong bài “Nói với bạn cây”. Phan Thành Minh giản dị, chất phác nói lên được công việc làm ăn, sinh sống và lòng yêu biển, yêu đất nước của người dân Đà Nẵng trong hai bài thơ “Tổ quốc trên từng ngọn sóng” và “Phía biển”, giàu chất hiện thực và thời sự. Nguyễn Giúp có lối diễn đạt giàu biểu cảm và tinh tế trong bài “Ngày góc phố bắt đầu”.
Có thể chú ý thêm hai bài thơ “Nối liền Nam Bắc” và “Ấn tượng Đà Nẵng” của Mai Bá Ấn, “Gió ở Nại Hiên Đông” và “Sơn Trà tre thở” của Nguyễn Đông Nhật, “Về những người trồng thành phố” của Đỗ Thượng Thế, “Sợi đàn thùng trôi dạt” của Nguyễn Thánh Ngã, chùm thơ “Lưu trú đêm”, “Chạm” và “Hoài vọng” của Kai Hoàng tuy vì lẽ này lẽ nọ mà chưa đưa vào giải lần này.
Bây giờ, tôi xin trả lời ý kiến ban nãy, lý do vì sao Ban chung khảo chọn ít thơ đưa vào giải. Đó là vì, nói chung, thơ trong cuộc thi chưa vượt được thơ hàng ngày vẫn xuất hiện lâu nay, chưa có sự đột phá nào. Nhiều tác giả vẫn trượt trên lối cũ của thơ mình, nhiều bài thơ còn ca ngợi chung chung, còn dàn trải, thiếu những tứ thơ vững chắc và sâu sắc, ngôn ngữ còn theo lối mòn…
Cuộc thi đã khép lại, nhưng ta chưa thấy thỏa mãn. Hình như nhiều vấn đề lớn trong cuộc sống đô thị vẫn chưa được miêu tả trong các tác phẩm truyện và thơ dự thi của chúng ta. Từ đó đã mở ra một câu hỏi: Làm thế nào để có thể phản ánh nhiều mặt của cuộc sống đô thị một cách trung thực hơn và sâu sắc hơn? Điều đó chỉ có thể trả lời bằng việc chúng ta tiếp tục hòa mình vào thực tế, sống, suy nghĩ, chiêm nghiệm để nắm bắt được đời sống sinh hoạt và tâm tư, tâm trạng, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân các đô thị, như ngày nào chúng ta đã tìm hiểu về cuộc sống của người dân ở nông thôn, của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc…
3-2015
T.Q